Trang

14/05/2021

Thiên hạ luận: Chuyện lùm xùm

Võ Xuân Sơn

Có! Hà nội 100%

(VNTB) - Ngoại trừ việc bầu bán trong hệ thống chính trị của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta ra, thì trên đời này không có gì là 100% cả.

Dân ta, rất nhiều người có thói quen thần thánh hóa những người nổi tiếng, người giàu có. Họ cho rằng những người nổi tiếng, hay thành đạt trong kinh doanh, thành đạt trong thăng tiến, đều là những người giỏi, người tốt. Họ kỳ vọng, hay nói cho đúng hơn, là họ mặc nhiên, rằng những người này đều có tầm mức văn hóa cao, có đạo đức tốt...


Trong khi đó thì một số ít khác lại căm ghét những kẻ được coi là thành đạt. Họ cho rằng bất cứ ai giàu có đều là do lươn lẹo, đểu giả, hoặc bóc lột, hoặc cấu kết với bọn quan chức tham nhũng. Họ cho rằng những người giàu có, hay lên chức nhanh, đều là những kẻ có đạo đức kém.

Nắm bắt được điều này, một số kẻ khác khai thác các phát biểu, hoặc một số biểu hiện văn hóa kém của lớp nhà giàu, hoặc các biểu hiện nhận thức kém, trình độ thấp, trí thông minh hạn chế của lớp quan chức, để câu view, câu like, từ đó làm lợi cho bản thân họ.

Thiên hạ xúm nhau vào bàn tán về những câu chuyện bất tận. Chị “cuồn cuộn” biến thành một Chí Phèo. Anh nghệ sĩ trở thành kẻ buôn thần bán thánh với giá cắt cổ. Lại có lời bàn về cả một anh “shark” nào đó, chỉ vì sắc đẹp của doanh chủ mà anh ta bỏ tiền ra mua cổ phần...

Thực ra thì thành đạt trong kinh doanh không thể đồng nghĩa với việc có một nền tảng văn hóa tốt. Cũng như các quan chức, ghế cao không đồng nghĩa với sự hiểu biết sâu rộng, trình độ chuyên môn cao, trí thông minh tốt... Nhiều khi, kinh doanh thành đạt chỉ nhờ sự câu móc, mua bán chính sách, khả năng ra tay tàn độc, bóc lột nhân công một cách không nương tay, lừa đảo đối tác...

Tương tự vậy, việc lên chức nhiều khi chỉ do tài luồn lọt, khả năng nhậu nhẹt, tạo mối quan hệ, khả năng xu nịnh, hầu hạ cấp trên, khả năng tạo vây cánh cho đồng bọn, hoặc đơn giản chỉ là ngu ngu, biết vâng lời, dễ sai bảo...

Tất nhiên, ngoại trừ việc bầu bán trong hệ thống chính trị của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta ra, thì trên đời này không có gì là 100% cả.

Ở đâu cũng có người tốt, ở đâu cũng có kẻ xấu. Giới nào cũng có người có nền tảng văn hóa cao, kể cả những người ít được học hành, những người không được cho là trí thức. Giới nào, trí thức hay bình dân, nghệ sĩ hay quan chức, bác sĩ hay doanh nhân... cũng luôn có lắm kẻ có tầm mức văn hóa rất “lùn”.

Vấn đề còn lại nằm ở chỗ, người có nền tảng văn hóa tốt, thì luôn thể hiện các vấn đề ở tầm mức văn hóa cao. Còn người có nền tảng văn hóa “lùn”, thì dù có cố đến mấy thì rồi cũng có lúc “lòi đuôi”. Thế cho nên, cái chị “cuồn cuộn”, dù có bao nhiêu tiền đi chăng nữa, dù có tung ra bao nhiêu tiền để mua danh tiếng, thì nền tảng văn hóa vẫn cứ là như vậy.

Còn giới “sâu bít” cũng không thiếu người “thơm”, và lắm kẻ “thối”. Đó là chuyện thường ngày, có gì đâu mà lạ lùng. Còn khi họ dùng sự nổi tiếng để kinh doanh, thì chuyện họ “chém” những kẻ lắm tiền mà kém hiểu biết, hay mông muội... là chuyện giữa họ với nhau. Thuận mua vừa bán.

Tuy nhiên, có sự khác biệt một chút khi các “shark”, hay bất cứ kẻ lắm tiền nhiều của nào, tung tiền ra. Chuyện họ thể hiện nền tảng văn hóa gì, cao hay thấp, lịch sự hay khiếm nhã, thì điều đó phù hợp với văn hóa của họ, trình độ giao tiếp của họ, không liên quan đến cách ứng xử với tiền của họ. Với tiền thì họ là những người giỏi, rất giỏi. Tôi chắc chắn, về mặt này, họ hơn hẳn chúng ta, ít nhất là một cái đầu.

Có một điều khá chắc chắn, là họ rất ít khi lầm khi bỏ tiền ra. Họ bỏ tiền ra là để mua. Có những cái họ mua, mà chúng ta, những kẻ kiếm bạc cắc, không thể hiểu nổi. Thế nên, đừng có mà hí hửng khi thấy họ bỏ tiền ra, và nhất là đừng hí hửng tưởng rằng, điều đó có lợi cho chúng ta.

Vậy thôi, có gì mà phải ồn ào.

Ngun : VNTB

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire