Trang

26/04/2021

“ÔNG BIẾT ĐẾCH GÌ VỀ QUỸ. CHỮ KÝ THỦ TƯỚNG CHƯA RÁO MỰC ÔNG ĐÃ BẢO SAI VÀ ĐÒI SỬA. DẸP!”

 Nguyễn Đức Thắng


Đó là về Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam, là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được thành lập theo quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Đó cũng là một kỷ niệm khó quên của tôi. Cận ngày cuối tháng 6/2002, TS. Lê Minh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách mảng Tài nguyên và Môi trường, sếp trực tiếp  của tôi đã mắng tôi như vậy.


Tôi và sếp ngang nhau về tuổi tác và học vị. Tôi coi sếp là một cây đa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì sếp sau tốt nghiệp ra trường về công tác ngay tại cơ quan siêu Bộ này. Còn tôi lang thang với 22 năm vất vưởng tại hai viện nghiên cứu khoa học lớn nhất của đất nước (Viện Kỹ thuật quân sự thuộc Bộ Quốc phòng và Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Gần 50 tuổi tôi xin được chuyển công tác về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Tôi được phân về Vụ Khoa học – Giáo dục – Tài nguyên và Môi trường với chức danh là chuyên viên chính. Biên chế toàn Vụ khi đó khoảng 21 – 23 người. Thật là oai, thật là oách vì tôi được công tác tại vụ tổng hợp kế hoạch đầu tư phát triển của cả đất nước đối với 3 lĩnh đều là quốc sách hàng đầu của đất nước (được ấn định trong Hiến pháp). Hầu hết các Bộ, ngành và các tỉnh đều có nhu cầu kế hoạch đầu tư phát triển cho cả ba lĩnh vực này. Lúc đó tôi là chuyên viên duy nhất của Vụ được giao giúp việc đồng thời (song song) cho TS. Đỗ Văn Giáp, Phó Vụ trưởng phụ trách mảng Khoa học và Công nghệ và TS Lê Minh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách mảng Tài nguyên và Môi trường. Chính vì vậy  nên tôi được phân công theo dõi trực tiếp Bộ  Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mọi văn bản (cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư v.v..) của hai Bộ này tôi phải lưu giữ, nghiên cứu và dự thảo ý kiến trả lời khi cần (loại trừ văn bản liên quan đến Giáo dục). Các lãnh đạo Vụ không lưu giữ văn bản. Chuyên viên có nhiệm vụ ký nhận và lưu giữ công văn, tài liệu; nếu đánh mất phải chịu trách nhiệm. Vụ trưởng khi đó là chị Phan Thu Hương (sinh viên ở Rumani, tiến sĩ ở Liên Xô) rất ít khi đi họp, làm việc với các Bộ, ngành; hầu hết đều giao cho ba anh Vụ phó đi.

Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đề xuất. Bộ đã thành lập một nhóm chuyên gia để soạn thảo ra cơ chế, chính sách, bộ máy tổ chức, những qui định pháp lý để quỹ hoạt động và phát triển. Đương nhiên trong nhóm soạn thảo phải có một đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một đại diện của Bộ Tài chính, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì theo dự thảo, một lãnh đạo cấp Vụ của từng ba cơ quan này sẽ là thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ. Chủ tịch Hội đồng sẽ là một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi đó là ông Phạm Khôi Nguyên. Sếp của tôi, TS. Lê Minh Đức là thành viên của nhóm soạn thảo này. Sau nhiều tháng họ làm việc với nhau, hội nghị, hội thảo khoa học lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện, cuối cùng đi đến thống nhất (nhất trí 100%). Bộ Tài nguyên và Môi trường trình văn bản thành lập Quỹ lên Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt. Nơi nhận văn bản trình này tất nhiên phải có các Bộ liên quan nói trên. Sếp Đức sau đó đã giao tôi lưu giữ văn bản này.

Một ngày vào cuối tháng 6/2002 sếp Đức vào phòng tôi, giao cho tôi tài liệu và nói “Đây là văn bản chính thức về Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” (quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ)

Tôi tiếp nhận và tranh thủ đọc, nghiên cứu văn bản chính thức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tôi thấy có một số nội dung như dưới đây:

Mục tiêu của Quỹ là hình thành nên một lượng vốn cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vay ưu đãi, hỗ trợ, tài trợ đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường.  

Điều nói về các nguồn vốn hình thành nên Quỹ:

  • Vốn điều lệ của Quỹ là 200 tỷ đồng do NSNN cấp ngay sau khi ký ban hành quyết định thành lập.
  • Những nguồn thu và huy động khác, ví dụ từ thuế, phí và lệ phí liên quan đến tài nguyên, môi trường; từ các khoản tài trợ trong và ngoài nước, từ các khoản Quỹ được vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế (tất nhiên phải có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam) sau đó về cho vay lại.

 Điều qui định về trách nhiệm của Quỹ trong việc bảo toàn vốn làm tôi hết sức ngạc nhiên. Vì đọc mãi, đọc hết văn bản chỉ thấy có qui định là “Quỹ có trách nhiệm bảo toàn vốn điều lệ”. Tôi tự hỏi tại sao lại chỉ bảo toàn vốn điều lệ, tức 200 tỷ đồng? Tại sao các loại vốn huy động khác lại không cần bảo toàn? Những khoản thu từ thuế, phí, lệ phí tài nguyên và môi trường hàng năm trên cả đất nước sẽ là rất lớn. Chỉ cần trích vài phần trăm số thu đó cấp cho Quỹ có thể lên đến vài nghìn tỷ đồng. Chưa kể những khoản Quỹ được vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế nếu có. Nếu không bảo toàn những nguồn vốn này chúng sẽ hao mòn, bay hơi thông qua các hoạt động tài trợ cho không, cho vay dễ dãi, không thể thu hồi vốn, mất trắng. Nếu không bảo toàn những nguồn vốn này, điều gì sẽ xẩy ra khi nhiều doanh nghiệp có ý thức đầu tư bảo vệ môi trường tìm đến Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam để vay. Khi đó Quỹ đành treo biển thông báo “Hết vốn, mong quý doanh nghiệp thông cảm!”. Tiếng Anh có câu “revolving fund” (quỹ quay vòng) thể hiện bản chất bảo toàn vốn để quỹ phát triển trường tồn, không bị phá sản.

Chẳng cần phải ngồi giảng đường hay có bằng cấp về đại học tài chính, ngân hàng, những nhà văn, nhà thơ, người lái xe ôm đọc đến đây cũng thấy lạ và ngộ. Thủ tướng Chính phủ lại ký một văn bản ngộ như vậy sao? Sự nghiệp bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải, khói bụi sẽ đi đâu và về đâu? Vì Quỹ chỉ có trách nhiệm bảo toàn vốn điều lệ mà thôi.

Tôi vội lấy ngay văn bản cuối cùng mà các Bộ liên quan đã thống nhất để Bộ Tài Nguyên và Môi trường trình lên Thủ tướng ra đọc và so sánh với văn bản Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hóa ra văn bản trình lên ghi rất rõ “Quỹ có trách nhiệm bảo toàn vốn”. Tuy nhiên, tại văn bản Thủ tướng chính thức phê duyệt “Quỹ có trách nhiệm bảo toàn vốn ĐIỀU LỆ”.  2 từ điều lệ, cái “đuôi” này đã được ai đó gắn thêm vào. Điều này đối với Hội đồng quản lý Quỹ và Ban quản lý vận hành Quỹ sẽ là hết ý; sẽ rất nhàn hạ và quyền uy khi ban phát.

Hoạt động của các ngân hàng thương mại ngày xưa và ngày nay vẫn vậy. Các doanh nghiệp hay hộ gia đình cần vay vốn với lãi suất thương mại (lãi suất thị trường) cũng không phải dễ. Ngoại trừ các doanh nghiệp lớn, có y tín còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vay về kể lại vẫn cần phải chấp nhận bôi trơn khoảng 1 – 2% mới được vay.

Tôi mang ngay 2 văn bản, một do các Bộ, ngành thống nhất trình lên và văn bản Thủ tướng vừa ký ban hành, sang báo cáo với sếp Đức, để sếp trực tiếp nhìn thấy sự khác biệt tại văn bản. Tôi giải thích thêm với sếp là nếu chỉ bảo toàn vốn điều lệ, tức là chỉ bảo toàn 200 tỷ đồng còn những nguồn thu, nguồn huy động khác sẽ rất nhiều mới đủ đáp ứng được nhu cầu vay đầu tư hỗ trợ cho môi trường trên phạm vi cả nước; nếu không cần bảo toàn thì vốn sẽ bị cụt dần và cạn kiệt, không có lợi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.  Sếp đã mắng tôi “Ông biết đếch gì về quỹ. Chữ ký Thủ tướng chưa ráo mực, ông đã bảo sai và đòi sửa. Dẹp!”. Tôi biết là sếp cáu. Tôi im lặng, không nói nữa và rút lui ra khỏi phòng sếp.

Sáng hôm sau, tôi cầm đầy đủ hồ sơ, tài liệu báo cáo trực tiếp Vụ trưởng. Vụ trưởng nghe xong đồng ý luôn và bảo tôi báo cáo trực tiếp Thứ trưởng Phan Quang Trung, phụ trách toàn bộ các mảng khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, tài nguyên, môi trường, lao động, văn hóa, xã hội, thông tin truyền thông, thể thao, du lịch v.v.. Tôi xuống ngay tầng 2 báo cáo với Thứ trưởng ngắn gọn, tương tự như đã báo cáo với Vụ trưởng. Thứ trưởng dễ dàng hiểu ra ngay vấn đề “nhạy cảm” này và chỉ đạo tôi  dự thảo ngay công văn gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ. Sáng đó tôi đã gặp may. Chỉ trong vòng có 10 phút gặp được cả hai lãnh đạo lớn và đều được sự ủng hộ.

Buổi chiều tôi xuống gặp Thứ trưởng trình bản dự thảo công văn. Sếp trực tiếp sửa bút đỏ từng câu, từng chữ. Sau đó đưa tôi về đánh máy lại, in bản sạch mang lên để sếp đọc lại và ký. Tuy nhiên sếp chưa ký và dặn tôi mang toàn bộ hồ sơ và cả văn bản mà sếp sẽ ký, lên Văn phòng Chính phủ, gặp các anh …. trợ lý của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (đến nay tôi không còn nhớ tên của hai anh ấy nữa), báo cáo có vấn đề như vậy, xem 2 từ điều lệ được đưa vào ở đâu, khâu nào, đoạn từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường lên Văn phòng Chính phủ. Theo lệnh của Thứ trưởng, lần đầu tiên trong đời tôi được vinh dự vào trong cơ quan Văn phòng Chính phủ. Tôi đã được vào đúng phòng và gặp đúng hai anh trợ lý mà Thứ trưởng Trung đã dặn tôi để báo cáo. Tôi đưa dự thảo công văn mà anh Trung sẽ ký cho các anh ấy đọc (tất nhiên, dự thảo công văn phải viết theo văn phong công văn Nhà nước, chỉ nói là Bộ KH&ĐT đã phát hiện thấy thiếu sót như vậy và thấy rằng Quỹ cần được bảo toàn vốn nói chung thì Quỹ mới phát triển được, liên tục có đủ nguồn vốn để đáp ứng các nhu cầu vay của nhiều doanh nghiệp đầu tư bảo vệ môi trường). Hai anh sau lướt qua các tài liệu và nói với tôi là ghi nhận điều này, sẽ cho xác minh xem 2 từ “điều lệ” được thêm vào ở khâu nào.

Tôi ra về và báo cáo ngay Thứ trưởng. Anh Trung ký luôn vào công văn và nói “Mình biết mà không báo cáo Thủ tướng là mình có lỗi, còn xử lý ra sao tùy ở cấp trên quyết định, anh em mình đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Có lẽ đây cũng là trường hợp hiếm có tại Bộ KH&ĐT. Ở các Bộ, ngành khác, không biết có trường hợp nào mà lãnh đạo Bộ trước khi ký công văn đã sai cán bộ của mình làm việc tương tự như tôi? Công văn mà Thứ trưởng Trung đã ký là gửi Thủ tướng Chính phủ. Ở cuối công văn góc trái là nơi nhận: tôi có ghi VPCP, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Những hồ sơ và văn bản này chắc chắn phải có lưu tại bộ phận lưu trữ của các Bộ liên quan.

 

Xin mời bạn đọc thêm bài “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh là phản khoa học và rất có hại cho đất nước

 

Trân trọng cám ơn

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 17/4/2021.

http://nguyenducthang.vn/chi-tiet-tin/chu-ky-thu-tuong-chua-rao-muc-ong-da-bao-sai-va-doi-sua-308.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire