04/02/2018

Nạn “Thái tử đỏ” và chuyện cái vỉ nướng


Lê Ngọc Sơn
(Chuyên gia Quản trị Rủi ro và Khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)


Cái lò của công cuộc chống tham nhũng không chỉ trừng trị mối quan hệ “không trong sáng” của lãnh đạo cao cấp xứ Thanh với một hot-girl của tỉnh này, nó còn tỏa nhiệt làm cháy các “thanh củi cộm cán” có tiền sử trộm cắp công sản, làm rụng các “trái non ép chín vội” - là con quan được bố mẹ quyền cao chức trọng nâng lên, bất chấp năng lực hạn chế của các “thái tử” và sự nghiêm ngặt của quy trình nhân sự. Nói như vậy, để thấy công cuộc chống tham nhũng hiện tại cực kỳ có ý nghĩa sống còn đối với đất nước. 




Dăm năm trước, vào một ngày đầu thu, tôi và B. - một người bạn là chuyên gia luật rủ nhau dã ngoại ở mạn gần bãi giữa sông Hồng. Chúng tôi làm BBQ và uống vài chai vodka, nhâm nhi đôi câu chuyện thế sự để quên đi cái lạnh đầu thu. Là chuyên gia luật, anh thấu hiểu việc khách hàng của mình - là các doanh nghiệp nước ngoài - kêu trời về rừng giấy phép con khiến họ rất khó làm ăn ở Việt Nam. Tôi - một nhà báo chuyên quan sát các cuộc khủng hoảng, anh - một luật sư, đều cảm nhận được sự ta thán lúc đó về tình trạng khó làm ăn bởi tệ trạng “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ” (như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói) đang hoành hành trên đất nước này.

Thẳng thắn mà nói, với những gì đang diễn ra, ta có thể đọc được một hàm dụ mới về khái niệm “phòng chống tham nhũng” đang diễn ra hiện tại: Đó thực chất là công cuộc chống lại cái xấu ở cả 3 mặt trận: (1) sự nhũng lạm công sản, (2) ăn cắp chức vụ, và (3) hối lộ tình dục trong chốn quan trường.


Ăn cắp công sản


Chiếc dao mổ của cuộc đại phẫu thuật (cần thiết để) chống tham nhũng đang phanh phui ra một đại trạng bệnh tật trên thân hình đất nước.

Trước hết, nó vạch trần một sự thật đau đớn về quy mô của “khối u”, những vụ đại án tham nhũng không chỉ dừng lại ở việc dính líu đến vài quan chức địa phương, mà còn liên quan đến nhiều vị quan chức “tai to mặt lớn” như ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và bè lũ thân hữu mà cơ quan điều tra đang làm việc. Nó là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy những kẻ phạm pháp bằng cách nào đó đã “leo cao, bò sâu” tới những vị trí quyền lực cao nhất của đất nước (như nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng). Đây thực chất cho thấy, sức nóng của lò đã làm lộ diện những tên siêu trộm cấp quốc gia.

Khi những kẻ tài cán chưa biết ra sao nắm giữ các chức vụ công một cách không minh bạch, điều đó có nghĩa là những hiền tài thực sự của đất nước vẫn bị gạt ra ngoài lề.

Thứ hai, nó cho thấy có sự cấu kết giữa giới chính trị gia cao nhất của địa phương với giới tài phiệt, mafia - những kẻ được cử tri địa phương “chỉ mặt, đặt tên”. Trường hợp nguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và ông trùm Vũ “nhôm” là một ví dụ cộm cán như vậy. Giới mafia tặng xe, nhà cho quan chức đầu tỉnh, rồi những quan chức này đáp lại bằng các ưu đãi, thông qua lạm dụng quyền lực công được giao. Nếu Hiến pháp nói rằng, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thì trong trường hợp này nhân dân đang bị phản bội bởi những quan chức hư hỏng và tham lam, nhũng lạm.

Thứ ba, cuộc đại phẫu thuật cho thấy, việc “Ăn của dân không từ một cái gì” đang ở mức cấp tính. Trước đây tham nhũng chỉ là “vặt” và ở quy mô vài trăm triệu là đã “kinh hãi”, nay các đại dự án gây thiệt hại và thất thoát hàng nghìn thậm chí hàng trăm nghìn tỷ, đủ để thấy sự tàn phá của lũ giặc nội xâm này nguy hại đến thế nào.


Nạn “Thái tử đỏ” ăn cắp chức vụ


Cách đây vài năm, người ta thấy con các quan lớn dù mới ra trường, chưa lập được công trạng gì cho đất nước, nhưng bằng cách nào đó đã được “đôn” lên nắm các vị trí chủ chốt ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Có những cậu ấm trượt ở địa phương, nhưng bằng cách nào đó lại trúng ở... cấp cao hơn. Tình trạng này mọc lên như nấm sau mưa trước sự lắc đầu ngao ngán bất lực của những người lo lắng cho vận mệnh của đất nước. Thiên hạ gọi những cậu ấm này là “Thái tử đỏ”.

Nạn “Thái tử đỏ” hoành hành ở những quan chức tầm trung ương đến địa phương. Khi những kẻ tài cán chưa biết ra sao nắm giữ các chức vụ công một cách không minh bạch, điều đó có nghĩa là những hiền tài thực sự của đất nước vẫn bị gạt ra ngoài lề. Dù rằng, chưa biết việc “đặt con lên ghế” này có mang lại lợi ích bền vững, hay chỉ hại các “quý tử” bất tài, nhưng thiệt hại về lâu dài vẫn là nhân dân và đất nước, còn kẻ thủ lợi vừa ăn cắp các chức vụ công một cách nghiễm nhiên, vừa nhại theo giọng của thánh hiền rao giảng đạo đức cho đời. Nguyễn Xuân Anh chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ điển hình về “Thái tử đỏ” kiểu này.



Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”; bên phải) và ông Nguyễn Xuân Anh trong một lần đi cùng nhau. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Việc “đưa trở về đúng vị trí năng lực xuất phát” đối với con trai của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, con trai của nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam, và nhiều nhân vật khác đã, đang và sẽ bị gọi tên... là tín hiệu tích cực, nhằm ngăn chặn nạn ăn cắp chức vụ trong lĩnh vực công. Từ đó, các nhân tài thực sự có cơ hội để cống hiến cho đất nước. Nếu làm được triệt để vấn đề này, Đảng sẽ tạo ra một bước ngoặt nói không với chủ nghĩa thân hữu và lối trao quyền “cha truyền, con nối” nhức nhối bấy lâu nay trong xã hội ta.


Hiện tượng “hối lộ tình dục” 


Dư luận hồ hởi với kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa có sự “nâng đỡ không trong sáng” với một kiều nữ xứ Thanh. Dù rằng, dư luận vẫn đặt ra câu hỏi liệu lịch sử có lặp lại một kịch bản kiểu “Lê Lai cứu chúa” ở tỉnh này hay không, câu trả lời về bản chất của sự việc vẫn phụ thuộc vào nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhưng kết luận trên đã hé lộ ra một thực trạng tối về những mối quan hệ “không trong sáng”, mà chắc hẳn không chỉ có riêng ở Thanh Hóa. Nhiều người gọi thẳng tên của hiện tượng này khi đặt ra nghi vấn, liệu có sự hối lộ tình dục để được dành các vị trí quan trọng cho các kiều nữ trong chốn quan trường? Tới đây, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, khi việc nhận hối lộ bằng tình dục, tình cảm hay một suất du học cho con... được xem là yếu tố cấu thành của tội nhận hối lộ thì nghi vấn nói trên sẽ được tường minh.
Ông Đinh La Thăng vừa bị khởi tố, bắt tạm giam và đề nghị truy tố trong hai vụ án: “cố ý làm trái; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái; tham ô tài sản”. Ảnh: Quý Hòa




Chiến thuật “bóc bắp cải” đã làm lộ rõ những con sâu ở ruột: Cái biển số xe công làm lộ rõ những con sâu lớn ở Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (và có khi còn hơn thế). Chiếc xe siêu sang ở Văn phòng Thành uỷ Đà Nẵng lộ ra sự cấu kết ngầm của quan chức đầu tỉnh với giới mafia, v.v.. Dưới con mắt của một nhà quan sát, tôi cho rằng việc “củi lửa” của cái lò chống tham nhũng được chuẩn bị hết sức bài bản, có chiến lược và tầm nhìn xa. Sự điều tốc hợp lý và điều phối nhịp nhàng của “nhạc trưởng” của công cuộc này sẽ được lịch sử ghi lại. Những kẻ lạm dụng công quyền để tư hữu công sản, ăn cắp quyền lực, v.v.. đã, đang và sẽ phải trả giá.

Lại nhớ bữa BBQ đượm mùi thơm rượu nồng ở bãi sông Hồng dạo nọ, lúc chia tay nhau, B. hỏi tôi về chuyện gì sẽ xảy ra nếu “con quan rồi lại làm quan”? Tôi trấn an bạn bằng việc nhắc lại câu thành ngữ của người Đức: “Die Schweine von heute sind die Schinken/Speck von morgen” (“Lợn hôm nay là dăm bông/mỡ của ngày mai”), rồi chỉ vào đám lửa rực cháy và bảo: “Anh thấy đó, những miếng thịt to luôn bị kẹp chặt nhất bởi vỉ nướng đó thôi!”. 

Hẳn giờ đây, B. thấy điều đó không chỉ đúng về mặt lý thuyết. 





Ông Lê Ngọc Sơn nguyên là Phó Tổng biên tập Tạp chí Người Đô Thị. Từng là cố vấn truyền thông cho nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành. Hiện là cố vấn truyền thông và quản trị khủng hoảng cho chính trị gia gốc Việt - ông Nguyễn Đắc Nghiệp, nghị sỹ, thành viên ban lãnh đạo Đảng CDU của TP. Thale, CHLB Đức.

Ông Sơn hiện tại đang nghiên cứu bậc tiến sĩ, và là thành viên Nhóm Quốc tế Nghiên cứu về Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại CHLB Đức. Ông là học giả trẻ được mời thuyết trình về chủ đề này tại nhiều đại học trong nước và châu Âu.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire