Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Cuộc chiến Ukraine và Nga diễn ra cách hàng ngàn cây số, nhưng ngay tại Việt Nam, lời tranh cãi không ngớt chuyện lẽ phải thuộc về ai, cũng diễn ra với nhiều lớp người, ở nhiều nơi, nhiều lý lẽ. Thậm chí điều đó xuất hiện trên cả báo chí nhà nước một cách lộ liễu.
Chẳng hạn, tờ VTC Now, trong các bài tường thuật về diễn biến xung đột biên giới Nga và Ukraine, đã im lặng xóa bỏ tất cả những lời chỉ trích Tổng thống Nga Putin, nhưng lại để nguyên các nhận định về sai lầm của Ukraine khi dám chống lại Nga. Kể cả những ngôn ngữ tấn công Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng được giữ lại một cách phiến diện.
Ở Việt Nam, không khó để nhận ra một kiểu tình cảm tuyệt đối với nước Nga, trong các hoạt động quốc tế, và thậm chí là sự sùng bái cá nhân đối với riêng Putin, mà điều đó không chỉ ở những người dân bình thường, mà cả quan chức hay giới làm báo có dính líu cuộc đời với nước Nga.
“Dính líu” là một cách nói, và sự mô tả hoàn toàn đặc biệt dành cho hàng chục ngàn người Việt Nam ở phía Bắc, từng đi du học, lao động hợp tác hay có một thời gian sinh sống ở Nga. Ở các quán cà phê vỉa hè, những cuộc tranh cãi ở quán nhậu, rất dễ nhận ra đa số những người phía Bắc thường dành cảm tình cho nước Nga.
Nhưng nước Nga, con người Nga hôm nay, hoàn toàn khác. Putin hay là chủ nghĩa đại đế nguy hiểm vẫn âm thầm phát triển kể từ sau năm 1989. Rất nhiều người ngộ nhận một tình yêu với nước Nga và một bộ máy cầm quyền độc tài và thâm hiểm lúc này. Loại tình cảm thiên vị ấy, là một loại xiềng xích vẫn kéo lê theo ngày tháng, tựa như nhiều nhà buôn tiểu ngạch từ Trung Quốc về Việt Nam, làm giàu từ đó, và không thể ngừng ngợi ca về sự phát triển giàu có của đất nước này, bỏ quên những câu chuyện hiện thực đầy u tối.
Rất nhiều người dẫn chứng và biện luận về việc Nga tấn công Ukraine là chuyện hợp lý. Họ nói bằng lịch sử bị bóp méo lẫn các hiểu biết cá nhân bị tuyên truyền qua nhiều ngày tháng. Một cuộc xâm lăng ở rất xa đang được bào chữa tận tình từ Việt Nam, và ngôn ngữ giận dữ đổ trút vào những ai chống lại âm mưu thống trị này là những kẻ “ngu dốt” hay không “thức thời”. Một bạn trẻ ở miền Nam, đúc kết những điều đang diễn ra, đối chiếu lịch sử của nước Việt bằng một câu ngắn “Thật khó hiểu, khi Nga đưa quân vào xâm lược thì được gọi là chính nghĩa, trong khi Mỹ hỗ trợ đồng minh và rút đi, sách giáo khoa gọi là xâm lược”.
Cuộc chiến vệ quốc của Ukraine đang mở ra nhiều điều thật khó xử ở Việt Nam. Chính quyền Hà Nội hoàn toàn bối rối và nói nước đôi với sự kiện này. Những người sống ở miền Nam thì đa phần phản đối cuộc xâm lăng trơ trẽn. Một lớp người miền Bắc – dù được học hay sống ở Liên Xô cũ – chính trực lên tiếng chỉ trích nhưng cũng gần như chìm vào làn sóng cổ vũ kỳ lạ.
“Miền Bắc Việt Nam với hàng chục ngàn người đi lao động hay du học ở Liên Xô cũ, và luôn mang một tình cảm về đất nước đã giải thoát mình khỏi giai đoạn đất nước nghèo khó hoặc chiến tranh. Cộng thêm tình trạng bị tuyên truyền hàng thập niên về một quốc gia “hữu nghị cộng sản” hiền lành hơn Trung Cộng, khiến dẫn đến một tình cảm và những người dân ở phía Nam Việt Nam gọi là “cuồng Nga”. Đây cũng là một điểm khác biệt để cho thấy rằng nền giáo dục phi chính trị của Nam Việt Nam hoàn toàn khác biệt với nền giáo dục ở miền Bắc. “Nền giáo dục VNCH dù có khuynh hướng nghiêng về phương Tây nhưng sẵn sàng chỉ trích, nếu như phương Tây làm sai”, một nhà quan sát thời sự giấu tên nhận định trong một buổi sáng đọc tin chiến sự qua làn khói súng ở phía Đông.
Ông Putin lên truyền hình và ra vẻ buồn phiền, nói rằng Lenin đã dựng lên Ukraine hôm nay, nhưng đất nước này đã phản bội và giật sập tượng của “người”. Putin nói như một nhà chính trị Marx-Lenin tuyệt đối. Nhưng cũng chính ông, từ khi được chuyển giao quyền lực từ Boris Yeltsin, chính là người hủy diệt dần mọi hoạt động của đảng cộng sản. Chính Zyuganov, nhà lãnh đạo cộng sản kỳ cựu ở Nga từng tuyên bố vào năm 2020, rằng Putin đang muốn tiêu diệt đảng Cộng sản Nga trong một quy trình “phát xít hóa đất nước”.
Nhưng ngay cả sự tráo trở đó của Putin cũng không thuyết phục nổi những lớp người “cuồng Nga” đang tồn tại ở Việt Nam.
Rất nhiều người cũng đặt câu hỏi thắc mắc rằng, chỉ trong vài thập niên của cuộc nội chiến Việt Nam, miền Bắc tiếp nhận các đồng minh cộng sản của mình tham gia, cùng với sự tuyên truyền không mệt mỏi về Trung Quốc và Liên Xô, hậu quả đó đã tạo ra những xiềng xích tư duy đến mức nào cho hàng triệu người Việt? Loại xiềng xích mà nhà thơ Việt Phương đã viết ra những câu thơ ai oán “Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ / Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ / Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”, để rồi ông cũng nhận không ít búa rìu dư luận đấu tố vì những nhận định thành thật đó. Dĩ nhiên, vòng vây tuyên truyền tô hồng cho những hình ảnh chủ đích, không phải ai ở miền Bắc cũng có cơ may thoát được xích xiềng như nhà thơ Việt Phương từng viết “Mở đài địch như mở toang cánh cửa / Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai”.
Trên các diễn đàn, trên Facebook…, những lời phản đối cuộc xâm lược của Nga, so sánh nó như cuộc chiến 1979 từ Trung Quốc, đang xuất hiện từ rất nhiều người ở miền Nam, và những người trẻ đang lớn lên và rũ bỏ những xích xiềng nô lệ của cha ông họ đã từng phải chịu. “Ủng hộ Nga xâm lược, cũng là ủng hộ Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong tương lai”, một người trẻ ở Hà Nội, nói rõ quan điểm của mình trên trang nhà.
Đất nước Việt Nam luôn chịu đựng ngàn nghịch lý. Từ việc sách giáo khoa và hàng ngũ dư luận viên dốt nát cứ gọi Mỹ là kẻ thù, trong khi nhà cầm quyền thì không ngớt công du và mong mỏi có mối quan hệ bền chặt. Cũng như người dân từng phải chống lại sự xâm lược từ Trung Quốc, nhưng nay vẫn chật vật khi nhắc về kẻ xâm lược. Những loại xiềng xích của quá khứ vẫn còn trói chặt tâm hồn của nhiều lớp người Việt. Xiềng xích tuyên truyền trói chặt đến mức có hẳn một đám đông reo hò ủng hộ kẻ ác đang xua quân để chiếm đoạt một quốc gia khác như lẽ thường tình.'
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire