Công cuộc "đốt lò" chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành thu được nhiều thành tích, theo truyền thông của đảng và chính quyền - Nguồn hình ảnh, Getty Images - Chụp lại hình ảnh |
Chiến dịch chống tham nhũng do đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành trở nên nóng hơn, nhất là trong dịp cuối năm 2020 và trước thềm đại hội đảng lần thứ 13, tuy nhiên câu hỏi được đặt ra từ giới bình luận và quan sát Việt Nam là còn vấn đề tham nhũng quyền lực, chính trị thì sao.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm, 18/12/2020 từ Hà Nội, vào thời điểm một ngày trước khi Hội nghị Trung ương 14 khóa XII của đảng Cộng sản bế mạc, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nhà nghiên cứu chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam trước hết cho rằng đang có một "vòng luẩn quẩn" trong công cuộc "đốt lò":
"Trong tổng kết 7 năm chống tham nhũng và kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban phòng, chống tham nhũng trung ương, ông có nhấn mạnh 6 bài học để phòng chống tham nhũng thế nào cho tốt và hiệu quả.
"Việc ông đưa ra những bài học này là để làm sao tiếp tục chống tham nhũng trong những nhiệm kỳ tiếp theo, nhưng có lẽ đó chỉ là một cách làm thôi, trong khi từ đó chúng ta có thể suy ra một điều không tránh khỏi, đó là tập trung quyền lực để chống tham nhũng, nhưng lại trớ trêu thay, tham nhũng lại xuất phát từ sự tha hóa quyền lực."
"Lồng thể chế" có "nhốt" được quyền lực?
Nhà phân tích chính sách công từ Hà Nội nhấn mạnh đang có một "mâu thuẫn" rất lớn và theo ông là rất khó xử lý ở Việt Nam:
"Việc đó đang là một mâu thuẫn rất lớn hiện nay với công cuộc cải cách thể chế nói chung và thể chế chính trị nói riêng và đó là điều rất khó, bởi vì như vậy chúng ta có thể hình dung ra là hội nghị Trung ương xong, sẽ có thể tới đây có lãnh đạo mới ở đại hội, nhiệm kỳ 13.
"Và chúng ta lại có thể thấy khi đó sẽ có sự tập trung quyền lực cao hơn nữa để chống tham nhũng cho nhiệm kỳ trước đó vừa xong hoặc là nhiệm kỳ trước nữa, như thế nó trở thành một cái vòng rất luẩn quẩn."
"Công cuộc "đốt lò" hiện chưa xử lý căn nguyên được vấn đề chống tham nhũng bởi vì tập trung quyền lực để chống tham nhũng, mà tham nhũng lại xuất phát từ sự tha hóa quyền lực, chính vì vậy có những giải pháp căn cơ hơn nữa để chống tham nhũng và đấy mới chính là những điều đáng bàn.
"Và hiện nay điều khó nhất là việc "nhốt quyền lực" vào trong một cái "lồng thể chế" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, thì chưa rõ hình hài của cái "lồng thể chế này", trong đó có nói tới kiểm soát tài sản của các quan chức, thì khá là mơ hồ và khá định lượng, chưa thể làm được điều này và điều đó là khó khăn."
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đứng đầu Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều năm qua - Nguồn hình ảnh, Getty Images Chụp lại hình ảnh |
"Tôi nghĩ rằng tham nhũng quyền lực cần phải kiểm soát bằng các cơ chế đối trọng mạnh hơn nữa, chẳng hạn như dựa vào người dân, chứ không phải là lại dùng quyền lực tập trung cao hơn như là nhà văn Võ Thị Hảo đã nói, thì đó lại là một cái vòng luẩn quẩn.
"Làm sao thoát khỏi vòng luẩn quẩn này là một câu hỏi lớn cho cải cách thể chế của nhiệm kỳ 13 sắp tới," PGS. Phạm Quý Thọ nói với hội luận Bàn tròn thứ Năm của BBC.
Cũng tại thảo luận này, nhà văn, nhà báo tự do Võ Thị Hảo, từ Berlin, CHLB Đức cho rằng tham nhũng quyền lực gây ra tai hại lớn nhất cho các quốc gia:
"Tôi nghĩ tham nhũng quyền lực là tham nhũng lớn nhất để lại những hậu quả tai hại nhất đối với tất cả mọi đất nước, cũng như mọi người dân ở trên thế giới này. Và cái đầu tiên quan trọng là phải chống tham nhũng quyền lực bằng thể chế, cũng như phải có những lực lượng đối lập, có những người phản biện và phải đưa ra trước công luận cũng như là công lý.
"Chính ông ấy một mặt thì "đốt lò", nhưng mặt khác lại tạo ra những việc cho sự độc tài ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ và dẫn tới tham nhũng quyền lực cực kỳ lớn,
"Và mọi người có thể tìm được những dẫn chứng mà bây giờ trong thời đại Internet rất dễ để tìm kiếm và linh cảm của tôi là sắp tới, nếu ông Nguyễn Phú Trọng không bị đột quỵ, hay là chân tay run rẩy, đi lại quá khó khăn, thì ông còn có được những lực lượng để ông có thể sửa điều lệ đảng để cho một người như ông ấy có thể ở lại tiếp tục trong nhiệm kỳ nữa, cũng như ông Tập Cận Bình đã làm chẳng hạn, tôi nghĩ khuynh hướng có thể như vậy."
Từ California, Hoa Kỳ, Luật sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Liêm ngay trước đó phát biểu nêu quan điểm của mình với hội luận về tham nhũng quyền lực, đặc biệt liên hệ tới trường hợp Việt Nam hiện nay:
"Tham nhũng quyền lực là một biến thái về ý trí quyền lực mà thôi. Ý chí quyền lực có thể hướng thượng cho mục tiêu cao cả.
"Ví dụ các nhân vật lịch sử muốn thay đổi chiều hướng của lịch sử như sự suy đồi của một triều đại, một quốc gia, thì họ muốn làm lãnh đạo để thay đổi chiều hướng đó, để thay đổi hướng đi.
"Tuy nhiên, ở Việt Nam, tất cả những lý tưởng trở thành tham nhũng. Lý do vì sao? Vì ví dụ trong lớp lãnh đạo như ông Nguyễn Phú Trọng chẳng hạn, tôi nghĩ rằng ông ta thành thật trong lý tưởng cộng sản của ông ta.
"Và tổ chức "Đảng ta" nói theo triết học là một căn nhà hữu thể (the House of being) cho những cá nhân đó, do đó ông nói mất đảng là mất tất cả, trong khi với những thế hệ mới của những đảng viên, họ không nhìn vấn đề "Đảng ta" như một căn nhà cho hữu thể của họ, mà họ coi đó như một cơ hội hay một cơ chế để giải quyết những nhu cầu mà bây giờ là kinh tế cá nhân.
"Cho nên những cái này sẽ còn kéo dài và tạo ra những mâu thuẫn rất lớn và ở Việt Nam không thể chống tham nhũng như thể loại hiện nay, nếu không có một sự độc lập tư pháp, nếu không có một sự độc lập về báo chí, không có một sự trưởng thành về xã hội dân sự.
"Và nhất là vấn đề về thực tế hơn là lương bổng, vấn đề quy chế về tuyển chọn nhân sự, thì tham nhũng về quyền lực này nó trở thành một tính thiết yếu cho tất cả những con người muốn làm kinh tế, là bởi vì phải có quyền lực chính trị thì mới có quyền lực kinh tế, hai cái đó ràng buộc lẫn nhau.
"Mà con người bây giờ là những "động vật về kinh tế" mà thôi, thì nhu cầu kinh tế đó ràng buộc với nhu cầu quyền lực chính trị, cho nên vấn đề tham nhũng chính trị là vấn đề không thể tránh khỏi," TS Nguyễn Hữu Liêm, người đồng thời là một nhà nghiên cứu triết học nói với BBC.
Công cuộc "đốt lò" đã đạt nhiều thành quả?
Hôm 12/12/2020, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã tổ chức một hội nghị toàn quốc tổng kết công tác này trong giai đoạn 2013-2020.
Đưa tin về hội nghị tổng kết này, trang mạng của Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng CSVN cho hay công tác qua 7 năm được ban lãnh đạo đảng chỉ đạo "quyết liệt" đã thu được nhiều thành quả, đạt nhiều thành tích khả quan, không có "vùng cấm, ngoại lệ":
"Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào"...
"Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...)."
Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh vừa bị khởi tố bị can và bắt tạm giam hôm 16/12/2020 tại Sài Gòn - Nguồn hình ảnh, Other. Chụp lại hình ảnh |
Hôm thứ Năm, 17/12, bình luận về công cuộc "đốt lò" chống tham nhũng này và đề cập cả vấn đề tham nhũng quyền lực và biện pháp gì cần làm để cải thiện ở Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà phân tích chính trị từ Hà Nội nói với BBC:
"Thành tích bằng số lớn các vụ thì không nói lên hiệu quả và bản chất. Tham nhũng chính trị theo tôi chưa được chú ý xử lý và phòng chống, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp, nhân sự.
"Sờ đâu cũng ra tham nhũng, cho nên cần tiếp tục để cho người dân có quyền giám sát mọi hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam.
"Mặt khác, cần tiếp tục cải cách tư pháp và xây dựng hệ thống pháp luật, nâng cao trình độ và đạo đức của tất cả những người tham gia lĩnh vực tư pháp, từ điều tra viên, kiểm sát viên đến thẩm phán và thi hành án v.v...
"Mục tiêu lớn nhất, theo tôi, là dân có thực quyền giám sát mọi hoạt động của nhà nước và của đảng Cộng sản Việt Nam," Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp trao đổi với BBC ngay trước hội luận Bàn tròn thứ Năm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55363549
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire