Trang

06/09/2021

Đu bám như thế nào

Nguyễn Đình Cống

Không biết từ ‘Đu dây’ do ai nghĩ ra đầu tiên và gán cho lãnh đạo VN khi nói về quan hệ của họ với Trung cộng và Mỹ. Thế rồi khái niệm đu dây đã được dùng rộng rãi. Nhiều người ca ngợi chủ trương giữ thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc. Họ cho rằng như thế là khôn ngoan, là sáng suốt. Tôi lại nghĩ hơi khác. Nên xem việc đu dây giữ cân bằng, nếu đúng như thế, chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời  chứ không phải là đường lối ngoại giao lâu dài. Tại sao vậy?. Tại vì đó là sự khôn của kẻ yếu và láu cá chứ không phải là sự khôn ngoan của người thông minh có nội lực mạnh.


Tôi cũng không biết ai là tác giả tranh vẽ, biểu tượng bằng một người đi trên dây. Người đó mặc áo in cờ đỏ sao vàng, hai tay giang ngang, giữ thăng bằng, một bên tay có  cờ đỏ năm sao vàng, bên tay kia cờ sọc xanh với nhiều sao trắng. Hình tượng đó thực ra là ‘Đi trên dây’ chứ không phải là ‘Đu dây’.

Lấy hình tượng như trên để mô tả việc đu dây của lãnh đạo Việt Nam là không chính xác. Tôi đã từng viết rằng đu dây như thế phải giữ được cân bằng (bài “Phải chăng thế là đu dây”), Thực chất lãnh đạo VN không đu như thế mà một mặt ôm chân Trung cộng, mặt khác lợi dụng sự tử tế của Mỹ. Và như vậy không thể gọi là đu dây. Nếu muồn dùng chữ đu thì nên đổi thành “Đu Bám”. Còn hình tượng cần thay đổi. Tôi chỉ nghĩ ra ý tưởng chứ không có khả năng thể hiện, xin mô tả để bạn nào cảm nhận được thì vẽ ra và công bố cho mọi người thẩm định.

Hình tượng gồm biểu trưng Trung quốc và Mỹ. Ở phía dưới là một người Việt Nam, hai chân bị xiềng bằng búa liềm, đi trên nền đất đá lổn nhổn, cổ bị quấn bằng một sợi dây từ biểu trưng Trung buộc thả xuống, hai tay giơ lên, một tay lồng vào vòng  dây buộc cổ, tay kia chạm vào đầu dây từ biểu trưng Mỹ thả xuống.

Tôi đề nghi thay tổ hợp từ ‘Ngoại giao đu dây’ bằng “Ngoại giao đu bám”. Mong nhận được sự phán xét và hưởng ứng của các vị và các bạn.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire