TTO - Câu nói của Phan Châu Trinh lý giải vì sao tuổi
đời không cao nhưng các sĩ phu thời bấy giờ đã gọi ông là “cụ Phan” một cách
kính trọng.
Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật - Ảnh: tư liệu gia đình |
“Tôi xin nói
thực với các anh, tôi đã bỏ hai phần ba đời tôi để tìm lấy thuốc mà chữa trị
cho nước nhà. Thông minh tôi tuy kém, tài trí tôi tuy hèn, nhưng trong buổi
giao thời này tôi có thể dám nói rằng: cái trách nhiệm của nòi giống dân tộc
Việt Nam tôi quyết không nhường cho ai cả”.
Câu nói đậm
“chất Quảng Nam” của Phan Châu Trinh lý giải vì sao tuổi đời không cao nhưng
các sĩ phu thời bấy giờ đã gọi ông là “cụ Phan” một cách kính trọng.
Không nhường
cho ai
“Không
nhường cho ai” nên tuy đã đỗ phó bảng, đã có một chức quan trong bộ lễ của
triều đình Huế nhưng Phan Châu Trinh không cam phận làm quan. Cùng với những
nhà Nho yêu nước, ông ngày đêm suy nghĩ, học hỏi hòng tìm một con đường đưa dân
tộc thoát vòng nô lệ.
Học đủ cổ
thư, ông dành ra nhiều thời gian đọc tân thư và những chuyển biến tư tưởng đã
đến từ đây. Ông hướng đến con đường giải phóng bằng tự lực, tự cường, bằng khai
mở văn hóa, khai sáng con người, mà trước hết là tự nhìn nhận những yếu kém,
thua sút.
Ông viết:
“Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước
châu Âu, châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm đường...”.
Có đặt vào
hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, dân trí thật sự mờ tối của năm 1903 mới
thấy được giá trị vượt thời đại của lời tự thán minh triết này. Học giả Hoàng
Xuân Hãn phân tích: “Sau khi phong trào Cần vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn,
Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa, xã hội
Việt Nam. Cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa đã đưa đến mất nước là sự thua kém của
xã hội ta so với phương Tây. Phan Châu Trinh đã đưa ra một đường lối mới để tìm
lối thoát cứu nước...”.
Đường lối mà
Phan Châu Trinh tìm ra: “Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng
ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không
muốn mua lấy cái chết. Sự giải thoát của chúng ta nằm chủ yếu trong sự học
hành, mở mang trí tuệ”.
Tự nhận về
mình trách nhiệm lớn lao, “không nhường cho ai”, Phan Châu Trinh từ quan. Mọi
hoạt động của ông từ đây chỉ tập trung cho một mục đích: duy tân - con đường
mới tươi sáng cho dân tộc, đất nước.
Ông viết Tỉnh
quốc hồn ca gửi nhân dân; viết Điều trần gửi Toàn quyền Pháp; viết Chí
thành thông thánh, Đông Dương chính trị luận gửi các nhân sĩ trí thức; viết
Thư thất điều gửi vua Khải Định; viết Quân trị chủ nghĩa, Dân trị chủ
nghĩa nói chuyện với đồng bào; viết báo, làm thơ...
Ông tham gia
sáng lập Trường Đông Kinh nghĩa thục, Trường Dục Thanh và nhiều trường khác của
các nhà Nho yêu nước, vận động mở tòa báo, vận động bỏ hủ tục, mê tín dị đoan,
phổ biến chữ quốc ngữ, lập hội học, hội buôn, hội diễn thuyết... hòng mở mang
tri thức, củng cố kinh tế.
Ông động
viên từng người dân: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan, biết lo tự cường tự
lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì ngày càng bước tới con đường vui vẻ.
Còn dân ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mong đợi trông cậy ở quan, giao phó
tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người hay một chính phủ muốn làm
sao thì làm mà mình không hành động, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ
mọi đường”.
Ông Nguyễn Đông Hào, cháu ngoại cụ Phan, chuẩn bị cho lễ giỗ lần thứ 90 tại nhà thờ Phan Châu Trinh ở TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
“Gian nan
chi kể việc con con”
Khi những tư
tưởng tự lập, tự đấu tranh cho quyền lợi của mình đã thấm vào người dân, cuộc
Trung kỳ dân biến chống sưu thuế nổ ra như một quả bom.
Dù không
phải người tổ chức trực tiếp, thực dân Pháp vẫn đày Phan Châu Trinh ra Côn Lôn
(tức Côn Đảo - PV) vì nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của ông. Phan Châu Trinh điềm
tĩnh đón nhận thử thách cùng các đồng chí mình, những ngón tay quen dùng bút lông
điềm tĩnh cầm búa đập đá, điềm tĩnh ngâm ngợi: “Những kẻ vá trời khi lỡ
bước/ Gian nan chi kể việc con con”.
Sau khi được
thả trước thời hạn nhờ can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, bị quản thúc ở Mỹ
Tho, Phan Châu Trinh vận động để được đưa sang Pháp, mục đích không ngoài việc
tiếp tục học hỏi cái hay, cái mới để tiếp tục công cuộc “Khai dân trí - Chấn
dân khí - Hậu dân sinh”. Sau 14 năm ở xứ người, ông lại trở về say mê tiếp tục
cuộc duy tân.
Hơn 80 năm
sau, bà Phan Thị Minh (tức Lê Thị Kinh), cháu ngoại của ông, đã hai lần sang
Pháp, ăn ngủ ở thư khố, Cục Lưu trữ quốc gia để sao lục, dịch thuật hàng ngàn
trang tư liệu gồm thư trao đổi giữa nhà cầm quyền Pháp và Đông Dương về Phan
Châu Trinh, những báo cáo của mật thám Pháp được giao theo sát từng hoạt động
của ông và bạn bè, đồng chí từng ngày, từng giờ, những bản thảo mà mật thám đã
lấy được...
Bà Phan Thị Minh (Lê Thị Kinh), cháu ngoại cụ Phan, hơn 20 năm sưu tầm tư liệu, nghiên cứu về Phan Châu Trinh. Bà hiện sống tại nhà lưu niệm Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng - Ảnh: Tự Trung |
Tại nhà lưu
niệm Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng đầy những báu vật bằng giấy ấy, bà Minh run run
xúc động kể: “Khi tôi 1 tuổi, được mẹ bồng vào Sài Gòn thăm ông ngoại (bà Minh
là con bà Phan Thị Châu Liên, con gái lớn của cụ Phan - PV).
Ấy là những
ngày cuối cùng của cụ Phan, cũng là những ngày ít ỏi mẹ tôi được gần cha mình.
Cả đời cụ bôn ba hoạt động khiến các con gái gần như lớn lên trong cảnh không
cha...
Tôi được cha
mẹ giao lại những bản thảo mà cụ Phan đã mang theo bên người khi ông ra Bắc,
vào Nam, sang Pháp, và đến lượt cha mẹ tôi khổ công gìn giữ: nào rang gạo chống
ẩm, rang hồ tiêu chống mối, bỏ vào chum sành chôn giấu mỗi khi chạy bom đạn...
Bắt tay vào nghiên cứu cụ ở tuổi 70, nhiều thông tin khiến tôi phải rớt nước
mắt”.
Quả là muốn
rớt nước mắt khi đọc những báo cáo của mật thám: việc chấm sửa ảnh kiếm không
đủ chi phí, Phan Châu Trinh dọn sang chỗ khác để tiết kiệm tiền thuê nhà; Phan
Châu Trinh ốm nặng không đủ sức đi làm sau khi nghe tin con trai mất...
Và những kết
luận khách quan đượm phần kính nể của Sở mật vụ Pháp: “Phải công bằng mà thừa
nhận cuộc sống của Phan Châu Trinh là đáng kính trọng. Y mang tinh thần dân tộc
rất cao mà y không hề giấu giếm với các đồng bào y ở đây và cả với những người
Pháp...”.
14 năm ở
Pháp, vật lộn với cuộc mưu sinh, với những mùa đông lạnh giá không đủ thức ăn,
sưởi ấm, với ngôn ngữ và văn hóa xa lạ, với quan điểm chính trị khác nhau của
những người cùng yêu nước, với những mất mát, đau khổ riêng tư...
Đấu tranh để
được về nước, ông chỉ còn kịp tổ chức hai cuộc diễn thuyết giữa Sài Gòn. Tài
liệu của Sở mật thám Nam kỳ còn ghi rõ: “Tối 27-11-1925, mặc dù bị sốt rất cao,
Phan Châu Trinh vẫn quyết thực hiện buổi diễn thuyết thứ hai nhằm tăng thêm uy
tín của ông ở Nam kỳ...”.
Hôm ấy ông
đã chỉ ra: cần phải thay chế độ quân trị bằng dân trị. “Dân trị tức là pháp
trị. Quyền hạn và bổn phận của mỗi người trong nước, bất kỳ người làm việc nhà
nước hay người thường đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có
đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi, tự do bước tới bao nhiêu cũng được,
không ai ngăn trở cả”.
Các nhân sĩ
ở miền Trung, Hà Nội nức lòng chờ Phan Châu Trinh ra diễn thuyết, nhưng rồi ông
đã không vượt qua được số phận...
PHẠM VŨ
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire