Trang

13/03/2021

Xung đột pháp lý và những khoảng trống sự kiện

LS Lê Văn Luân

Tại phiên toà phúc thẩm, tôi nói nhiều nhất tới ba vấn đề lớn có tính bao trùm, trước khi đi vào các vấn đề có tính cụ thể và cá nhân hoá sự kiện.

Cái đầu tiên là các nguyên tắc, trong đó nguyên tắc xét xử công bằng được nêu lên đầu tiên.

Nguyên tắc công bằng cả về mặt hành vi lẫn mặt tố tụng.


Về mặt tố tụng: những vấn đề vi phạm nghiêm trọng về chứng cứ dữ liệu điện tử; lời khai có dấu hiệu bị ép cung, các bị cáo bị “giáo dục” hay “thuyết phục” nhận tội (bằng cách nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật) bởi những người quản giáo hay giám thị trại tạm giam; việc kháng cáo, như trại tạm giam yêu cầu phải viết theo mẫu mà không có kháng cáo kêu oan, chỉ có kháng cáo giảm nhẹ - sự hạn chế và làm cản trở quyền kháng cáo của bị cáo, trong khi trước đó đã thuyết phục hay giáo dục bị can nhận tội từ giai đoạn điều tra và trong suốt 08 tháng giam giữ; không được tiếp cận hồ sơ vụ án để thực hiện quyền bào chữa đúng nghĩa - quyền bào chữa và quyền tự bào chữa là các quyền hoàn toàn độc lập và thực tế là quyền tự bào chữa luôn có tính liên tục trong mọi hoàn cảnh, trong khi luật sư chỉ tham gia trong một vài hoạt động có tính gián đoạn.

Về mặt hành vi: sự chuyển tội danh cho 19 bị cáo khác phải được áp dụng công bằng cho những bị cáo khác có hành vi tương tự như những bị cáo được hưởng các lợi thế đó.

Với mục đích và tính chính đáng của hành vi: phải và buộc phải trưng ra kế hoạch 419a, vì đó là một chứng cứ gốc mà không một ai có thể nhân danh hay đại diện để phỏng đoán nội dung bên trong nó. Hơn nữa, các chứng cứ phải đảm bảo một trong các thuộc tính cần có là có thật, trong khi trong suốt quá trình tố tụng bản kế hoạch này chỉ được nhắc đến mà không xuất hiện. Có nghĩa, cho đến phiên toà phúc thẩm, kế hoạch 419a là “không có thật” theo khía cạnh sự thật của chứng cứ. Do vậy, điểm xuất phát của vụ án nếu không tồn tại thì không thể xem xét tới hệ quả quan trọng nhất trong vụ án này - tính chính đáng của hành vi của các bị cáo, và từ đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn tội danh của các bị cáo về mặt cấu thành, tức sẽ được chuyển tội danh khác và ở mức độ khác.

Mục đích của hành vi của các bị cáo là bảo vệ ông Kình được củng cố qua các cơ sở:

- Có người báo ông Kình sẽ bị bắt trước khi xảy ra sự kiện vài ngày; và

- Ông Hiểu, ông Công và nhiều người khác đã bị đe doạ khi khiếu kiện đất đai, đã bị gây hấn và quấy rối, tấn công bằng nhiều cách thức gây hoảng sợ như ném mắm tôm, trứng thối vào nhà nhưng không được giải quyết khi báo tới chính quyền; và

- Vài ngày trước khi xảy ra sự kiện mà trước đó việc bắt ông Kình được thông báo, đã có nhiều người lạ mặt xuất hiện tại Đồng Tâm; và

- Số lựu đạn, sau khi được thống kê và đối chiếu, thẩm vấn công khai tại toà, thừa ra 1 quả mà nó được đánh giá là trên tay ông Kình - từ đây có thể nghi ngờ về kế hoạch bố ráp Đồng Tâm để tiếp cận ông Kình là có cơ sở thực tế; cộng thêm việc cả khu đó bị cắt điện, mạng khi xảy ra việc khoanh vây Đồng Tâm.

Do các lời khai của các bị cáo, dưới dạng dữ liệu điện tử đã bị chỉnh sửa và sai về mặt thời điểm xác lập, lại bị tố rằng có sự ép cung, lại bị sự “giáo dục” từ trại tạm giam, nên càng không thể xem là chứng cứ và thực tế là dấu hiệu cho thấy vụ án đã bị gây ảnh hưởng và làm cho các sự kiện trở nên mất đi tính khách quan. Vì tại phiên toà không ai là người chứng kiến sự thật nên phải đi tìm sự thật thông qua các chứng cứ, mà điều đó chỉ có thể được đánh giá và sử dụng khi chúng “hợp pháp”, nguyên tắc hiến định quan trọng nhất trong tố tụng hình sự. Và vì thế nó là căn cứ để cho làm phát sinh toàn bộ các chế định như huỷ án, trả hồ sơ điều tra lại hoặc lật lại vụ án...

Do đó, đứng trước các nỗi đau đớn lớn đang hiện hữu, phiên toà phúc thẩm phải là nơi sửa chữa và khắc phục các sai lầm chứ không phải là tiếp tục xem nhẹ hay bỏ qua nó.

Về bối cảnh tổng thể: không có kế hoạch và sự thống nhất nào trước giữa các bị cáo; các hành vi tuyên bố tiêu diệt lực lượng chức năng trên một đoạn phát trực tiếp, trong một hoàn cảnh lịch sử khác, chỉ cấu thành về tội “Chống người thi hành công vụ”;

Sự kiện xảy ra tại giếng trời là một sự kiện độc lập và phát sinh theo thực tế có tính thời điểm mà không nằm trong bất cứ mục đích nào của những người có mặt rạng sáng 9/1/2020. Các bị cáo ở trong thế bị bao vây và hoàn toàn bất lợi; những vũ khí chuẩn bị là thô sơ và không phải vũ khí quân dụng; sự việc căng thẳng kéo dài xuất phát từ khiếu kiện đất đai (có tham nhũng); không người nào có ý định giết một con người nào cụ thể vì đã từng xảy ra sự kiện tháng 4/2017.

Về tình tiết tại cái giếng trời, nơi ba cảnh sát tử vọng, có hai vấn đề quan trọng làm cho khoảng trống giữa các sự kiện mà làm cho sự thật khách quan không thể xác định được.

Kết luận điều tra và cáo trạng kết luận mâu thuẫn với chính lời luận tội của kiểm sát viên tại phiên toà về tình tiết chiếc chậu xăng đỏ bị đổ xuống hố, bởi Doanh. Bản án sơ thẩm tiếp tục làm cho tình tiết này trở nên phức tạp và thay đổi khi kết luận cả hai bị cáo gồm Doanh và Chức đổ xăng xuống hố. Trong khi Doanh khai bị ngã khi châm xăng vào chậu, mà bản thân Doanh lúc này đang đứng ở chiếc thang. Chức khai chỉ đổ 2-3 nắp can xăng (can loại 20 lit, nên nắp chỉ có đường kính 6cm và sâu 3cm). Do đó, không thể xác định được thực sự chiếc chậu bị ai hất xuống hố hay do một tác nhân khác tạo nên. Chiếc chậu đỏ được giám định lại không có chất xăng, trong khi, nếu KLĐT và Cáo Trạng chi rằng Doanh dùng chân (hoặc gậy) đẩy chậu xuống hố thì chiếc chậu này đã cháy thành tro mà không thể còn thu được trên hiện trường. Mặt khác, hai cảnh sát có mặt tại hiện trường lại khai các chiến sỹ nhảy qua hố và trượt chân ngã xuống.

Bên cạnh đó, không xác định được số xăng được đổ xuống hố là bao nhiêu - qua lời khai của các bị cáo là khoảng 0.6 - 0.7 lít, làm sao đủ nhiệt lượng để cháy than hoá hoàn toàn ba chiến sỹ tới mức mất đi rất nhiều bộ phận trên thân thể, trong khi để trả lời được điều này thì phải triệu tập các giám định viên, điều mà tôi đã có văn bản đề nghị trước khi diễn ra phiên xử phúc thẩm (cũng như từ cấp sơ thẩm) nhiều ngày. Bản kết luận giám định pháp y kết luận hai nguyên nhân tử vong là do khí CO, CO2 và cháy than hoá. Như vậy, khi không xác định tử vong do yếu tố nào (không định lượng và không thống kê được chất gây cháy và không xác định được tác nhân gây cháy), mâu thuẫn về các sự kiện quan trọng tại chiếc hố nơi xảy ra sự tử vong, rõ ràng cần thiết phải triệu tập những người tham gia tố tụng mà chúng tôi đã yêu cầu để làm rõ.

Với Công, Chức và Tiến, với mỗi người tôi đều đi vào cụ thể từng vấn đề đối với họ để bào chữa trong tổng thể bối cảnh vừa được phân tích chung làm cơ sở diễn giải.

Như vậy, với hàng loạt các vấn đề cơ bản và quan trọng có tính quyết định đến bản chất hành vi của các bị cáo, có thể làm thay đổi hoàn toàn tội danh cũng như mức độ của hành động xét trong tình hình mà nó ở vào.

Do đó, cần thiết phải huỷ án sơ thẩm để điều tra lại, hoặc nếu hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tuyên án, mặc dù các khoảng trống pháp lý và sự kiện đã khá rõ ràng, có thể chuyển tội danh cho các bị cáo gồm Công và Tiến sang tội Chống người thi hành công vụ.

 

L.V.L.

Nguồn: FB Luan Le

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire