Trang

31/10/2021

Phán quyết từ LHQ nói VN 'bắt giữ tùy tiện' nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

  • Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt

Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang (giữa) trong một lần gặp gỡ các chính khách quốc tế - Nguồn hình ảnh Pham Doan Trang

Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hợp Quốc (UNWGAD) vừa công bố phán quyết về trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang.

Luật sư nhân quyền quốc tế Kurtuluş Baştima, người nộp hồ sơ trường hợp của Phạm Đoan Trang lên UN, cho BBC News Tiếng Việt hay rằng ông nhận được phán quyết của UN hôm 25/10.


Theo đó, phán quyết cho hay Phạm Đoan Trang bị bắt và giam giữ mà không có lệnh bắt, bà cũng không được thông báo về lý do bị bắt. Suốt từ khi bị bắt cho tới nay, bà Trang không được gặp người thân, và việc bà gặp luật sư bị đình trệ rất lâu. Do đó, các quyền của bà Trang theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) đã bị vi phạm.

Nhóm công tác kết luận rằng chính phủ Việt Nam đã "giam giữ tùy tiện nhà báo Phạm Đoan Trang 11 tháng qua", và cần phải trả tự do cho bà ngay lập tức.

"Vụ việc hiện tại là một trong nhiều vụ việc được gửi tới UNWGAD trong những năm gần đây liên quan đến việc bắt giữ tùy tiện ở Việt Nam. Những trường hợp này diễn ra theo một mô hình bắt giữ tương tự không tuân thủ các quy tắc quốc tế; giam giữ kéo dài trong khi chờ xét xử mà không được tiếp cận với hồ sơ cáo trạng, không được gặp luật sư, bị truy tố theo các tội hình sự mơ hồ...; không được tiếp cận với thế giới bên ngoài."

"Mô hình này chỉ ra một vấn đề mang tính hệ thống đối với việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, nếu tiếp tục, có thể vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế," báo cáo của UNWGAD viết.

Trong phán quyết dài 17 trang, UNWGAD cũng đưa ra các biện pháp tiếp theo để giám sát sự tuân thủ của Việt Nam, yêu cầu chính phủ Việt Nam, trong vòng 6 tháng, cung cấp thông tin bao gồm:

  • Đã trả tự do cho Phạm Đoan Trang hay chưa? Nếu rồi thì thời gian nào?
  • Đã thực hiện các điều khoản bồi thường chưa?
  • Đã tiến hành điều tra việc vi phạm các quyền của Phạm Đoan Trang chưa? Kết quả thế nào?
  • Đã có bất kỳ sửa đổi nào về mặt luật pháp, cụ thể là Điều 117 Bộ Luật Hình sự cũ và Điều 88 Bộ Luật Hình sự mới để phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế chưa?
  • Đã có bất kỳ hành động nào khác được thực hiện theo phán quyết này hay không?

Góc nhìn từ luật sư nhân quyền quốc tế

"Đây là một phán quyết rất quan trọng," ông Kurtuluş Baştima nói với BBC. Ông phân tích:

"Phạm Đoan Trang không thể phản đối việc giam giữ cô ấy, nên quyền của cô ấy trong việc được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 2 (3) ICCPR bị vi phạm."

"Bên cạnh đó, UNWGAD phán quyết rằng Điều 117 Bộ Luật Hình sự cũ hoặc Điều 88 (Bộ Luật Hình sự sửa đổi) quá mơ hồ và rộng nên không thể được sử dụng làm cơ sở pháp lý để viện dẫn bắt và giam giữ Phạm Đoan Trang."

"Ngoài ra, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội và quyền phát biểu ý kiến cũng bị nhà nước Việt Nam xâm phạm, vì mọi hoạt động của bà Trang với tư cách là tác giả, blogger và nhà báo đều bị ngăn cản."

"Cuối cùng, sự chậm trễ trong việc cho bà Trang gặp luật sư khiến quyền được xét xử công bằng của bà bị vi phạm theo Điều 14 ICCPR. Việc bà Trang bị giam giữ do bà tham gia vào báo cáo chống tham nhũng và dân chủ là vi phạm quyền được tham gia vào các hoạt động công vụ, cụ thể là Điều 25 (a) ICCPR."

"Đây là quyết định do UNWGAD đưa ra dựa trên Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Công ước này đặt ra nghĩa vụ đối với nhà nước phải tôn trọng các quyết định đó. Luật sư của bà Trang tại Việt Nam nên sử dụng quyết định này của UN trong phiên tòa sắp tới," ông Kurtuluş Baştima nói.

Tuy nhiên, ông Kurtuluş Baştima cho hay phán quyết của UN không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, do đó UNWGAD không thể ra hình phạt nếu chính phủ Việt Nam không thực hiện các đề xuất được UN đưa ra.

Dù vậy, điều này không có nghĩa là chính phủ Việt Nam sẽ được phớt lờ quyết định này. Vì nếu không thực hiện, chính phủ Việt Nam sẽ bị quy trách nhiệm vi phạm luật pháp quốc tế và UNWGAD sẽ chuyển tình huống này lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Ngay sau phán quyết của UN, một tuyên bố chung hôm thứ Ba từ 28 tổ chức xã hội dân sự trong nước và quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang.

"Việc đàn áp Đoan Trang và những người bảo vệ nhân quyền khác, bao gồm các nhà văn và nhà báo độc lập, là một phần của cuộc tấn công ngày càng tồi tệ hơn đối với quyền tự do ngôn luận và thông tin ở Việt Nam," tuyên bố chung viết.

The Working Group on Arbitrary Detention- UNWGAD - được thành lập trên cơ sở Nghị quyết 1991/42 của Ủy ban Nhân quyền LHQ và có nhiệm vụ điều tra các vụ bắt giữ, tạm giam, cầm tù mà các nước thành viên thực hiện, xem có đúng với Hiến chương Nhân quyền LHQ hay không.

Họ có quyền đòi các chính phủ và nhà nước phải trình báo cáo định kỳ hoặc về các trường hợp cụ thể liên quan đến hành vi, quyết định, án xử tước đoạt tự do của công dân ở quốc gia thành viên.

Xem thêm nguồn tiếng Anh tại đây: https://www.ohchr.org/en/issues/detention/pages/wgadindex.aspx

29 tháng 10 2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire