Trang

15/11/2021

TÔI ĐANG LÀM GÌ ?

Phạm Quang Long

Thứ bẩy ngày 13 tháng 11 năm 2021 4:12 AM

Tôi không làm điều tra xã hội học về những gì mình sắp nói nên xin nói trước để có ai nghi ngờ khỏi phải bận lòng: tôi nói đây hoàn toàn chủ quan, nói theo cảm xúc nên có thể sai và tôi chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.

Câu hỏi ta đang cần gì có “ phổ” nội dung rộng quá. Tôi tin không ai có thể thỏa mãn mọi người khi tìm câu trả lời. Bởi vậy tôi “ rào đón” thế để nói vài chuyện của mình thôi.


Chuyện 1: khi dịch Covid bùng phát ở Trung Quốc rồi lây sang nước ta, cả nước tập trung “chống dịch như chống giặc”. Tôi không có chuyên môn về chuyện này nên tin tất cả những gì người ta nói trên các phương tiện thông tin chính thống. Thậm chí còn hơi ảo tưởng về sức mạnh của hệ thống nữa. Thấy truyền thông đưa tin hàng ngày phát hiện ra hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, nguy cơ như những quả bom virus đi động mà cứ bắt xong lại trả họ về mà không xử lý theo luât đã băn khoăn tự hỏi lực lượng canh giữ phên giậu của nước nhà đâu mà để họ ra vào nước mình dễ thế? Sao họ hết người này đến người khác vì phạm luật pháp nước mình mà đối sách của mình lại chưa xử lý được? Câu hỏi ấy không thể tự mình trả lời mà cũng có người nói ta và họ đã ký kết thế rồi. Buồn. Rồi dịch bùng phát, người chết nhiều, nhà nước phải điều cả bộ đội, công an, lực lượng y tế cả nước chống đỡ. Rồi thay đổi chiến lược. Bài học chống dịch đến nay có người tổng kết, có người đồng tình, có người không...nhưng cũng hiểu ra chúng ta phải có cách tiếp cận khác không chỉ dịch Covid mà nhiều chuyện khác trong xã hội. Lại phải tiếp tục đổi mới nhận thức, thay đổi tư duy, phải đổi mới nữa để có cái bình yên và hạnh phúc. Không chỉ riêng tôi mà chúng ta cần cái đó.

Chuyện 2: hai kỳ họp của UBKTTW gần đây giống mọi kỳ họp trước đưa ra những kết luận làm lòng người an và không an. Phần an là Uỷ ban làm nghiêm, xử lý những kẻ sai phạm, tội lỗi. Nhưng phần không an là cán bộ cao cấp bị xử lý nhiều quá, ở mọi lĩnh vực, xử mãi không hết. Thế mà tổng kết về công tác chuẩn bị cán bộ vẫn nói chúng ta thành công do chọn được cán bộ có tâm, có tài, có trí tuệ, được làm đúng quy trình. Đến như anh Bí thư một tỉnh bị kỷ luật điều đi đến mấy nơi rồi mà khi điều chuyển công tác(lẽ ra phải cách chức, “vào lò” từ lâu rồi)nhưng cấp điều động vẫn khen “ được đào tạo bài bản, tận tâm, hết mình với công việc”...và tin anh ấy sẽ có nhiều cống hiến ở vị trí mới. Thế thì còn biết nói gì? Tin vào đâu? Có người bảo quy trình làm rất kỹ, rất chuẩn sao vẫn lọt lưới? Tôi nghĩ quy trình lựa chọn cán bộ của ta chưa đủ tốt, không “lọc”được những người đủ phẩm chất và năng lực. Lại còn trách nhiệm người được giao việc nữa. Như một hội nghị toàn “ lương tâm và trí tuệ” mà tội trạng Tất Thành Cang đến thế vẫn có hơn 30% người dự họp bỏ phiếu không kỷ luật anh ta. Thế thì tôi tin vào những người “ lãnh đạo” ấy sao được? Ở đây cần sự công tâm khi chọn người giao việc, công bằng khi đánh giá, xét xử và cần sự minh bạch. Tôi không tin vào những phán quyết được coi là “ đúng” ấy. Nếu thấy các điều luật không còn phù hợp sao không sửa? Cơ quan Giám sát sao không nhận thấy điều này?

Chuyện 3: lại có một đại gia nữa xin hàng nghìn ha để xây “ khu du lịch tâm linh”. Đất là công điền công thổ quốc gia sao mấy anh được giao quản lý lại dễ dàng đem cho người này, người kia như vậy? Cái áo khoác “ phục vụ nhu cầu dân sinh” như áo của lão Tôn có thể biến hoá khôn lường, loại buôn thần bán thánh cũng chui vào được. Xin thưa chế độ ta chủ trương vô thần, tâm linh thuộc về tự do của mỗi người, nó ở trong lòng, nó thiêng liêng vì là Đức tin sao lại để cho sự dung tục làm hoen ố thế? Xây chùa to, biến chỗ thanh tịnh để cho mục đích khác thì tự việc đó đã hỏng từ gốc rồi. Khi đem Đức tin ra lừa mị thì tự nó đã không còn là Đức tin, nó thành tà đạo rồi. Ta cần một sự sòng phẳng ở đây. Giá trị lẫn lộn thế thì cái gốc của sự bình yên đã không còn. Tôi chắc rất nhiều người sẽ không cần đến những nơi như thế. Giả dụ nếu Luật trưng cầu dân ý có, khi hỏi về những cái gọi là du lịch tâm linh sẽ không dễ được đồng tình. Tôi sẽ chả bao giờ đến những nơi ấy làm gì vì không thấy sự yên ổn nào ở đây cả. Mà nói dại, thánh thần linh thiêng khi biết mình bị đem ra làm hàng hoá các cụ sẽ nổi giận đấy.

Chuyện 4: gần 20 năm trước, tôi có nói ngược quan điểm của lãnh đạo về công tác cán bộ trong một cuộc họp. Khi giải lao một anh bạn làm tổ chức rất lâu ghé tai nói nhỏ ”hôm nay nói rất đúng, rất hay nhưng mà ngu thì chưa từng thấy”. Hỏi sao lại thế mới biết những gì tôi nói nhiều người khác biết rõ, biết trước tôi nhưng họ không nói. Họ sợ bị trù. Tôi không tin. Rồi thực tiễn chỉ ra cho tôi thấy ông bạn tôi thật lòng và sự thực là ai cũng biết nhưng họ biết im lặng. Họ coi sự phục tùng để yên ổn lớn hơn tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật.

Vẫn chưa hết ngu nên hai năm trước tôi nói hết những gì suy nghĩ trong một bài báo. Một vị lớn tầm quốc gia về danh vị và uy tín khoa học bảo ” tôi nghĩ như anh nhưng tôi không thể nói ra điều ấy”. Vài tuần trước, tôi cũng nói về một chuyện khác trong một trao đổi. Nghe tôi nói xong, một vị cũng khá khá trong hàng quan chức, đang làm chuyên môn cũng vừa cười, vừa bảo ” em nghĩ y như anh nhưng em không dám nói”. Tôi buồn vì cứ băn khoăn: tại sao họ không dám nói điều mình nghĩ? Người ta tổ chức hội thảo để cho mình nói cơ mà? Họ còn động viên mình nói hết, nói thật sao mình không nói? Nói có lập luận, có dẫn chứng, thành tâm chứ có mưu đồ gì xấu đâu? Nhưng anh ấy bảo “ sợ chứ. Anh nghỉ rồi, không sợ nữa chứ em thì sợ vì đang đi làm”. Phải rồi người ta lo cho sự an toàn. Nói ra hết điều mình nghĩ, khác ý dễ bị chụp mũ là thoái hoá, biến chất, lơ mơ bị xếp vào thế lực thù địch thì nguy.

Chao ơi là buồn. Cái gì đã làm cho người ta sợ? Người ta không còn tin, không dám tin vào cái đúng, cái phải nữa vì nói ra sự thật làm trái tai người khác ư? Không tin vẫn còn sự sáng suốt và công tâm nữa ư?

Vậy ta cần tin vào đâu? Vào ai? Ta cần gì để sống thật?

Với người khác thì không biết nhưng với tôi thì cái điều ấy nhỏ và đơn giản: tin vào nhau. Dám tin người khác thì người ta sẽ tin mình. Lòng tin và tình yêu không ép buộc được. Cứ ép người khác tin mình, yêu mình khi mình không đủ cho người tin yêu thì người ta sẽ nói dối. Và có tin yêu nhau mới có thể sống bình yên.

Nguồn FB PhamjQuang Long

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire