Trang

23/10/2020

Chúng ta đang buôn bán, đánh đổi với thiên nhiên

GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng thủy điện không có lỗi. Lỗi ở điều tiết, quy hoạch, quản lý. Chúng ta đang điều tiết thủy điện theo bản năng chứ không theo dòng chảy.

GS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã gắn bó gần 60 năm với rừng, được mệnh danh là “người của rừng” (ông thường nói vui gọi là người rừng). Ông chính là người đề xuất và tham gia thực hiện dự án trồng rừng đầu tiên của Việt Nam, trả lại màu xanh cho đất trống, đồi núi trọc.


Ông có những chia sẻ thẳng thắn với Tuần Việt Nam:

 

Thủy điện nhỏ hoạt động tự phát, hy sinh rừng lấy điện

Thưa giáo sư, các công trình thủy điện nhỏ được xây dựng kéo theo nhiều diện tích rừng tự nhiên phải chuyển đổi mục đích sử dụng có phải là nguyên nhân gây nên tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung hiện nay?

Việt Nam là 1 trong 6 nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu 4 năm gần đây. Miền Trung lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Việt Nam.

Về nguyên nhân khách quan, con người rất khó khắc phục bởi đó là quy luật tự nhiên: mưa gió, yếu tố địa hình phức tạp của miền Trung vừa có vùng ven biển, lại có đồng bằng, trung du, đồi núi trọc rồi núi cao và dốc đứng…

Nhưng ở đây có cả nguyên nhân chủ quan và con người có thể khắc phục hay giảm nhẹ thiệt hại.

Hiện trường sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Tôi cho rằng thủy điện không có lỗi. Lỗi ở điều tiết, quy hoạch. Trên một dòng sông có thể xây dựng bao nhiêu nhà máy thủy điện thì cần phải có quy hoạch rõ ràng. Việc quản lý điều tiết lưu lượng nước phải theo dòng sông, dòng chảy chứ không phải theo từng nhà máy thủy điện.

Nhà máy vì quyền lợi của mình nên luôn giữ mực nước cao để mùa khô không có nước để phát điện. Nếu điều tiết thống nhất trên cả dòng, tôi sẽ yêu cầu anh giảm hẳn mực nước đi, như thế mưa có thêm nữa hay kéo dài vẫn khó có thể xảy ra tình trạng tràn đập hay vỡ đê…

Ở đây, con người điều tiết thủy điện theo bản năng chứ không theo dòng chảy.

Chúng ta đang để các nhà máy thủy điện nhỏ hoạt động kiểu tự phát. Các nhà máy lớn thì nhà nước xây dựng và quản lý. Các nhà máy vừa và nhỏ trong 20 năm qua thì xã hội hóa, tư nhân làm thủy điện. Như vậy ta đang phá vỡ quy hoạch của cả con sông. Nhẽ ra trên một dòng sông ta chỉ làm 5 hay 10 nhà máy thì có thể “bảo nhau”, cam kết với nhau cùng điều tiết nước trong mùa mưa hay mùa khô, cùng vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước hơn là vì nhà máy.

Tiếp đến là chúng ta đang chia làm hai cấp quản lý thủy điện. Nhà máy nào có công suất trên 10 MW thuộc nhà nước (Bộ TNMT thẩm định phê duyệt). Nhà máy công suất dưới 10  MW do cấp tỉnh phê duyệt.

Rõ ràng là “con voi sắp chui lọt lỗ kim” mà không bị ngăn chặn. Dù là nhà máy thủy điện công suất nhỏ 5-10 MW cũng đã mất bao nhiêu diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng. Doanh nghiệp làm thủy điện trốn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.  

Như vậy lỗi không ở thủy điện mà là cách thức sử dụng, cách thức quản lý, điều tiết điều phối nó như thế nào.

Chúng ta đang đánh đổi môi trường đổi lấy lợi ích kinh tế, hy sinh rừng để lấy năng lượng điện. Chúng ta cần phải xem sự đánh đổi này là có lợi hay không. Nói một cách khác, người ta gọi đây là buôn bán, đánh đổi với thiên nhiên.

Một người dân ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) ngồi trên mái nhà chờ ứng cứu. Ảnh chụp lúc 10h ngày 19/10

Ở tầm vĩ mô ta quản lý được, nhưng vi mô lại khó quản. Kiểu như tôi chỉ định làm 5 nhà máy thủy điện thì kiểm soát được, nhưng lại có thêm 20 nhà máy nhỏ hơn xen kẽ, không có sự quản lý thống nhất thì việc điều tiết nước đã bị phá vỡ.

 

Thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 - 10 ha rừng trồng

Chúng ta đề cập tới câu chuyện rừng trồng, nhưng các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5-10ha rừng trồng. Giáo sư có chia sẻ như thế nào?  

Ta cần nói rõ điều này. Đó là vai trò của rừng tự nhiên. Nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi khi mưa xuống có tới 95 % chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là , như lũ ống, lũ quét…

Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1-2h với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước. Toàn bộ lượng nước trở thành nước ngầm.

Rừng tự nhiên tốt như thế vì nó tán cây, các lớp cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu 20-30m (chiều cao cây như nào rễ sâu như thế). Nếu vẽ hệ thống nước ngầm sẽ thấy rất chằng chịt, đào giếng bất kỳ chỗ nào cũng có nước, chứng tỏ là hệ thống nước ngầm rất đều. Dù hết mưa, nắng tháng này qua tháng khác thì hệ thống nước ngầm vẫn đủ cung cấp.

Trong khi đó, rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên. Và thực tế là khi xây dựng nhà máy thủy điện, rất ít chủ đầu tư có phương án trồng rừng thay thế khi rừng tự nhiên bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Hậu quả là rừng tự nhiên mất đi, rừng trồng không bù nổi diện tích đã mất mà chưa tính đến hiệu quả giữ nước, giữ đất, giữ môi trường của hai loại rừng.

Bộ đội biên phòng đưa đồ cứu trợ tới thôn Đông Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, Quảng Trị

Trong khi thế giới ra sức bảo vệ rừng tự nhiên thì chúng ta lại phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Rừng tự nhiên dù có nghèo kiệt thế nào chăng nữa thì về đa dạng sinh học cũng gấp nhiều lần rừng trồng vì các tác dụng như tôi đề cập ở trên. Vì thế, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 - 10 ha rừng trồng. 

Ở Việt Nam dù độ che phủ rừng đã tăng lên nhưng chỉ còn rất ít rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng trồng, chất lượng rừng rất thấp.

 

Lấy đi nhiều, mà trả lại được bao nhiêu?

Chúng ta đang phải trả giá cho điều mà giáo sư đã nói là buôn bán, đánh đổi với thiên nhiên?

Đúng như thế. Mình thấy rất rõ điều đã hy sinh lại không biết là hy sinh. Tôi đổi các rủi ro lấy thuận lợi là kinh tế, nhưng sự rủi ro lớn đến mức nào thì lại không biết, lại bỏ ngoài - đó là rủi ro về môi trường.

Năm 1945, rừng tự nhiên của ta còn chiếm khoảng 95%. Trải qua quá trình phát triển kinh tế, rừng trở nên cạn kiệt. Những năm 92-93, Nhà nước có chương trình phục hồi sinh thái cho đất nước - chương trình 327, khôi phục độ che phủ của rừng từ 27% lên 42%, gần mức khi người Pháp ra đi là 43%.

Nhưng đó là về mặt diện tích, còn chất lượng rừng như tôi nói vẫn chưa đạt được. Quan trọng vừa là tổng diện tích, tỷ lệ rừng có trên lãnh thổ nhưng còn là bố trí ở chỗ nào. Có những quốc gia chỉ có 30 - 35% rừng nhưng cực kỳ an toàn vì đã có quy hoạch gọi là lâm phận ổn định, chỗ nào cần có rừng, loại rừng gì thì người ta làm đúng như thế.

Sự trả giá vì mất rừng chúng ta cũng đang chứng kiến rất rõ. Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu. Thế giới đã khẳng định, rừng là nhân tố tốt nhất để người dân tham gia vào chống biến đổi khí hậu. Người nghèo cũng có thể tham gia, quan trọng họ trồng rừng và giữ được rừng. Chúng ta đã lấy của rừng rất nhiều, nhưng trả lại cho rừng được bao nhiêu?

 

21/10/2020

Thái An

Nguồn: Tuần Việt nam

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire