Trang

09/10/2021

Thư ngỏ thách đố Chủ tịch nước

Phi lộ

Thư này vốn là kín, gửi riêng cho ông Chủ tịch. Tôi đã hai lần gửi thư chuyển phát nhanh qua Bưu điện, có biên nhận. Ngày 22 tháng 9 gửi trực tiếp cho Chủ tịch. Ngày 24 gửi cho ông Chủ nhiệm Văn phòng, nhờ chuyến cho Chủ tịch. Thư gửi đến Văn phòng chủ tịch nước, số 2 Hùng Vương, Hà Nội. Chắc rằng ngày 27 tháng 9, khi Chủ tịch từ Mỹ về thì thư tôi đã có sẵn trên bàn của ông, và vài ngày sau tôi sẽ nhận được hồi âm. Nếu Chủ tịch không thể trả lời thì nhờ thư ký gọi điện thoại hoặc gửi email cho tôi biết. Nhưng cho đến ngày 7 tháng 10 vẫn bặt vô âm tín. Phải chăng thư đã bị chặn hay là thất lạc đâu đó, chưa đến tay Chủ tịch, hoặc đã đến tay nhưng ông không xem. Vì vậy buộc tôi phải chuyển thành thư ngỏ, may ra có thể đến với ông. Ngoài ra thư ngỏ cũng để cho những ai quan tâm biết được.


            Kính thưa ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

 

Trong lúc làm thủ tướng ông đã có được nhận xét tốt của nhiều người là năng động, xông xáo, có thể ứng khẩu nói ra những điều đang suy nghĩ chứ ít khi cặm cụi đọc những điều được viết sẵn. Tuy vậy ông cũng  nổi danh Phúc Nổ vì đi đâu ông cũng có những câu bốc đồng làm người nghe giật mình, rồi còn có những câu nói thiếu thận trọng.

 

Nay ông làm Chủ tịch nước. Tôi đã nghe và xem kỹ lời tuyên thệ và bài phát biểu nhậm chức của ông trước Quốc hội. Tôi hơi thất vọng vì một chủ tịch nước không tự nghĩ ra được một lời thề đặc sắc, mang dấu ấn cá nhân mà đành chấp nhận đọc “một bài văn mẫu”, dài 76 chữ, dùng chung cho nhiều người.

Bài phát biểu nhậm chức của ông chưa đến hai ngàn chữ thì khoảng hai phần ba là những câu thưa gửi, chào hỏi, ca tụng, chúc mừng, cám ơn, kể thành tích. Những điều đó chẳng mấy ai muốn nghe vì nhàm chán, chẳng có gì mới. Phần còn lại của bài đề cập đến những việc mà Chủ tich cần làm thì cũng chỉ là những việc chung chung về đối nội, đối ngoại.

 

Tôi định góp với ông vài ý kiến, nhưng nghĩ rằng chúng sẽ chẳng tác dụng gì nên chuyển sang thách đố. Mà chỉ thách đố làm được việc do chính ông vạch ra.

Ông hứa hẹn: “Chủ tịch nước sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức trong và ngoài nước”. Ông cam kết: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay thuận lợi, Chủ tịch nước sẽ luôn gìn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trong thư gửi nhân dân TP HCM ông còn viết : “Gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần có nhiều kênh, nhiều cách để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, đáp ứng ở mức cao nhất”.

 

Tôi thách đố ông làm sao để gìn giữ và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và nghe được những ý kiến mà dân muốn nói chứ không phải những điều lãnh đạo muốn nghe.

Xin ông cứ làm bình thường những công việc sự vụ hàng ngày của Chủ tịch như đã ghi trong Hiến pháp. Ngoài ra ông nên tập trung trí tuệ và tình cảm để thực hiện lời cam kết trên. Làm được việc đó có kết quả (chứ không phải vì hình thức, cho qua chuyện) sẽ là một đóng góp của Chủ tịch cho dân tộc.

 

Trước hết xin hỏi : Ông đánh giá thế nào về tình hình đại đoàn kết dân tộc hiện nay. Tôi cho rằng ông đang có những đánh giá sai. Tại sao vậy?. Tại vì ông và nhiều lãnh đạo đang bị khống chế về thông tin, đang bị tính  chủ quan bịt tai, che mắt.

Để đánh giá đúng sự thật của xã hội VN hiện tại không hề dễ chút nào vì gian dối và ngụy biện lan tràn sâu rộng khắp nơi, nó đầy rẫy trong các văn kiện chính thống, trên báo chí và cả trong học thuyết Mác Lê. Khi chưa nắm được sự thật về tình cảnh nghi kỵ, mất lòng tin và chia rẽ của người Việt hiện nay mà nói đến đại đoàn kết thì chỉ là hô khẩu hiệu một cách vụng về.

Ca dao có câu : Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước hãy thương nhau cùng. Và câu : Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn.  Một số người hiểu và giải thích hai câu trên như là thể hiện tình yêu thương, đùm bọc nhau của đồng bào và là điều tốt, đáng ca ngợi. Nhưng nhiều người giải thích theo cách khác, ngược lại, cho đó là những lời khuyên răn khi nhận thấy đồng bào chưa thật sự yêu thương nhau, lời khuyên mang tâm sự than thở, trách móc.  Xin hỏi, Chủ tịch hiểu hai câu đó như thế nào?.

 

Ông đưa ra việc gìn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức. Nếu đó chỉ là nói cho qua chuyện thì chằng cần bàn đến làm gì. Tôi thách đố là vì nghĩ rằng ông có chút thật lòng nào đó.

 

Xin hỏi, theo ông hiện nay nhân dân có mấy tầng lớp, ý kiến và nguyện vọng của các tầng lớp khác nhau như thế nào và ông định nghe tầng lớp nào là chủ yếu, nghe bằng cách nào để biết được sự thật. Tôi cho rằng đối với chính quyền thì dân có ba tầng lớp với nhu cầu, quyền lợi rất khác nhau, vì vậy ý kiến cũng rất khác nhau.

Đội ngũ trí thức gồm trí thức lề đảng và trí thức lề dân, mà trong mỗi lề lại gồm nhiều loại. Xin hỏi, ông biết gì và đánh giá thế nào về các trí thức lề đảng và trí thức phản biện thuộc lề dân. Tôi xin nói rằng phần lớn trí thức lề đảng là hữu danh vô thực, không đáng tin cậy và đại đa số trí thức phản biện là những người yêu nước thương dân chứ không phải thế lực thù địch.

Xin khẳng định rằng nếu ông chỉ biết nghe  dân được chọn lựa ở các buổi tiếp xúc cử tri và trí thức lề đảng thì chỉ nhận được một phần nhỏ sự thật mà thôi, còn phần lớn sự thật đã bị che giấu và thay vào đó là những lời của tuyên giáo. Dựa vào thông tin như vậy để hoạch định chính sách, đường lối thì rất khó tránh sai lầm.

 

Trong hoàn cảnh chưa có tự do ngôn luận, chưa có tự do báo chí mà lại có nhiều tin giả như hiện nay thì một trong những cách tốt để biết sự thật là tổ chức đối thoại. Hãy nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức đối thoại về vấn đề Đại đoàn kết dân tộc, về tự do dân chủ. Rồi nhân danh Chủ tịch nước xúc tiến nhanh việc ra luật về quyền tự do của công dân đã ghi trong Hiến pháp như tự do ngôn luận và báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình.

 

Tổ chức đối thoại chứ không phải là Hội thảo để mời người đến đọc báo cáo hoặc thuyết trình. Đối thoại nhằm đấu lý giữa những nhận thức và quan điểm khác nhau. Quan trọng là người dự. Ngoài một số rất ít bắt buộc đến nghe, còn chủ yếu đến là để trình bày quan điểm và nếu cần thì tranh luận. Họ được mời không phải dựa vào chức danh mà mỗi cá nhân muốn dự phải đăng ký và nộp tóm tắt các ý kiến. Nên tổ chức đối thoại công khai, nhưng trước mắt có thể chỉ công khai về việc tổ chức còn chưa công khai nội dung cũng được. Nếu chưa thể tổ chức đối thoại thì Chủ tịch có thể mời riêng một số trí thức phản biện để nghe trực tiếp ý kiến của họ. Cách mời là thông báo công khai để những trí thức phản biện tự đăng ký đến dự và trình bày.  

 

Có nhiều khả năng là qua đối thoại và những con đường khác mà Chủ tịch biết được nhiều sự thật trước đây bị che giấu, nó có thể làm ông và nhiều người bị sốc. Nhưng biết được chỉ là điều kiện cần. Còn phải có điều kiện đủ mới giải quyết được vấn đề. Đó là trí tuệ và đức tính mà nhiều cán bộ lãnh đạo còn thiếu, trong đó có thể bao gồm cả Chủ tịch.

 

Trí tuệ gì, đức tính gì? Trí tuệ khoa học về thu thập và đánh giá thông tin. Điều này đối với những cán bộ cao cấp như ông là việc quá khó vì đầu óc đã bị chật cứng những giáo điều, tai đã quen nghe những lời ca tụng, mắt đã bị che, chỉ còn có thể nhìn về một hướng. Đức tính trung thực, chân thành, khiêm tốn và dũng cảm, là lòng nhân ái, bao dung, là từ bỏ thói kiêu ngạo cộng sản, là tránh xa sự huênh hoang của người chiến thắng.

Giả thử khi nhận ra  những sai lầm trong đánh giá bản chất cuộc chiến tranh, trong đường lối đối với những người bên bại trận thì liệu các ông có đủ trung thực và dũng cảm để công nhận hay không, có đủ chân thành, khiêm tốn để sửa sai hay không, có nhân ái và bao dung đối với những con người bất hạnh bên bại trận hay không.

 

Xin hỏi ông chủ tịch. Đã bao giờ ông tìm hiểu kỹ về cuộc chiến Bắc Nam của Hoa kỳ chưa và đặc biệt là cách đối xử của bên thắng đối với bên thua. Nếu chưa thì rất nên chân thành tìm hiểu.

 

Trong phát biểu nhậm chức ông hứa trước Quốc hội và đồng bào, sẽ luôn tu dưỡng đạo đức, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thượng tôn pháp luật và tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp. Không nghe ông nói đến trung thực, chân thành, khiêm tốn, nhân ái, bao dung. Phải chăng đó là những đức tính xa lạ đối với người cộng sản.

 

Lãnh đạo đã nói rất nhiều đến củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nhưng đã làm được rất ít, thậm chí còn làm sai một số việc dẫn đến chia rẽ, nghi kỵ và thù hận nhau. Hy vọng ông sẽ làm được nhiều điều có hiệu quả chứ không dừng lại ở lời nói suông. Nhân Quốc khánh vừa rồi Chủ tịch có đặc xá trên ba ngàn tù nhân. Đó là nhân đạo, nhưng có rất ít tác dụng trong việc củng cố khối đại đoàn kết vì rất nhiều tù nhân lương tâm vẫn bị đối xử tàn ác, nhiều vụ án  oan sai thấu tận Trời mà không được cứu xét.

 

Thưa ông Chủ tịch. Tôi là một giáo sư, thuộc loại trí thức phản biện, thế hệ U90, nghĩa là thời gian sống trên đời này còn rất ít. Con chim sắp chết cất tiếng hót hay. Người già sắp chết thường nói sự thật. Tôi thách đố ông và sẵn sàng dâng hiến sức lực cùng trí tuệ cho công cuộc phục hưng đất nước, trong đó có việc củng cố đại đoàn kết và dân chủ hóa đất nước. Ông có thể tin lời tôi.

 

Cuối cùng, xin gửi đến ông lời chào kính trọng và lời chúc chân thành. Chúc ông có sức khỏe, có cuộc sống hạnh phúc, làm được những việc tốt cho dân cho nước, được  nhắc đến như một vị Chủ tịch nước nhân từ.

 

Người viết: Nguyễn Đình Cống, Sinh năm 1937. 

Số ĐT: 0389 578 620. Email : ndcong37@gmail.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire