Trang

05/10/2020

Quân đội phải là “đứa con chung” của dân tộc

Thiện Tùng

4/10/2020

 

Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ảnh GDVN

Lực lượng vũ trang gồm cả Quân đội và Công an. Quân đội được trang bị tối đa để tấn công bảo vệ đất nước (đối ngoại), còn Công an được trang bị tối thiểu để tự vệ trong việc giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội (đối nội).

 

Để tránh loạn sứ quân, ngăn ngừa nội chiến, thông thường, mỗi quốc gia chỉ được tổ chức một quân đội, xem nó là “đứa con chung”.

 

Về sử liệu, tên gọi "Quân đội Nhân dân Việt Nam" là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ…".  


  Tên gọi qua các thời kỳː

- Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tháng 12 năm 1944)

- Việt Nam Giải phóng quân (tháng 5 năm 1945)

- Vệ quốc đoàn (tháng 11 năm 1945)

- Quân đội Quốc gia Việt Nam (tháng 5 năm 1946)

- Quân đội nhân dân Việt Nam (Từ năm 1950, chính thức từ tháng 9/1954). 

Chính vì vậy, lúc đương thời, lãnh tụ Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của Quân đội: “Quân đội Nhân dân Việt Nam phải trung với nước, hiếu với dân; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

 

Năm 1976, khi đổi tên thành “Đảng CSVN”, tên nước thành “Nước Cộng hòa XHCN VN”, kêu gọi các Đảng chiến hữu và những Tổ chức Chính trị “tự nguyện đi chỗ khác chơi”, Đảng CSVN xem lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nói riêng là của riêng mình, vẫn giữ y danh xưng, nhưng thay vì nó trung với nước” như HCM đã nói, Đảng CSVN buộc nó  phải “Trung với Đảng”. Để hợp pháp hóa việc cải sửa nầy, Đảng CSVN cho ghi vào Hiền pháp 1982: “Quân đội phải trung với Đảng” là xong chuyện, không còn ai dám cãi vã lôi thôi. 

 

Mặc dầu Hiến pháp đã ghi như thế, nhưng suốt 37 năm qua (1976-2013), dư luận xã hội không hài lòng việc Đảng CSVN sở hữu Quân đội và Công an mang tên Nhân dân cho riêng mình, với lý lẽ khá thuyết phục: “Quân đội và Công an mang tên Nhân dân thì phải của Nhân dân. Nếu Đảng CSVN xí phần Quân đội và Công an cho riêng mình thì phải bỏ 2 chữ “nhân dân” thay vào đó chử “Đảng”- tức là “Quân đội và Công an Đảng”. Và nếu Đảng sở hữu hóa Quân đội và Công an cho riêng mình thì Đảng hãy tuyển đảng viên của mình vào quân ngũ, dùng ngân sách riêng của Đảng chi phí mọi mặt cho Quân đội và Công an, xóa bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự …”.

 

Không biết xuất phát từ đâu và có phải do đuối lý không mà, năm 2013,  Quốc hội, cơ quan quyền lực nhứt nước, sửa đổi Hiến pháp 2013, tại điều 65 có nội dung nguyên văn: <<Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế >>.

 

Vậy là, Hiến pháp 1982 Quân đội “Trung với Đảng”, Hiến pháp 2013 sửa đổi lại Quân đội trung thành với Tổ quốc, Nhân dân…”- có phần trái ý Đảng CSVN,  tương thích với ý kiến cố Chủ tịch Hồ Chí Minh?.

 

Riêng tôi cho rằng, Hiến pháp hiện hành 2013 sửa lại như thế tạm được. Tại sao không nói được mà nói tạm được?. Tôi sẽ trả lời rằng: “Lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân là đủ. Bởi vì, hai chữ Nhân dân đã hàm chứa Đảng và Nhà nước trong đó, có mất phần đâu mà sợ?. Hiến pháp ghi thêm “với Đảng và Nhà nước” vào chi cho thêm dài đòng, vô hình trung, biến Đảng và Nhà nước thành lực lượng “ăn theo” chớ chẳng danh giá gì đâu?. 

 

Từ các nguồn thông tin chính thức tôi biết được, từ 28 đến 30/9/2020, Đảng bộ Quân đội mở Đại hội Đảng lần thứ XI. Qua theo dõi thấy khách mời dự Đại hội nầy có rất nhiều quan chức cao cấp đương nhiệm và nghỉ hưu như: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân; Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang - nói chung đông lắm. Có điều là, về khách mời, chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng, vừa Tổng Bí thư kiêm chủ tịch nước, vừa là  Bí thư Quân ủy Trung ương phát biểu khoảng 20 phút. Ông Trọng nói 5 việc đã qua và 5 việc sắp tới về Quân đội Nhân dân VN để gợi mở với Đại hội. Có lẽ phần vì tuổi cao, phần vì mới qua cơn bạo bịnh, ông Trọng nói hơi nhỏ, giọng khàn hơi khó nghe.

 

Ngô Xuân Lịch cùng đoàn khách tiến vào Hội trường Đại hội - Ảnh TTXVN

(Thiên hạ suy luận về bức ảnh nầy: Nếu ông Trọng ch nắm tay Kim Ngân có nghĩa khác, còn ông Trọng nắm cả tay Kim Ngân và Xuân Lịch thế nầy có nghĩa khác: một là do ông Trọng yếu phải dìu, hai là ông Trọng nắm Quốc hội để ra luật cấm, nắm tay Quốc phòng để ra nắm đấm).

Dầu khó nghe tôi cứ cố nghe. Toàn văn bài phát biểu của ông Trọng sao na ná lần ông phát biểu trước ở Đại hội lần thứ X của Đảng bộ Quân đội năm 2015. Tôi cố nghe cốt yếu để xem ông Trọng chỉ đạo những gì với Quân đội trong việc bảo vệ biển đảo, tiếc rằng việc bảo vệ biển đảo tối quan trọng nầy ông lại phớt lờ. Trong 5 việc Quân đội phải chú trọng sắp tới, ông chỉ nhấn việc thứ nhứt nghe qua dường như có mâu thuẫn, trích đoạn nguyên văn: “…Quân đội ta là Quân đội nhân dân, Quân đội của dân, do dân, vì dân và được đặt dưới sự lãnh đạo ‘tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt’ của Đảng; do vậy Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân…”. 

Ông Trọng phát biểu trước Đại hội Đảng bộ Quân đội - Ảnh TTX VN

Từ trích đoạn trên, nảy sinh trong đầu tôi 2 câu hỏi: Ông Trọng đang là một nguyên thủ quốc gia sao lại phát biểu vi phạm Hiến pháp hiện hành (2013) như thế?/ Vì sao chẳng thấy quan chức cao cấp nào phản biện về việc vi Hiến nầy của ông Trọng?.

Kiểm lại xem, đây không phải là lần đầu tiên ông Trọng vi Hiến. Và Không phải chỉ có ông Trọng vi Hiến mà nhiều quan chức của Đảng CSVN ít nhiều cũng vi Hiến. Bởi vì, Pháp Luật chỉ áp dụng với Dân, còn Điều lệ đảng mới áp dụng cho đảng viên – đảng viên không sợ vi phạm Pháp Luật, chỉ sợ vi phạm Điều lệ đảng mà thôi?.

Cũng tất nhiên thôi, ai mà không biết, thể chế Chình trị Độc tài chứa đựng: độc quyền, độc đoán, độc tôn, độc trị…. Độc tài đối lập với Dân chủ, luôn đụng chạm quyền lợi vật chất và tinh thần đối với nhân dân, luôn bị các tầng lớp nhân dân oán ghét. Vì vậy, Độc tài nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ăn không ngon, ngủ không yên. Hơn ai hết, Độc tài cần sở hữu riêng Quân đội và Công an để bảo tồn chế độ. Còn quan chức không ai phản biện là vì họ và ông Trọng đều là “đồng chí” với nhau?.

 

 Nghĩ sao nói vậy, trước tiên, tôi nhứt trí với quan điểm của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội Nhân dân VN phải “trung với nước, hiếu với dân…”

 

Sáu từ “Quân đội Nhân dân Việt Nam” đã nói lên nguồn gốc, chức năng, nhiệm vụ của nó . Nó là của dân, do dân, vì dân. Bởi vì:

 

- Nó từ nhân dân mà ra: Mọi thành viên trong Quân đội đều là con em nhân dân.

- Nó được nhân dân nuôi dưỡng: từ tiền lương, vũ khí, phương tiện đến trang phục đều từ tiền thuế của mọi người dân đóng góp.

 

- Nó có nhiệm vụ: giữ ngôi nhà chung (nước) và bảo vệ những người dân ở trong ngôi nhà chung ấy.

 

Nếu chấp nhận 3 lý lẽ của tôi vừa nêu, thì phải khẳng định: “Quân đội Nhân dân Việt Nam là tổ chức duy nhứt, thuộc sở hữu toàn dân”. Những đảng phái Chính trị, tổ chức Xã hội hay Tôn giáo nói chung, chỉ là những bộ phận của dân tộc Việt Nam, ngoài không được tổ chức quân đội riêng, tuyệt đối không được biến Quân đội Nhân dân VN thành sở hữu cho riêng mình?.

 

Nói lý lẽ như thế để rộng đường dư luận, chớ tôi cũng đã sớm nhận ra: Đảng CSVN áp dụng thể chế chính trị Độc tài chuyên chế với mục đích cướp quyền, cướp công, cướp của như đã từng diễn ra ai mà không thấy?.  Quan chức của Đảng thi nhau cướp, nhân dân thi nhau oán giận, phản ứng, khiến cho Đảng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Muốn tồn tại, không cách nào khác, Đảng CSVN phải quyết biến Quân đội và Công an thành của riêng mình, dùng chúng để làm “thanh gươm và lá chắn”, sẵn sàng bắt bỏ tù hoặc giết chết bất cứ ai nói trái, làm trái ý mình dầu người đó là đảng viên lâu năm. Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, suốt gần 10 năm qua, gần như ông dành hết thời gian, toàn tâm toàn ý lo việc kiện toàn Đảng, lên án thế lực “thù địch”. Dù trăm công ngàn việc, già cả, bịnh tật,  nhưng ông cũng quyết đứng chưn trong Đảng ủy Bộ Công an và làm Bí thư Quân ủy Bộ Quốc phòng đã nói lên đầy đủ quan điểm bạo lực của ông?.

 

Lời kết

 

Đọc tài gắn liền với bạo lực. Muốn có sức mạnh bạo lực phải biến cho kỳ được lực lượng vũ trang thành của riêng mình - đó là con đường sống duy nhứt của chế độ Độc tài. Có điều, việc gì cũng vừa vừa thôi, làm quá lực lượng vũ trang   sẽ phản chiến, sẽ đảo chánh -“gậy ông đập lưng ông”. Không nói đâu xa, ở Đông Nam Á  đã có Việt Nam Cộng hòa trước kia, Miến Điện và Thái Lan gần đây Quân đội làm đảo chánh nắm lấy chính quyền – Khi Quân đội ra tay thì không ai chọi nổi?. -/-


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire