Trang

15/07/2021

Chiến lược mới của Mỹ tại Đông Nam Á

Nguyễn Quang Dy

Trong bài trước (Học thuyết Biden có gì mới, NQD, NCQT, 4/7/2021) tôi đã đề cập đến Học thuyết Biden đang định hình (The Emerging Biden Doctrine, Hal Brands, Foreign Affairs, June 29, 2021). Trong bài này, tôi sẽ đề cập đến chiến lược mới của Mỹ tại Đông Nam Á, qua diễn ngôn của Kurt Campbell (điều phối viên về Ấn Độ-Thái Bình Dương), và quan hệ Mỹ-Việt, qua báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). 


Quan điểm của Kurt Campbell

Kurt Campbell từng làm trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương dưới thời Obama. Ông chính là kiến trúc sư của chủ trương “Chuyển trục sang Châu Á” (Asia Pivot, sau đổi thành Rebalance). Nay trong team Biden, ông phụ trách Châu Á (Indo-Pacific coordinator at the NSC). Phát biểu tại Asia Society (ngày 6/7/2021) Campbell nói rằng Chính quyền Biden đã nhận thấy “muốn có một chính sách Châu Á hiệu quả, và muốn chiến lược Indo-Pacific có hiệu quả, chúng ta phải làm việc nhiều hơn nữa tại Đông Nam Á”.

Theo Campbell, kế hoạch của Chính quyền Biden bị cản trở bởi hoãn Shangri-La Dialogue gồm các quan chức quốc phòng, ngoại giao, và các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, cũng như các hội nghị cấp cao khu vực được tổ chức trực tuyến vào cuối năm. Ông nói “qua kế hoạch tài trợ vaccine và tài trợ hạ tầng, Mỹ muốn kết nối lâu bền hơn. Chúng ta triển khai chương trình vaccine của Mỹ và phối hợp với “Bộ Tứ” (Quad) để đảm bảo cung cấp vaccine năm 2022 cho Đông Nam Á và Thái Bình Dương”, như một đóng góp quan trọng.

Campbell nói rằng vào cuối năm nay khi Tổng thống Biden chủ tọa hội nghị cấp cao “Bộ Tứ” (Quad) gồm nguyên thủ các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc tại Washington, “hy vọng chúng ta sẽ thấy một số cam kết đầy phấn khích (exciting) và quyết đoán (decisive) không chỉ liên quan đến việc tiếp tục “ngoại giao vaccine” mà còn về “phát triển hạ tầng”. Có thể nói, đó là hai mặt trận có ý nghĩa chiến lược đang được Mỹ và đồng minh triển khai.

Về hạ tầng, Campbell nói “Chúng ta sẽ xem xét thận trọng việc áp dụng các yếu tố của một thế giới được “Tái thiết Tốt hơn” (Build Back Better) gồm các cam kết vào tháng trước”. Đó là sáng kiến phát triển hạ tầng mà Tổng thống Biden và lãnh đạo nhóm G7 đã công bố tại hội nghị cấp cao Cornwall (Anh), với đòn bẩy tài chính được dàn xếp qua cơ chế IDFC (International Development Finance Corporation). (The US will step up its game in Southeast Asia: Kurt Campbell, Ken Moriyasu, Nikkei Asia Review, July 7, 2021).

Về mối đe dọa của Trung Quốc, Campbell nói “Khi trở lại làm việc, tôi rất kinh ngạc trước một số sự việc mà tôi đã đọc, đã thấy, và trải nghiệm qua các hoạt động ngoại giao gần đây. Trong đó có một thực tế không thể nào bác bỏ. Đó là một nước Trung Quốc quyết đoán và quyết tâm muốn có vai trò dẫn đầu trên thế giới, và nhìn nhận về nước Mỹ một cách rất thiếu thiện cảm, và họ thực sự muốn thay đổi toàn bộ hệ thống điều hành ở Châu Á”.

Theo Campbell, để đối phó với thách thức đó, Chính quyền Biden coi Châu Á là trọng tâm khi đề cập đến khu vực. “Xu thế chuyển dịch khỏi Trung Đông có thể đầy trở ngại. Chúng ta thấy những thách thức thực sự tại Afghanistan, nhưng trọng tâm lớn hơn nhiều là Indo-Pacific. Ông cho rằng thách thức đối với Mỹ là phải có một chiến lược đưa ra cho Trung Quốc cả cơ hội lẫn trừng phạt, nếu họ có những bước đi ngược với hòa bình và ổn định.

Về Đài Loan, Campbell nói rõ là Chính quyền Biden không có ý định thay đổi nguyên trạng. “Chúng ta ủng hộ quan hệ không chính thức mạnh mẽ với Đài Loan, nhưng không ủng hộ Đài Loan độc lập. Chúng ta nhận thấy và hiểu rõ sự nhạy cảm đó. Chúng ta tin rằng Đài Loan có quyền sống trong hòa bình. Chúng ta muốn thấy vai trò quốc tế của Đài Loan, nhất là trong vấn để vaccine và đại dịch, không được tách họ ra khỏi cộng đồng quốc tế”.

Theo Rush Doshi (Giám đôc Trung Quốc tại NSC) chiến lược an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Biden dựa trên ba trụ cột: (1) Cạnh tranh giữa dân chủ và độc tài; (2) Nước Mỹ trở lại; (3) Mỹ cam kết với đồng minh. (The Long Game: China’s Grand Strategy to Displace American Order, Rush Doshi, Oxford University Press, July 2021). Elbridge Colby (cưụ trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng) cảnh báo nếu Mỹ coi trọng quá các giá trị dân chủ, thì có thể coi nhẹ và làm mất lòng các đối tác quan trọng ở Châu Á như Ấn Độ và Việt Nam.

Báo cáo mới của CSIS

CSIS là một think tank tại Washington, có quan hệ tốt với chính quyền Dân chủ thời Biden (hiện nay) cũng như thời Obama (trước đây). Trong một báo cáo của CSIS (July 2021) về quan hệ Mỹ-Việt, Greg Polling (Giám đốc AMTI/CSIS) và các tác giả đề cập đến các vấn đề: (1) Tranh chấp thương mại; (2) Thu hút đầu tư; (3) Hợp tác năng lượng; (4) Khắc phục hậu quả chiến tranh; (5) Việt Nam và “Bộ Tứ”; (6) Đối tác tại Biển Đông; (7) Thách thức về chính trị; (8) Đối tác chiến lược; (9) Khuyến nghị. (The Unlikely, Indispensable US-Vietnam Partnership, Gregory Poling, Simon Tran Hudes, Andreyka Natalegawa, CSIS, July 6, 2021).

Trong khi Việt Nam xử lý khá tốt đại dịch Covid-19, thì những vấn đề tranh chấp từ thời Trump về thâm hụt thương mại và cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ đang được tháo gỡ. Trong khi quan hệ kinh tế và chiến lược với Mỹ phát triển theo chiều hướng tốt, thì Chính phủ Việt Nam muốn kiểm soát chặt hệ sinh thái số làm trì trệ đầu tư, và Chính quyền Biden không muốn đàm phán về thương mại tự do với khu vực, bao gồm hiệp định CPTPP.

Viêt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được nhắc đến trong “Hướng dẫn lâm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia” của Chính quyền Biden. Xu thế tích cực trong quan hệ hiện nay là do những nỗ lực của hai phía hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh và nhận thức chung về mối đe dọa của Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản phía trước như quan ngại của Mỹ về nhân quyền và nguy cơ Mỹ trừng phạt Việt Nam vì mua nhiều vũ khí Nga. Nhưng quan hệ Mỹ-Việt rất quan trọng đối với tầm nhìn của Chính quyền Biden về khu vực Indo-Pacific “tự do, rộng mở, dẻo dai, và bao trùm” (free, open, resilient, and inclusive).

Tranh chấp thương mại

Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (dưới thời Trump), tranh chấp thương mại Mỹ-Việt đã nổi cộm lên thành một vấn đề song phương. Đến tháng 9/2020, thâm hụt thương mại Mỹ-Việt là US$ 49,5 tỷ (chỉ sau Trung Quốc và Mexico). Tháng 10/2020, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã tiến hành điều tra Việt Nam (theo điều 301) về việc phá giá đồng tiền, và việc Mỹ đánh thuế lốp xe khách và xe tải nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã cáo buộc Việt Nam phá giá đồng tiền.

Tuy cuối thời Trump, USTR nói rằng cách hành xử của Việt Nam là “vô lý” (unreasonable), nhưng Mỹ đã không trả đũa. Sau đó, Chính quyền Biden cũng không đả động đến vấn đề này, mà lặng lẽ làm việc với Việt Nam để giảm thâm hụt thương mại và gia tăng hội nhập kinh tế. Trong những tháng qua, Việt Nam đã tăng cường nhập hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là nông sản và dich vụ. Vào tháng 4/2021, Bộ Tài Chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ, tuy để ngỏ khả năng điều tra (theo Điều 301) như một quả mìn tiềm ẩn trong quan hệ song phương. USTR sẽ thông báo kết luận mới vào tháng 7/2021.

Một điểm gây tranh cãi khác là đầu năm 2017, Tổng thống Trump rút khỏi TPP (nay là CPTPP). Team Biden không muốn theo đuổi các hiệp định tự do thương mại (FTA) vì lý do chính trị trong đảng Dân chủ. Vì vậy, chính quyền Biden không sẵn sàng tham gia CPTPP hoặc đàm phán các hiêp định FTA mới. Nhưng Mỹ cần làm gì đó để chứng tỏ có một chương trình nghị sự về khu vực. Mỹ có thể lựa chọn đàm phán một hiệp định đa phương về thương mại số (digital trade) với các nước Indo-Pacific, bao gồm Việt Nam, dựa trên những quy định đã ghi nhận trong CPTPP, hiệp định US-Mexico-Canada, và hiệp định US-Japan.

Lãnh đạo Viêt Nam vẫn hy vọng Chính quyền Biden cuối cùng sẽ tham gia CPTPP. Nếu Mỹ tham gia CPTPP thì Việt Nam sẽ có lợi nhiều hơn về kinh tế, còn nếu không thì Hà Nội sẵn sàng đàm phán với Mỹ về một FTA song phương, tuy điều đó cũng khó khăn về chính trị không kém việc Mỹ tham gia CPTPP. Gần đây, Việt Nam đã kết thúc đàm phán với Anh và EU, tạo thêm động lực cho Mỹ tham gia, hoặc song phương hoặc đa phương.

Thu hút đầu tư

Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ (1995), Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ. Đầu tư trực tiếp (FDI) tăng từ US$ 1 tỷ (năm 2011) lên US$ 2,6 tỷ (năm 2019). Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (từ 2017) đã làm nhiều doanh nghiệp Mỹ phải rời Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam gần Trung Quốc, với môi trường kinh doanh được cải thiện, lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt, có tinh thần khởi nghiệp, đã giúp Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều trở ngại cho đầu tư của Mỹ, bao gồm vấn nạn tham nhũng đã ăn sâu bám rễ, một hệ thống pháp lý yếu kém, không sẵn sàng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiếu một lực lượng lao động lành nghề, các quy định lạc hậu về lao động, các trở ngại cho đầu tư vào hạ tầng, và quy trình quyết sách chậm chạp của Chính phủ. Nói chung, Việt nam đã có những biện pháp tích cực (proactive) và cụ thể để thúc đẩy đầu tư của Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ (năm 2020) về môi trường đầu tư ở Việt Nam, có đoạn viết:

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết 55 để thu hút US$ 50 tỷ đầu tư nước ngoài vào năm 2030 bằng cách sửa đổi các quy định cản trở đầu tư nước ngoài, và luật hóa các tiêu chí về chất lượng, hiệu quả, công nghệ tiên tiến, và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Việt Nam đã thông qua bộ Luật Chứng khoán 2019 (Securities Law), làm rõ ý định của Chính phủ sẽ bỏ hạn chế về sở hữu của nước ngoài (tuy chưa cụ thể), và bộ Luật Lao động 2019 (Labor Code), linh hoạt hơn cho các hợp đồng lao động.

Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19, một thành tích đáng kể vì là một nước đang phát triển, lại ở gần Trung Quốc. Chiến lược của Viêt Nam rất đơn giản: rửa sạch tay, đeo khẩu trang, và ở trong nhà. Lãnh đạo Việt Nam coi “chống dịch như chống giặc”, đã nhanh chóng đưa ra công chúng thông điệp rõ ràng. Chính phủ huy động nhân viên y tế và xã hội dân sự tham gia cuộc chiến. Tuy kinh tế bị ảnh hưởng, nhưng Việt Nam là một trong vài nước trên thế giới tránh được suy thoái năm 2020 (tăng trưởng 2,9%). Kết quả chống dịch chứng tỏ sức bật của nền kinh tế, làm gia tăng sự hấp dẫn của thị trường đầu tư.

Một lĩnh vực mà các nhà đầu tư tiềm năng của Mỹ rất quan tâm là luật an ninh mạng được thông qua năm 2019, cho phép nhà cầm quyền theo dõi các hoạt động trực tuyến, khoanh vùng dữ liệu, và xóa các nội dung không mong muốn. Luật mới này sẽ làm ảnh hưởng không chỉ các công ty công nghệ, mà còn tất cả các doanh nghiệp dựa vào việc tiếp cận và sử dụng không hạn chế internet. Hơn 2/3 dân số Việt Nam dùng Facebook. Kết nối trực tuyến sẽ dẫn đến đổi mới và sáng tạo. Luật này được áp dụng sẽ làm trì trệ đầu tư nước ngoài.

Hợp tác về năng lượng

Tháng 10/2019, Mỹ và Việt Nam đã ký thỏa thuận (MOU) thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện về năng lượng. Tuy Việt Nam vẫn có kế hoạch tăng cường dùng than để chạy các nhà máy nhiệt điện, nhưng các quan chức Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng muốn sử dụng các loại năng lượng sạch và có thể tái tạo, bao gồm gió và mặt trời, mà Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi. Trong khi chờ đợi, Việt Nam sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Với mục tiêu đó, gần đây Việt Nam đã xây dựng một kho nhập khẩu khí hóa lỏng đầu tiên tại Vũng Tàu, để có thể nhập khẩu LNG từ năm 2022. Các nhà đầu tư nước ngoài đang lên kế hoạch xây dựng các kho chứa khí hóa lỏng lớn hơn để nâng cao năng lực nhập khẩu LNG cho Việt Nam.

Khắc phục hậu quả chiến tranh

Mỹ và Việt Nam tiếp tục triển khai các bước quan trọng để khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm thống kê số quân nhân Mỹ và Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh, khắc phục bom mìn chưa nổ (UXO) và tẩy rửa chất độc da cam. Tiếp tục công việc tẩy rừa thành công chất độc da cam tại Đà Nẵng, Mỹ và Việt Nam từ tháng 12/2019 đã tẩy rửa tiếp tại Sân bay Biên Hòa. Các sáng kiến này được tiến hành song song với nỗ lực của USAID nhằm nâng cao năng lực của các đối tác Việt Nam để nhận dạng hài cốt bị mất tích trong chiến tranh.

Các nỗ lực nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, bắt nguồn từ hỗ trợ mạnh mẽ của các nhân vật trong Quốc hội Mỹ như TNS Patrick Leahy và cố TNS John McCain, có vai trò lớn trong việc huy động sự ủng hộ cho quan hệ đối tác Mỹ-Việt. Các nỗ lực đó đã nuôi dưỡng sự tin cậy lẫn nhau và thắt chặt mối quan hệ Mỹ-Việt hiện nay, đồng thời nhấn mạnh những tiến bộ quan trọng đã đạt được trong quan hệ hai nước kể từ khi bình thường hóa.

Viêt Nam và Bộ Tứ

So với các nước láng giềng khác ở Đông Nam Á, Việt Nam ủng hộ sự ra đời của “Bộ Tứ” (Quad) gồm bốn nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc. Theo một khảo sát của CSIS (cuối năm 2019), đa số người Việt Nam coi “Bộ Tứ” là một khuôn khổ tổ chức quan trọng nhất khu vực, vượt xa so với các tổ chức khác như ASEAN (mà Việt Nam vừa làm Chủ tịch). Một khảo sát khác do Viện Chính sách Chiến lược của Úc (ASPI) thực hiện (năm 2018) đã cho biết rằng 77% người Việt ủng hộ “Bộ Tứ”, cao hơn bất kỳ nước nào khác ở khu vực.

Việt Nam ủng hộ “Bộ Tứ” không chỉ do quan hệ ngày càng gần với Mỹ, mà còn do hợp tác song phương ngày càng nhiều với ba nước thành viên khác của “Bộ Tứ”. Trong khi hầu hết các chiến lược gia của Việt Nam đều ủng hộ “Bộ Tứ”, tình cảm tích cực đó không nhất thiết biến thành sự ủng hộ hay sự tham gia tích cực vào mọi hoạt động của “Bộ Tứ”. Tuy lãnh đạo Hà Nôi có thể tham gia các hoạt động chọn lọc của “Bộ Tứ mở rộng”, nhưng các bước này được Hà Nội cân nhắc thận trọng để tránh làm ảnh hưởng tới quan hệ tế nhị Trung-Việt.

Đối tác ở Đông Nam Á

Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt phát triển nhanh chóng là do nhận thức chung về mối đe dọa từ Trung Quốc, đặc biệt là do Trung Quốc đã vi phạm tại Biển Đông. Là một bên tranh chấp, Việt Nam đã công bố Sách Trắng Quốc Phòng năm 2019, đề cập đến các hành động ứng xử đơn phương của Trung Quốc, dùng sức mạnh áp đặt, vi phạm luật quốc tế, quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông”.

Lực lượng dân quân biển và hải giám của Trung Quốc đã ngăn cản Việt Nam khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Dưới sức ép của Bắc Kinh, năm 2020 Việt Nam phải dừng kế hoạch khoan thăm dò của Rosneft tại lô dầu khí gần bãi Tư Chính, tiếp theo việc Trung Quốc quấy rối Rosneft tại lô dầu khí đó từ năm trước. Năm 2021, Rosneft phải bán lại cho Zarubezhneft quyền khai thác lô dầu khí đó và mọi quyền khác ngoài khơi Việt Nam. Trước đó, Viêt Nam phải rút khỏi thỏa thuận thăm dò dầu khí với Repsol và Mubadala, do sức ép tương tự, phải đền bù hơn US$ 1 tỷ cho hai công ty nói trên.

Việt Nam đã đáp trả sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc với lực lượng hải quân và không quân được hiện đại hóa và cải thiện vị thế ở khu vực. Việt Nam đã mua của Nga sáu tầu ngầm lớp Kilo cùng với các tàu hộ vệ lớp Gepard và máy bay chiến đấu Su-30 MK, để tăng cường răn đe đối với Trung Quốc. Trong khi đó, việc chuyển giao vũ khí của Mỹ còn rất khiêm tốn. Nhưng từ tháng 6/2021, Hà Nội đã nhận chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai của Mỹ, và được phép mua máy bay huấn luyện T-6 của Mỹ. Việt Nam cũng khiêm tốn tăng cường đáng kể lực lượng không quân, hải quân, pháo binh, và các thiết bị cảm ứng tại các căn cứ của mình ở Trường Sa, để có khả năng tự vệ trước sức mạnh của Trung Quốc.

Mỹ có vai trò then chốt nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận “tự do và rộng mở” tại Biển Đông, và khi cần Việt Nam sẽ là một “đối tác không thể thiếu” trong nỗ lực đó. Điều đó được thể hiện một phần qua sự kiện tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm cảng Đà Nẵng năm 2018. Sau chuyến thăm đầu tiên đó, USS Theodore Roosevelt đến thăm Đà Nẵng năm 2020. Ngoài ý nghĩa tượng trưng để “bóng ma Việt Nam yên nghỉ”, các chuyến thăm này là biểu tượng cho vị trí tâm điểm của Việt Nam trước chiến lược hàng hải của Mỹ ở khu vực.

Thách thức về chính trị

Tuy xu hướng hợp tác an ninh Mỹ-Việt là tích cực, nhưng vẫn còn mấy vấn đề tồn đọng có thể làm hỏng cơ hội phát triển. Ví dụ, từ lâu Việt Nam đã mua sắm nhiều vũ khí của Nga. Sự phụ thuộc vào các hệ thống vũ khí của Nga làm Việt Nam khó bố trí các vũ khí mua của Mỹ vào hệ thống hiện hành. Hơn nữa, vũ khí của Mỹ thường có giá cao hơn, nên các nhà hoạch định chính sách quốc phòng ở Hà Nội vẫn có xu hướng chọn vũ khí của Nga.

Nhưng quan điểm cứng rắn hơn của Tổng thống Biden đối với Nga có thể đẩy Hà Nội vào thế khó xử, nếu chính quyền Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt theo luật CAATSA (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act). Tuy luật này trừng phạt các nước mua khí tài quân sự của Nga, nhưng một số nước thường tìm kiếm miễn trừ (waivers) để tránh bị trừng phạt. Chừng nào Việt Nam vẫn tiếp tục mua vũ khí của Nga và không được miễn trừ, thì đây là một đe dọa tiềm ẩn gây căng thẳng giữa Hà Nội và Washington. Vì vậy, hai bên phải cộng tác chặt chẽ hơn, cả công khai và kín đáo, để tránh cho Việt Nam bị trừng phạt, trong khi tìm kiếm giải pháp khác thực tế hơn và có lợi hơn là mua các hệ thống vũ khí của Nga.

Trong khi đó, mối lo ngại về nhân quyền vẫn là một thách thức. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền thường chỉ trích Việt Nam không có tiến bộ về vấn đề này, như tăng cường hạn chế tự do ngôn luận, lập hội, tụ tập đông người, và tôn giáo. Trong khi Chính quyền Trump không coi nhân quyền là vấn đề được ưu tiên, thì chính quyền Biden coi trọng vấn đề này hơn. Lãnh đạo Hà Nội cần điều chỉnh theo thực tế mới khi bị soi kỹ hơn, trong khi Chính quyền Biden cần khéo léo (walk a fine line) vừa lên án các vi phạm nhân quyền khi cần, vừa trao đổi qua đường ngoại giao để tìm một giải pháp xây dựng (constructive) với đối tác Việt Nam.

Đối tác chiến lược

Việt Nam và Mỹ đã nâng quan hệ hai nước lên thành đối tác toàn diện vào năm 2013, và tăng cường hợp tác trong các năm sau đó, với tin đồn sẽ nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Nỗ lực nâng cấp quan hệ thời Trump đã bị hoãn do thách thức về kinh tế và chính trị. Ngoài những vấn đề đó, một số quan chức Viêt Nam mô tả quan hệ Mỹ-Việt như đối tác chiến lược, nhờ vào bề sâu và bề dày trong hợp tác song phương. Nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược phục vụ nguyện vọng của cả hai bên, báo hiệu “lòng tin cao hơn”, cung cấp một khuôn khổ tốt hơn cho việc thu xếp các hoạt động bảo vệ nhân quyền.

Khuyến nghị

Nói chung, việc khắc phục các thách thức và nắm bắt các cơ hội nói trên là một vấn đề cơ bản liên quan đến chiến lược lâu dài của các chính quyền Mỹ. Nhưng có một số biện pháp khá rõ ràng trong những tháng tới đây, có thể chứng tỏ là Mỹ nghiêm túc và sẵn sàng tăng cường cơ sở vững chắc cho quan hệ đối tác song phương giữa Mỹ và Việt Nam:

Một là Chính quyền Biden cần công khai tuyên bố ý định nâng cấp đối tác toàn diện Mỹ-Việt thành đối tác chiến lược, tốt nhất là Tổng thống Biden sẽ tuyên bố trong chuyến thăm Châu Á trùng với dịp họp cấp cao ASEAN. Tuyên bố này sẽ đánh dấu một cột mốc lớn, tạo động lực cho cả hai phía tìm giải pháp tích cực cho các vấn đề còn tồn đọng, như đối thoại về nhân quyền và tìm kiếm miễn trừ (waivers) cho việc áp dụng luật CAATSA.

Hai là Washington cần thôi đe dọa trừng phạt Việt Nam qua điều tra của USTR (theo Điều 301). USTR cần điều tra xong và báo cáo kết quả. Sau khi Bộ Tài chính đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ (tháng 4/2021), hai bên cần thương lượng để giải quyết nốt các tranh chấp còn tồn đọng, tránh việc đe dọa trừng phạt như một đám mây đen.

Ba là Mỹ cần triển khai ngoại giao vaccines. Cuộc họp cấp cao “Bộ Tứ” (12/3/2021) đã tuyên bố sẽ viện trợ một tỷ liều vaccines cho khu vực Indo-Pacific. Tuy tuyên bố này được dư luận hoan nghênh, nhưng do đại dịch bùng phát mạnh tại Ấn Độ nên kế hoạch phân phối của COVAX bị chậm lại, gây tâm lý hoang mang về sáng kiến này. Tổng thống Biden tuyên bố đến cuối tháng 6/2021 Mỹ sẽ chuyển 80 triệu liều caccines cho khu vực, như một bước hỗ trợ cho sáng kiến của “Bộ Tứ” thông qua COVAX. Việt Nam có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất khu vực, nên trong mấy tháng tới sẽ được hưởng lợi qua kế hoạch này.

Bốn là Mỹ cần dừng kế hoạch trục xuất những người Việt tỵ nạn bị kết án ở Mỹ. Sau chiến tranh Việt Nam, nhiều trẻ em đã đến Mỹ, có thẻ xanh, nhưng đã phạm tội. Hệ thống pháp lý của Mỹ thừa sức đối phó với những người Việt phạm tội, mà không cần đến biện pháp trừng phạt đúp, bị trục xuất sau khi ngồi tù. Việc trục xuất họ về Việt Nam sẽ làm dư luận bất bình, coi hành động đó của Chính quyền Biden là vô nhân đạo, không cần thiết.

Năm là xúc tiến đàm phán đa phương với các nước ở Indo-Pacific, bao gồm Việt Nam, về một hiệp định thương mại số. Mỹ cần chứng tỏ là có yếu tố kinh tế trong tầm nhìn “Indo-Pacific tự do và rộng mở”. Vì chính trị nội bộ làm cho Mỹ tham gia CPTPP hay các FTA song phương ở khu vực là bất khả thi (ít nhất là đến bầu cử giữa kỳ năm 2022), nên một hiệp định phỏng theo các điều khoản về thương mại số trong các hiệp định CPTPP, hay US-Mexico-Canada hay US-Japan Trade Agreement là một hướng quan trọng và khả thi.

Sáu là có một kế hoạch đa phương để theo dõi và phát hiện những tàu dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau khi Philippines phát hiện hơn 200 tàu dân quân biển của Trung Quốc tập trung tại khu vực đá Ba Đầu (Whitsun Reef) ở Biển Đông vào tháng 3/2021, cả Manila và Hà Nội đã lập hồ sơ và công bố vị trí cùng số đăng ký của các tàu dân quân biển đó. Mỹ và các đối tác có chung quan điểm như Nhật, Úc, Anh, Pháp... cần có sáng kiến đa phương để giúp Việt Nam và Philippines thu thập và công bố các số liệu này tại Biển Đông, để xây dựng một kho dữ liệu về các kẻ vi phạm, và trừng phạt Bắc Kinh về ngoại giao.

Tham khảo

1. The US will step up its game in Southeast Asia: Kurt Campbell, Ken Moriyasu, Nikkei Asia Review, July 7, 2021

2. The Unlikely, Indispensable US-Vietnam Partnership, Gregory Poling, Simon Tran Hudes, Andreyka Natalegawa, CSIS, July 6, 2021

3. Biden time: The first 100 days, Richard Haass, Project Syndicate, April 30, 2021

4. The Emerging Biden Doctrine, Hal Brands, Foreign Affairs, June 29, 2021

5. Can America Lose to China?, Kishore Mahbubani, National Interest, July 1, 2021

6. Rhetoric Divorced from Reality Deciphering Biden’s Foreign Policy Philosophy, Amanda Rothschild, National Interest, July 7, 2021 5.

7. The Long Game: China’s Grand Strategy to Displace American Order, Rush Doshi, Oxford University Press, July 2021

10/7/2021

N.Q.D.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire