18/10/2017

Bí mật về dòng tiền viện trợ của Trung Quốc được tiết lộ, Việt Nam nhận bao nhiêu?

Trung Quốc viện trợ cho Pakistan để phát triển cảng Gwadar. (Ảnh: Aamir Qureshi/Getty)




Tâm điểm chú ý tuần qua là một báo cáo chưa từng có tiết lộ về chương trình viện trợ nước ngoài của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh thường coi đây là bí mật quốc gia và ngăn chặn cộng đồng quốc tế biết được họ đang cung cấp viện trợ nước ngoài như thế nào và cho ai.



Để có được báo cáo này, một nhóm rất nhiều các nhà nghiên cứu bên ngoài Trung Quốc, từ các trường Đại học William & Mary và Đại học Harvard của Mỹ và Đại học Heidelberg của Đức, đã tổng hợp số liệu từ 15.000 nguồn tin bao gồm báo đài, tài liệu từ các đại sứ quán và báo cáo từ các nước nhận viện trợ. Họ đã tạo ra được một cơ sở dữ liệu lớn mô tả hầu hết dòng tài chính của Trung Quốc viện trợ cho các nước, qua đó lý giải dòng tiền của Trung Quốc đang đi về đâu và sức ảnh hưởng của nó ra sao.

Tiến sĩ Bradley Parks – Trưởng nhóm nhiên cứu, giám đốc tổ chức AidData chuyên theo dõi hỗ trợ phát triển, cho biết tổ chức này đã phải huy động gần 100 học giả và các nhà nghiên cứu từ khắp thế giới thu thập thông tin từ 4.300 dự án tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc trong 5 năm. Do đó, đây là những thông tin chi tiết và toàn diện nhất về chương trình viện trợ của Trung Quốc từ trước tới nay.


Trung Quốc viện trợ như thế nào?


Báo cáo cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2000-2014, Trung Quốc đã cung cấp 354,4 tỷ USD cho viện trợ và các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho 140 nước, cách không xa con số viện trợ 394,6 tỷ USD của Mỹ trong cùng giai đoạn.

Theo tiến sĩ Parks, Trung Quốc ngoài mặt tuyên bố viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhưng  bên trong thực chất chủ yếu là hình thức cho vay lấy lãi, nhằm thâm nhập thị trường, mở rộng sức ảnh hưởng của nước này.

Một ví dụ điển hình là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Tập đoàn Petroecuador của Ecuador vay 1 tỷ USD trong một dự án được gọi là ODA, nhưng thực chất là để đổi lấy thỏa thuận dầu mỏ giữa hai bên với nhiều điều khoản chỉ có lợi cho Bắc Kinh.

Với Mỹ, nước này dành 93% tổng tiền viện trợ nước ngoài của mình cho ODA, tức cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp đối với các quốc gia đang phát triển, và có ít nhất 25% là viện trợ không hoàn lại. Hình thức này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn và nâng cao phúc lợi ở các nước nhận viện trợ.

Với Trung Quốc, hỗ trợ phát triển chính thức chỉ chiếm phần nhỏ, còn phần lớn viện trợ tập trung vào các dự án mang tính thương mại với lãi suất thị trường hoặc sát với thị trường nhằm mục đích cuối cùng là kiếm tiền. Điều đó khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới.

Tỷ lệ ODA của Trung Quốc chiếm 23% số tiền viện trợ, phần còn lại được xếp vào loại các dòng vốn chính thức khác (OOF).
 
 Trung Quốc đẩy mạnh viện trợ nước ngoài trong những năm gần đây. (Ảnh: BBC)




Trung Quốc cho vay những ai?


Phần lớn số tiền viện trợ được gửi đến Châu Phi và số còn lại là những quốc gia gần Trung Quốc.

Cuba là nước nhận được vốn ODA nhiều nhất của Trung Quốc với 6,7 tỷ USD, tiếp đến là Cote d’Ivoire với 4 tỷ USD và Ethiopia với 3,7 tỷ USD. Trong top 10 các nước nhận nhiều ODA nhất còn có Zimbabwe (3,6 tỷ USD), Cameroon (3,4 tỷ USD), Nigeria (3,1 tỷ USD), Tanzania (3 tỷ USD), Campuchia (3 tỷ USD), Sri Lanka (2,8 tỷ USD) và Ghana (2,5 tỷ USD).

Tiến sĩ Parks cho biết các khoản vay của Trung Quốc có xu hướng đến với các đối tác thương mại, những quốc gia giàu tài nguyên, đáng để đầu tư.

“Đó là kiếm tiền và tăng cường sự hiện diện tới nhiều thị trường nước ngoài, nhằm giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc tiếp cận những thị trường đó, cũng như bảo đảm họ có thể nhập khẩu các tài nguyên thiên nhiên mà trong nước không có. Vậy nên, đó rõ ràng chỉ là tư lợi của Trung Quốc”, theo Tiến sĩ Parks.

Top 10 nước nhận nhiều viện trợ OOF nhất từ Trung Quốc gồm Nga (36,6 tỷ USD), Pakistan (16,3 tỷ USD), Angola (13,4 tỷ USD), Lào (11 tỷ USD), Venezuela (10,8 tỷ USD), Turkmenistan (10,1 tỷ USD), Ecuador (9,7 tỷ USD), Brazil (8,5 tỷ USD), Sri Lanka (8,2 tỷ USD) và Kazakstan (6,7 tỷ USD).

Nhiều con nợ hàng đầu của Trung Quốc đang phải vật lộn với câu chuyện trả nợ.

Hồi giữa năm 2017, Sri Lanka đã ký kết thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD, bán 70% cổ phần cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc, để trả bớt khoản nợ khổng lồ của mình.

Với Việt Nam, vay ODA từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 350 triệu USD trong tổng số 4,3 tỷ USD nhận viện trợ từ nước láng giềng này.



 Việt Nam nhận viện trợ hơn 4 tỷ USD từ Trung Quốc. (Nguồn: AidData)



Lợi ích từ những khoản viện trợ


Theo phân tích, chương trình viện trợ từ Mỹ và phương Tây thường đòi hỏi các quốc gia nhận viện trợ phải tái cơ cấu nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường, cải cách dân chủ và nhiều ràng buộc khác nhằm đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng. Tuy nhiên, những yêu cầu này đôi khi đi ngược lại nguyện vọng của các nước đó, nên nhiều quốc gia đã tìm đến Trung Quốc dù biết các khoản vay của Trung Quốc ít được ưu đãi hơn.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc ngoài đổi việc viện trợ lấy nhiều lợi ích về kinh tế, mà các khoản đầu tư từ lâu còn mang cả những ý nghĩa về chính trị, dù chính quyền Bắc Kinh không lên tiếng thừa nhận.

Trong một phân tích riêng, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Brookings phát hiện rằng hoạt động cho vay của Trung Quốc không tương quan với trình độ quản trị của nước đi vay.

Trong số 20 nước vay vốn hàng đầu của Trung Quốc từ năm 2012-2014, có đến 13 nước xếp hạng kém trong chỉ số về luật pháp của Ngân hàng Thế giới.

Các nhà phân tích đang nghi ngờ rằng sự hào phóng của Trung Quốc còn ẩn chứa ý đồ kiểm soát

Tại Mali, Trung Quốc cho vay 8 tỷ USD năm 2014 để xây dựng đường sắt xuyên quốc gia dài 900 km nhưng với yêu cầu phải để một công ty đường sắt Trung Quốc nhận thầu xây dựng. Tới năm 2016, núi nợ của Mali đã vượt 22,6% GDP, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng trả nợ của quốc gia Tây Phi này.

Không chỉ những nước nhỏ, cả các nước lớn như Nga cũng bị kiểm soát. Trung Quốc đã biến tập đoàn Rosenft của Nga thành “con nợ” lớn nhất khi cho vay 34 tỷ USD vào năm 2009 để giúp hoạt động của tập đoàn dầu khí Nga. Rosenft dự kiến phải trả lãi suất trung bình 5,69%/năm cho 15 tỷ USD của khoản nợ trong 20 năm. Nhưng mới đây, công ty năng lượng CEFC của Trung Quốc đã ký một hợp đồng nhận 14% cổ phần của Rosenft để trừ bớt nợ.

Và dĩ nhiên, chính trị cũng đóng vai trò rất lớn trong quyết định viện trợ của Trung Quốc. Các nghiên cứu trước đó của AidData cho thấy Bắc Kinh có xu hướng cấp tiền cho những nước ủng hộ mình tại Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc cũng được biết hay dùng các ‘đòn’ kinh tế và cả ngoại giao để mua chuộc các quốc gia về những vấn đề nhạy tại nước này như vụ thảm sát Thiên An Môn, cuộc đàn áp Pháp Luân Công hay chính sách đối với Tây Tạng và Tân Cương. Các nước thường được thuyết phục rằng họ im lặng về những vấn đề mang tính diệt chủng của Trung Quốc để doanh nghiệp của họ được tiếp cận thị trường khổng lồ này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire