Trang

09/08/2014

CHUYỆN KIỆN TỤNG GIỮA ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG VÀ GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG HƯNG

Vừa qua xảy ra chuyện kiện tụng giữa trường ĐH Tôn Đức Thắng và GS Nguyễn Đăng Hưng chung quanh việc sáng lập ra tạp chí khoa học quốc tế APJCEN. Báo Tuổi Trẻ đã có bài phản ảnh về sự việc này. Tuy nhiên GS Nguyễn Đăng Hưng đã không đồng tình với cách đưa tin của Tuổi Trẻ nên đã có bài trao đổi lại. Để rộng đường dư luận, xin được đăng lại cả hai bài viết.
BÁO TUỔI TRẺ
Đại học Tôn Đức Thắng kiện giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
TT - Tòa án nhân dân Q.9, TP.HCM vừa gửi giấy triệu tập giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) để bàn về việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng kiện đòi “bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và xin lỗi công khai”.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và tờ hợp đồng lao động với Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: H.Bình

Theo đơn kiện, ngày 27-6-2012, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và giáo sư Nguyễn Đăng Hưng ký hợp đồng làm việc từ ngày 1-7-2012 đến 1-7-2015.

Theo hợp đồng, một trong những công việc giáo sư Hưng thực hiện là: “Lên kế hoạch với sự hỗ trợ nhân sự và tài chính của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, xây dựng một tạp chí khoa học bằng tiếng Anh với mục tiêu được cộng đồng quốc tế công nhận theo tiêu chuẩn ISI trong tương lai. Củng cố và đào tạo cho nhân lực có thể vận hành và đảm đương việc thẩm định bài vở cho tạp chí...”.

ĐH Tôn Đức Thắng: “Ông Hưng phải hoàn trả 461.364.522 đồng”

Theo đơn kiện, sau một năm rưỡi thực hiện hợp đồng, các phòng ban liên quan đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng của ông Nguyễn Đăng Hưng. Qua đó xác định ông Hưng “không thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả các nhiệm vụ được quy định tại hợp đồng”. Và do “nhận thấy việc hợp tác giữa hai bên không thể tiếp tục”, ngày 27-3-2014 Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ông Hưng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Về xây dựng tạp chí quốc tế, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng ông Hưng phải có trách nhiệm xây dựng cho trường một tạp chí tiếng Anh. Tuy nhiên, trong thời gian từ tháng 7-2010 đến tháng 10-2012 “ông Hưng chưa có kinh nghiệm xây dựng tạp chí quốc tế trước đó nên gặp nhiều khó khăn, thậm chí gần như bế tắc”.

Sau đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cử ông Lê Văn Út (quyền trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ) thúc đẩy thành lập tạp chí. Cuối năm 2012, ông Út thuyết phục Nhà xuất bản Springer xem xét đề nghị thành lập tạp chí quốc tế của trường.

Nhà xuất bản này đồng ý xuất bản tạp chí với tên gọi Asian-Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN). Đề án thành lập nêu rõ: Trường ĐH Tôn Đức Thắng là bên sáng lập, tổ chức và ông Nguyễn Đăng Hưng là tổng biên tập của tạp chí.

Sau đó, khi thực hiện vai trò tổng biên tập của APJCEN, ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng ông Hưng không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tạp chí cho trường và “đã có dấu hiệu gian dối khi tự ý thỏa thuận về việc Nhà xuất bản Springer và ban biên tập sẽ là các nhà sáng lập song hành của tạp chí, gạt bỏ đi vai trò sáng lập của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ông Hưng còn chủ động thỏa thuận với Nhà xuất bản Springer rằng Springer là chủ của tạp chí”.

Cũng theo đơn kiện, ngày 25-4-2014, trên một diễn đàn ông Hưng tự ý đăng tải nội dung: “Chúng tôi trân trọng thông báo đến quý vị rằng bây giờ Trường ĐH V. (vì lý do khách quan, chúng tôi xin không để tên trường ĐH này) sẽ thay thế Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong vai trò đối tác chính của tạp chí APJCEN chúng tôi” và thay thế logo của trường bằng logo của ĐH V. trên trang chủ tạp chí APJCEN.

Theo ĐH Tôn Đức Thắng, hành vi tự ý chuyển đổi vai trò của ĐH Tôn Đức Thắng thay bằng ĐH V. của ông Hưng đã “chính thức phủ nhận mọi sự tài trợ, đầu tư cả tài chính, nhân sự mà trường đã sử dụng cho quá trình xây dựng, thành lập tạp chí và vi phạm hợp đồng”.

 “Trường ĐH Tôn Đức Thắng yêu cầu ông Hưng phải hoàn trả toàn bộ kinh phí mà trường đã đầu tư cho ông và cộng sự liên quan để thực hiện việc xây dựng tạp chí APJCEN là 461.364.522 đồng” - đơn kiện viết. Ngoài ra, trường này cũng kiện giáo sư Nguyễn Đăng Hưng có “hành vi đăng tải những thông tin không đúng sự thật trên mạng” mà trường cho rằng gây mất uy tín nhà trường.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: “Sẽ phản tố”

Sáng 7-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói: “Thẩm phán Tòa án nhân dân quận 9, TP.HCM đã gửi cho tôi một thư triệu tập vào ngày 14-8 để bàn về một vụ kiện với Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Không biết tôi làm Trường ĐH Tôn Đức Thắng thiệt hại gì mà trường đòi bồi thường. Bây giờ tôi đang huy động luật sư giúp tôi”.

Ông Hưng kể: “Tôi ký hợp đồng làm việc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng để giúp trường tổ chức cao học, phát triển khoa học và làm một tờ báo. Trong đó không nói gì về tổng biên tập và tờ báo là của ai”. Về quyền sở hữu của tạp chí APJCEN, ông Hưng kể hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói với ông: “Thầy làm cố vấn của tôi thì tờ báo là của tôi”.

“Trường rất nhầm về sở hữu trí tuệ. Thuyết tương đối là của Einstein. Ông ta làm việc cho ĐH Zurich, Thụy Sĩ nhưng Zurich không đòi thuyết tương đối là của trường” - ông Hưng nói.

Ông Hưng nói thêm: “Tôi làm tạp chí với tư cách là cố vấn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Khi viết thư tôi cũng đề là Nguyễn Đăng Hưng - cố vấn Trường ĐH Tôn Đức Thắng. ĐH Tôn Đức Thắng giữ vai trò từ đó tôi làm ra tạp chí. Chỗ tôi làm ra không có nghĩa những gì tôi làm đều thuộc về ĐH Tôn Đức Thắng... Tôi làm hợp đồng nghiên cứu với nhiều nơi. Những nơi trả cho tôi 100% cũng không đòi là sở hữu. Do đó, khi tôi làm tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng không có nghĩa là sản phẩm đó của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trường hiểu sai về sở hữu trí tuệ...”.

Tại sao Trường ĐH Tôn Đức Thắng bỏ tiền ra để làm tạp chí mà ông đưa qua ĐH V., ông Hưng nói: “Trường ĐH Tôn Đức Thắng không bỏ một đồng xu. Họ chỉ trả tiền lương cho tôi 15 triệu đồng/tháng. Với số tiền này tôi làm nhiều chuyện chứ không chỉ chuyện này (tạp chí - PV). Khi làm việc với Trường ĐH V., tôi viết một thông báo tôi không “chơi” với Trường ĐH Tôn Đức Thắng nữa. Lý do hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng đòi hỏi tôi những sự việc như muốn làm chủ, muốn làm tổng biên tập của tạp chí...”.

Về đòi bồi thường của ĐH Tôn Đức Thắng, ông Hưng cho rằng “không có gì phải bồi thường thiệt hại ở đây”.

“Tôi sẽ phản tố. Trường tố tôi trước mặt 60 nhà khoa học quốc tế, làm tôi mất ăn mất ngủ, tôi phải đi nhà thương sau đó theo lời bác sĩ tôi đi tĩnh dưỡng 15 ngày hết 3.000 euro. Tôi bắt trường phải bồi thường tiền này đấy. Sau ngày 14-8, luật sư của tôi sẽ nắm lại xem trường đòi bồi thường cái gì...” - ông Hưng nói.

HÀ BÌNH

Facebook Nguyễn Đăng Hưng

GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG PHẢN HỒI BÀI BÁO TRÊN TUỔI TRẺ


Đầu tháng 5 vừa qua trong bài: “CHUYỆN ĐẶC BIỆT VỀ BẰNG CẤP VÀ BẰNG TIẾN SỸ ĐẶC BIỆT” tôi có viết như sau:
Tôi kết luận như vậy là đang có dư luận không hay về tôi. Ai đó đã tán phát một tin nhằm hạ uy tín khoa học của tôi. Hiện nay tôi lấy hưu trí đã gần 8 năm, gần như không có hoạt động khoa học nữa chỉ trừ đứng ra chủ trương tạp chí “Asia-Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN)” do nhà xuất bản Springer ủng hộ và phổ biến dưới dạng tạp chỉ mở trên mạng có chế độ thẩm định chặt chẻ.
Vì muốn bảo vệ tính độc lập cho tờ báo, điều kiện tiên quyết cho việc củng cố chất lượng, cuối tháng 3 vừa qua, tôi đã phải chuyển trụ sở đến một địa bàn khác, bảo đảm tính độc lập của khoa học, điều kiện cho sự phát triển của nó trong tương lai. Tôi quý nó vì coi nó như đứa con tinh thần. Nếu sống và lớn lên được, sẽ có khả năng giúp các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam và Đông Nam Á công bố nhanh chóng ra quốc tế, thành quả khoa học của mình.
Hôm nay (8/8/2014), báo Tuổi Trẻ với bài: “Đại học Tôn Đức Thắng (TĐT) kiện giáo sư Nguyễn Đăng Hưng” đã công bố ra trước công luận nội dung đơn kiện của trường này.
Phần tôi, cho đến hôm nay, vì chưa gặp Thẩm phán Quận 9 (có hẹn ngày 14/8/2014), chưa biết nội dung đơn kiện nên tôi đã chưa có phản ứng gì sau khi nhận được thư triệu hồi của bà thẩm phán.

Lạ lùng là một hồ sơ kiện tụng còn chưa được toà án xem xét, đối tượng vụ kiện chưa được biết nội dung mà một tờ báo lớn tại Việt Nam vội vã đưa ra công luận!

Như vậy ở đây tôi bắt buộc phải bạch hoá vấn đề:

Ai đó chính là ông Lê Vinh Danh hiệu trưởng trường Tôi Đức Thắng và hành động bảo vệ tờ báo khoa học quốc tế “Asia-Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN)” là nguyên do của các âm mưu xấu mà tôi là nạn nhân.
Ngay từ đầu tôi cho rằng vấn đề này liên quan đến việc công bố quốc tế của các nhà khoa học trẻ Việt Nam, đến một trường công lập lớn tại Tp HCM nên tuy có trong tay những hồ sơ minh chứng cụ thể, tôi chưa có hành động gì.

Chồng hồ sơ còn đó tôi đã cố ý để cho sự việc lắng xuống với tất cả tinh thần trách nhiệm của mình. Dù sao TĐT cũng là một trường đại học quan trọng tại TP HCM, hằng ngàn sinh viên đặt lòng tin theo học…

Tháng năm vừa qua Hiệu trưởng TĐT (LVD) chiếm đoạt danh sách địa chỉ e-mail của Tổng Biên Tập (TBT), viết thư nói xấu tôi [1]. Tôi đã rất ngỡ ngàng chỉ trả lời một lần qua một thư với lời lẻ phân trần từ tốn [2]. Tôi ngạc nhiên là ĐH TĐT lại tiếp tục viết cho BBT APJCEN nhiều e-mail khác nói xấu luôn các nhà khoa học đứng ra binh vực tôi. Tức nước vỡ bờ, các nhà khoa học đã đồng loạt phản ứng lại rất dữ đội [3] đến nỗi TĐT cuối cùng đã phải xin rút lui.

Lạ lùng là xin thôi đừng mắng nữa mà chẳng có một lời xin lỗi nhỏ nào dành cho người bị hại.

Có gần cả chục phản ứng, tôi chỉ xin ở đây ghi lại phản ứng GS Philippe Ponthot :
Criticizing without knowing is not the way I want to teach and educate my own students.
(chỉ trích mà không hiểu biết không phải lá cách mà tôi muốn dạy và đào tạo sinh viên chúng tôi)

Buồn quá, hiệu trưởng một trường lớn mà hành động thiếu suy nghĩ để phải bị các nhà khoa học quốc tế vô tư ở xa bên trời Âu mắng mỏ!
Quả tình đây chính là hành động tự huỷ phát xuất từ những động cơ kỳ lạ, những đòi hỏi không đúng chỗ.

Hôm nay (8/8/2014) báo Tuổi Trẻ đã đăng lên một phần đơn tố cáo với những ý kiến sai trái tương tự. Vì không muốn để dư luận có thông tin sai lạc tôi có bài đính chính nhanh gọn này.

Các tình tiết khác tôi xin hẹn với độc giả lần tới. Nay chỉ xin phản hồi những gì Tuổi Trẻ đã đăng hôm qua.

Xin trích báo Tuổi Trẻ đã ghi lại nội dung đơn kiện : “Trường ĐH Tôn Đức Thắng cử ông Lê Văn Út (quyền trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ) thúc đẩy thành lập tạp chí. Cuối năm 2012, ông Út thuyết phục Nhà xuất bản Springer xem xét đề nghị thành lập tạp chí quốc tế của trường”.

Sự thật hoàn toàn khác. Chính tôi đã chọn Lê văn Út (LVU) làm trợ lý cho việc hình thành tờ báo và giao cho LVU việc chuyển hồ sơ, gởi thư liên lạc trong đó có một số nhà xuất bản sau khi thành công trong công tác khởi động bằng cách liên lạc với các nhà khoa học ngành cơ học tính toán, chuyên ngành của tôi, một giáo sư trưởng khoa, một nhà khoa học có 40 năm tác nghiệp tại ĐH Liège, Bỉ.
Tôi đã viết hàng trăm thư điện tử và các nhà khoa học lừng danh trên thế giới đã phúc đáp tích cực lời mời của tôi tham gia Ban Biên Tập. LVU là một TS toán học chưa bao giờ có một công bố về ngành cơ học tính toán làm gì có khả năng tập hợp các nhà khoa học danh tiếng về ngành cơ học tính toán được? Dĩ nhiên là tất cả các e-mail này, tôi còn giữ lại và tôi đã giao cho LVU việc ghi lại danh sách khi có một nhà khoa học trả lời đồng ý tham gia. Và sau khi LVU gởi thư cho nhà xuất bản nổi tiếng thế giới SPRINGER, yêu cầu ủng hộ thì nhà xuất bản này ra quyết định đứng ra cùng Ban Biện Tập (BBT) xây dựng tờ báo APJCEN (tên do chính tôi đặt).

Xin ghi lại nội dung thư của SPRINGER trả lời cho tôi bằng tiếng Anh trên văn bản [4] sau đây là lời dịch:
“Chúng tôi ủng hộ vì :

1. Quan trọng nhất chúng tôi thừa nhận GS Nguyễn Đăng Hưng là một nhà khoa học lừng danh, với tiếng tăm tốt trên lĩnh vực cơ học và tính toán cơ học. Với mối liên hệ và ảnh hưởng của ông, chúng tôi cho rằng ông sẽ giúp một cách quyết định cho việc quảng bá tờ báo. Chúng tôi chờ đợi là tờ báo sẽ phát triển nhanh chóng.
2. Chúng tôi thừa nhận BBT gòm những nhà khoa học tiếng tăm trong lĩnh vưc. Trong họ có người đã cộng tác với các tờ báo khác của SPRINGER… Chúng tôi cũng được biết là nhiều người trong số họ đã ủng hộ các sinh hoạt tại Việt Nam. Bỡi vậy, tờ báo sẽ phát triển cũng như khởi hành tốt

Lời phát biểu trên e-mail khởi xướng này nói rõ sự thật. Sự có mặt của APJCEN là nhờ ở chất lượng của toàn Ban Biên Tập, chứ chắc chắn là không phải nhở ở ông Lê Vinh Danh (LVD) hay ông LVU vậy.

Một đoạn khác của đơn kiện lại càng vô lý. Xin ghi lại dòng đã đăng:
“Sau đó, khi thực hiện vai trò tổng biên tập của APJCEN, ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng ông Hưng không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tạp chí cho trường và “đã có dấu hiệu gian dối khi tự ý thỏa thuận về việc Nhà xuất bản Springer và ban biên tập sẽ là các nhà sáng lập song hành của tạp chí, gạt bỏ đi vai trò sáng lập của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ông Hưng còn chủ động thỏa thuận với Nhà xuất bản Springer rằng Springer là chủ của tạp chí”.

Ở đây trường TĐT có ý coi thường nhà xuất bản rất có uy tín trên toàn thế giới là SPRINGER. Họ có cả trăm tờ báo như APJCEN trên mọi lĩnh vực và thể thức ra báo của họ là rất chuyên nghiệp.
1. Báo khoa học là của các nhà khoa học. Các trường ĐH ngay cả nỗi tiếng nhất cũng không được can thiệp vào.
2. Vì SPRINGER lo phần xác, bỏ tiền ra đầu tư và xử dụng khả năng quảng bá sâu rộng toàn cầu, đương nhiên SPRINGER phải làm chủ.
3. SPRINGER tôn trọng BBT, giao toàn quyền cho BBT lo phần hồn, nội dung tờ báo. Sự phân định phải ghi rõ trong một bản thoả thuận rất kinh điển. Bản đó có hai chữ ký: Đại diện nhà xuất bản và Tổng Biên Tập (TBT). Đây là hồ sơ sáng lập, hai chữ ký bên dưới là hai nhà sáng lập. ĐH TĐT hoàn toàn sai trái khi đòi quyền sáng lập.
Giáo sư Stéphane Bordas (ĐH Cardiff) [3] trong một thư cho ông LVD đã từng ôn tồn chỉ bảo thông lệ ra báo quốc tế toàn cầu vì ông cũng có kinh nghiệm ra những tờ báo tương tự. Nhưng than ôi! hình như ông này vẫn chưa lĩnh hội thấu đáo và nội dung kiện ở đây quả là lố bịch.
Vụ kiện có thể coi như câu chuyện của một giai nhân (tờ báo khoa học quốc tế APJCEN mà tôi là Tổng Biên tập) yêu kiều lộng lẫy, ban đầu là con nuôi của một gia đình có người chủ quá ham mê sắc dục, thay vì nuôi đưởng chăm sóc vô tư để nhận lãnh tiếng khen từ muôn họ, đành lòng ra tay ép uổng. Người đẹp buộc phải dứt áo ra đi, thoát thân tá túc nơi người láng giềng. Người chủ tham lam tiếc nuối tiếp tục làm càn gây chuyện với tất cả những ai có liên quan với giai nhân...
Tháng năm vừa qua đã có hành động vội vã dẫn đến tự huỷ, tôi e rằng lần này ông LVD, khi đút đơn kiện tại Q9 lại sẽ phải mắt lỗi lần thứ hai: Tự mình là nạn nhân của chính minh.
Tôi sẽ đón nhận sóng gió này với sự yên bình, thanh thản thường lệ!
Tôi nào có làm gì quấy mà phải nao núng nhỉ.
TP HCM ngày 8/8/2014
GS Nguyễn Đăng Hưng

____________________________________
Hồ sơ minh chứng:
[1] Thư của ông LVD gởi cho BBT APJCEN nói xấu GS Nguyễn Đăng Hưng
http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/TDTU-Letter-to-APJCEN-Board.pdf
[2] Thư trả lời của GS Nguễn Đăng Hưng
http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/response-to-LVD_final.pdf
[3] Phản ứng giận dữ tiêu biểu của các nhà khoa học thế giới về thư ông LVD
http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/e_mail-phan-doi-của-GS-Ponthot-De-saxce-va-Bordas.pdf
[4] Hồ sơ sáng lập căn bản: E-mail của SPRINGER trả lời đồng ý ủng hộ xuất bản APJCEN.
Xin lưu ý phần dưới còn dấu vết LVU gởi đi với tư cách là trợ lý của GS Nguyễn Đăng Hưng!
http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/e_mal-sang-lap.pdf
Cùng đăng ở đây: http://www.ndanghung.com/bai-viet/2014/08/09/thang-nam-vua-qua-da-co-hanh-dong-voi-va-dan-den-tu-huy-toi-e-rang-lan-nay-ong-lvd-khi-dut-don-kien-tai-q9-lai-se-phai-mat-loi-lan-thu-hai-tu-minh-la-nan-nhan-cua-chinh-minh.html/

2 commentaires:

  1. Bố này cũng gian manh gớm....

    RépondreSupprimer
  2. Về hưu rồi, sao ông cứ dính vô đủ chuyện thị phi vậy? Nên bớt ham hố thì thân tâm mới an lạc được, ông bạn già à!

    RépondreSupprimer