Trang

07/07/2021

XÉT LẠI VỤ ÁN HỒ DUY HẢI CÓ GÌ MÀ SỢ!

Tô Văn Trường


Vụ án Hồ Duy Hải đã được Quốc hội khoá 13 thành lập Đoàn giám sát tối cao do ông Uông Chu Lưu Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn. Bà Lê Thị Nga khi đó là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp làm tổ trưởng đã có nhiều cuộc gặp thân nhân Hồ Duy Hải và viết báo cáo nêu nhiều điểm sai phạm trong tố tụng.

Tuy nhiên, những kiến nghị của đoàn giám sát không được Toà án nhân dân tối cao tiếp thu triệt để và Quốc hội cũng không tổ chức điều trần cho vụ việc này. Cho đến ngày 8/5/2020 Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm với những câu nói “bất hủ” của ông Chánh án Toà án tối cao Nguyễn Hoà Bình đi vào lịch sử nền tư pháp Việt Nam.


Khoảng 15 giờ chiều ngày 8/5/2020 ông Lê Thanh Vân đại biểu Quốc hội là người đầu tiên lên tiếng trên trang cá nhân của ông ở facebook. Hai ngày sau, ông Vân chính thức có văn bản gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát tối cao vụ án này. Ngay sau đó, các vị đại biểu Quốc hội như luật sư Lưu Bình Nhưỡng, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng có văn bản kiến nghị các cơ quan cấp cao của Nhà nước xem xét lại vụ án. Hầu hết các ý kiến đều phê phán sai phạm trong tố tụng và không chấp nhận kết quả xét xử giám đốc thẩm, cho rằng chưa thuyết phục.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu giải quyết vụ án đúng pháp luật. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc Hội Lê Thị Nga từng có văn bản đề nghị xem xét giám đốc thẩm, nêu ra hàng hoạt điểm bất thường (Nêu trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 23/11/2019) nhưng nhiều tình tiết mâu thuẫn vẫn chưa được làm rõ sau phiên toà giám đốc thẩm.

Từ đó đến nay, các cơ quan cấp cao của Nhà nước chưa có động thái gì mới, trừ một lần các đại biểu Quốc hội chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao tại kỳ họp giữa năm 2020.

Gần đây, ngày 20 tháng 5 năm 2021 với sự kiên trì của luật sư Trần Hồng Phong và sự hỗ trợ của một số nhà báo, đã có 7 nhân chứng khẳng định Hồ Duy Hải ngoại phạm, bởi chính cái đêm oan nghiệt ấy, Hồ Duy Hải dự đám tang ông hàng xóm Hồ Chi (Tư Lan) từ 20h-21h ngày 13/1/2008 – ngay tại thời điểm cơ quan điều tra cáo buộc Hải vào bưu cục Cầu Voi và sát hại 2 nữ nhân viên. Đây là tình tiết mới, rất thuyết phục.

Tôi cũng như nhiều người dân suy nghĩ rất nhiều về vụ án này, vì mạng sống của một con người cả vì tính chất và bộ mặt của nền tư pháp và thể chế nói chung. Trên mạng xã hội có nhiều bài viết, các lập luận, các chứng cứ đã được nêu ra nhiều, nhất là những chứng cứ nhằm chứng minh Hải vô tội. Những tài liệu này chắc chắn được các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm cao nhất, từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tiếp cận. “Nút thắt” hiện nay có thể đoán ra được, dư luận xã hội cần mở đường rút cho những người có sai lầm để họ có thể hồi tâm, trở lại con đường chính, có lẽ sẽ hiệu quả hơn, ít nhất là trước mắt bảo vệ tính mạng của Hải.

Đối với những người lãnh đạo cao nhất, bên cạnh mọi cân nhắc khác, cần trước hết cân nhắc việc được mất về chính trị trong vụ án này. Cứ giả định là khả năng đúng sai là 50% (một thứ giả định của những kẻ bàng quan ít hiểu biết nhất), thì giết Hải chỉ có mất mà không có được. Vì dư luận xã hội, trong đó có rất nhiều người vô tư, am hiểu luật pháp, vẫn thấy là không đủ chứng cứ kết Hải tội giết người, vẫn thấy lập luận kết án tử hình Hải là không đủ sức thuyết phục.

Vụ án vua bóng bầu dục Simpson với những chứng cứ tôi phạm dường như hiển nhiên, vẫn được tha bổng tại nước Mỹ tam quyền phân lập triệt để, là một mẫu về sự cân nhắc chính trị của lãnh đạo trưởng thành.

Nếu xã hội dân chủ, coi trọng ý dân, chắc chắn vụ án Hồ Duy Hải sẽ có lối ra. Trước hết là Chánh án Toà án nhân dân tối cao tự xem lại bản án giám đốc thẩm. Nếu Chánh án Toà án nhân dân tối cao không tự kháng nghị, thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị. Nếu cả hai không chịu kháng nghị, thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá 15 yêu cầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao phải xem lại. Tất nhiên, Ban Nội chính Trung ương phải giúp Bộ Chính trị và Ban bí thư chỉ đạo vụ án này, chứ không thể im lặng như thời gian vừa qua.

Vụ án Hồ Duy Hải đòi hỏi những người liên quan đến vụ án hãy lắng nghe tiếng lòng của nhân dân, dũng cảm nhìn lại mình cho rõ hơn và dám vượt lên chính mình, sửa sai và minh oan cho Hồ Duy Hải, làm được như vậy nhân dân hoan nghênh và quan chức cũng được bài học quý giá, dù rất đắt, như thế là tất cả đều thắng, có gì mà sợ!

Một chính thể vững mạnh không phải tự cho mình hợp lý hoá hành vi công chức, mà phải tăng thêm niềm tin của người dân vào tinh thần phụng sự và sáng suốt của lãnh đạo qua việc quan tâm đến từng số phận con người, quyền con người và quyền được sống của họ.

Dưới xét, trên xem, sao đèn chưa tỏ?

Còn gì trong đó, để người kêu oan.

Lý phải, tình gian, tâm nghề, nghiệp tổ

Đương trung nhất chế, thế thời nương dân.

Tô Văn Trường

********************************************************* 

NHÂN CHỨNG MỚI NÓI RÕ NHỮNG VIỆC HỒ DUY HẢI ĐÃ LÀM Ở ĐÁM TANG ĐÚNG ĐẾM XẢY RA ÁN MẠNG

(Tác giả: Nhóm Pv t/p HCM)

 

Những nhân chứng đều viết giấy cam kết nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Hồ Chi (tên gọi khác là Tư Lan) từ khoảng 20h đến 21h, tối 13/1/2008 ở Ấp 1 xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Hải cùng những người khác bưng nước trà mời khách...

Ngày 27/6, trao đổi với PV Báo Dân Việt, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM, người trợ giúp pháp lý cho gia đình Hồ Duy Hải) xác nhận có những giấy cam kết của những nhân chứng trên. Ông cùng các đồng nghiệp, gia đình bị án Hồ Duy Hải đã kèm vào hồ sơ gửi lên các cơ quan chức năng Trung ương cung cấp chứng cứ ngoại phạm mới của Hồ Duy Hải.

Luật sư Trần Hồng Phong cho biết, cuối tháng 5/2021, ông và những cộng sự đã tìm đến nhà và trực tiếp ghi hình những nhân chứng này. Vì bảo mật thông tin, chúng tôi xin phép thay đổi tên họ nhân chứng.

Nhân chứng mới nói rõ chi tiết Hồ Duy Hải đã làm ở đám tang đêm xảy ra án

Theo trình bày của bà Một: "Chồng tôi mất tối 12/1/2008, khi xe chở thi thể chồng tôi về nhà khoảng 20h, xe bị tắt máy 2 lần. Gia đình tẩm liệm, và báo tang ngày hôm sau. Tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải có đến phụ giúp đám tang chồng tôi, tại đám tang Hải phụ bưng bê chén đĩa, rót nước trà mời khách. Tôi nhận ra Hải vì cháu là người rất nổi bật, dáng cao, da trắng.

Sáng hôm sau (14/1/2008), khi đưa chồng tôi đi chôn, cháu Hải là người khiêng quan tài chồng tôi khi hạ huyệt. Tôi biết rõ cháu Hải vì cháu là người trong xóm, thường mua bánh mì của tôi…".

Ông Hai (65 tuổi): "Tôi xác nhận từ 13/1/2008 chưa có cơ quan chức năng nào đến phỏng vấn hỏi tôi về việc Hồ Duy Hải có ở đám tang ông Hồ Chi (nêu trên) hay không. Nay có một số việc liên quan tôi muốn xác nhận và cung cấp cho cơ quan chức năng như sau:

"Tối 13/1/2008 tôi đến viếng đám tang ông Hồ Chi vào lúc 18 giờ. Đến gần 20 giờ thì thấy cháu Hải (con cô Loan) đến phụ đám tang phụ bưng dọn trà, nước mời khách. Hơn 20 giờ tôi về (khoảng 20h15 phút) lúc đó cháu Hải vẫn còn đang phụ đám. Sau đó tôi không biết cháu Hải đi đâu và làm gì. Tôi cam đoan sự việc trình bày trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trên”.

Ông Ba (54 tuổi): "Tối 13/1/2008, tôi vào đám tang anh Tư Lan khoảng 19h30. Khoảng 30 phút sau thì thấy cháu Hải con của chị Loan đến phụ bưng dọn trà nước, rồi đến bàn tôi ngồi hỏi: Cậu đến dự đám tang hả. Tôi cũng có chào cháu Hải. Đến khoảng hơn 21h thì Hải có đến hỏi đi về. Còn tôi thì còn ở lại trò chuyện cùng với mấy anh em trong xóm đến hơn 22h thì tôi mới đi về. Lời trình bày của tôi là sự thật, tôi xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong suốt thời gian qua, tôi không thấy ai là người đại diện đến hỏi và xác nhận ở tôi".

Ông Bốn (43 tuổi) xác nhận: "Khoảng 19h00 đêm 13/1/2008, tôi vào đám tang ông Tư Lan. Trong bàn trà có nhâm nhi với mấy người bạn cùng xóm như: Bé Tư, cậu Hải em, cậu Thu... Khoảng gần 20h00 thì Hải đến gật đầu chào tôi và mấy anh em ngồi chung.

Khoảng 20h30 tôi chuẩn bị về và có vỗ vai Hải nói: có chơi thì đừng khuya quá để về nghỉ ngơi. Từ đó đến nay tôi xác thực rằng không có cơ quan nào đến hỏi tôi có gặp Hải trong đêm 13/1/2008 ở đám tang không. Tôi trình bày đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật…".

"Tôi rủ Hồ Duy Hải cùng đến phụ đám tang"

Anh Năm (39 tuổi): "Tôi đến phụ đám tang ông Tư Lan vào lúc hơn 18h30 tối. Trên đường đi tôi gặp Hải khúc gần chùa. Tôi rủ Hải lại phụ đám, khách đông lắm. Hải nói đi trước đi, tắm xong tui lại. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau tôi thấy Hải đến (khoảng 19h50). Chúng tôi phụ việc trong đám như: dọn bàn, chén đũa, nước đá …

Khoảng 21h tối Hải đi về (tôi không biết Hải đi đâu) tôi tiếp tục phụ dọn dẹp đến gần 5h sáng mới về nhà. Tôi nhớ khoảng ngày 22 hoặc 23/3/2008, anh Nguyễn Thanh Hải (công an xã Nhị Thành) có đến gặp tôi nói lên xã Nhị Thành có chút việc. Khi đến tôi được lấy lời khai bởi một anh không mặc đồ công an. Anh hỏi tôi và ghi biên bản: Là có thấy Hải có đi dự đám tang ông Tư Lan hay không và tôi đã trình bày là tôi có gặp Hải ở đó.

Và tôi có ký biên bản và ra về. Từ đó đến nay không có cơ quan chức năng nào hỏi tôi nữa. Trình bày của tôi đúng sự thật, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xin gửi tới quý cơ quan giúp vụ án mau sáng tỏ".

Ông Sáu (65 tuổi): Tôi đến viếng đám tang ông Hồ Chi lúc 19h đến gần 20h thì thấy Hồ Duy Hải con chị Loan đến phụ đám tang. Khoảng 21h tôi về còn Hải về khi nào thì tôi không biết. Từ đó đến này chưa có cơ quan chức năng nào hỏi tôi về việc Hải có mặt ở đám tang ông Hồ Chi Tôi nói đúng sự thật, chịu trách nhiệm trước pháp luật…".

Bà Bảy (54 tuổi): "Sáng 14/1/2008, tôi hỏi Hải: Tối con đi đám tang đã cúng tiền điếu cho mẹ con chưa, nếu chưa dì cúng dùm. Hải trả lời đã cúng đêm hôm rồi. Sau khi Hải bị bắt vài ngày, có điều tra viên Trần Quang Tiến và ông Nguyễn Công Đỉnh đến hỏi tôi: tối hôm 13/1/2008 Hồ Duy Hải làm gì? Tôi tôi nói Hải đi đám ma. Hai điều tra viên nói "Hồ Duy Hải đâu nói đi đám ma mà bà nói". Họ không ghi lời khai của tôi vào giấy gì cả. Tôi cam đoan nói đúng sự thật, nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Luật sư Trần Hồng Phong nêu trong đơn: Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Tư Lan trong khoảng thời gian từ 20h đến 21h tối 13/1/2008.

Một nam nhân chứng đã từng được CQĐT lấy lời khai, có ký vào Biên bản vào thời điểm Hồ Duy Hải vừa bị bắt. Ông này khẳng định khi đó đã khai có thấy Hồ Duy Hải tại đám tang. Thế nhưng trong Quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao lại xác định rằng "Hải khai không đúng" là bất thường so với lời khai của nhân chứng này.

Luật sư Phong nhấn mạnh: Trong vụ án này, nhiều tài liệu, lời khai nhân chứng bị sửa. Cụ thể: lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu bị chỉnh sửa, lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường bị chỉnh sửa…

Ngay từ thời điểm Hồ Duy Hải bị bắt tháng 3/2008, ít nhất đã có sự phù hợp chính xác giữa lời khai ban đầu của Hải và lời khai của hai nhân chứng khác. Nếu những lời khai này được sử dụng theo đúng quy định, thì đây có thể là một tình tiết quan trọng trong vụ án Hồ Duy Hải.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire