Trang

14/10/2020

Chuyên gia kinh tế lo doanh nghiệp Việt "bán mình" cho nước ngoài!

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Bà Phạm Chi Lan: "Điều tôi lo lắng là xu hướng doanh nghiệp Việt bán mình cho nước ngoài vì khó khăn, vì gặp phải vấn đề kỹ năng, quản trị"

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, PV Dân trí có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về những trăn trở và gợi mở chính sách cho doanh nghiệp, doanh nhân.


- Phóng viên: Thưa bà, nền kinh tế nói chung và khu vực doanh nghiệp nói riêng bị tác động nặng bởi đại dịch Covid-19, mức tăng trưởng dương nhưng ở ngưỡng thấp, điều này gây áp lực trả nợ cho nền kinh tế, gánh nặng thu ngân sách cho khu vực doanh nghiệp, bà bình luận gì về vấn đề này?

- Bà Phạm Chi Lan: Tăng trưởng thấp là minh chứng cho thấy tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách sụt giảm, có những ngành trước đây đóng góp lớn cho ngân sách như hàng không, du lịch, vận tải nhưng nay họ không thể đứng dậy được do chịu tác động lớn từ đại dịch.

Theo tôi, thu của ngân sách giảm, trong khi chi ngân sách vẫn tăng lên như chi cho y tế, chi thường xuyên và trả nợ. Đáng nói, GDP tăng trưởng thấp ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Việt Nam, thu ít nhưng các khoản nợ vẫn phải trả đều hàng năm.

Thời gian gần đây, vay nước ngoài của Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, trong khi bổ sung vào đó là các khoản nợ vay từ trái phiếu. Điều này cho thấy GDP tăng trưởng thấp sẽ khiến khả năng trở nợ khó hơn đối với cả nợ nước ngoài và trong nước.

- Dịch bệnh đang tác động mạnh, đặc biệt đối với du lịch, vận tải, dịch vụ... Hoãn thuế chỉ là biện pháp ngắn hạn, vấn đề được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn là Nhà nước cần có giải pháp miễn thuế để "nuôi dưỡng" nguồn thu?

- Tình hình doanh nghiệp Việt rời bỏ thị trường hậu Covid-19 tăng lên, công việc của hơn 31 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực đã và đang khiến ngân sách có thể ảnh hưởng dài hạn. Tôi mong những khó khăn về vĩ mô sẽ không dồn lên vai của doanh nghiệp.

Hiện, đối với đầu tư công, nên xem lại dự án trọng điểm, còn xây dựng tượng đài, khẩu hiệu tuyên truyền, biểu tượng tốn kém mà không hiệu quả thì nên dừng lại.

Xét bối cảnh toàn diện, nên miễn thuế đối với doanh nghiệp đặc thù trên cơ sở công khai, minh bạch, có phản biện của xã hội.

Ví dụ như doanh nghiệp công nghệ, đầu tư lớn nhưng vừa xuống tiền lại gặp Covid-19 nên không thể có doanh thu, nhà nước nên hỗ trợ. Đối với du lịch, nếu phần nợ thuế trước đây khi hoạt động trong điều kiện bình thường, cần phải thu nộp đủ. Còn nếu các nghĩa vụ thuế trùng với thời gian Covid-19, Nhà nước cần miễn cho họ đề nuôi dưỡng nguồn thu.

Do chi thường xuyên cao nên ngân sách chỉ đáp ứng được nguồn chi này thôi, còn chi đầu tư phát triển không đủ phải vay ODA, vay lãi suất thấp....

- Đại dịch Covid-19 làm nhiều nền kinh tế bộc lộ điểm yếu, trong đó đặc biệt phụ thuộc vào nguyên liệu và thị trường, theo bà hậu Covid-19 doanh nghiệp cần tái cơ cấu ở đâu, khâu nào?

- Dịch vừa rồi cho thấy bài học quý giá cho nhiều quốc gia là cần nội lực, ngay cả Mỹ, EU cũng giật mình thấy sự phụ thuộc vào nguồn cung cho các sản phẩm khác nhau, đầu vào cho ngành công nghiệp, đặc biệt y tế, dịch vụ sức khỏe.

Đối với Việt Nam, đây cũng là minh chứng cho thấy chúng ta phải đứng trên đôi chân của mình, đừng nghĩ ở gần vựa nguyên liệu của thế giới là an toàn. Họ hắt hơi, chao đảo là chúng ta đã ốm nặng, đã ngã rồi, không thể như thế mãi được, không gì bằng việc đứng trên đôi chân của mình được.

- Kinh tế tư nhân thời gian qua đã phát triển khá mạnh, song chỉ mới 1 vài "ông lớn" trỗi dậy chứ chưa phải cả khu vực. Theo bà, "bức tranh" của kinh tế tư nhân thời gian sắp tới sẽ ra sao và chúng ta nên định hướng cho khu vực này phát triển theo chiến lược gì?

- Việt Nam gần đây xuất hiện các doanh nghiệp lớn, bước đầu cũng khá mừng dù đa số đều giàu lên từ ưu đãi cơ chế, bất động sản. Nhưng trong dài hạn, rất cần các "ông lớn" này đầu tư vào công nghệ, công nghiệp, chế biến bởi điều này mới đưa đất nước đi lên được.

Tôi chỉ ước có 30% số tiền đổ vào bất động sản được chuyển sang đầu tư vào công nghiệp, công nghệ hỗ trợ thì sẽ không bao giờ lo cảnh doanh nghiệp Việt khốn khổ vì thiếu nguyên liệu, linh kiện do dịch Covid-19 xảy ra. Mãi ở tình trạng gia công thì xấu hổ cho Việt Nam chứ, bởi một nền kinh tế chịu kiếp gia công, sau hơn 30 đổi mới, 40 năm kết thúc chiến tranh vẫn dậm chân tại chỗ.

Doanh nhân Việt nên lấy điều này để làm nỗi thao thức cho mình, không nên tự hào về thành tích một nước gia công cho các nước khác.

- Doanh nhân đang ở trong giai đoạn khó khăn, người rời bỏ "ghế nóng", người rời bỏ sự nghiệp kinh doanh để đi tu và những người kinh doanh nhỏ lẻ đang gặp khó từ dịch bệnh... Theo bà, phải chăng doanh nhân Việt đang đứng ở ngã ba đường, gặp khó trong cơ chế thị trường?

- Đối với các doanh nhân việc rời bỏ thị trường do cái này, điều kia cũng là điều rất đáng tiếc. Nhưng tại Việt Nam, tựu chung các vấn đề xung đột doanh nghiệp, quyết định rút lui của doanh nhân vẫn là do tình thân, do xung đột quyền lợi không được xử lý đúng với quản trị hiện đại. Đây cũng là vấn đề xảy ra trong thời kỳ quá độ của nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, có điều tôi lo lắng hơn nữa là xu hướng doanh nghiệp Việt "bán mình" cho nước ngoài vì khó khăn, vì gặp phải vấn đề kỹ năng, quản trị. Đây là sự lo lắng lớn bởi doanh nghiệp Việt bị bán đi, rút ruột bởi nước ngoài, chúng ta không còn tự quyết định, không được làm chủ nữa.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-gia-kinh-te-lo-doanh-nghiep-viet-ban-minh-cho-nuoc-ngoai-20201013185548855.htm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire