Trang

09/08/2014

Đảng 'quyết tâm', sao còn tham nhũng?

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung -Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Những ngày qua, ở Trung Quốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đang mở chiến dịch bài trừ tham nhũng, truy tố cả cựu Ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Ở Việt Nam, các lãnh đạo cộng sản cũng nói quyết tâm chống tham nhũng, lập lại Ban Nội chính.
Nhưng tại sao hàng chục năm qua, đã qua bao đợt xét xử tham nhũng và bao lần “quyết tâm”, tham nhũng vẫn hoành hành?

Rất nhiều người, bao gồm cả các vị đảng viên trí thức lão thành đã nhận ra vấn đề nằm ở chỗ thể chế một đảng độc quyền chính trị tạo ra quá nhiều lỗ hổng. Lá thư ngỏ vừa qua gửi Ban Chấp hành Trung ương của 61 vị đảng viên đã nêu rõ Việt Nam cần phải “chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”.Câu trả lời nằm ở thể chế và hệ thống. Trong chế độ một đảng, một khi tất cả quyền hành nằm dưới sự kiểm soát của một nhóm thiểu số cầm quyền và không có đối lập chính trị thì nói chuyện đạo đức, phê bình và tự phê bình là vô ích, như thực tiễn đã chứng minh bao năm qua.

Thứ nhất, thể chế độc đảng đã dẫn đến việc quyền làm chủ của người dân bị tước đoạt. Tất cả những cuộc bầu cử Quốc hội mà thành phần ứng cử viên chỉ thuộc một đảng và các giai đoạn bầu cử đều bị khống chế bởi Mặt trận Tổ quốc, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Quốc hội chỉ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đảng cầm quyền chứ không phải cho người dân. Từ đó, ta không ngạc nhiên khi thấy đảng cầm quyền đứng trên cả pháp luật và nhà nước để tước đoạt đất đai, tài sản, và cả nhân phẩm của người dân.
Thứ hai, thể chế một đảng khiến lãnh đạo, đảng viên cộng sản đều đi theo con đường nhất nguyên, tức độc tôn, phủ nhận và thậm chí trấn áp những người có tư tưởng khác biệt, các tôn giáo.
Dân không có quyền làm chủ bầu ra các lãnh đạo có tinh thần hợp nguyên. Từ đó có sự chia rẽ dân tộc sâu sắc, giữa đảng viên cộng sản và người dân, giữa đảng viên và thành viên các tôn giáo, thậm chí giữa chính các đảng viên cộng sản với nhau ở mọi cấp.
Thứ ba, khi lãnh đạo đã không có tư tưởng hợp nguyên thì pháp luật viết ra không thể là pháp luật chuẩn mực, công bằng, đem lại lợi ích đồng đều cho mọi thành phần trong xã hội. Lúc này, pháp luật được viết ra để bảo vệ quyền lợi của đảng cầm quyền. Ví dụ như pháp luật về đất đai khiến người dân có thể dễ dàng bị cưỡng đoạt đất đai, hi sinh cho một thiểu số có quyền và có tiền.
" khiến lãnh đạo, đảng viên cộng sản đều đi theo con đường nhất nguyên, tức độc tôn, phủ nhận và thậm chí trấn áp những người có tư tưởng khác biệt, các tôn giáo."
Bất kì ai, kể cả lãnh đạo đảng cầm quyền đều luôn tuyên bố rằng dân làm chủ, rằng Việt Nam có nhà nước pháp quyền, vì họ biết rằng đó là khát vọng chính đáng và mãnh liệt của nhân dân. Tiếc là lãnh đạo đảng cầm quyền bao thập niên qua chỉ nói mà lại không thực thi.
Đất nước bị dẫn đến tình trạng kém phát triển, quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng như hiện nay chính là do thể chế một đảng đã tước đoạt quyền làm chủ của người dân. Vậy chúng ta có tiếp tục chấp nhận hiện trạng quyền làm chủ của người dân bị vi phạm hay không? Câu trả lời hiển nhiên là không.
Quyền làm chủ thể hiện rõ ràng nhất chính là ở lá phiếu. Cụ thể hơn, đó là quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử. Một trong những lý do khiến Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” chính là do chính phủ Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận thi hành tổng tuyển cử thống nhất trên toàn quốc. Bao nhiêu thanh niên Việt Nam ở cả hai miền đã hi sinh trong chiến tranh nhưng rút cuộc đến giờ phút này vẫn chưa có tổng tuyển cử tự do và công bằng ở Việt Nam.
Hợp nguyên là tư tưởng đa nguyên đoàn kết, hợp tác quốc gia. Lãnh đạo, nhất là lãnh đạo quốc gia cần có tư duy dân chủ, tinh thần dân tộc. Không thể phân biệt vùng miền, giai cấp, tôn giáo, ý thức hệ mà phải làm việc cho lợi ích chung của đất nước và dân tộc. Người cộng sản có tư tưởng hợp nguyên vẫn có thể làm việc chung với người đối lập có tư tưởng hợp nguyên.
"
Dân phải có quyền làm chủ để bầu ra những đại biểu có tư tưởng hợp nguyên, từ đó các vị này trong Quốc hội mới làm ra được pháp luật chuẩn mực để điều hành quốc gia. Pháp luật chuẩn mực chính là điều kiện cơ bản của nhà nước pháp quyền.
Dân chỉ làm theo hiến pháp và pháp luật của nhà nước cộng hòa (do dân bầu) chứ không làm theo “chủ trương, chính sách của Đảng”. Mọi chủ trương, chính sách đều phải cụ thể hóa bằng luật pháp, và luật pháp đó phải chuẩn mực.
Có lẽ không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của quyền làm chủ của người dân, tư tưởng hợp nguyên, pháp luật chuẩn mực và xã hội công bằng. Tuy nhiên, nếu chỉ có tư tưởng mà không hành động thì đó cũng chỉ mãi là tư tưởng. Điều quan trọng là mọi người, mọi thành phần, kể cả các đảng viên cộng sản cùng góp sức mạnh để biến những suy nghĩ, tư tưởng thành hiện thực. Sức mạnh càng lớn thì những tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống cầm quyền sẽ dần bị đẩy lùi.
Nên nhớ: “Đừng thay đổi con người mà hãy thay đổi hệ thống, rồi để hệ thống thay đổi con người.”

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, gửi cho BBC từ Sài Gòn.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire