Trang

11/04/2021

Bắt bớ vô cớ sẽ gia tăng qua trường hợp Nguyễn Thúy Hạnh

Diễm Thi

Bà Nguyễn Thúy Hạnh

Theo ghi nhận của RFA, từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ nhiều người từ Bắc tới Nam có liên quan đến các hoạt động bị cho là vi phạm các điều khoản an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự 2015. Trong số những người bị bắt có ông Trần Hữu Đức, ông Ngô Công Trứ, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, ông Lê Anh Dũng, ông Trần Quốc Khánh, bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, ông Lê Trọng Hùng, ông Nguyễn Hoài Nam, bà Nguyễn Thuý Hạnh.


Đa số những người mới bị bắt đều bị cáo buộc vi phạm Điều 109 với tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Điều 331 với tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; Điều 117 với tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam về tội danh ‘trốn thuế’ vào năm 2013, bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger vào sáng ngày chín tháng tư năm 2021: 

“Tôi rất buồn nhưng không bất ngờ. Tôi cho rằng "Độc tài ngày càng độc tài - Toàn trị ngày càng toàn trị". Tôi sợ rằng sẽ còn thêm nhiều vụ bắt bớ nữa.

Rất dễ cáo buộc vào tội này vì nội hàm của nó đã được mở rộng hơn so với điều 88 BLHS cũ. Người nào làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.  Nói chung nó là một lưới "dã cào" quét, vét được hết mọi loại hành vi mà Đảng coi là chống Nhà nước, mà thực chất là chống hoặc không tuân thủ quan điểm của Đảng Cộng sản.” 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là trường hợp mới nhất bị bắt hôm bảy tháng tư năm 2021 với lý do được đưa ra là vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015. Bà là người sáng lập quỹ 50K nhằm kêu gọi sự giúp đỡ cho gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Thì họ dựng lên chứ Hạnh có làm gì mà bị phạm vào Điều 117. Họ nói với anh là họ có tịch thu một số sách và tài liệu Hạnh viết. Tức là để hắn ghép Hạnh vô tội ‘làm và tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin…’ đấy. - Ông Huỳnh Ngọc Chênh

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, người nhận thông báo từ Công an Hà Nội về việc bắt bà Hạnh để tạm giam, chia sẻ với RFA cảm nghĩ của ông một ngày sau đó:

“Thì họ dựng lên chứ Hạnh có làm gì mà bị phạm vào Điều 117. Họ nói với anh là họ có tịch thu một số sách và tài liệu Hạnh viết. Tức là để hắn ghép Hạnh vô tội ‘làm và tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin…’ đấy. Nhưng thật ra sách là vài cuốn sách chính trị người ta in ra tặng anh còn sót lại vài cuốn. Còn tài liệu viết tay thì Hạnh có viết cái gì đâu. Hạnh chưa bao giờ đọc những sách chính trị mà viết thì chỉ viết theo cảm xúc. Hạnh không quan tâm chuyện chính trị mà Hạnh chỉ thương người và yêu nước mà thôi.”

Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, việc bà Hạnh làm từ thiện cứu giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm, bị chính quyền coi là hành vi nguy hiểm cho chế độ. Nhưng khởi tố bà Hạnh về tội danh làm từ thiện thì không ổn nên họ đành phải mượn cớ khác.

Những người bị bắt giam trong năm 2021 với cáo buộc vi phạm các điều về an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự 2015

Nhiều nhà quan sát cho rằng, từ nhiều năm qua, Chính quyền Hà Nội dường như vẫn sử dụng các nhà bất đồng chính kiến trong cuộc mặc cả với quốc tế về nhân quyền. Khi bắt ai đó thì họ nhắm đến các đối tượng mà họ có thể đưa ra đàm phán hay mặc cả trong cuộc đối thoại về nhân quyền với Mỹ, Liên minh châu Âu hay là Úc và trong cuộc mặc cả về các vấn đề như là thương mại tự do hay các vấn đề khác.

Báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2020 của Dự án 88 vừa qua nhận định, năm 2020 là một năm đầy khó khăn cho các tù nhân chính trị và các nhà hoạt động tại Việt Nam. Ngoài đại dịch COVID-19 dẫn đến việc chính quyền tăng cường giám sát công dân chặt chẽ hơn qua nhiều hình thức, cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden được cho là đề cao các giá trị tự do dân chủ như là nền tảng để thiết lập quan hệ đồng minh trong cuộc chiến ý thức hệ chống độc tài toàn trị.

Trong thông cáo báo chí phổ biến vào ngày 24 tháng hai năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố vấn đề nhân quyền được đặt là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Hoa Kỳ cam kết hướng tới một thế giới trong đó nhân quyền được bảo vệ, những người bảo vệ nhân quyền được tôn vinh và những ai vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn nhấn mạnh rằng, thúc đẩy tôn trọng nhân quyền không phải là việc làm đơn phương của nước Mỹ, mà cần được thực hiện một cách tốt nhất cùng với các quốc gia đồng minh, đối tác trên toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại hợp nhất với các giá trị dân chủ và chú trọng đến bảo vệ dân chủ và nhân quyền.

Một Facebooker quan tâm đến tình hình chính trị trong và ngoài nước, yêu cầu ẩn danh, nhận định về việc bắt bớ những năm qua, đặc biệt trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh:

“Theo thiển ý của tôi thì chuyện này thật ra không đáng lo lắm, bởi khi Hoa Kỳ có chính quyền mới thì các áp lực về nhân quyền bắt đầu dồn dập trở lại đối với Chính quyền Việt Nam. Do đó, theo tôi, phía Việt Nam đã ra tay trước bằng cách tìm bắt một số người có tiếng tăm để chuẩn bị như một điều kiện để điều đình với Hoa Kỳ.

Khi Chính quyền Hoa Kỳ gây áp lực với Chính quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền thì họ sẽ nhượng bộ. Họ sẽ thả những người này ra.

Không phải tôi coi thường những chuyện bắt bớ như vậy, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một chiêu trò chính trị của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà thôi. Chủ ý của họ là dấy động dư luận để có sự quan tâm với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.” 

Không phải tôi coi thường những chuyện bắt bớ như vậy, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một chiêu trò chính trị của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà thôi. Chủ ý của họ là dấy động dư luận để có sự quan tâm với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. - facebooker

Theo báo cáo nhân quyền mới công bố hôm sáu tháng tư của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, tính đến cuối năm 2020 đã có ít nhất 173 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù và các trại tạm giam ở Việt Nam. Đây là con số cao nhất kể từ khi Ân Xá Quốc Tế bắt đầu thực hiện các báo cáo tương tự vào năm 1996.

Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ suy nghĩ của mình trên Facebook cá nhân về việc những người bất đồng chính kiến bị bắt giữ thời gian qua. RFA đã được phép sử dụng đoạn trích sau:

“Ngoài xã hội, những người bất đồng chính kiến bị bắt giữ, xử lý ngày một nhiều hơn và không có sự phân biệt bất kỳ thành phần, độ tuổi nào. Có vẻ như người lớn tuổi không phải là đối tượng được “nương nhẹ” khi mà thời gian vừa qua, số người bị bắt đang bị “già hoá”. Không có sự giải thích, không có lời đối thoại nào với những người có suy nghĩ khác biệt, chỉ có những cuộc bắt bớ, xử lý, tù tội mà thôi. Có vẻ như người ta đang mất kiến nhẫn với những tiếng nói trung thực nhưng khó nghe. Từ việc một số người bị bắt bớ khiến cho những người xung quanh lo sợ và không mấy ai còn mặn mà với những chuyện bao đồng nữa... 

Luật sư Ngô Anh Tuấn bày tỏ sự lo lắng cho thế hệ hiện tại và kế tiếp khi mà rất rất nhiều người đã mất đi khả năng phản biện, phản kháng phi bạo lực mà chỉ thụ động tiếp nhận thông tin một chiều. 

Tình hình nhân quyền Việt Nam luôn bị quốc tế chỉ trích nhưng phía Chính quyền Hà Nội mạnh miệng phản bác và cho rằng các cáo buộc vi phạm nhân quyền là vô căn cứ. Trong khi đó, những người trong cuộc và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam dùng những điều luật mơ hồ để bịt miệng những tiếng nói đối lập, những người công khai lên tiếng vì dân chủ- nhân quyền, vì lợi ích của dân tộc…

2021-04-09

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/abitrary-arrest-will-be-more-n-more-via-the-case-of-nguyen-thuy-hanh-04092021130926.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire