16/03/2018

"Vua thua thằng liều" và góc nhìn khác về truyền thông


Xuân Dương
 

 (GDVN) - Người xưa nói “Vua thua thằng liều”, nếu chuyện nhà giàu chơi ngông, coi thường pháp luật không bị trừng trị liệu người nay có nên nói lái “CA tha kẻ giàu"...
Hai sự kiện xảy ra gần đây được truyền thông đăng tải khiến người dân băn khoăn, không hiểu cách xử sự của cơ quan chức năng và nội dung một số bài báo có thực sự góp phần nâng cao dân trí, cổ vũ nét đẹp văn hóa, nhằm mục đích xây dựng một nước Việt Nam văn minh theo định hướng “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” .



Sự kiện thứ nhất là chuyện “đoàn xe siêu sang” - theo cách gọi của làng báo - diễu hành dịp đầu năm 2018 trên các cung đường phía Bắc.
Đoàn xe này và các chủ nhân của nó được nhiều báo quảng cáo một cách vô tư như là một sự kiện đình đám, nhất là những mô tả về sự chịu chơi và độ sang của những chiếc xe “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam?

Chiếc xe màu vàng chạy đè vạch liền, lấn vào làn đường đỗ khẩn cấp (ảnh cắt từ clip)
Chuyện người giàu khoe của vốn không có gì lạ, xã hội không nên vì thấy người ta giàu mà phê phán.
Cũng như chuyện một số người thuộc giới biểu diễn không khoe của thì … khoe thân!
Tạo sự cố để được nổi tiếng tuy là  “chiêu” cũ mèm nhưng vẫn có ích nên dù cư dân mạng đặt tên là “chiêu vét đĩa”,  “chiêu hạ đẳng” thì vẫn không làm giảm được quyết tâm “khoe” của đương sự.
Vấn đề là người có văn hóa, có lòng tự trọng, người ta khoe thân, khoe của khác với những người còn lại, dù họ đều cùng “nhóm lợi ích”.
Trong clip kéo dài chừng 14 phút lưu truyền trên mạng, không khó ghi lại biển số xe của những chiếc xe này, nó cho thấy ai đó sẵn sàng khoe mình chạy vượt tốc độ quy định, chạy sai làn đường, chạy vượt bên phải, chạy đè cả vào vạch liền trên cao tốc vốn là biểu tượng quy định cấm lấn làn.
Dù phạm nhiều lỗi như thế nhưng dư luận thực sự ngạc nhiên khi đại diện cơ quan chịu trách nhiệm trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ trả lời báo chí:
Theo những gì lãnh đạo đội kiểm tra thì clip trên mạng xã hội ghi lại đoàn xe chạy quá tốc độ, lấn làn không phải trên tuyến đường do chúng tôi phụ trách”.
Còn lãnh đạo đội cảnh sát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an phụ trách khu vực Lào Cai cho hay:
Sau khi kiểm tra clip xuất hiện trên mạng xã hội, chúng tôi thấy những chiếc xe này không phải chạy trên tuyến đường mà chúng tôi quản lý…”. [1]
Đoàn xe siêu sang không chạy trên cao tốc hướng Hà Nội - Lào Cai, cũng không chạy hướng Hà Nội - Ninh Bình vậy phải chăng chạy trên tuyến Hà Nội - Thái Nguyên hay Hà Nội - Hải Phòng?
Liệu điều này có cần được lãnh đạo cấp cao của Cục Cảnh sát giao thông làm rõ?
Được biết, năm 2016 Cục Cảnh sát giao thông (C67 - Bộ Công an) đã phối hợp với các đơn vị chức năng lắp 58 camera giám sát trên tuyến Nội Bài - Lào Cai, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Ninh Bình) với tổng chiều dài 86,3km có 35 điểm lắp camera giám sát tốc độ, …
Được biết qua hệ thống camera theo dõi, cảnh sát giao thông Hà Nội đã “phạt nguội” hơn 7.600 lái xe và hơn 900 xe trong vòng hai tháng.
Có lẽ vị cán bộ “phụ trách khu vực Lào Cai” bận nhiều việc, chưa kịp tìm hiểu nên mới quyết định “kiểm tra clip xuất hiện trên mạng xã hội” chứ không kiểm tra dữ liệu lưu trữ do camera lắp trên đường cao tốc ghi lại.
Không kiểm tra dữ liệu do camera giao thông ghi mà đưa ra ngay kết luận phủ nhận liên quan,  liệu người và cơ quan chức năng đã làm tròn trách nhiệm, đã minh bạch với nhân dân?
Để thấy cách hành xử của cơ quan công an có gì đó không nhất quán, xin dẫn lại câu chuyện trung tướng Võ Văn Liêm “mắng” cảnh sát giao thông ở Cần Thơ.
Để chứng minh chiếc xe chở ông Liêm chạy quá tốc độ cho phép (với tốc độ 81 km/h trong khi quy định chỉ cho phép 70 km/h), công an Cần Thơ đã cung cấp cho báo chí hình ảnh mà họ khẳng định là trích xuất từ camera theo dõi trên đường.

Hình xe chở vị tướng mà công an Cần Thơ cung cấp cho báo chí.
Khá nhiều tác giả ngay lập tức lấy đó làm tư liệu để viết bài tung lên báo phê phán ông “Tướng về hưu” mà chẳng cần quan tâm đến mức độ chân thực của bức ảnh đó.
Người viết đã từng phân tích bức ảnh này trong bài “Quan văn và quan võ, quan “đương” và quan “hưu”. [2]
Vậy tại sao công an hai tuyến cao tốc Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Ninh Bình không theo cách của công an Cần Thơ, cung cấp cho báo chí hình ảnh trích xuất từ các camera giám sát lắp trên toàn tuyến?
Cùng chuyện người tham gia giao thông vi phạm tốc độ, vì sao công an mỗi nơi xử lý một cách?
Vì sao với viên tướng về hưu thì làm mạnh thế, còn với cánh chơi xe tiền tỷ thì lại nhẹ hều?
Có hay không sự mập mờ, không minh bạch trong kết luận của cơ quan công an liên quan đến vụ việc mà báo Nguoiduatin.vn đề cập?
Một khi người dân chưa tin kết luận của cơ quan chức năng, lãnh đạo cấp cao hơn có nên xem xét lại kết luận của cấp dưới?
Và không thể không nêu thêm câu hỏi, ngoài hai bài trên Dantri.com.vn [3] và Nguoiduatin.vn hầu như không thấy bài viết phê phán hành động vi phạm pháp luật này trên các tờ báo vốn đã rất hăm hở phê phán trung tướng Võ Văn Liêm, điều gì đang xảy ra với truyền thông vậy?
Nếu cơ quan chức năng, cụ thể là cảnh sát giao thông cho rằng sự khoe khoang của nhóm lái xe này không còn là chuyện riêng của người giàu bởi họ đang thách đố pháp luật, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên cao tốc và cho chính bản thân họ thì cách xử lý chắc chắn sẽ khác.
Nếu truyền thông không vì bất kỳ lý do nào đó mà cho qua chuyện thì chắc chắn không chỉ lèo tèo vài tiếng nói phê phán,  tiếc rằng nhận định này lại có chữ “nếu” ở đầu.
Một khi nhóm người khoe “xe sang” này xem nhẹ pháp luật thì họ đã xem nhẹ nhân cách chính mình, đó không còn là thói hợm hĩnh của kẻ giàu mà là sự ngông cuồng, sự thiếu văn hóa của con nhà giàu mới nổi mà người đời gọi là “Trọc phú”.
Người xưa có câu “Vua thua thằng liều”, nếu chuyện nhà giàu chơi ngông, coi thường pháp luật không bị trừng trị liệu người nay có nên nói lái thành “CA tha kẻ giàu”?
Có ý kiến cho rằng, giả sử cơ quan chức năng có vào cuộc, có xác định đúng những lái xe ngông nghênh ấy vi phạm quy định giao thông mà phạt dăm bảy triệu đồng thì cũng chỉ như “muỗi đốt voi”, làm gì có chuyện họ ăn năn hối cải.
Nói thế bởi voi thích tắm bùn, dẫu có bẩn nhưng đổi lại có lớp bùn bao bọc toàn thân chống lại tất cả các loại “đốt”.
Mà biết đâu bị đốt ngứa, voi rống vài tiếng thảm thiết, cây cối đổ rạp, lá rụng tơi bời, cỏ dưới đất nát bét huống chi là “muỗi”!
Khi cả xã hội bất an với việc người Việt năm 2017 tiêu thụ 4 tỷ lít bia (Vtv.vn - 15/1/2018) thì một tờ báo chính thống lại có bài: “Bí quyết giải rượu và mẹo “ngàn chén không say” cực hay”.
Bao nhiêu bài báo ăn theo “đoàn xe siêu sang”, ăn theo vụ Châu Việt Cường phạm tội, phải chăng những chủ đề ấy mang lại sự “an toàn” cho người viết và tờ báo, phải chăng động chạm đến vấn đề nhạy cảm là điều cần “nâng lên, đặt xuống”?
Thứ hai là chuyện Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi bỏ tục đốt vàng mã tại nơi công cộng và trong gia đình, đây là đề xuất chính đáng được báo chí và người dân ủng hộ.
Tuy nhiên không ít ý kiến nêu những khó khăn mà người đọc có cảm giác việc bỏ đốt vàng mã là không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó người ta lại thấy có những bài báo cổ xúy cho chuyện mê tín, chẳng hạn:
“Đền Bà Chúa Kho và những nghi thức cần biết khi đến "vay - trả" cõi tâm linh”;
“Văn khấn cúng Thần Tài 2018 chuẩn nhất để phát tài phát lộc";
“Mâm lễ và bài văn khấn cúng Tất niên ngày 30 Tết chuẩn nhất”;…
Không thể không nêu câu hỏi, dựa vào tiêu chí nào mà tác giả bài báo khẳng định mâm cơm cúng họ giới thiệu là “chuẩn nhất”?
Hình minh họa trong bài có phải là mâm lễ cúng chiều 30 Tết chuẩn nhất mà tờ báo muốn độc giả “cúng” theo?
Có bao nhiêu gia đình người Việt sẽ mủi lòng bởi họ không thể sắm được “mâm lễ chuẩn” như chỉ dẫn của tờ báo?
Không những thế hình ảnh còn cho thấy trên mâm cơm cúng một đĩa tiền vàng dày cộm, thứ mà Giáo hội Phật giáo đang kêu gọi từ bỏ.
Ảnh minh họa trong bài “Mâm lễ và bài văn khấn cúng Tất niên ngày 30 Tết chuẩn nhất”
Trên cái gọi là “mâm cơm cúng chuẩn nhất” mà tờ báo nọ giới thiệu, người ta thấy chỉ bày có hai chiếc bát, nhưng lại có ba cái chén, sự khập khiễng của mâm cơm cúng có cho thấy nét văn hóa của người viết bài?
Phải chăng các cụ (của tác giả bài viết) chỉ có hai người hay các cụ ngày xưa đều là người Ấn Độ, ăn cơm theo kiểu bốc tay?
Cũng xin nói thêm để bạn đọc cùng chia sẻ, nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, khi đặt bánh chưng vào mâm cơm cúng, người ta phải bóc lá, dùng lạt buộc cắt bánh thành tám phần để trên đĩa, nếu không bóc lá thì ít nhất cũng phải cởi bỏ lạt buộc.
Khi cúng gà cả con, bao giờ trên đĩa muối chanh bên cạnh cũng đặt một con dao nhỏ để tránh điều kiêng kỵ “rượu cả vò, chó cả con”…
Nếu đây chỉ là một mâm cơm cũng bình thường, của những gia đình lao động chân chất thì không nên “soi” kỹ làm gì, khổ nỗi đó là “mâm cơm cúng chuẩn nhất” trên một tờ báo chuyên về luật nên đành phải bình luận đôi điều.
Văn hóa, đạo đức xuống cấp là do pháp luật không nghiêm, muốn xây dựng một Chính phủ liêm khiết, minh bạch, kiến tạo cần thượng tôn pháp luật.
Muốn “thượng tôn pháp luật” có cần đội ngũ thực thi, bảo vệ pháp luật làm đúng chức năng, nhiệm vụ mà nhà nước giao phó và cũng cần những người được gọi là “Nhà báo” không quên trách nhiệm của mình.

Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.nguoiduatin.vn/csgt-len-tieng-ve-clip-doan-sieu-xe-xuyen-viet-chay-qua-toc-do-a361666.html
[2] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Quan-van-va-quan-vo-quan-duong-va-quan-huu-post178251.gd
[3] http://dantri.com.vn/o-to-xe-may/clip-doan-sieu-xe-xuyen-viet-chay-qua-toc-do-sai-lan-duong-khien-dan-mang-phan-no-20180308145849574.htm


Xuân Dương



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire