15/06/2014

ÔNG PHAN KHÔI

Nguyễn Đông Thức: Nhân ngày của Cha... Nhớ cha, tôi post bài của cha tôi viết cách đây gần 60 năm trên tạp chí Văn. Ông là một nhà báo lớn và người thầy lớn trong mắt anh chị em tôi. Và trong mắt cả mẹ tôi nữa.

                           Ông Phan Khôi
                                                                                            Bài của Hồng Tiêu
L.T.S. - Ký giả Hồng Tiêu có lẽ thuộc vào giới những người Việt Nam đầu tiên làm báo ở Việt Nam. Năm nay ngoài 60 tuổi, ông đã viết văn, làm thơ từ 50 năm trước.
Được biết thế, nên, nhân dịp kỷ niệm ngày văn hào Phan Khôi quá cố chúng tôi đã thỉnh cầu người bạn cũ của cụ viết ít dòng lưu niệm.

Phải biết có ba ông Phan Khôi, mới là người biết rõ ông Phan Khôi
Nói về ông Phan Khôi, người ta nói đã nhiều, thì biết về ông Phan Khôi, người ta biết cũng bộn. Nhất là về mấy năm sau này, qua mấy lần truy điệu, người ta coi ông Phan Khôi như một vị anh hùng nắm bút chống Cộng trong giới văn nghệ sĩ. Nhưng cảm giác mỗi người mỗi khác, sự thấy nghe, hiểu biết để rồi phê bình hoặc khen, hoặc chê, không ai giống ai, thành ra cũng một ông Phan Khôi ấy mà sự ghi chép về ông không sao nhất trí được. Nhân nay sắp đến ngày giỗ nhà lão nho quật cường ấy, lại biết tôi biết rõ ông Phan Khôi, tòa soạn báoVăn có nhã ý nhờ tôi viết một bài về ông Phan Khôi, tôi vui vẻ nhận lời.

Như tiểu đề trên đã nêu: Muốn biết rõ ông Phan Khôi, ta phải phân tách ra làm ba ông Phan Khôi. Rồi đem ba ông Phan Khôi ấy nhập lại mới thành ra một ông Phan Khôi đại toàn. Nghĩa là ta phải biết rõ ông Phan Khôi khi còn trẻ, ông Phan Khôi trong thời kỳ trung niên, và ông Phan Khôi của văn cảnh. Giòng nước chảy trên sông ngày hôm qua, đâu phải là giòng nước của ngày hôm nay, và giòng nước của ngày hôm nay đâu phải là giòng nước của ngày mai. Cùng một lẽ ấy mà ông Phan Khôi lúc thiếu thời đâu giống với ông Phan Khôi lúc thanh niên, ông Phan Khôi thanh niên tất phải khác với ông Phan Khôi của vãn cảnh.
Về ông Phan Khôi của văn cảnh, hẳn các bạn đã biết đến nhiều. Sống trong tay Cộng sản, ông khẳng khái đối đầu với Cộng sản. Mà đối đầu với Cộng sản tức là ông tự đi tìm cái nhục, cái khổ, cái chết; dễ thường, ông không biết trước những nguy cơ ấy nó chờ ông? Ấy thế mà trong tập Trăm hoa đua nở ông đã cho người ta thấy rõ cái khí tiết của ông như thế nào rồi. Vậy giờ đây, tôi xin nói chuyện với bạn đọc về một ông Phan Khôi còn trẻ.
Ông Phan Khôi lúc còn trẻ:
Là con nhà khoa giáp, ông thân sinh ông Phan Khôi là một cụ Phó bảng, nên ông Phan Khôi, về Hán học, cừ lắm. Ông là người thông minh mà dung mạo lại cực kỳ tú dĩnh. Nhưng ông lại vướng phải một chứng bịnh mà vật nghị lúc bấy giờ không sao tha thứ nổi. Ông có tính gàn, và hơn thế nữa, ông hoặc ít, hoặc nhiều, cũng có thái độ khinh thế ngạo vật. Bất cứ là điều gì, và bất cứ là với ai, hễ ông thấy là trái, trái với lẽ phải, hay trái với điều ông cho là phải, là nhứt định ông chống báng tới cùng. Ngay đến đối với cụ Phó bảng mà ông cũng quên cả sự nhường nhịn. Ông sở dĩ có tính ấy, một phần cũng do ảnh hưởng của tân thư của Trung Hoa mà ra.
Lúc bấy giờ ở Trung Hoa, phong trào Duy Tân bộc phát, các giòng tư tưởng mới như thác đổ tự ngàn non. Chính vào lúc ấy, ông đã bí mật đọc các sách Trung Quốc hồn, Ẩm băng thấtcủa Lương Khải Siêu, một tân nhân vật trong thời buổi ấy. Với lời văn chém sắt chặt đinh, họ Lương đả phá tất cả những phong tục tập quán lễ giáo, chánh trị hủ bại ở Trung Quốc, và Lương cũng không tha thứ bọn mặc lại, tham quan, bọn thổ hào ác bá. Mà xã hội ta thì chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu rất đậm. Thành ra những bịnh căn mà họ Lương công kích ở Tàu nó giống hệt với bịnh căn ở ta. Đọc Lương, ông nhiễm tư tưởng của Lương, rồi ông đâm ra khinh ghét tất cả thời nhơn, và do đó mà ông sinh ra tính ngạo vật kiêu nhân cũng không biết chừng. Và có lẽ cũng do đó mà giữa ông với cụ Phó bảng thường có sự xung đột, mỗi khi cha con ngồi lại cùng bàn.
Nhưng xã hội ta và vào thời buổi ấy, phụ quyền là cái bất khả xâm phạm, nên đã không ai cho phép con được cãi cha, thì dù cho là lẽ phải về ông, ông cũng không sao tránh được lời vật nghị. Chính vì thế mà lúc bấy giờ cũng ở Quảng Nam, bất cứ là gặp một cậu trai trẻ nào có tính bướng bỉnh, hay lý sự, thì người ta đã thốt ra câu: “Thôi đi mày, đừng giở cái giọng Phan Khôi ấy với tao!”. Nhưng thế nào đi nữa, cái tính ăn ngay, nói thẳng ấy của ông Phan Khôi vẫn là cái đáng quí. Và càng đáng quí hơn nữa là ông đã giữ nó được vuông tròn trong vãn cảnh, mãi đến lúc ông chun vào nằm trong sáu tấm ván.
Đi đôi với tính cương trực ấy, ông còn có tính hào phóng thật đáng yêu. Theo lời ông cử Tùng Lâm thuật, thì khi vào làm tờ Nông cổ mín đàm ở trong Nam nầy với các ông Phạm Duy Tốn, lương ông là 30$. Với số lương ấy, ông chỉ giữ lại có 10$ để chi tiêu về việc ăn ở, thuốc men, giặt gyạ. Còn lại bao nhiêu, ông chia cho cả chúng bạn.
Với một người bạn phẩm mạo đẹp, học thức cao, mà tính tình thật hào sảng như thế ấy, làm gì thời nhân không quí trọng. Ông càng nói thẳng, người ta càng yêu, ông càng nói thẳng, người ta càng thích. Có khi giữa sự xung đột của các chúng bạn, lời nói của ông là một mạng lịnh cũng nên.
Nhưng rồi vì một hoàn cảnh đặc biệt sau này, ông tự cắt đứt cái tính hào phóng ấy đi, mà chỉ giữ cho mình cái tính cương trực. Ai đâu có ngờ một ông Phan Khôi cực kỳ hào hoa phong nhã trước kia, từng coi đồng tiền như cái rác, bỗng trở thành một ông Phan Khôi cực kỳ bủn xỉn, cực kỳ keo kiệt, coi đồng tiền như một cái nong, lúc trở về già.
Ông Phan Khôi trong thời kỳ trung niên:
Dám ăn, dám nói mà một đồng, một chữ không dám lọt ra, người ta đâu chịu. Ông Phan Khôi về già bỗng trở thành cái đích cho người ta công kích chính là vì căn bịnh sau này đó. Có người biết chuyện kể lại rằng:
Ông Phan Khôi mà sở dĩ thay đổi hẳn tính tình là vì có lúc gần như ông bị người đời bỏ rơi. Mà sở dĩ ông vấp phải cảnh huống như thế là vì cái tính sợ đầu, sợ đuôi của ông trong vụ Duy Tân khởi nghĩa năm 1916. Và chính vì việc này mà mãi gần 30 năm sau, tôi, người viết ra bài này, cũng đã bị ảnh hưởng lây.
Sau ngày cụ Phan Sào Nam bị bắt về nước, rồi bị đưa vào an trí ở Huế, người Pháp để cụ ở nhà ông Nguyễn Bá Trạc, lúc bấy giờ, đương làm Thị lang. Chính ở nhà ông Thị lang này, mà tôi được bái kiến cụ Sào Nam, và gặp ông Phan Khôi lần đầu, sau bao nhiêu năm đã gặp tên ông trên báo. Mừng quá, vui quá, một công hai việc, tôi đâu có ngờ trong cuộc đi hầu thăm nhà đại chí sĩ này, lại được gặp cả nhà văn hào trứ danh ấy. Thế là sau những lúc hầu chuyện cụ Phan rồi, ông Phan Khôi và tôi, thường quấn quýt bên nhau. Sau một tuần lễ ở Huế, tôi trở về Quảng Ngãi với cái sứ mệnh là kêu cổ phần để làm tờ Dân Báo ở Huế với ông Phan Khôi.
Lạ quá, mà cũng tài tình thật. Việc giữa hai chúng tôi tính cho ra tờ báo không mấy ai hay biết. Thế mà khi về tới Đà Nẵng, thì một nhóm anh em trong hàng ngũ sĩ phu Nam, Nghĩa có nhã ý mời tôi lại dùng trà, để đả phá cuộc hợp tác của chúng tôi.
Nhưng ông Phan Khôi, một người có cái học thức uyên bác thế kia, một người có cái phẩm mạo tú dĩnh thế ấy, lại có thể là một người không tốt ư?
-         Không, đời đâu có lẽ ấy!
Thấy khuyên tôi không ngã, một ông tác sắc nói:
-         Ông là người Quảng Ngãi, chúng tôi là người Quảng Nam, ông biết ông Phan Khôi rõ đâu bằng chúng tôi. Nay chúng tôi, vì yêu ông, không muốn ông đi lầm đường, nên hợp nhau lại đây mà khuyên can ông, ông lại khư khư không nghe, là tại làm sao? Sao ông không nghĩ lại câu: “Quốc nhơn giai viết thiện... Quốc nhơn giai viết ác”, mà suy xét điều chúng tôi đã nói với ông?
Nhưng tiếc thay! Háo thắng lại cũng là căn bịnh của thanh niên, nên khi nghe nói thế, tôi liền đem cái lẽ: “Nhất khuyển phệ hình, bách khuyển phệ thinh” mà chống lại. Thế là cuộc gặp gỡ bị giải tán trong một không khí không được êm đẹp, và từ đó, tôi cũng bị người ta tình nghi lây.
Về sau, trở vào trong Nam, tôi cứ mãi thắc mắc về cử chỉ của cánh anh em đầy nhiệt huyết kia, và tôi có đem ông Phan Khôi ra hỏi một nhà cách mệnh lão thành mà tôi biết là có nhúng tay vào vụ Duy Tân khởi nghĩa. Thì ra nguyên nhơn câu chuyện như thế này:
-         Trong cuộc khởi nghĩa của đức vua Duy Tân, ông Phan Khôi cũng giữ một vai tuồng trọng yếu. Việc toàn quốc thì do hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân sắp đặt, mà việc Quảng Nam thì do nhà tân học Lê Đình Dương và các vị sĩ phu khác chủ trì. Đến ngày Tam Kỳ nổ tiếng súng đầu tiên, ông Phan Khôi, cảm thấy trước sự thất bại, nên tới khuyên ông Dương xuất thú, để bảo vệ sinh mạng của mình. Nhưng ông Dương nhứt định giữ lấy cái chết, không nghe lời. Túng quá, ông Khôi phải tìm cách tự cứu lấy mình. Ông xuống thẳng tòa Sứ, xin vào yết kiến viên Công sứ, vào lúc viên này đã đi Tam Kỳ. Ông liền nhờ một ông Phán chép vào một mảnh giấy rằng: ngày này và giờ này, có ông Phan Khôi đến xin yết kiến...
Chính mảnh giấy này, về sau, đã cứu cái đầu ông Phan Khôi, chính mảnh giấy này đã cắt đứt sợi dây liên lạc giữa ông Phan Khôi và đám sĩ phu tỉnh Quảng, và cũng chính vì mảnh giấy này mà ông Phan Khôi, nguyên là người hào phóng, bỗng hóa ra là một người keo kiết, bủn xỉn. Câu chuyện thật lạ lùng, nhưng hợp với lý luận, nhưng không hợp với tính nết căn bản của ông. Tuy nhiên, câu chuyện đã có, và tôi đã được nghe, nên tuyệt đối khách quan thuật lại.
Không sống với xã hội, thì ta sống với ta. Không sống với xã hội, thì ta sống cho ta. Thế là từ đó về sau, ông chỉ biết có ông. Làm việc tới tháng lãnh lương xong, là ông ra thẳng nhà giây thép, gởi hết số lương về. Còn sự sống hằng ngày của ông sau này, ông sẽ có cách khác.
Nếu đã giứt bỏ cái tính hào phóng, ông giứt bỏ luôn cái tính cương trực, thì người ta không mấy ai để ý tới ông. Đầu này, ông hóa thân làm người biển lận, mà vẫn giữ tính ăn ngay nói thẳng, thành ra ông bị vấp không biết bao nhiêu lần trên con đường giao thiệp của ông. Ông đã trở thành một người bị đời chán ghét.
Một hôm, lãnh lương xong, lại gặp lúc trời mưa, ông không sao ra nhà giây thép được, bọc hết số lương một trăm hai chục đồng về nhà. Một người cùng ăn cơm tháng chung với ông, biết được, rắn mắt, nhân lúc ông ngủ trưa, lén mở rương ông, chớp lấy một đồng. Đến chừng thức dậy, kiểm lại số tiền, ông thấy không còn y số, ông phân vân, bứt rứt vô cùng. Thế là suốt cả ngày hôm ấy và luôn cả mấy ngày sau, người ta thấy ông có vẻ xốn xang khó chịu lắm.
Lại một lần khác, cũng gặp trời mưa, lãnh lương xong, ông từ nhà báo lên xe đi thẳng về nhà. Không biết vì lãng trí thế nào, mà ông lại bỏ quên cả chiếc áo mưa và số bạc trên xe. Thế là toi của! Tinh thần hoảng hốt của ông trong lúc ấy, làm cho mọi người có mặt ở đó, đều phải cảm động. Một đồng bạc còn làm khổ được ông thay, nữa là cả một số tiền lương, cộng với chiếc áo mưa, giá không dưới ba đồng. Số xe không nhớ, còn biết làm sao! Thế là buổi cơm trưa hôm ấy, ông bỏ. May sao, xế lại, người phu xe kia trở lại với chiếc áo mưa và cả ví tiền. Biết được của không mất, điều thứ nhất là ông rú lên một tiếng to, điều thứ hai là ông kiểm lại số bạc, và điều thứ ba là ông móc ra sáu cắc thưởng cho người nghèo mà tốt nết ấy. Trong đám bạn cùng ở, có người thấy thế, tỏ ý trách ông, thì ông lý luận rằng:
-         “Sáu cắc bạc tức là tiền thuê xe của hắn cả một ngày. Nay vì sự vô ý của mình trong chốc lát, mà hắn tự nhiên có được số tiền đủ trả tiền thuê trong một ngày, thì bác còn bảo gì nữa?”.
Đối với tiền bạc, tính tình ông đổi khác nhu vậy, mà đối với tính cang trực, ông vẫn giữ nó y nguyên. Chính đó là cái điều nó làm cho người ta ghét ông, mà cũng là cái điều nó làm cho người ta kính nể ông không ít. Một câu chuyện quá đẹp dưới đây mà ở Tây Ninh hàng sĩ phu đều biết.
Biết ông gặp phải cảnh túng bẫn, ông Quốc Biểu, một thi sĩ trứ danh, lúc đó, mời ông về ở, và rủ các bạn lại học chữ Nho với ông, để cho ông có tiền xài. Học trò toàn là thông ngôn, ký lục, còm-mi mà sự đi học có lẽ một là nể lời ông Quốc Biểu, hai là tìm chỗ hội ngộ với nhau, nên các ông học trò ấy không mấy ai sốt sắng. Có khi đương giờ học, họ chuyện vãn với nhau. Một hôm, đương giờ cắt nghĩa sách, một ông Phán đem chuyện nhà ra nói, ông Phan Khôi vùng xếp sách lại, quát to lên rằng: “Các ông tới đây để học, chớ có phải tới đây để nói chuyện đâu. Học đã, hết giờ rồi, sẽ nói chuyện”. Thế là lớp học từ đó về sau hết sức yên lặng, và tính cương trực của ông được người ta biết đến nhiều. Nhưng câu chuyện đáng chú ý nhứt là câu chuyện sau đây:
Ông Quốc Biểu là người cả nể vợ, mà bà vợ thì hay lấn lướt chồng. Một hôm, nhà có khách, bà to tiếng với ông cả buổi. Đến bữa cơm trưa, ông Phan Khôi bỏ đi, mãi đến xế mới trở về, ông tác sắc mời bà lên, la rầy như một người anh cả trong gia đình la rầy em út. Ông buộc bà Quốc Biểu phải trầu rượu xin lỗi chồng và xin lỗi cả ông, trước mặt mấy người bạn có mặt ở buổi mai ấy nếu không ông thèm ở nữa. Lời ngay, lẽ chánh của ông làm cho bà Quốc Biểu tỉnh ngộ. Bà làm theo đúng như lời ông bảo, và từ đó về sau, giữa vợ chồng ông Quốc Biểu không còn tiếng bấc tiếng chì gì nữa. Câu chuyện này, hiện giờ, ở Tây Ninh, thỉnh thoảng người ta vẫn nhắc đến một cách say sưa. Nhưng nếu muốn nói đến chuyện vui và lạ hơn nữa thì ta phải nhắc lại chuyện ông gặp ông Tít, một nhà trọc phú nọ, khi ông còn ở Đa Kao.
Nguyên lúc bấy giờ, có một anh chàng nọ, người Quảng Nam, vì do con đường bất chánh, mà trở nên giàu có. Anh này, nhân dịp vào Sài Gòn, tìm đến thăm các nhà báo, cốt là để lòe với người xứ Quảng rằng: ta đây cũng là một người giao thiệp rộng.
Anh ta tới thăm ông Phan Khôi vào ban đêm, giữa lúc ông này đương viết bài.
-         Chào ông! - Chủ nhân nói.
-         Chào tiên sinh! - Khách trả lời.
Sự xưng hô như thế trong lúc đối thoại giữa chủ và khách, có gì là lạ là đáng cười. Nhưng đột nhiên nó hóa thành lạ và đáng cười, chỉ vì do tánh ương ương gàn gàn của chủ nhân mà ra.
Vừa nghe khách nói, lành thì chớ, chủ nhân vùng vểnh râu, ló mắt, hỏi: - Tiên sinh nghĩa là sao?
Bị hỏi vặn một cách đột ngột, khách lính quýnh, vừa run, vừa đáp: - Dạ tiên sinh nghĩa là... Dạ thưa tiên sinh, tôi người ở Quảng...
Chủ gắt giọng nói: - Tôi có hỏi quê quán ông đâu, tôi chỉ hỏi ông chữ tiên sinh kia mà.
Đã lính quýnh, càng lính quýnh hơn, khách run rẩy đáp: - Dạ thưa tiên sinh, tôi là con ông X...
Được dịp bắt nạt, chủ nhân cười mũi nói: - Tôi không hỏi ông là con ai, tôi chỉ hỏi ông nghĩa chữ tiên sinh mà ông vừa nói đó.
Càng bị tấn vào vách, khách càng khuẫn, càng nói không ra lời, vội vã móc gói thuốc lấy ra một điếu, lễ phép đưa mời chủ nhân.
-         Xin mời tiên sinh hút thuốc.
-         Lại cũng còn tiên sinh! Chủ nhân thét.
Khách không còn hồn vía, ríu ríu đứng dậy, hướng vào chủ xá một cái và nói: - Thôi, chào tiên sinh tôi về.
Chuyện này xảy ra quá ư đột ngột và cũng ở ngoài tầm suy nghĩ, nghe thấy của mọi người, nhưng nó lại là một pha hết sức cụp lạc, hết sức sôi nổi, làm cho những ai có mặt trong cuộc nói chuyện ấy, đều bò lăn ra cười. Thật là một lối tiếp khách tuyệt ngộ của ông Phan Khôi, do tính ương ương gàn gàn của ông mà ra. Nhưng dù thế nào đi nữa, cái tính ương gàn ấy của ông vẫn là cái tính đáng quý, vì người gàn luôn luôn là người biết bảo tồn phẩm giá.
Sau này, sống trong tay Cộng sản, mà không hóa thân làm một Nguyễn Công Hoan, một Xuân Diệu, vẫn giữ được cái sắc thái của một nhà nho chính trực, cái gì đã làm cho ông Phan Khôi thành ra người vững chãi như thế? Nếu không là do tính ương ương gàn gàn của ông.
Tóm lại mà nói, đời ông Phan Khôi vẫn có thể có điểm đáng trách, mà cũng có những điểm rõ rệt hơn, đáng được người đời khen, yêu, kính nể.
“Cái quan định luận” ông Phan Khôi bây giờ đã qua, nhưng cái di phong cương trực của ông vẫn còn phảng phất trong óc mọi người. Giờ đây, ngồi chép lại chuyện ông, tôi chợt nhớ lại bài Thu cảm bằng chữ Hán của ông viết ra, trong lúc ông còn ở Hà Nội, luôn dịp tôi xin dịch bài này ra Việt thi, gọi là đánh dấu một chút kỷ niệm với người quá cố, mà cũng là để chấm dứt bài này.
Bài thơ chữ Hán của ông:
Thu cảm
Đồ bảo hung khâm hướng huyết liêu
Trấp niên thân thế tợ hồng phiêu
Trường pong tuyệt tái tư trì mã
Lạc nhựt bình nguyên mộng xạ diêu
Bạc hải vô quy dư thử địa
Thanh xuân hư độ hữu kim triêu
Danh sơn trước thuật phi ngô sự
Nại thử trùng ngâm tuế nguyệt tiêu.
Tạm dịch:
Gan ruột riêng trời biết khúc khiêu
Hai mươi năm chẵn dấu mây bèo
Mơ màng trước gió buông tay khấu
Ao ước chiều thu với cánh diều
Dặm cũ riêng thương về hết lối
Ngày xuân thêm chất tuổi cho nhiều
Nghĩ mình nào phải tay biên chép
Đắp đổi qua ngày tiếng dế kêu.
HỒNG TIÊU

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire