Trang

09/03/2021

BÀN THÊM VỀ TÍNH ĐÚNG ĐẮN CỦA QUY HOẠCH CÁN BỘ

NHÂN TRƯỜNG HỢP QUY HOẠCH PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VĨNH PHÚC


Nguyen Ngoc Chu

Trao đổi của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc với các phóng viên vào chiều ngày 02/3/2021, trong đó thể hiện rằng vấn đề bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang (con gái Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc) làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư là “đúng quy trình” đã thêm một lần bắt phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về TÍNH KHOA HỌC CỦA QUY HOẠCH CÁN BỘ.

Rằng QUY HOẠCH CÁN BỘ KHOA HỌC ĐẾN MỨC NÀO mà để lọt cả trăm cán bộ cấp cao kém phẩm chất, phải cách chức, khai trừ đảng và bỏ tù?

Bà Trần Huyền Trang (bên trái) trong một buổi làm việc. Ảnh: Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc.


Ở mặt khác, sẽ là tin sốc cho nhiều người khi được biết rằng bà Trần Huyền Trang đã nằm trong quy hoạch làm Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc: “Bà Trang cũng là cán bộ đã được quy hoạch vào chức danh Phó Giám đốc Sở KH-ĐT”( https://soha.vn/vu-con-gai-bi-thu-vinh-phuc-lam-pho-gd-so...).

Quy hoạch cán bộ từ cấp phó giám đốc sở cho đến uỷ viên trung ương, thì đó có phải là KHOA HỌC không?

Thời cụ Hồ Chí Minh tại sao không biết quy hoạch cán bộ từ cấp phó giám đốc sở như bây giờ?

Đã thảo luận nhiều về việc quy hoạch cán bộ của nước ta, trong đó có “quy hoạch cán bộ cấp chiến lược”. Nhưng không thể không thảo luận tiếp. Thảo luận để đi đến một thể thức khoa học trong lựa chọn cán bộ quản lý quốc gia, từ cấp thấp nhất cho đến cập cao nhất, vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc.

Hơn 100 cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật trong vài năm qua. Tất cả họ đều được bổ nhiệm “đúng quy trình” và đều thăng tiến qua con đường quy hoạch cán bộ. Họ chính là các phản ví dụ của quy hoạch cán bộ. Trước một thực tế như vậy, không thể không mổ xẻ nguyên nhân. Xin đưa ra những luận điểm dưới đây để cùng trao đổi.

I. CÁC THÀNH TỐ PHI BIỆN CHỨNG CỦA QUY HOẠCH CÁN BỘ

1. MÔ HÌNH QUY HOẠCH CÁN BỘ “LÀ ANH EM RUỘT” CỦA MÔ HÌNH KINH TẾ KẾ HOẠCH

Nền kinh tế kế hoach, hay là nền kinh tế kế hoạch tập trung hay là nền kinh tế quy hoạch hay là quy hoạch nền kinh tế là mô hình đã thất bại cay đắng ở Liên Xô và ở tất cả các nước XHCN.

Không chỉ thất bại, mà chính quy hoạch nền kinh tế đã là một trong những nguyên nhân chủ chốt dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Câu hỏi hiển nhiên là:

Từ sự thất bại của mô hình quy hoạch nền kinh tế liệu có đưa ra được kết luận gì cho mô hình quy hoạch cán bộ ?

Việt Nam đã từng bước từ bỏ quy hoạch nền kinh tế. Nhưng Việt Nam lại ngày một dấn sâu hơn vào quy hoạch hoá cán bộ. Đó là một nghịch lý.

2. NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH KHÔNG SINH RA TỪ QUY HOẠCH

Những thí dụ dễ thấy nhất là trong lĩnh vực thể thao. Ai cũng hiểu là không thể quy hoạch những nhà vô địch. Nếu quy hoạch được đội vô địch bóng đá thế giới thì World Cup không có ai xem. Nếu quy hoạch được các võ sĩ vô địch thế giới thì đã không có Muhammad Ali , Mike Tyson và hàng ngàn các nhà vô địch khác. Nếu quy hoạch được nhà vô địch thì V.League chẳng tổ chức làm gì.

3. TÀI NĂNG KHÔNG THỂ QUY HOẠCH

Không thể quy hoạch được nền kinh tế. Không thể quy hoạch được các nhà vô địch. Cũng như vậy, không thể quy hoạch được tài năng.

Những tài năng vĩ đại của nhân loại từ xa xưa cho đến hôm nay, dù đó là Archimedes, Thành Cát Tư Hãn, Mozart, Napoleon hay Einstein của thế giới, dù đó là Nguyễn Trãi hay Quang Trung của Việt Nam – thì tất cả không đạt đến đỉnh cao bằng con đường quy hoạch.

4. QUY HOẠCH CÁN BỘ LÀ DỰA TRÊN CHỦ QUAN CỦA SỐ ÍT ĐỂ QUYẾT ĐỊNH KHÁCH QUAN CỦA SỐ ĐÔNG

Tổng hợp lại cuối cùng, về mặt triết học, thì quy hoạch cán bộ là lấy chủ quan của số ít để quyết định khách quan của số đông. Hậu quả là đưa đến những sai lầm.

II. NHỮNG HẬU QỦA KHÔNG MONG MUỐN CỦA QUY HOẠCH CÁN BỘ

Ngoái nhìn lịch sử, thì trước năm 1975 không thấy có quy hoạch cán bộ. Vậy quy hoạch cán bộ và quy hoạch cán bộ cấp chiến lược có từ bao giờ? Vì “kết cấu” của quy hoạch cán bộ sai, nên đẻ ra những sản phẩm dị tật. Sau đây là một số hậu quả không mong muốn của quy hoạch cán bộ.

1. THÚC ĐẨY CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN

Có quy hoạch thì có chạy quy hoạch. Đó là quy luật.

Còn có quy hoạch cán bộ thì còn chạy chức chạy quyền. Quy hoạch cán bộ là nguồn đẻ ra chạy chức chạy quyền.Quy hoạch cán bộ thúc đẩy chạy chức chạy quyền. Cho nên chống chạy chức chạy quyền thì phải huỷ bỏ quy hoạch cán bộ. Chống chạy chức chạy quyền là chống ở nơi có quyền quy hoạch cán bộ.

2. THÚC ĐẨY THAM NHŨNG QUYỀN LỰC

Chạy chức chạy quyền là của đối tượng muốn chạy chức chạy quyền, còn kẻ có quyền thì dùng quyền của mình để tham nhũng. Tham nhũng tiền bạc của kẻ chạy chức quyền là một mặt. Tham nhũng quyền lực bằng cách bổ nhiệm con cháu vào chức quyền là mặt khác. Các trường hợp bổ nhiệm con cháu của lãnh đạo bị truyền thông nhắc tới là các thí dụ không chối cãi về tham nhũng quyền lực.

3. ĐỂ RA NHỮNG CÁN BỘ KHÚM NÚM XU NỊNH

Đã chạy chức chạy quyền không công khai thì đều là những kẻ khúm núm và xu nịnh. Không phải bàn cãi.

4. ĐẺ RA NHỮNG CÁN BỘ HỐNG HÁCH

Cũng không bàn cãi là những kẻ chạy chức chạy quyền khi có chức quyền thì hầu hết đều rất hống hách đối với cấp dưới.

5. ĐẺ RA NHỮNG CÁN BỘ THAM LAM

Vì phải chạy chức chạy quyền bằng khúm núm, xu nhịnh, và tiền bạc, nên khi đạt được chức quyền thì trở nên tham lam, tham lam đến vô độ, tham lam không biết giới hạn. Trường hợp ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ trong một lần bị phát hiện lên tới 3 triệu đô la là một minh chứng cụ thể. Còn những kẻ “ăn dày” như chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập thì nhiều vô kể.

6. ĐẺ RA NHỮNG CÁN BỘ TRÒN TRĨNH

Một dạng sản phẩm khác của quy trình quy hoạch cán bộ là những cán bộ “tròn trĩnh”. Đó là những người tránh va chạm. Khi lấy ý kiến họ có được phiếu tín nhiệm cao vì không va chạm. Nhưng họ không bao giờ là những người sắc sảo.

Lãnh đạo xuất chúng không bao giờ có phiếu tín nhiệm tuyệt đối hay gần tuyệt đối.

7. RÀO CẢN CHẶN TÀI NĂNG CỦA SỐ ĐÔNG

Quy trình quy hoạch cán bộ, với những khuyết tật như đã nêu trên, một cách vô tình đã bị lợi dụng để trở thành con đường “xếp hàng riêng” cho những kẻ chạy chức và tham quyền. Những người tài năng nhưng trung thực, khảng khái sẽ không bao giờ được xếp hàng quy hoạch. Mà xếp hàng quy hoạch từ cấp phường xã trở đi, không có cửa mở tự do, nên một cách vô tình đã chặn đứng cơ hội của số đông người tài trong dân chúng.

8. KHÔNG ĐÀO TẠO ĐƯỢC NHỮNG CÁN BỘ XUẤT CHÚNG

Từ những điểm nêu trên, dễ dàng thấy được quy trình quy hoạch cán bộ hiện hành không đào tạo được những cán bộ giỏi xuất chúng.

Các lãnh đạo của đảng trước năm 1975, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn… đều trưởng thành từ thực tiễn mà không qua quy hoạch cán bộ.

Từ khi có quy hoạch cán bộ, chưa nhìn thấy ai xuất sắc, mà chỉ thấy ngày càng nhiều cán bộ được quy hoạch nhưng kém phẩm chất, phải xử lý kỷ luật. Nếu ai đó nhìn thấy người được quy hoạch xuất sắc, xin hãy chỉ cho biết.

Không phải là sự khác nhau giữ thời kỳ hoạt động bí mật với thời bình, mà hãy nhìn thẳng vào “kết cấu” không khoa học của quy trình quy hoạch cán bộ. Nếu còn tiếp tục con đường quy hoạch cán bộ hiện hành, thì sản phẩm dị tật sẽ mỗi ngày một đông, mà việc bổ nhiệm con cái lãnh đạo là những minh chứng cụ thể.

Nắm quy hoạch cán bộ đến tận phường xã, một cách không mong muốn, là vẽ ra con đường chạy chức quyền đến tận phường xã; đồng thời, một cách vô tình, cũng dựng rào chặn tài năng dân chúng từ phường xã.

Còn níu giữ quyền quy hoạch cán bộ thì không thể chống tham nhũng triệt để, và sẽ không có lò nào đủ to để đốt hết tham nhũng. Vừa làm đất cho cỏ mọc, vừa nhổ cỏ - cũng không khác mấy với dã tràng. Phải có cách khác.

Chưa nhìn thấy ưu thế nào từ quy hoạch cán bộ - cả về lý thuyết lẫn dẫn chứng thực tiễn. Ngoại trừ những điều khuyết tật đã nêu trên và những ví dụ thực tế mà toàn xã hội đã tỏ tường.

Nguyen Ngoc Chu

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire