Trang

03/11/2021

“Xe trước ngã xe sau phải tránh”

Thiện Tùng

1/11/2021

 “Xe trước ngã xe sau phải tránh”, câu nầy theo nghĩa đen: Xe trườc ngã xe sau không tránh khổ nạn sẽ chồng lên nhau; theo nghĩa bóng: không nhận ra sai lầm trước sẽ sai lầm nối tiếp sai lầm.

Dù là một lãnh tụ đức rộng, tài cao xuất chúng, nhưng Hồ Chí Minh vẫn là người trần tục chớ không phải là một Thánh nhân, siêu phàm.

Biến cái không thành có hoặc cái có thành không (hư cấu) đối vời con người là sự xúc phạm đáng trách. Như cái bong bóng, thổi căng quá sức chịu đựng nó sẽ nổ. 


1/ Vụ  Nguyễn Tất Trung (1)

Nhân dịp Cách mạng tháng 8 và Quốc khách 2/9/2021 vừa qua, hệ thống truyền thông đại chúng đề cao về đời tư Hồ Chí Minh tận mây xanh. Có lẽ từ đó, ngày 13/9/2021, ông Nông văn Tiềm nào đó viết bài kèm theo 9 tấm ảnh do ông ta chụp để chứng minh bài viết của mình không ngoài sự thật.

Nguyễn Tất Trung, cùng vợ Lưu Thị Duyên và con trai Vũ Thành - Nguồn: Nông Văn Tiềm


Bài và 9 ảnh đính kèm có độ dài 9 trang giấy A.4, với tựa đề “Bí mật cuộc đời của Nguyễn Tất Trung, con trai ông Hồ Chí Minh” đăng trên báo điện tử Tiếng Dân ngày 13/9/2021. Đáng nói bài viết nầy ông Nông văn Tiềm kéo cả cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào cuộc. Ông Tiềm cho rằng: “Không như ông Mạnh, ông Trung là người chịu khó  trong việc đi tìm cội nguồn. Hàng năm, Trung đều đưa vợ con về dâng hương mộ bà nội Hoàng Thị Loan ở Nghệ An, dự giỗ và viếng mộ ông nội là Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Đồng Tháp”.

Nnguyễn Tất Trung chụp bên mộ bà nội Hoàng Thị Loan - Nguồn: Nông Văn Tiềm

 
Nguyễn Tất Trung bên mộ phần ông nội Nguyễn Sinh Sắc. Nguồn: Nông Văn Tiềm

Tự xếp mình vào loại động vật thượng đẳng, thông minh…, nhưng con người vẫn chưa thoát khỏi tranh quyền, tranh ăn, tranh ở… như bao loài động vật hoang dã khác, việc “chí công vô tư”  khó có thể áp dụng với người trần tục.

Nếu không phải Thánh nhân thì ai cũng ăn, ngủ, đu, ỉa (tứ khoái) như bao người trên dương thế. Thế mà, từ các diễn đàn đến cà hệ thống truyến thông đại chúng cứ đến hẹn lại lên”, cố ý Thần thánh hoá Cụ Hồ. Việc làm ấy chẳng những ngoài ý muốn của Cụ, còn  vượt ra ngoài sức tưởng tượng của bao người. Phải chăng, đó là nguyên nhân Nông văn Tiềm cố công chụp hình và cho ra đời bài viết dài 9 trang như đã nói.

Hơn nửa tháng qua, bài viết nầy của ông Tiềm loan truyền rộng rãi trên mạng Xã hội, không có sự phản ứng nào của 2 tỉnh Nghệ An và Đồng tháp, đã nói lên phần nào về độ chính xác của nó?.

2/ Vụ “Cô Bảy Mỹ Tho”

Bà Nguyễn thị Mai Anh qua đời ngày 15/10/2021, hưởng tho 90 tuổi. Những ngày qua trên mạng Xã hội có một số bài viết phiến diện, thổi phòng, đề cao quá đáng về bà Mai Anh, khiến cho dư luận xôn xao bàn tán về bà và kéo cả ông Thiệu vào cuộc.  

Tuy không một lần diện kiến, nhưng tôi biết cũng kha khá về “Cô Bảy Mỹ Tho”, với tên gọi chính danh Nguyễn thị Mai Anh, đệ nhứt phu nhân Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hoà (VNCH) Nguyễn văn Thiệu. Cô Bảy Mỹ Tho nghe có vẻ phúc hậu, nhưng không đơn giản như người ta suyi tôn trong những ngày qua khi bà từ trần.

 

Bà Nguyễn thị Mai Anh – Cô Bảy Mỹ Tho


Người chết coi như đã hết, lẽ ra mọi việc nên để cho nó chìm sâu trong quên lãng, đàng nầy cứ bươi móc nó ra trở thành chuyện mới, bàn luận, tranh cãi, khiến cho người chết không yên lòng nơi đáy mộ và chẳng có ích lợi gì cho người sống?.

Sở dĩ từ lâu tôi chỉ trích dẫn khi cần thiết, chớ không viết bài về 2 nhân vật “lừng danh” nầy là vì tôi thuộc phía thắng cuộc, còn họ thì ngược lại.

Nay ông Thiệu và bà Anh đều đã qua đời, lẽ ra tôi phải để cho mọi việc về họ đi vào quên lãng, nhưng từ ngày 15/10/2021, khi bà  Mai Anh qua đời, trên mạng Xã hội nói một chiều, ngợi ca quá đáng về bà Mai Anh, nhứt là việc bà sáng lập bịnh viện “Vì Dân”.

a) Người ta nói về Tổng thống Thiệu và bà Mai Anh:

Từ khi Mỹ tuyên bố: “Việt Nam hóa chiến tranh”, công bố lịch rút quân và Quốc hội Mỹ ra nghị quyết cắt viện trợ đối với chế độ Sài Gòn, các nước phương Tây, nhất là Mỹ, họ lớn tiếng phê phán nhóm chóp bu chế độ Sài Gòn tham nhũng, đầu cơ, buôn lậu..v.v...

 Có đúng vậy không?. Về việc nầy, Alen Dowson viết quyển sách tựa đề “55 ngày đêm chế độ Sài Gòn sụp đỗ”. Alen Dowson là ai? Liệu có tin được người ấy không?.

Mãi mê theo đuổi công việc tìm kiếm tài liệu để hiểu rõ hơn về những người cầm dầu chế độ Sài Gòn, phóng viên UPI Alen Dowson không để ý đến việc Quân Giải phóng đã tràn ngập vào Sài Gòn. Alen Dowson bị Quân Giải phóng bắt giữ một tuần, sau đó được thả ra và đến 3/9/1975, anh bị trục khỏi Việt Nam – về Mỹ. Alen Dowson không chết mà được đối xử tử tế là may đối với anh ta, nhưng không hay ho chút nào đối với ông Thiệu và bà Mai Anh.

 Alen Dowson viết: 

<<Vì sao ngưới ta dấy lên chống Thiệu? Alen Dowson viết: “…Thiệu thu nhập vài trăm đô-la tháng mà có 2 căn nhà ở Sài Gòn trị giá 150.000 đô-la, một nhà thủy tạ ở phía bắc Sài Gon, một vila tráng lệ ở Thụy Sĩ, nhiều đất đai, nhà cửa ở một số tỉnh… Vợ Thiệu  xây cái bịnh viện gọi là “Bịnh viện cho dân nghèo” (Vì Dân) bằng tiền bòn rút, buôn lậu, và kết cục thì dân nghèo không thể vào bịnh viện nầy. Anh vợ Thiệu thì đầu cơ nâng giá phân bón hóa học do Mỹ cung cấp, bán cho nông dân với giá cắt cổ. Cố vấn cho Thiệu là Đặng văn Quang và Trần Thiện Khiêm, tổ chức buôn bán thuốc phiện. Một người cô của Thiệu tích trữ, đầu cơ và nâng giá gạo, thâu tóm nhiều phương tiện vận tải để làm giàu. Thiệu còn nhận quà bằng đất đai, dùng công binh xây dựng trang trại riêng.v.v…

Sau 10 năm với chức vụ cao nhứt ở Nam Việt Nam, trong 8 năm làm Tổng thống, năm 1975, Thiệu là người giàu nhứt Nam Việt Nam – nhờ tham nhũng mà ra. Trong chức vụ, Thiệu không hề được phép nhận hơn số lương 600 đô-la mỗi tháng và có lẽ từ 300 đến 400 đô-la phụ cấp, thế nhưng dù bất cứ tiêu chuẩn nào, Thiệu đã và vẫn còn giàu sụ.

Thiệu làm thế nào giàu được? Đó là chuyện phức tạp, quanh co, những gì sắp kế ra đây chắc chắn là không đủ, cái biết được là hai trường hợp ngoại lệ: Một Vila ở Thụy Sĩ và một ngân hàng ở Sài Gòn bị phá sản, còn thì cả tên Thiệu lẫn tên vợ Thiệu không tìm thấy trong bất cứ hồ sơ nào. Thế mà họ trở nên giàu có. Theo các cuộc phỏng vấn và các nguồn điều tra khác thì gia đình Thiệu đã ăn cắp hàng trăm triệu đô-la. Đó là tiền thuế của dân Mỹ và dân chúng nước họ.

Công cuộc làm tiền của Thiệu dựa trên chiến tranh và môi trường cuộc chiến, là do viện trợ Mỹ nuôi dưỡng. Có lẽ Thiệu thành thật tin rằng không bao giờ thương lượng được với Cộng sản. Thiệu tin như vậy nên cuộc chiến cứ tiếp tục. Bởi vì cuộc chiến tiếp diễn nên Thiệu và gia đình ông ta càng giàu thêm. Ở hạ tầng sự tham nhũng đơn giản, nhưng ở thượng tầng, nó là một mạng lưới phức tạp – cũng như Ma-phi-a, lấy việc bảo vệ thủ lĩnh làm mục đích chính: Ở hạ tầng nó là sự mua bán thế lực lặt vặt, bảo vệ và tống tiền. Một tiệm thuốc tây ở đường Ca-ti-na (Catinat) bán công khai thuốc Cần sa, Nha phiến cho lính Mỹ, vì chủ tiệm được Cảnh sát bảo vệ. Các chỉ huy Mỹ cấm lính đến đó lấy thuốc thì ma túy được chuyển qua tay gái bán ba (bar). Những tay buôn gỗ Tây nguyên hoạt động được vì có các cấp chỉ huy Quân đội được trả một phần trăm (1%) lợi nhuận. Tiền ngừng trả cho chỉ huy Quân đội thì đoàn xe chở gỗ bị phục kích bởi du kích Việt Cộng…

Khi tham nhũng trở nên quan trọng và số tiền dính líu nhiều hơn thì hệ thống thành một mạng lưới hình tháp. Ngồi trên đỉnh tháp tham nhũng tại Việt Nam là Thiệu. Tháp chỉ  là công cụ tổ chức, không nhứt thiết là con đường chuyển tiền. Bằng cách cho phép những người chung quanh tháp ấy tự kiếm ăn. Thiệu tạo được ân nghĩa và những món nợ quyền lực. Từ năm 1965 đến năm 1975, Y tạo hàng ngàn hoặc hàng vạn ân nghĩa. Khi cần đền đáp thì lớn bé trong cái tháp ấy đều răm rắp tuân theo.

Phải hiểu rằng, ở Việt Nam, dù Hiến pháp có tuân theo triệt để thì Tổng thống vẫn có quyền lực bao la. Thiệu có quyền nhiều hơn Hiến pháp. Là Chủ tịch Hội đồng Tướng lĩnh, một cơ quan nằm ngoài  Hiến pháp, Thiệu nắm gọn quyền bành trướng Hội đồng nầy. Là Tổng Tư lịnh Quân đội, đứng đầu tổ chức hành chính công vụ, một tay Thiệu giữ toàn quyền bổ nhiệm, thăng thưởng, giáng và cách chức 3 triệu người giữ các chỗ làm ấy, tuyệt đối không ủy nhiệm cho ai.

Tiền bạc luôn lọt từ trên cao xuống thấp và ngược lại. Mỗi cấp rút bớt tiền ra để chia sẻ cho họ. Đó là hoạt động của đường dây tham nhũng. Nhưng hình như Thiệu không thèm làm. Tiền hậu tạ của chủ tiệm bar, kiều dân nhập cư bất hợp pháp… không đến tay ông Thiệu. Y thu lượm ơn nghĩa và dùng ơn nghĩa giúp Tổng thống nầy làm giàu theo kế hoạch riêng. Phương pháp thu lượm ơn nghĩa được Lansdale mô tả như sau:

“…Guồng máy Dân sự và Quân sự hoạt động theo chế độ chủ nhân ông, xoay quanh mỗi tư lịnh Quân đoàn. Mỗi người được bổ nhiệm có quyền cách chức mọi tỉnh trưởng, quận trưởng…”

Năm 1975, Thiệu bổ nhiệm và cách chức thường xuyên 4 tư lịnh Quân đoàn, nắm phần lớn việc bổ nhiệm tư lịnh Sư đoàn, như vậy là còn nắm quyền kiểm soát nhiều hơn cái chế độ mà Lansdale đã nói. Một ví dụ đặc biệt cho thấy cách hoạt động của Thiệu: Năm 1973, Y thăng cấp lên tướng 3 sao cho Nguyễn Vĩnh Nghi và bổ nhiệm cho Nghi làm tư lịnh Quân đoàn 4 – tức là Tây Nam bộ. Nghi được tự do xay xở để làm giàu. Vào giữa năm 1974, các nguồn tin từ sứ quán Hoa Kỳ nói rằng: 8.000 điện đài, 23.000 khẩu súng M16 và vũ khí nhỏ khác đã biến mất khỏi Quân đoàn 4 trong thời gian Nghị làm tư lịnh. “Bản cáo trạng số 1” buộc Thiệu có hành động tượng trưng để dẹp tham nhũng thì Thiệu buộc phải cách chức Nghị. Hai tướng lĩnh khác thuộc Quân khu 3 đã bị nhốt năm 1974 khi những người đi kiểm tra của cả quân đội Sài Gòn lẫn sứ quán Hoa Kỳ, nói là: Tụi nầy cố tình bán gạo cho Việt Cộng. Hai người đó là Trần Quốc Lịch của sư 25 Tây Bắc Sài Gòn và Lê văn Tư của sư 5 ở hướng Bắc thủ đô. Việc bán lương thực và trang bị quân sự cũng như giấy hoãn dịch trong sư đoàn đã làm cho 2 đơn vị nầy, về mặt tác chiến, trở nên vô hiệu lực. Đến lúc cần ném chúng vào trận đánh ở Sài Gòn tháng 4/1975 thì sư đoàn 25 đã không thể nào hành quân như lực lượng chiến đấu.

Những bổ nhiệm vào hàng tá chức vụ như thế là do Thiệu làm ra, với cách tính toán là tạo ơn nghĩa để dùng sau nầy. Một viên tướng được Thiệu bổ nhiệm là có thể tự do xây dựng mạng lưới tham nhũng cho riêng mình. Họ kiếm tiền bằng cách ghi vào sổ lương sư đoàn những lính ma. Họ bán những chỗ làm việc an toàn, tránh xa chiến trường cho binh sĩ nào muốn và đủ sức trả cái giá mà họ đưa ra. Họ bán trang bị dành cho đơn vị ra chợ trời, thậm chí bán cho cả Việt Cộng. Họ cố tránh bán vũ khí sợ Mỹ biết sẽ mở cuộc điều tra, còn đồ dùng nhà ăn tập thể, quân phục, xe jeep, giày cao cổ thì mang lại nhiều tiền, các mặt hàng nầy tràn trề ở chợ trời, chứng tỏ các sĩ quan cao cấp có nhúng tay vào. Xăng trở thành mặt hàng đắt khách ở chợ trời khi khối Á Rập nâng giá. Một số tướng lãnh Sài Gòn đứng ra điều khiển các đường dây bảo vệ đám con buôn chợ trời và buôn lậu…

Họ làm thế nào Thiệu không cần chú ý, chỉ có quy định ngầm là phải tránh đường dây do tay Tổng thống và gia đình ông ta điều khiển. Thiệu cốt  tạo ân nghĩa và ta hãy xem ân nghĩa được đáp đền như thế nào:

…Tướng lĩnh được Thiệu bổ nhiệm có quyền bổ nhiệm cấp thuộc hạ của mình. Ở đây tiền mặt được trao tay, chỗ làm cao giá nhứt là chỉ huy trưởng Cảnh sát Chợ Lớn – khu người Hoa. Chức vụ đó đáng giá 15 triệu, tương đương 130.000 đô-la. Chỗ nầy dễ kiếm tiền đến nỗi chỉ sau 2-3 tháng là đủ tiền trả chỗ. Các đại tá quân đội phải mua 80.000 đô-la, nếu muốn làm tỉnh trưởng Châu Đốc – giáp biên giới Campuchia. Nguồn thu ở đây chính là qua các tay buôn lậu bò, tiền lời ( tiền phải nộp) đếm theo đầu súc vật đi qua biên giới.

Đi dần lên trong các cấp chính quyền, hầu hết các bộ trưởng đã xoay xở làm giàu bằng tham nhũng. Điển hình là Phạm Kim Ngọc, bộ trưởng Bô Kinh tế được Mỹ thích, hắn đã xoay xở mở được một trương mục 8 triệu đô-la ở Đài Loan bằng cách lấy “tiền hoa hồng” do việc bảo đảm những hợp đồng của các công ty muốn làm ăn ở Nam Việt Nam.

Thiệu làm ngơ cho thuộc hạ làm ăn thì thuộc hạ cũng phải làm tấm che gió cho vợ Thiệu là Nguyễn thị Mai Anh và Lý Long Thân (chồng em gái nuôi của Mai Anh) tham nhũng hàng triệu đô-la. Số tiền lớn nầy đi vào các trương mục ngân hàng của Thiệu ở Xin-ga-po, Thụy Sĩ, chia lời thầm lặng ở Đài Loan, Gu-am. Ha-oai.v.v…

Những dính líu của Mai Anh khó xác lập hồ sơ. Mụ là một tay say mê kim cương có tiếng. Trong các buổi chiêu đãi, mụ bàn bạc về kim cương một cách thành thạo với những mệnh phụ trong đoàn ngoại giao và khách mời. Mai Anh thường đeo một viên kim cương lớn ra ngoài và luôn chuyển nữ trang kim cương thành bộ sưu tập lớn. Theo một số người thì mụ ta có bộ sưu tập về kim cương hạng nhất Châu Á về số lượng lẫn chất lượng.

Nguồn thu nhập quan trọng của Thiệu là buôn lậu – cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Kim loại vụn, đồng, sắt, đặc biệt đồng là món hàng xuất khẩu béo bở nhứt. Đồng là phần còn lại của những viên đạn đại bác bắn đi. Sắt là tàng tích của xe tăng, xe vận tải, máy bay bị hư hại trong chiến tranh. Kim loại vụn lúc đó là mặt hàng đắt giá trên thị trường, đặc biệt là tại Nhựt. Giá thép tăng cao, 1 triệu lính bắn biết bao nhiêu đạn dược? Họ dùng hỏng bao nhiêu xe tăng, xe vận tải, xe jeep, máy bay, điện đài, máy đánh chữ?...Trong lúc Mỹ rút đi, bỏ chúng lại chiến trường, được thu gom vào kho sắt vụn và bắt đầu cuộc đời mới, là vật làm ra tiền cho Thiệu.

Bản thân việc buôn lậu thì đơn giản, cần ít người nhúng tay. Kẻ nào nhúng tay đều có mang ơn nghĩa Thiệu. Chính vào giai đoạn nầy của cuộc làm ăn, Thiệu mới gọi đến những tướng tá vốn mắc nợ ông ta về ân nghĩa. Trả ơn thật đơn giản: ‘Các anh hãy quay mặt đi đúng lúc và ra lịnh cho thuộc hạ cũng làm như thế’ .

Kim loại phế thải chở bằng xe nhà binh, phủ kín bạt để tránh những cặp mắt tò mò. Điểm chở hàng thường là cảng Sài Gòn, tay Tổng thống cũng dễ dàng đòi hỏi các viên chức ở đây quay mặt chỗ khác. Tàu chở thuê đăng ký quốc tịch Pa-na-ma (Panama), thủy thủ người Nam Triều Tiên. Ra đến biển khơi thì các tài phiệt Mỹ mới nhúng tay vào.

Mai Anh đích thân lo việc lấy tiền hàng. Lý Long Thân thì sắp xếp các chi tiết tẩy xóa dấu vết tham nhũng ở ngân hàng Đài Loan, Hồng Kông, Xingapore. Mai Anh thỉnh thoảng dùng lý do che đậy là đi thăm con ở Châu Âu để bỏ tiền vào ngân hàng hay biến nó thành đồ nữ trang. Trong một chuyến đi như vậy năm 1972, Mai Anh đã mua một vila ở Thụy Sĩ.

Việc buôn lậu ra nước ngoài đáng trách nhưng ít gây hậu quả. Buôn lậu trong nước mới gây chết chóc, kéo dài chiến tranh và giúp sức trực tiếp cho Việt Cộng. Hàng không Việt Nam (Air Việt Nam) từ Sài Gòn bay đến 11 thành phố Châu Á nằm dưới quyền điều khiển của Trung (con trai của Trung là chồng con gái của Thiệu), các khoang chứa hàng của các máy bay Air Việt Nam từ Tokyo, Hồng Kông, Singapore… về đều chất đầy hàng: rượu, thuốc lá, son phấn, hàng điện tử, cúc áo, đồ dùng phòng ăn.v.v… hầu hết các thứ nhét lọt qua khoang chở hàng đều có mặt trên các chuyến bay phản lực về Việt Nam, được biết là đều theo chỉ thị của vợ Thiệu. Hàng về, binh sĩ Sài Gòn bao quanh máy bay đông nghẹt, họ bốc xuống xe nhà binh những thùng rượu Pháp, hàng Nhựt, Hồng Kông… trước con mắt của khách nhìn ra cửa sổ.

Sự tham nhũng của Thiệu đặc biệt có hại cho Việt Nam kể từ 1972 về sau, khi Nam Việt Nam chệnh choạng trên bờ vực phá sản. Viện trợ của Mỹ giảm, giá hàng lại tăng, Thiệu, bạn bè và gia đình hắn ta ngày một giàu. Dân chúng thì mất lòng tin ở Tổng thống của họ. Đến giữa tháng 4/1975, khi Thiệu bước sang năm thứ 10 làm quốc truởng Nam Việt Nam thì sức ép đã quá lớn rồi. Vấn đề không còn là Thiệu có ra đi hay không mà phải ra đi khi nào và như thế nào.

Chỉ có Martin là không muốn Thiệu ra đi. Theo lời của một số người trong đám thân tín của viên đại sứ Mỹ Martin thì Martin cho rằng: ‘Thiệu là Tổng thống duy nhứt mà chúng ta (Mỹ) kiếm được’. Cái mà Martin hy vọng là Thiệu thương lượng với Hà Nội để tìm kiếm hòa bình. Martin mất không biết bao nhiêu thời gian để thuyết phục Thiệu về việc nầy. Như vậy là Martin muốn Thiệu quỳ xuống van xin thương lượng, để Hà Nội và Việt Cộng nhổ nước bọt vào mặt Thiệu. Thiệu không chịu và chiến tranh cứ kéo dài…>>.

Ngoài báo Phương Tây nói chung, báo chí Mỹ nói riêng, Chính giới Mỹ, trong đó có Tổng thồng Mỹ Nixon và tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ, đều viết trong hồi ký của mình, thừa nhận sự bất tài, thất đức của những “kẻ cầm dấu chế độ” VNCH, vậy hà cớ gì một số người, nhứt là lớp trẻ lại cố nói tốt cho một chế độ chưa hề tốt?!

Ai được đọc “55 ngày đêm chế độ Sài Gòn sụp đổ, nhất là đọc chương “kẻ cầm đầu chế độ” Việt Nam Cộng hòa của Alen Dowson ít nhiều sẽ có cảm nhận:

 Mỹ tham chiến và bao cấp cho Việt Nam Cộng hòa là sai lầm nghiêm trọng: Nhận đỡ đầu cho một chế độ tham nhũng thối nát, không được lòng dân, sụp đổ là tất yếu, chỉ sớm hay muộn mà thôi. Mỹ và Đồng minh rút quân,“Việt Nam hóa chiến tranh” là lối thoát duy nhứt mà chính phủ Mỹ buộc phải lựa chọn.

Đâu chỉ thế, Ông bà Thiệu còn có khu biệt thự gồm 3 nhà liền kế ở đường Lý Thường Kiệt, cạnh hồ nước, trung tâm TP Mỹ Tho: 1 nhà cho vợ chông ông Thiệu, 1 nhà được xem như Từ đường cho mẹ Mai Anh (ở giữa), 1 cho chị Mai Anh.

Tết Mậu thân năm 1968, ông bà Thiệu về Tết ở Mỹ Tho, khi Quân Giải phóng tấn công vào, nhờ đoàn trực thăng kịp tung khói mù rước ông bà đi lúc khoảng 8 giờ sáng, không thì chắc cả ông lẫn bà trở thành tù binh Quân Giải phóng.

Sau 30/4/1975, khu biệt thự nầy trở thành trụ sở làm việc của Tỉnh uỷ Tiền Giang. Sau khi Tỉnh uỷ Tiền Giang  thuê kiến trúc sư Ngô Viết Thụ xây xong “Nhà trắng” (in khuôn dinh Độc lập của VNCH ở Sài Gòn), cơ quan Tỉnh uỷ Tiền Giang dời về Nhà trắng, 3 nhà trong khu biệt thự trở thành nhà riêng của 3 ông: Lê văn Phẩm, Bí thư Tỉnh uỷ ở nhà ông bà Thiệu / Ông Nguyễn Kha, trưởng Văn phòng Tỉnh uỷ ở nhà mẹ Mai Anh / Ông Huỳnh văn Niềm, phó Bí thư trực Tỉnh uỷ ở nhà chị Mai Anh.

Suốt hơn 10 năm qua từ khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng gần như dồn cả sức lực vào việc chống tham nhũng trong Đảng để bảo vệ chế độ. Ông cố chận mà nó không đứng, cố đẩy mà nó không lùi, đốt lò thiêu mà nó không sợ, cứ rấn tới, xem mòi ông đang hụt hơi ?! .

b)Tôi chỉ nói đôi điều về bịnh viện “Vì Dân”

Nhờ được đọc một ít hồ sơ và nhờ quen biết chị Thúy Ba, giám đốc Bịnh viện Thống Nhứt sau khi Quân đội giao lại cho Bộ Y tế, tôi kể đôi điều về bịnh viện nầy:

Alen Dowson nói tiền xây bịnh viện Vì Dân nầy do bòn rút, buôn lậu có thể chưa xác đáng, nó xây dựng bằng tiền lạc quyên của nhiều mạnh thường quân trong ngoài nước có “ân sâu, nghĩa nặng” với  Đệ nhị Việt Nam Cộng hoà nói chung, ông bà Thiệu nói riêng.  

Kiến trúc sư xây dựng bịnh viện nầy là Trần Đình Quyền, khởi công xây dựng ngày 17/8/1970, khánh thành ngày  20/3/1973.

Phối cảnh ban đầu của Bịnh Viện Vì Dân - Ảnh Facebook


Bịnh viện Vì Dân lúc bấy giờ có cả thảy 400 giường bịnh. Bất cứ ai, bịnh thông thường, khám  thông thường và cấp thuốc thông thường đều được miễn phí 100%, còn khám thông qua xét nghiệm Quang tuyến X (X.quang) và phải dùng thuốc đặc trị, bịnh nhân phải trả trọn gói với giá tiến rất cao, dân nghèo không thể với tới. Càng về sau, bịnh viện nầy gần như ưu tiên cho người có tiền, người ta gọi là bịnh viện “Bà Thiệu”, bịnh viện “Vì Tiền”. 

Vợ chồng ông Thiệu chào đáp trả khi lên xuống chuyên cơ - Ảnh Facebook

Sau năm 1975, bịnh viện “Vì Dân” đổi tên thành Quân y viện “Thống Nhất”, do Bộ Quốc phòng quản lý. Từ ngày 11 tháng 5 năm 1978, Quân đội giao bịnh viện này lại cho Bộ Y tế quản lý, cử bà Thuý Ba làm giám đốc, dành riêng chữa trị bịnh cho cán bộ trung/cao cấp Đảng.

Sau khi bà Thuý Ba nghỉ hưu, bịnh viện Thống Nhứt nầy vừa phục vụ vừa kinh doanh, tách ra khu vực “tự chọn”. Nếu quan chức nào chịu vào nằm ở phòng/giường tự chọn cho thoải mái, được chăm sóc chu đáo hơn thì phải đóng tiền phòng/giường với giá rất cao, quan chức nghèo phải chấp nhận nằm chiếc giường cũ kỷ đặt liền kề nhau trong những căn phòng chật hẹp – tức là có phân biệt đối xử.

Khoảng năm 1985, ông Nguyễn Công Bình, Chủ tịch UBND Tỉnh Tiền Giang nói với tôi với vẻ bất bình: “Tao và cần vụ vào bịnh viện Thống Nhứt nằm 2 ngày mà chẳng ai ngó ngàng gì tới, bực quá tao hỏi cô Y tá, cô ấy nói  ông ‘bồi dưỡng’ cho họ ít tiền thì họ sẽ khám chữa bịnh cho ông ngay. Nghe theo cô ấy, tao lót tay cho họ 50.000 đồng là họ khám liền, họ còn chạy tới chạy lui thăm hỏi bịnh tình có thuyên giảm không, đúng là…! Hết no…ói !!”.

Tôi có người cháu gái quê ở Bến Tre, nó lên Sài Gòn làm nghề chăm sóc bịnh nhân. Việc chăm sóc bịnh nhân thời giờ phải thông qua người đầu mối (đầu nậu). Khi bịnh viện nào cần người chăm sóc bịnh nhân, gọi điện thì dầu mối cử người đến. Con cháu tôi nói với tôi: “Cháu thích được phân công chăm sóc bịnh nhân ở bịnh viện Thống Nhứt, vì làm ở đây có 3 cái lợi: Một là nơi đây rộng rãi, có nền gạch tróng tối trải chiếu nghỉ/ngủ;  Hai là ăn thức ăn thừa của cán bộ khỏi mua cơm; Ba là gia đình cán bộ thưởng tiền cho mình nếu chăm sóc tốt cho người thân của họ”.

Thay lời kết

Ở lãnh vực Văn học Nghệ thuật (Văn Nghệ) người ta có quyền cho ra đời một nhân vật giả định nào đó rồi “sơn phết” (hư cấu) cho hài hoà, thành một mẫu người lý tưởng để xã hội học tập, noi gương. Còn viết hay nói về người thật, họ, tên thật đối với bất cứ ai không được hư cấu, nếu tự ý thêm thắc, phịa ra những gì mà người ấy không có sẽ gây tranh cãi, có khi làm phương hại thêm đến thanh danh, uy tín của người ấy? – Chuyện ông  Hồ Chí Minh và ông bà Nguyễn văn Thiệu chỉ là hai trong muôn vàn sự kiện tương tợ xảy ra trên đời.

Tự xếp mình vào loại động vật thưởng đẳng, thông minh…, nhưng con người vẫn chưa thoát khỏi tranh quyền, tranh ăn, tranh ở… như bao loài động vật hoang dã khác, việc “chí công vô tư”  khó có thể áp dụng với người trần tục?. 

Cũng như Chính quyền, Quân đội, Công an, Viện Kiểm sát, Toà án… của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay đều mang tên “Nhân dân”. Bịnh viện “Vì Dân” cũng thế thôi. Đó chẳng qua là những danh/nhản hiệu (made), chớ còn chúng có thật sự “Của dân” hay “Vì dân” hay không đó là chuyện khác?.  -/-

 

Chú Thích

(1) Sau khi sinh ra, đứa bé nầy giao cho ông Vũ Kỳ nuôi, ông Kỳ lấy họ mình gắn cho đứa bé nên có họ tên là “Vũ Trung”. Khi tìm ra được cội nguồn vủa mình, Vũ Trung đổi họ và thêm  chữ lót thành “Nguyễn Tất Trung” cho khớp với gia tộc. Còn việc Nguyễn Tất Trung đặt họ tên cho con trai mình là Vũ Thành, có lẽ để nhớ công ơn bố nuôi của mình là ông Vũ Kỳ?.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire