Trang

23/10/2021

“Bích La”- trinh sát 4 chân

Thiện Tùng

Hồi ức

22/10/2021

Mẫu chó săn đặc chũng của Việt Nam - Ảnh minh hoạ

Suốt ngày đi đường về quê cải táng hài cốt cha, đêm ấy tôi ngủ li bì. Gà gáy lần thứ nhứt, chú Dần thức dậy lục đục sau bếp. Gà gáy lần thứ hai, chú Dần gọi tôi thức dậy ăn cơm.

Cơm bốc hơi, cá bóng kèo kho tộ rắc tiêu toả mùi dầu không đói cũng muốn ăn. Đây không phải ăn sáng điểm tâm như ở thành thị, bữa ăn chặt dạ, no dai của nhà nông trước khi ra đồng.


Cơm nước xong, gà gáy lần thứ ba, chân trời đàng Đông hừng sáng. Chú Dần trước tôi sau, chúng tôi đi vòng quanh theo bờ ruộng về hướng rừng ngập mặn ở cù lao Minh thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh phú, tỉnh Bến Tre.

Trăng cuối tháng như chiếc móng ngựa úp xuống, sương mỗi lúc càng thấp, phủ kín trên cành cây, ngọn cỏ. Rừng Rạch Vẹt một màu trắng đục như một áng mây. Từ trong âm u vang ra tiếng con Bìm bịp báo hiệu triều dâng. Chú dần giục tôi: “Ta nhanh chân sang rạch trước khi nước lớn”.

Sang rạch lên bờ, chú Dần chỉ gò đất xa xa trước mặt nói:

- Đó là nền chòi của ba cháu. Ảnh qua đời vả cũng chôn tại đó. Lúc ảnh mất, chú định đem vể chôn cạnh mộ mẹ cháu, nhưng kịp nghĩ, ảnh là người “Kháng chiến cũ” từ lâu làng xã cho truy lùng, sợ họ hạch sách phiền phức, chú đành phải gói xác ảnh chôn tạm ở nơi heo húc nầy!.

Khi đến nơi, chú Dần nói đợi tan sương sẽ bắt tay vào việc. Ông bảo tôi cùng ông gom cỏ, củi  khô đốt un cho tan Bù mắc (1). Đứng dưới gốc cây Bần, chú Dần nói:

- Mô đất đó là mộ ba cháu, cây Bần nầy chú trồng sau khi chôn xác ảnh, để che sương nắng đỡ trơ trọi mộ phần.

Sao chú không trồng cây gì khác mà trồng cây Bần? – tôi vặn hỏi

- Vùng ngập mặn nầy, cây Bần là loại dễ trồng nhứt. Hơn nữa, có lần chú và ba  cháu ngồi dưới gốc, ông nói với vẻ đượm buồn: “Mầy bần, tao cũng bần, mình là bạn nghèo nối khố với nhau…”. Phải vậy thôi đâu, ảnh còn ngân nga 4 câu vịnh về cây Bần rất thú vị, đến giờ tao còn nhớ:

Dưới sơn thuỷ ngàn năm ly biệt,

Trên nữa lừng chông ngọn đèn hoa.

Sang chi đó canh tuần nghiêm nhặt?

Rạng ngày ra mình một xơ rơ !.

Chú Dần tóm lược sự thú vị của 4 câu vịnh nầy: Bốn câu thơ nầy nói lên thân phận cây Bần. Bần thường chỉ được mọc theo bãi biển, triền sông. Khi gió lặng sóng êm, mây trời, trăng, sao phản chiếu xuống mặt nước hiện ra một bức tranh ảo sơn thuỷ hữu tình, nhưng nếu rơi xuống đó là ngàn năm ly biệt. Bần có nghĩa là nghèo, nghèo mà không biết thân phận, cứ đêm về Đơm đớm đậu trên cành, chiếu sáng như những ngọn đèn hoa, để rồi sáng ra một mình đứng xơ rơ không ai ngó ngàng gì tới. Ba cháu làm vịnh về cây Bần hay vịnh về thân phận mình chú cũng không rõ nữa. Vậy là cháu hiểu vì sao chú trồng cây Bấn bên mộ ba cháu rồi chớ?.

Tôi gật đầu, đốt ốp nhang chia đôi, cả hai đến cấm trước mộ. Chợt nhận ra mô đất nhỏ nằm cạnh, tôi hỏi:

- Mô đất gì đây chú?

- Mộ con chó, con “Bích La” ấy cháu còn nhớ nó không, một con chó tuyệt vời. Nó với ba cháu bao giờ cũng như hình với bóng. 

Tôi gật đầu, đăm chiêu. Chú dần nhìn tôi nói tiếp:

- Đất ở đây luôn nong nước, mềm dễ đào, lâu lắm vài tiếng là xong. Đợi tàn nhang, nắng lên bớt Bù mắc rồi hãy làm.

Trong khi chờ nắng lên, chú nói sơ về con Bích La cho cháu nghe đi?. Sau khi cháu thoát ly gia đình, nó gắn với ba cháu như thề nào mà chú gọi nó với ba cháu như hình với bóng?.

Khi cháu đi rồi, làng lính gây khó ba cháu đủ điều. Ba cháu cùng con Bích La  bỏ nhà xuống rừng nầy ở cho đến chết… Cháu biết không, Quân đội Việt Nam Cộng hoà mở cuộc càn lớn suốt cả tuần, mang tên “Phượng hoàng TG.1 (Tiền giang 1) gồm hải, lục, không quân càn vào xã Thanh phong nầy.  Được biết, người chỉ huy cuộc càn nầy là Tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre Phạm Ngọc Thảo - người thuộc đàng mình. Ông ta ở trên tàu hò hét chiếu lệ, ngày cho quân  đi ven ngoài bìa rừng, tối lui ra khu vực chú đang ở đóng quân. Ba cháu và con Bích La phải rút sâu vào trong rừng. 

Sau khi cuộc càn kết thúc, giữa đêm khuya, ba cháu và con Bích La ra nhà chú. Ảnh nói: “Mấy ngày qua, tôi và con chó rút sâu vào rừng, sạch bách lương thực”. Nghe ảnh nói vậy, thiếm cháu lật đật chuẩn bị gạo, muối, nước mắm…. khệ nệ xách lên để sẵn.  Ba cháu bảo chú và thiếm ngồi lại một chỗ rồi đưa cái túi rút cho con Bích La ngậm miệng đem lại giao cho chú. Thấy lạ, dầu chưa biết ba cháu làm thế với dụng ý gì, nhưng chú cứ nhận túi và xoa đầu con chó, nó hớn hở vẫy đưôi, quay về tó chân ngôi cạnh ba cháu. Ba cháu nói ngay: “Kể từ nay, anh em tụi mình liên lạc với nhau qua con Bích La với cái túi rút màu đen nầy”.

Từ đêm hôm ấy về sau, cứ 5 ba bữa, con Bích La ngậm túi ra  giao cho chú, khui túi ra đọc thư là khắc biết ba cháu muốn gì, cần gì. Những gì ba cháu cần chú cột số lượng vừa phải vào thân con chó để nó mang về cho ba cháu. Ngược lại, chú cần nói gì với ba cháu thì viết thư bỏ vào túi rút ấy. Cứ vậy mà làm hết ngày tháng nầy đến tháng năm nọ, và kết thúc khi ba cháu và con Bích la không còn trên đời nầy. Mối tình ba cháu và con Bích La còn nhiều chuyện xúc động hơn nhiều, để nói sau, giờ thì ta bắt tay vào việc lấy cốt ba cháu.

Chú Dần lịnh cho tôi xắn hết đất phần trên nấm mộ quăng xuống lỗ trũng. Khi tôi xắn xong lớp mặt, chú Dần giành dá tay xắn nhẹ tay bươi từng lớp đất mỏng đến lớp ni-lon. Hai chú cháu chia nhau nắm 4 góc kéo lên, nước trào ra, chỉ còn xương trộn lẫn với bùn đất. Chú Dần bảo tôi xách nước  dội nhẹ cho bùn đất trôi bớt rồi cả hai châu đầu vào lượm từng bộ phận xương, rửa trong thùng nước và để vào tấm ni-lon đặt cạnh. Vừa làm, chú Dần vừa nói:

- Thế là tốt, ba cháu đã trả hết nợ.

- Chú nói nợ gì chàu chưa hiểu? – tôi vặn hỏi.

- Nợ đất nước ấy - chú Dần nói: Hồi còn sống, ba cháu dặn chú, khi tôi chết gói xác chôn đơn giản để tôi trả lại cho đất nước phần mình đã chịu nợ”- ý ổng nói: Con người sống và lớn lên nhờ vào đất và nước (theo nghĩa đen), chết phải trả lại những gì do đất nước tạo nên. Giờ đây, ba cháu chỉ còn lại bộ xương, thứ mà đất nước không cần đến, còn tất cả những gì khác, ba cháu đã trả lại cho đất nước -“của thổ hườn cho thổ” cháu hiểu chưa?. Tôi gật đầu.

Trong ngày, hài cốt ba tôi được đem về chôn bên cạnh mẹ tôi. Thế là ông bà đã  tái sum hợp, tôi toại nguyện.

*

Còn phép, tôi ở lại với chú Dần 2 ngày nữa. Lâu ngày mới được gặp lại, tối ngủ hai người nằm bên, mạnh ai nấy hỏi những điều mình cần biết. Riêng tôi hỏi chú Dần 4 chuyện: 

- Chú biết gì về chiếc tàu chở vũ khí trước khi cập vào rừng Thạnh Phong cỡi cồn phải phá huỷ?

- Lúc bấy giờ, chuyện ấy thuộc BMQS (Bí mật quân sự) không có thông tin chính thức, tất cả đều là những tin đồn. Chú cũng như mọi người ở đây, chỉ biết tàu đó là chiếc tàu lớn chở vũ khí thuộc đàng mình.  Ban đêm từ hải phận Quốc tế ghim thẳng vào rừng Thạnh Phong, gần đến bìa rừng, tàu cỡi cồn cát trong lúc lúc triều đang xuống, không rụt rịt được. Xuồng ghe ùa ra chở tất vũ khì theo lạch nước vào sâu trong rừng rổi dùng chất nổ huỷ tàu trước khi trời sáng. Ở đây chỉ nghe tiếng nổ rền trời và nghe đồn thế thôi. Có lẽ đó là nguyên nhân VNCH mở cuộc càn lớn mang tên Phượng Hoàng TG1 như chú nói hôm qua.

- Thời chiến làng lính ở đây có ác ôn lắm không? 

- Không đâu, phần lớn họ là người sở tại, vốn quen biết dân trong làng. Đúng hơn vì họ yếu thế hơn quân Giải phóng, dầu họ có muốn làm ác cũng không dám, sợ Quân Giải phong trong rừng ùa ra “giải phóng” thì tiêu đời nhà ma. Bót làng nầy cuối năm 1960 cũng bị “giải phóng” một lần, lớp chết, lớp bị thương, lớp bị bắt, bót cháy thành tro - phận là Cheo, Mễn… làm gì dám đùa giỡn trước Cọp?.

Làng lính ở đây thuộc loại kiểng, ghi danh cho có tụ để lãnh lương. Suốt thời gian dài, ngày thì làng lính đôi khi có bung ra, tối rút vào đồn nhậu nhẹt, cờ bạc, đêm thì  nhường chỗ cho đàng mình đến hay đi ngang qua cũng mặc tình. Chú có cảm giác, dường như đôi bên vừa lòng với hiện tại, không hề gây khó cho nhau, việc ai nấy làm.

- Vậy sao chú không rủ ba cháu ra ngoài nầy ở cho thoải mái?

- Ý đâu được! – Ba cháu bị ghi vào sổ bìa đen, có lịnh truy nã, đến cái giấy căn cước ổng cũng không có. Ra đây thám báo biết được nó chộp ngay, không được ngồi tù ở đất liền đâu, không ra Côn Sơn cũng ra Phú Quốc?.

-  Thôi thì chú nói thêm về quan hệ ba cháu với con Bích La cho cháu nghe? 

- Chuyện con chó với ba mầy tao thuộc lòng: “Thấy con Bích La ngày một già yếu, ba cháu bảo chú kiếm xin cho ổng một con chó để tập luyện kế thừa con Bích La. Chú xin được cho ba cháu một con chó cái ú na ú nần. Ba cháu nuôi dạy nó hơn năm mà nó chỉ lớn chớ không khôn. Người ta ví không sai “rập rận như chó tháng bảy”, khi thì nó dẫn chó đực về, khi thì ra xóm la cà với những con chó đực khác. Ít lâu sau, cái bụng nó chè bè rồi đẻ ra một lũ chó cơm, tối ngày chỉ biết ăn rồi quậy phá. Bữa nọ chú vào trong đó thăm ba cháu, con Bích La bịnh nằm buồn xo, khoé mắt ghèn mới chồng lên ghèn cũ. Ba cháu nấu cháo cá cho nó ăn, vừa để xuống, lũ chó cơm tràn vô giành ăn không can nổi- can chúng cắn chớ không phải chơi. Tội nghiệp con Bích La, biết phận mình, nó cố bường ra khỏi chỗ, nhướng mất nhìn lũ chó cơm giành ăn với vẻ bất bình.

Ngay sau đó, ba cháu nổi giận, nói với chú: “Nếu chú không ăn thịt chó thì kêu ai đó cho tất lũ chó cơm nầy, tôi chịu hết xiết chúng rồi!”.

Từ khi cho hết lũ chó cơm, ba cháu có điều kiện chăm sóc con Bích La hơn, nó hồi sức và bình thường trở lại, nó chạy ra chạy vô nhà chú như cơm bữa. Bỗng nhiên vắng nó mấy hôm, chú sinh nghi, vội vào trong ấy, thấy nó nằm gát mõ lên 2 chân trước bên cạnh ba cháu đang mê mang bất tĩnh. Hốt hoảng, chú chạy về nhà gọi ít người quen thân cùng chú vào  chăm sóc, thuốc thang, nhưng ba cháu không qua khỏi.

Chôn cất ba cháu xong, thấy con Bích La đói cái bụng tớp ve, mắt ghèn đóng thành cục, thấy thương quá, chú dụ mãi nó mời chịu theo ra ngoài nhà chú. Chú cho nó ăn, tắm rửa cho nó. Từ đó, mỗi ngày nó ra ngoài nhà chú một lát, ăn uống xong lộn về trong nầy nằm bên mộ ba cháu bất chất nắng mưa… Do tuổi cao sức yếu và do ba cháu đã qua đời phải sống lẻ loi, nó không còn nhanh lẹ như trước, đuôi nó luôn xụ xuống, đi lửng thửng và bao giờ cũng ràng rụa nước mắt.

Mấy ngày nó không ra, chú vào đây tìm, thấy nó nằm chết bên mộ ba cháu. Quá động lòng, chú gói xác nó bằng chiếc chiếu manh, đào lỗ chôn xác nó cạnh mộ ba cha…áu. Mỗi lần đấp mô…ộ cho ba cháu, chù cũng không quên xắn ít dá đất đấp lên mô…ộ no…ó.

Chú Dần cứ nói, tôi cố nghe. Tiếng nói chú Dần mỗi lúc cà nhựa, đứt khúc thưa và yếu dần rồi tắt lịm, thay vào đó, tiếng ngái ngủ ngon lành. Còn tôi không sao ngủ được, hình ảnh con Bích La cứ lởn vởn trong đầu. Những gì chú Dần nói về con Bích La, đó chỉ là một phần – phần sau nầy.

Tôi hồi nhớ lại: Khi tôi 10 tuổi, một ngày nào đó không còn nhớ, Tây ruồng bố, đốt nhà dân lửa cháy rực trời. Sau khi Tây rút, mọi người về xúm nhau chữa lửa. Chữa lửa xong, ba tôi về, ôm trên tay một con chó con mới mở mắt. Ông nói: “Của người ta cho, mẹ nó là con chó săn, đẻ được 4 con, làm ổ trong kẹt bồ lúa. Khi nhà bị cháy chó mẹ tha được 1 con nầy ra rồi xông vào bị chết cháy với 3 con còn lại, thật tội nghiệp!.

Nói đoạn, rồi ông giao cho tôi con chó con mới mở mắt nầy. Hàng ngày, nước cơm chang với nước cá kho thay sữa mẹ, thế mà nó khoẻ mạnh, lớn nhanh như thổi. Ba tôi đặt cho nó cái tên ngộ nghĩnh “Bích La”- nếu nói lái theo Nam bộ là “ba lít”.

Có lần ba tôi ngấm nghía rồi vạch lưỡi con Bích La ra xem, Ông nói: “Con chó nầy tốt, mặt thỏ, mõ dơi, có bớt ở lưỡi rắn độc cắn không chết, nuôi nó chỉ có lợi..v.v…

Ba tôi nói thế, nhưng tôi bán tín bán nghi, cho rằng, ông nói như vậy để thúc mình chăm sóc tốt con chó đó thôi. Nhưng càng về sau, tôi thấy ba tôi nói đúng, ba lần con Bích La bị rắn hổ cắn, không cần chữa trị bằng thuốc, nó tự dùng lưỡi liếm vết thương vài bữa thì lành.

 Không như lũ chó thịt (chó người ta nuôi để ăn thịt) hễ chủ đi trước thì  chúng lót tót chạy theo sau; Còn con Bích La thì khác, bất cứ đêm hay ngày, hễ chủ xuất phát thì nó chạy trước thám thính đường, chạy tới chạy lui như con thoi để bảo vệ chủ. Dĩ nhiện là nó không nói được, nhưng nó biết nghe, phân biệt được ai thương hay ghét đối với nó. Có chuyện lành, chuyện vui, nó uốn éo cái mình, le lưỡi ngoắc đuôi. Có chuyện không lành, nó gầm gừ, xừng lông, cụp đuôi.

Ba tôi tập dần riết nó thuần thục: Mỗi khi cán bộ về muốn sang lộ, ba tôi bảo và chỉ tay là nó lập tức chạy đi lùng sục 2 bên đường rồi chạy về ngay. Hễ nó cụp đuôi, gầm gừ và xây đầu về hướng nào thì hướng đó bất ổn. Và hễ nó ngoắc đuôi, uốn éo cái mình là mọi sự yên ổn.  Khi bắt đầu đi, nó chạy trước thám thính, chạy tới chạy lui như con thoi, ba tôi dẫn cán bộ theo sau, cứ nhìn cử chỉ con Bích La khắc biết chuyện lành hay dữ. Ba bốn năm trời, ba tôi sử dụng con Bích La làm trinh sát để đưa rước cán bộ qua lại lộ giao thông mà không có chuyện nào đáng tiếc xảy ra (an toàn tuyệt đối). Không chỉ có tôi và ba tôi mà, hầu hết cán bộ tới lui vùng nầy, ai cũng mến thương con Bích La. Ngay trong những bữa ăn cũng không bao giờ quên cắt phần cho nó.

Trong những ngày đầu “Đồng khởi”, để phòng đối phương bao ráp, biệt kích, mỗi đêm sau khi đi công tác về, đội biệt động chúng tôi bung ra đồng tróng ngủ. Tôi dẫn con Bích La theo, khi ngủ có cử 1 người gác vòng hẹp, còn giao cho con Bích La thường xuyên chạy bao quanh trinh sát vòng rộng, khi có động nó chạy về với vẻ gần gừ, đứng xây mặt về hướng có người. Nếu chúng tôi trụ lại đối phó thì nó cùng ở, nếu tôi vẫy tay ra lịnh rút thì nó chạy trước dò đường, cứ xem cử chỉ của nó mà chọn cách đối phó thích hợp.

Lúc bấy giờ, nhà tôi là chốt giao liên (giao thông liên lạc). Ngày một lớn tuổi, sức yếu, ba tôi thử tập cho Bích La  thay mình chạy chuyển thư. Bữa nọ, anh Thiết, Bí thư Huyện uỷ; anh Minh, Bí thư Xã uỷ đến nhà, ba tôi làm 3 gói với 3 màu trắng, xanh, vàng. Trước sự chúng kiến của Bích La, ba tôi giao gói trắng cho tôi, giao gói xanh cho anh Thiết, giao gói vàng cho anh Minh. Thế rồi cả ba giao những gói ấy lại cho ba tôi. Ba tôi giao từng gói cho Bích La giao lại từng người trong chúng tôi. Tráo đi tráo lại nhiều lần mà nó giao không hề sai địa chỉ. Mọi người cười rộ và vò đầu nó, nó ngoắc đuôi hí hửng.

Khi đã hẹn nhau trước, ba tôi dẫn con Bích La đến từng điểm ở (căn cứ) riêng để gặp mặt từng người trong chúng tôi. Về sau, hễ có thư của người nào, ba tôi gói giấy màu ấy và lịnh cho con Bích La ngậm miệng chạy giao. Khoảng cách xa  gần nhứt cũng 5 km mà nó chạy đi về khoảng tiếng đồng hồ. Nhưng nó rất máy móc, thư của ai (trong 3 người nói trên) nó chỉ giao tận tay người ấy, nều không gặp người ấy thì nó đem về chớ dứt khoát không giao cho bất cứ người nào khác. Sau khi giao thư, nếu có thư lại thì đưa cho nó ngậm chạy về, không ai có thể dụ hay giựt được thư của nó. Khi giao nhận thư, nó chạy ngay, chạy nhanh người không thể nào đuổi kịp. Qua theo dõi thấy, nó ngậm thư chạy một đoạn, dừng lại quan sát rồi mới chạy tiếp, khi qua sông rạch nó ngước mõ lên bơi hoặc lội qua, vì vậy thư không bao giờ ướt - chỉ có trời mưa thì đành chịu. Bởi vậy, mùa mưa phải gói kỹ thư trong bọc ni-lon trắng và trong cho thấy màu của thư. Khi miệng có ngậm thư, nó lách những chỗ có người hay có đàn chó. Qua thực tế, giao thư cho con Bích La là an toàn nhứt. Để kiểm tra, mỗi khi giao thư, người nhận ghi ít chữ cho nó ngậm đem về giao lại cho ba tôi, coi như nó làm xong nhiệm vụ.

Nó rất kỹ trong ăn uống, người lạ cho nó không bao giờ ăn. Một lần có ngưới đem gói thịt nướng để trước nhà, con Bích La thấy, nó tha trả lại trước cửa nhà người ấy. Đúng là “giáo Tàu đâm Các chú,  con chó nhà người nầy ăn ngộ độc chết ngay sau đó. 

Lai lịch và cuộc đời  con Bích La là như thế. Càng nghĩ càng thương cho số phận nó. Đêm ấy tôi không sao ngủ được là phải! Làm sao tôi có thể yên lòng an giấc khi mà xương cốt con Bích La còn ở trong rừng hoang, vùi sâu dưới lòng đất lạnh! Làm sao nó có thể tự về nằm kề cận bên mộ ba tôi được nữa?!. Chưa nói đối với đất nước, với mọi người, riêng đối với ba tôi, nó xử sự có thuỷ có chung, ngang bằng hoặc hơn với người con hiếu thảo. Thế mà tôi, khi cải táng cha mình mà không đoái hoài đến xương cốt của nó. Đêm ấy tôi không ngủ được là do sự trừng phạt của lương tâm mình.

 Sáng ra, được chú Dần đồng cảm, tôi trở lại rừng đào lấy cốt con Bích La đem về chôn cạnh mộ ba tôi. Làm xong việc ấy, khi lên đường về đơn vị, lòng tôi thấy nhẹ nhàng, thanh thản như người nông dân cày xong thửa ruộng. -/-

----

Chú thích

(1) Bù mắc loại có cánh, biết bay, sống ven sông biển, nhỏ hơn nhưng cũng cùng chủng loại với muỗi. Nó cũng chích hút máu người nhưng không đau như muỗi, chỉ ngứa rất khó chịu, càng gãy xười da nó càng bu thêm.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire