Trang

12/05/2021

Tiếng rao ‘ba giờ rồi’…


Hiền Vương

(VNTB) - Người đàn bà tật nguyền ngồi góc ngã tư Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng, Sài Gòn, cất tiếng rao như lời thảng thốt với tất cả vẻ mặt cuống quýt: ba giờ rồi…

 

Người đàn bà ấy bán vé số. ‘Ba giờ’ là mốc thời gian mà trước đây người bán vé số dạo được quyền trả lại vé chưa bán hết trước giờ xổ số 16g30.


Có người viện dẫn luật ra để nói rằng “ba giờ” là giới hạn cuối, không ‘trả’ thì ‘ráng chịu’, than vãn cái gì?. Không sai. Thông tư số 75/2013/TT-BTC ngày 4-6-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số, thời gian thu hồi vé xổ số  truyền thống không tiêu thụ hết bắt đầu từ lúc 15 giờ và kết thúc lúc 16 giờ vào các ngày xổ số.

 

Thế nhưng…, người đàn bà kể, trước đây, đại lý giao vé số cho bà với giá 8.900 đồng/tờ để bán ra giá cố định 10.000 đồng/ tờ, như vậy bà được tiền lời là 1.100 đồng/ tờ.

 

Nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, đại lý nâng giá thành 8.950 đồng/ tờ, nên bà chỉ còn hưởng 1.050 đồng/ tờ; còn nếu chọn số đẹp, tức các dãy số dễ bán, thì tiền lời dao động ở mức từ 900 đồng đến 1.000 đồng. Và đại lý thường từ chối nhận lại ‘vé ế’ lúc 15g nên người bán dạo đành ‘ôm’ và ráng mời khách qua đường…

 

Một đồng nghiệp của bà, góp chuyện: “Bán vé số dạo đã hơn 30 năm, không lúc nào tui thấy trăn trở nhất như lúc này. Ngày trước ổ bánh mì chỉ có 5.000 đồng, mà hoa hồng bán vé số của tụi tui là 1.200 đồng/ tờ. Nay ổ bánh mì đã lên 15.000 - 20.000 đồng, phòng trọ tui ở từ 500.000 đồng/ tháng đã lên giá 1 triệu đồng/ tháng, cái gì cũng lên giá gấp đôi - gấp ba, vậy mà hoa hồng vé số rớt xuống chỉ còn 900 - 1.150 đồng/ tờ, khiến những người bán vé số dạo tụi tui thêm điêu đứng, lâm vô cảnh khó sống”.

 

Theo bà, để bán được 200 tờ vé số/ ngày, 6 giờ rưỡi bà đã ra khỏi nhà và đi miết tới 15 - 16 giờ, sau đó tiếp tục bán xuyên đêm tới 2 - 3 giờ hôm sau mới về… Đó là đối với người lành lặn, còn tật nguyền chỉ có thể ngồi một chỗ như người đàn bà ở góc đường kể trên thì… “ba giờ rồi” là tiếng rao đầy cung bậc thảng thốt cho phận người đang cố níu kéo sự sống còn nơi phố thị Sài Gòn.

 

Với cơ chế phát hành vé số như hiện nay, dù nằm trong chuỗi kinh doanh ngàn tỷ, nhưng người bán vé số chỉ hưởng hoa hồng trên mỗi tờ vé số bán được. Cái “kiếp sống qua ngày”, “tay làm hàm nhai”, “nghỉ bán là đói” mãi đeo bám họ. Họ không thể nào mơ có của để dành.

 

Người ta đã nhắc nhớ rất nhiều về sắc thái tiếng rao ở Sài Gòn, và không ai đếm được mỗi ngày Sài Gòn có bao nhiêu tiếng rao từ những gánh hàng rong, những phận người mưu sinh trên hè phố. Những tiếng rao chợt buồn, chợt vui, chợt mênh mông khắc khoải.

 

Ở bất kỳ vỉa hè, góc chợ nào của Sài Gòn người ta cũng có thể bắt gặp những tiếng rao với biết bao trăn trở về cơm áo gạo tiền nơi đất khách quê người.

 

Khi mô tả vào thơ-văn-nhạc-họa, người ta thấy thật đẹp hình ảnh của tiếng rao ở những người cha, người mẹ tần tảo vẫn vang lên giữa phố thị dẫu có bao nhiêu khó nhọc, gian truân. Họ cũng như Sài Gòn, mang vỏ bọc náo nhiệt nhưng sâu bên trong luôn chất chứa tâm tư và lo lắng cho những đứa con của mình.

 

Thú thiệt với riêng tôi, tôi vẫn ám ảnh tiếng rao “ba giờ rồi…, ba giờ rồi…” đứt đoạn với chỉ nhiêu đó từ được lặp đi, lặp lại ở người đàn bà tật nguyền ngồi bệt vệ đường góc ngã tư Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng. Xấp vé số trên tay bà khi ấy, đã là 3 giờ 15 rồi, cũng phải chục tờ.

 

Ám ảnh ấy đã khiến tôi bật cười cho sự ngớ ngẩn ‘tự huyễn hoặc’ của một chính khách đứng đầu Việt Nam hiện tại, khi không hiểu sao ông lại rất đỗi hồn nhiên nói với bàn dân thiên hạ rằng, ông cảm nhận toàn dân đồng tình với nhận định “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”. Ông đã nói trước các nguyên thủ quốc gia là “Việt Nam không thua kém ai cả”…

 

“Việt Nam không thua kém ai cả”, và lời rao – đúng hơn đó là lời van nài của phận người: “ba giờ rồi…, ba giờ rồi…”, có lẽ khó sự khốn nạn nào hơn...

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire