Trang

26/10/2020

Cãi nhau về thủy điện miền Trung

Thiện Tùng

24/10/2020

Cứ “Đến hẹn lại lên”, trong hơn thập kỷ qua, cứ đến mùa mưa bão thì miền Trung lại phải chịu ngập lũ tang thương, năm sau cao hơn năm trước, như một định mệnh. Những khổ nạn ấy, người ta thường đổ cho “thiên tai” như biến đổi khí hậu chẳng hạn. Điều đó tuy không sai, nhưng ngoài nguyên nhân khách quan do thiên tai đó, còn có nguyên nhân chủ quan là “nhân tai” (nhân họa) do con người gây ra. Sở dĩ người ta né tránh nói đến nhân tai là để giấu dốt, chối bỏ trách nhiệm. 


Thế giới tư nhiên vận động có quy luật tương đối ổn định. Do con người tác động vào khiến cho nó biến đổi theo tỷ lệ thuận – tác động nhiều nó biến đổi nhiều và ngược lại.

Ở Việt Nam nói chung, ở miền Trung nói riêng, do con người tác động quá đáng vào tự nhiên, nên bão lũ, hạn hán thường dành cho nơi đây.

Suốt hơn nửa tháng qua (từ ngày 6/10/2020 đến nay), mưa bão chồng mưa bão, lũ chồng lũ, gây thiệt hại đáng kể về người và của trong khu vực. Nạn tai nầy gây tranh cãi, đa số đổ lỗi cho thủy điện phá rừng và xả lũ, một số ít khác, ra sức giải oan cho thủy điện, đổ hết tội lỗi cho thiên tai.

Bài viết nầy, tôi trích dẫn một số ý kiến trái chiều, có tính chất tiêu biểu để đọc giả có cơ sở phân biệt đâu đúng đâu sai.(chữ nghiêng là trích).

1/ Phía đổ tội cho thủy điện

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT" . Ảnh:Internet


 - GS TS Vũ Trọng Hồng trả lời phóng viên báo Pháp luật&Đời sống: “Những năm trước, chưa bao giờ lũ cứ chồng chất như thế này. Chẳng qua, các thủy điện ở trên tích nước nhiều quá. Các thủy điện tích nước nhiều để sản xuất điện, lúc mưa ai cũng lo vỡ đập thi nhau xả thì lũ chồng lũ là điều dễ hiểu”.

 “Quy trình vận hành thủy điện Bộ Công Thương chỉ hướng dẫn chứ không duyệt. Việc duyệt các tỉnh, thành tự duyệt riêng. Mỗi dòng sông có nhiều thủy điện bậc thang như vậy làm sao mà làm nhịp nhàng được. Việc chia khúc quá làm nhiều thủy điện trên một dòng sông khiến ở hạ lưu mùa khô rất khổ vì thiếu nước, mùa mưa thì lũ chồng lên nhau. Các thủy điện tư nhân nhỏ lại hoàn toàn tư nhân hóa”.

 - Giáo sư Đào Trọng Tứ , trưởng Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam trả lời phóng viện báo Đất Việt: “Nếu cứ vì kinh tế mà phát triển thủy điện tràn lan, chỗ nào cũng làm thủy điện thì cái giá phải trả là rất đắt. Cơ chế chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phát triển thủy điện, giúp nhà đầu tư và cả địa phương có lý do phá rừng nguyên sinh đào hồ chứa nước, họ thu về những khoản lợi ích rất lớn về điện và gỗ, gây ra những mối hiểm họa khôn lường”. 

 “Áp thấp nhiệt đới, lũ nhỏ và vừa nếu được kiểm soát tốt thậm chí còn mang lại những lợi ích rất lớn cho các tỉnh miền Trung. Trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang phải đối mặt với những nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, áp thấp nhiệt đới lại là nhân tố giúp miền Trung giải quyết tốt hiện trạng này. Nếu trước đây khi chưa có nhiều thủy điện, mưa lũ, áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lớn, nước đổ về nhiều nhưng lưu lượng nước cũng được tỏa đi và thoát rất nhanh, không gây ra thiệt hại quá lớn như hiện nay”.

 "Tôi lấy ví dụ, trước khi được cảnh báo có lũ, hồ thủy điện phải chủ động xả nước trước để dành dung tích đón lũ về. Khi đó, thủy điện sẽ phát huy được chức năng cắt, giảm lũ cho hạ du, không gây dòng chảy đột biến, bất thường với lưu lượng xả chủ động, có kiểm soát. Thế nhưng, giờ đây thi nhau làm thủy điện, nhiều hồ chưa không vận hành theo quy trình này mà ngược lại, vì lo ngại thiếu nước, không bảo đảm cho hoạt động thủy điện, nhiều hồ chứa vẫn tích nước vào mùa lũ, đến khi lũ về quá lớn, hồ chứa không còn dung tích mới đột ngột xả nước để cứu đập. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, do thủy thế của các thủy điện ở trên cao, khi các hồ chứa tích đầy nước thì không khác gì như những quả "bom nước" treo trên cao được xả xuống đột ngột kết hợp với mưa kéo dài gây lũ lụt nghiêm trọng hơn".

- Thủy điện không thể vô can”, là tựa bài viết đăng trên báo Thanh niên Online, có đoạn: “Nghị trường đã nóng lên với những chất vấn của các Đại biểu quốc hội về vấn đề thủy điện này. Nhiều đại biểu cho rằng, xả lũ thủy điện là nguyên nhân chính gây nên trận lũ lịch sử này. Ý kiến của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học lẫn người dân đồng quan điểm với nguyên nhân nầy”.

Tiến sĩ Tô Văn Trường

- Tiến Sĩ Tô văn Trường, chuyên gia về tài nguyên nước và môi trường, viện trưởng  Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, nói về thủy điện:  “Vấn đề hồ thủy điện miền Trung xả lũ đã có nhiều bài báo, diễn giả đề cập nhưng có một điều liên quan đến công tác Quy hoạch cần phải hiểu rõ:

“Trước đây Quy hoạch thủy lợi cho lưu vực sông cũng đã xem xét các vị trí làm thủy điện và trong quy hoạch đã đề xuất nhiệm vụ phòng lũ hạ du cho các công trình thủy điện này”.

“Tuy nhiên, sau này khi thủy điện phát triển mạnh, họ tự làm quy hoạch phát triển thủy điện và chỉ thủy điện mà thôi, không có nhiệm vụ phòng lũ hạ du (khác với nhiệm vụ phòng lũ bản thân công trình). Thậm chí có những hồ (như Sông Ba hạ) họ còn bỏ qua cả nhiệm vụ phòng lũ hạ du công trình mặc dù đã được đề cập trong quy hoạch thủy lợi”.

“Các hồ thủy điện miền Trung hiện nay, trừ các hồ trên sông Hương là có nhiệm vụ phòng chống lũ hạ du, còn lại đều KHÔNG có nhiệm vụ phòng lũ hạ du, vì vậy khi lũ về họ chỉ vận hành để bảo toàn công trình. Bảo vệ hạ du chỉ là "ăn theo". Vậy họ nói vận hành đúng quy trình cũng có cái lý của nó”.

“Vì vậy, vấn đề bây giờ phải xem xét tầm vĩ mô là các hồ này có nên làm nhiệm vụ phòng lũ hạ du không. Trước đây Viện Quy hoạch thủy lợi đã nghiên cứu và kết luận xác đáng: (i) miền Bắc cần chống lũ; (ii) miền Trung thích nghi với lũ ; và (iii) miền Nam sống chung với lũĐiều đáng trách là giải pháp cụ thể là gì thì các nhà lãnh đạo sau nầy không kế thừa và tiếp tục nghiên cứu”.

- Theo số liệu mới nhất được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát báo cáo trước Quốc hội: “…Hiện cả nước có tới 1.200 hồ đập thủy lợi, thủy điện chứa nước không an toàn, cần tu bổ, sửa chữa với kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng”.

2/ Phía “giải oan” cho thủy điện

 

Thủy điện Hố Hô (công ty CP thuỷ điện Hồ Bốn), giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh - Ảnh: Ngọc Tú.
             

- Trên tờ Tuần Việt Nam, TS Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP HCM nói: “Thiếu cơ sở khoa học để kết tội thủy điện”. Ông Phúc lý giải: “Thủy điện xã lũ không phải là nguyên nhân gây lũ. Thủy điện không sinh nước sao gây lụt được?Thủy điện 'con cóc', vỡ cũng không ăn thua”. Ông Phúc cho rằng: “Các nhà máy thủy điện không sinh ra nước. Như vậy, lũ ở đây là lũ trời, tức là lũ tự nhiên”. Đồng thời ông cũng cho rằng: “Lũ tràn tới hồ thủy điện đầy thì phải xả” và “Nếu xả cho hồ chứa vơi bớt được chút nào thì nước của dòng lũ lập tức sẽ trám vào ngay”. Vì thế ông kết luận: “Lũ lớn gây thiệt hại không phải do hồ thủy điện xả gây ra  và nếu không có hệ thống thủy điện nhỏ ở miền Trung thì trận lũ vừa qua vẫn xảy ra và thiệt hại cũng như vậy”. Ông Phúc lại  còn cho rằng: “Kể cả khi bị vỡ đập thì lượng nước hữu dụng trong hồ cũng chẳng tác động đáng kể đến cơn lũ. Có thể so sánh thế này, một con kênh đang chảy, ta hắt vào thêm vài thùng nước cũng chẳng hề thay đổi gì thêm được”.

- Việc “giải oan” cho thủy điện, ngoài người có tấm cỡ như ông Nguyễn Bách Phúc, còn có một số người trong những nhóm lợi ích về thủy điện miền Trung, họ tự biện na ná như ông Bách Phúc, chỉ có thể lừa được trẻ lớp Đồng ấu. Tôi không kê ra đây vì sợ làm phiền đọc giả. 

 *

 Như TS Tô văn Trường đã nói ở phần trên: Trước đây Viện Quy hoạch thủy lợi đã nghiên cứu, kết luận và đã đưa ra quy hoạch chiến lược xác đáng: (i) miền Bắc cần  chống lũ; (ii) miền Trung thích nghi với lũ; và (iii) miền Nam sống chung với lũĐiều đáng trách là giải pháp cụ thể là gì thì các nhà lãnh đạo sau này không kế thừa và tiếp tục nghiên cứu.

Nếu quy hoạch thủy lợi chiến lược trước đây cho mỗi Miền là xác đáng, thì miền Trung nằm trong nhóm “thích nghi với lũ”?.

Vậy thì miền Trung muốn thích nghi với lũ, không còn cách nào khác, phải tôn trọng quy luật tự nhiên trong việc cấp/thoát nước - cấp nước là trời đất, thoát/giữ nước là chúng ta. Về chiến lược (vĩ mô), theo tôi nghĩ có 2 giải pháp:

1/ Cái gì thuộc tự nhiên hãy trả lại cho tự nhiên: dẹp hết “thủy điện điện cóc” ở thượng nguồn miền Trung, khôi phục lại rừng nguyên sinh nhầm cân đối lại tự nhiên để trách việc hạ du thiếu nước mùa khô, lũ mùa mưa.

2/ Nếu quyết giữ nguyên tình trạng hiện nay, không còn cách nào khác, phải làm thêm nhiều cầu cống trên quốc lộ 1A đảm bảo đủ đường thoát nước khi cao lũ.

 

Thủy điện Rào Trăng 3, nhìn từ máy bay trực thăng. Ảnh: internet

Về việc đổ lỗi khách quan, Việt Nam thuộc bậc thầy thế giới. Nhớ lại xem, từ sau 1975 đến nay, mỗi khi gặp khó khăn phức tạp, lãnh đạo Việt Nam thường đổ lỗi khách quan: “do tàn dư chế độ cũ, bỡi thời kỳ quá độ, tại biến cố Châu Âu, bị ảnh hưởng chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Irad, do khủng hoảng kinh tế thế giới, tại khí hậu biến đổi, do COVID 19..v.v…- do, bỡi, tại, bị họ luôn sắp sẵn ở bờ môi.

Thú thật, tôi đang có 1 cái mừng và 2 nỗi lo: mừng vì Thủ tướng Phúc, lần đầu tiên, chịu nghe dư luận xã hội phản biện, đang bàn sửa đổi nghị định 64/2008 của Chính phủ về cứu trợ / Tôi lo cơn bão số 8 đang đổ bộ vào miền Trung  gây tang thương thêm cho đồng bào nơi đây; và tôi lo ngại chẳng biết “quả bom bùn đỏ” bauxite Tây nguyên có an toàn không. Nếu quả bom bùn đỏ nầy vỡ, nó sẽ tràn xuống diệt môi sinh cả vùng rộng lớn ở hạ lưu từ Nam Trung bộ đến sông Vàm Cỏ Đông (Long an) – Các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM là tâm điểm.  -/-

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire