Trang

11/09/2021

20 năm vụ khủng bố 11/9: "Sự thật về cuộc tấn công phải được minh bạch"

Minh Anh
(RFI)

Thứ Bảy, ngày 11/09/2021 nước Mỹ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố thảm khốc nhắm vào tòa tháp đôi World Trade Center ở New York, bộ Quốc Phòng Mỹ ở gần Washington và ở Shanksville tại Pennsylvania. Gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương.

Hai mươi năm đã trôi qua, vẫn còn hơn 1.000 người chết đã không thể nhận dạng. Chấn thương tinh thần vẫn còn đó. Mối họa khủng bố vẫn đeo dai dẳng. Lễ tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố gây chấn động thế giới diễn ra như thế nào, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ triệt thoái toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan sau đúng 20 năm tham chiến ? Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với nhà báo Phạm Trần từ Washington.

**********

RFI Tiếng Việt : Ngày 11/9 tới đây là đúng 20 năm xảy ra loạt tấn công khủng bố tòa tháp đôi tại New York và bộ Quốc Phòng Mỹ, làm gần 3.000 người chết. Năm nay, nước Mỹ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm này như thế nào ? Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có những chương trình hay phát biểu gì để kỷ niệm biến cố đó ?

Nhà báo Phạm Trần : Chương trình kỷ niệm 20 năm của nước Mỹ, năm nay có một nét đặc biệt, do trùng hợp với tình hình ở Afghanistan. Chúng ta cũng nhớ là 20 năm trước đây, quân đội Mỹ đã mở cuộc tấn công Afghanistan, tiêu diệt cũng như đẩy lùi chính quyền cầm quyền lúc đó là lực lượng Taliban ra khỏi thủ đô Kabul.

Hai mươi năm sau, chính quyền Afghanistan được Hoa Kỳ cũng như khối NATO yểm trợ để vãn hồi hòa bình hay xây dựng đất nước đã sụp đổ, không phải là vì có đảo chính, mà do họ không có chiến đấu bảo vệ đất nước khi lực lượng Taliban lại tái tấn công trong mấy tháng vừa qua và lại làm chủ đất nước Afghanistan.

Năm nay lễ kỷ niệm cũng đặc biệt là vì người dân Mỹ kỷ niệm 11/09 của 20 năm trước nhưng đồng thời họ cũng lo sợ là nước Mỹ có thể sẽ bị quân khủng bố tấn công một lần nữa. Chúng ta cũng nhớ là phe nổi dậy Taliban ở Afghanistan đỡ đầu và nuôi dưỡng lực lượng Al Qaida, vốn dĩ vẫn còn tồn tại, hoạt động ở Afghanistan và nhiều nơi khác ở vùng Trung Đông.

Về phương diện chính quyền, tổng thống Joe Biden có chương trình đi thăm tất cả những nơi đã bị khủng bố tấn công như New York, Pennsylvania – nơi một chiếc máy bay bị rơi và ở bộ Quốc Phòng, nhưng không có chương trình nào cho thấy nguyên thủ Mỹ sẽ đọc diễn văn.

Ngược lại, vào lúc 7 giờ sáng tất cả các gia đình nạn nhân chết trong cuộc tấn công ở New York sẽ tụ tập ở công viên tưởng niệm ở New York, trước đây là vị trí của hai tòa nhà thương mại cao nhất của thế giới, và xướng tên tất cả các nạn nhân. Những hồi chuông ở các thánh đường của thành phố sẽ vang lên để kêu gọi người Mỹ dâng lời cầu nguyện cho những nạn nhân trong vụ khủng bố này.

Ngoài ra, còn có nhiều buổi lễ âm thầm ở nhiều nơi khác, đặc biệt là ở một khu vườn trống ở Pennsylvania, nơi mà chiếc máy bay thứ ba đã rớt xuống sau những cuộc giằng co giữa quân khủng bố với hành khách.  

RFI: Hai mươi năm đã trôi qua, báo chí Mỹ ngày nay có cái nhìn như thế nào về sự kiện quan trọng này trong « lịch sử » hiện đại nước Mỹ ?

Nhà báo Phạm Trần: Điều đầu tiên là rất nhiều báo và các nhà bình luận đã nhắc lại ngày 11/09 của 20 năm trước để nhắc nhở là nước Mỹ lúc nào cũng bị các lực lượng khủng bố đe dọa, họ rất hận thù nhân dân Mỹ, nước Mỹ bởi Mỹ là một nước lãnh đạo trên thế giới, có nhiều kế hoạch, chương trình giúp đỡ các chính phủ mà những lực lượng khủng bố này không muốn Mỹ nhúng tay vào.

Báo chí Mỹ cũng nhắc lại tất cả những câu chuyện bi thảm trong cuộc tấn công 20 năm trước đây của những gia đình về những người con bị mất cha, mất mẹ và giờ đã lớn lên, kể lại những cuộc đời của họ.

Tóm lại, nước Mỹ âm thầm nhắc lại những chuyện cũ để hy vọng, để tìm lại những bài học cho tương lai, để bảo vệ, xây dựng nước Mỹ, góp công góp của vào nỗ lực của chính phủ chống lại các lực lượng khủng bố, không những cho Hoa Kỳ và cho cả nền hòa bình của thế giới cũng như là các nước đồng minh, đặc biệt là các nước đồng minh Tây phương như Pháp, Đức, Anh, những quốc gia quan trọng trong khối NATO, từng góp sức, của, công với Hoa Kỳ để tham dự cuộc chiến ở Afghanistan.

RFI: Hôm 4/9, ông Biden ký sắc lệnh cho giải mật các cuộc điều tra. Vậy các gia đình nạn nhân trông đợi điều gì ở cuộc điều tra này ? Theo ông, liệu những mong đợi đó có được đáp ứng ? Hay họ sẽ gặp những trở ngại nào khác nữa ?

Nhà báo Phạm Trần : Cuộc điều tra về cuộc khủng bố đã được tiến hành, nhưng các tài liệu vẫn còn được giữ bí mật. Người dân quan tâm đến tiết lộ : Phải chăng Ả Rập Xê Út có can dự vào cuộc khủng bố nước Mỹ 20 năm trước đây ? Và tất cả những tài liệu sắp sửa được công bố sắp tới đây, người dân cũng hy vọng sẽ soi sáng, sẽ đưa ra ánh sáng tất cả những bí ẩn mà từ trước đến nay, các cơ quan điều tra vẫn giữ bí mật.

Gia đình các nạn nhân không có hy vọng nào khác hơn là trông đợi câu trả lời : Tại sao nước Mỹ bị tấn công ? Kẻ thù tấn công nước Mỹ  20 năm trước đây là ai ? Cá nhân hay là một tập thể, hay là một quốc gia ?

Chỉ có điều, tài liệu sắp được công bố sẽ như thế nào, cho đến giờ này chưa thể biết được. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy họ muốn tất cả sự thật về vụ tấn công nước Mỹ 20 năm trước đây phải minh bạch, sáng tỏ, để giải tỏa nỗi oan ức cũng như sự nghi ngờ, mối lo âu, của người dân Hoa Kỳ đối với vụ khủng bố.

RFI: Nhà tù Guatanamo, được lập ra để giam giữ những người bị tình nghi có can dự trong vụ khủng bố. Nhà tù này cũng là tâm điểm của mọi chỉ trích trên khía cạnh nhân đạo. Năm nay tròn 20 năm, vì sao nhiều đời tổng thống Mỹ vẫn chưa thể đóng lại nhà tù này như cam kết ?

Nhà báo Phạm Trần : Thứ nhất, thủ tục điều tra là rất phức tạp. Mấu chốt và khúc thắt của vấn đề này là liệu các bằng chứng mà nhà cầm quyền cũng như là các cơ quan điều tra Hoa Kỳ như CIA, FBI hay các cơ quan an ninh của bộ Quốc Phòng đã khai thác, thu lượm được từ năm người tù được cho là có can dự vào cuộc khủng bố ngày 11/09/2001, là có thật như thế không ? Hay là do những cuộc tra tấn quá khắc nghiệt của các cơ quan điều tra Mỹ mà những nghi phạm đó đã phải thú nhận những cáo buộc đó ?

Phiên tòa đã được mở lại từ hôm thứ Ba, 07/9, và đợt đầu tiên sẽ kết thúc vào ngày 17/9. Giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày mồng 01/11 và kết thúc vào ngày 19/11/2021. Sau cùng, qua đến năm 2022, phiên tòa rất có thể sẽ là công khai, nhưng diễn ra ở đâu, ở căn cứ quân đội hay là ở nơi nào đó thì người ta chưa quyết định.

Điều quan trọng là trong năm người bị tình nghi này, có một người được coi là đầu não Khaled Cheikh Mohammed, dường như đã tự nhìn nhận là người cầm đầu vụ khủng bố chống nước Mỹ cách nay 20 năm. Người ta không biết lời khai đó là do tự thú nhận hay là do bị tra tấn.

Do vậy, mọi sự khúc mắc về cuộc điều tra cũng như các luật sư được bổ nhiệm để bảo vệ cho các nạn nhân cũng đặt ra nhiều vấn đề. Theo họ, cần phải có những bằng chứng cụ thể thì phiên tòa này mới công bằng.

Từ trước cho đến giờ, đã có tổng cộng 40 cuộc điều tra để nghe các cơ quan điều tra phúc trình về hồ sơ này. Thế nên, cho đến hiện tại, người ta chưa có thể biết liệu phiên tòa lần này, bắt đầu từ ngày 07/9, và tạm cho là sẽ kết thúc vào sang năm sẽ diễn biến như thế nào ?

Chính vì vậy nhiều đời tổng thống trước ông Biden cũng rất bối rối về vấn đề này. Họ thấy rằng ngày nào, những người bị tù đó vẫn còn bị giam giữ tại một nhà tù của nước Mỹ thì vụ khủng bố chưa bao giờ có thể quên được. Các đời tổng thống đều muốn khép lại trang sử này, nhưng trước khi khép lại, thì phải có phiên tòa, phải xử và có bản án. Đây cũng chính là những gì nước Mỹ đang trông đợi !

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần tại Washington.

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire