Trang

28/08/2014

HÀNH TRÌNH ĐẾN CAO LÃNH, HÀNH TRÌNH VÌ TINH THẦN BÙI HẰNG - bài 3

Huỳnh Ngọc Chênh
28.8. 2014

Nếu không phải cần quay lại phiên tòa thì có lẽ tôi đi theo những người dân oan Hòa Hảo, đến tận từng nhà họ để biết họ bị áp bức như thế nào. Nhưng còn bạn bè đồng đội tôi chưa biết như thế nào trước sự đàn áp dữ dội của cường quyền.
Hỏi dân tình, biết nơi hẻo lánh nầy là huyện Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang, cách Cao Lãnh 40 km, tôi và Bia Ku thuê xe ôm trở lại. Quay lại đường cũ, đi gần hơn nhưng nhìn qua bên kia bến phà vẫn còn công an canh gác để ngăn chặn đồng bào quay trở lại, nên chúng tôi phải đi đường vòng xa hơn.

Tôi và Bia Ku tự sướng khi lên phà trở về lại Cao Lãnh
Khi đến một bến phà khác, Bia Ku mở máy vào mạng mới hay rằng đã có trên 30 người bị bắt, phần lớn là các danh sĩ Bắc Hà như Nguyễn Tường Thụy, Liberty người đẹp, Lã Dũng, Mai Dũng, Vova Dũng, Lê Hoàng…rồi nhóm Sài Gòn thì đã có mặt Paulo Thành Nguyễn, Peter Lâm Bùi, Huỳnh Công Thuận, Bang Trần…Nhóm các tỉnh đã thấy Trương Minh Đức, Xuân Thùy, Nguyễn Công Khoa, Khúc Thừa Sơn, Đinh Nhật Uy, Nguyễn Ngọc Lụa, chị Nhung mẹ Phương Uyên, Trần Ngọc Anh…được lên danh sách.
Té ra họ đẩy chúng tôi đi cho mau để lấy chỗ giam những người bị bắt khác. Ngày 26.8, TP Cao Lãnh phải huy động hết tất cả các đồn công an phường để giam giữ những người khắp mọi miền đất nước về tham dự phiên tòa công khai xét xử Bùi Hằng và hai người bạn. Bất cứ ai lạ mặt là hốt bắt. Bắt trong khách sạn, bắt tại bến xe, bắt trong quán cà phê, bắt trong lúc đang đi đường và bắt ngay trước cổng tòa án. Chị Trần Ngọc Anh, một dân oan là bạn chiến đấu kiên cường bên cạnh Bùi Hằng, dẫn được một đoàn dân oan trên 10 người, phá vây lọt vào trước cổng tòa tiếp xúc được với nhóm danh sĩ Bắc Hà thì tất cả bị bao vây chặn lại bởi cả trăm công an và dân phòng. Khi nhóm Bắc Hà bị hốt từng người lên xe thì nhóm dân oan có sáng kiến ngăn cản bằng cách ngồi bệt xuống lề đường lấy cơm đùm mang theo ra ăn và hô to: Trời đánh cũng tránh bửa ăn. Nhưng lực lượng công an đông như quân nguyên và bất chấp đạo trời, hung hãn ào vào túm từng người bỏ lên xe. Cơm canh văng tung tóe khắp mọi nơi. Chị Trần Ngọc Anh bị đánh đập tàn nhẫn.
Trước đó, mấy xe chở dân oan Long An vừa vào cửa ngõ thành phố cũng bị chặn bắt ngay. Nhóm dũng sĩ thành Vinh phân tán mỏng lọt vào Cao Lãnh được hơn chục người cũng bị bắt hơn một nữa. Đến chiều tối, danh sách người bị bắt bớ sai trái có thể lên trên 200. Rút kinh nghiệm lần xét xử Uyên- Kha ở Long An, công an đã được lịnh không cho người đi dự phiên tòa khắp nơi kéo về có cơ hội tập trung.
Tôi và Bia Ku vừa xuống xe ôm tại trung tâm Cao lãnh thì có người chạy theo nhận quen biết, mời hai chúng tôi vào quán cà phê, đó là một người có bí danh "hoạt động cách mạng" trên facebook là Sông Tiền. Anh đã để ý nhận ra tôi từ trên phà, nhưng sợ đồng chí xe ôm là địch nên không dám đến tiếp xúc. Quá nôn nóng với bạn bè ở tòa nên để Bia Ku lại đó tiếp “cơ sở”, tôi bươn bộ về phía tòa án. Bia Ku và người bạn mới nằn nì tôi ở lại “anh vào đó chúng lại bắt anh”. Biết thế nhưng tôi vẫn đi.
Đang xăm xăm còn cách cổng tòa chừng 50 mét thì nghe tiếng phụ nữ trong trẻo gọi giật ngược. Tôi quay lại nhìn về vào quán cà phê bên đường thì thấy sáng bừng một góc quán. Hai người đàn bà đẹp của tôi trong nhóm lão thành phản phản động Sài Gòn đã ngồi đó tự bao giờ. Ngồi bên cạnh hai nàng là nguyên hạt giống đỏ Tô Lê Sơn và nhà thơ “dòng Phan Khôi” Phan Đắc Lữ. Tôi bước vào quán thì thấy ngay một bầy đen tối hung hăng bố trí ngồi kín các bàn phía sau, bắn la phanh vào tôi hàng chục cặp mắt mang hình tên lửa.
Cả đám đang ngồi canh chừng nhóm bạn tôi. Nét sang trọng quyền quý của diễn viên Ánh Hồng và của nữ nhà báo Sương Quỳnh phát sáng lên che chắn cho tôi làn đạn thù. Bọn chúng ngồi canh nhưng chưa dám xông vào bắt 4 người bạn của tôi như bắt những người khác vì sự uy nghiêm đĩnh đạc của Tô Lê Sơn và Phan Đắc Lữ, và vì sự xinh đẹp sang trọng và quyền quý của hai người đàn bà đẹp Sài Gòn. Khi sáng tôi điện thoại hẹn họ ra đây, họ chưa kịp đến thì tôi đã bị bắt.
Ngồi trao đổi tin tức qua lại chưa được bao nhiêu thì tôi thấy diễn ra cảnh bắt người thô bạo trước cổng tòa, theo bản năng, tôi lại đứng dậy chạy đến mà cũng chẳng kịp suy nghĩ là đến để làm gì. Đám đông như quân nguyên ào đến xông vào tôi như bầy sói đói bắt gặp con mồi thơm. Chúng ngạm vào khắp nơi trên người tôi để lôi vào xe. Tôi la lớn thả tôi ra để tôi…tự bước vào xe. Viên chỉ huy bước tới hùng hổ chỉ vào tôi nói: Ông nầy tôi đã bắt khi sáng đưa đi An Giang rồi sao còn quay lại đây gây rối? Tôi nói: Các anh tước đoạt điện thoại của tôi, chừ tôi đến lấy lại. Yêu cầu trả lại điện thoại cho tôi. Hắn nói: Điện thoại của ông đang được đưa đi kiểm tra xét nghiệm. Không có ở đây.
Đang dằng co qua lại thì một viên chỉ huy cao cấp hơn bước đến, đây là người đã chỉ vào Bia Ku nói thằng nầy thằng kia tại đồn công an phường 1 khi sáng đã bị tôi lên lớp dạy dỗ về cách xưng hô lễ phép của công chức nhà nước đối với dân. Chừ hắn thấy mặt tôi bèn xáp đến trả thù: Bắt lên xe ngay không một hai gì hết. Chỉ chờ thế cả bọn ào vào đẩy tôi vào xe và đóng ầm cửa lại.
Lần nầy xe chở tôi về công an phường 4. Xe vừa dừng trong sân, cả một đám đông vừa công an vừa dân phòng đang chờ sẵn nhốn nháo ào tới. Cửa xe vừa mở ra, có hai đứa nhào lên định nắm tay kéo tôi xuống. Tôi dừng lại quắc mắt nhìn chúng và nói: Để yên cho tôi tự bước xuống, tôi có phải là tội phạm gì đâu mà các anh hùng hổ. Chúng chựng lại để tôi tự bước ra khỏi xe. Chính vì thế mà viên thượng tá trường đồn đứng từ xa quan sát, nay bước đến mời tôi vào ngồi trên ghế sa lông trong phòng trực ban với trà nước đầy đủ. Chưa ai đến hỏi han gì tôi thì thấy một xe, rồi một xe nữa chạy đến. Lại một nhóm người nữa, rồi một nhóm người nữa bị bắt đưa về đây. Hóa ra tôi là người đầu tiên bị bắt đưa về phường nầy. Hèn chi lúc nảy, cả đám công an và dân phòng đông đúc ngồi chờ trở nên nhốn nháo khi xe chở tôi vừa đến.
Nhóm đầu tiên đến sau tôi là 6 thanh niên Hòa Hảo quê ở An Giang còn rất trẻ và hai mẹ chị dân oan cũng người Phật Giáo Hòa Hảo. Nhóm tiếp theo là hai thanh niên dũng sĩ thành Vinh. Nhóm cuối cùng được chở đến vào lúc gần trưa là ba cô gái trẻ Cao Lãnh.
Ban đầu chúng tôi rất xa cách với nhau. Hơn nữa những bạn mới đến thấy tôi được ngồi xa lông phòng khách còn họ phải ngồi vật vờ trên ghế đá ngoài hiên nên tỏ ra nghi kị khi tôi tự giới thiệu mình cũng là người bị bắt. Tôi chỉ hỏi họ vài câu về gốc gác chứ không trò chuyện gì thêm. Còn hơn thế nữa khi tôi hỏi một dũng sĩ thành Vinh về nhóm của anh, anh gạt phắt: Chuyện ấy không nói ở đây. Ra ngoài muốn hỏi gì thì hỏi.
Anh chàng rất trẻ mà lên giọng như ông cụ ấy sau nầy tôi biết có bí danh hoạt động trên facebook là Thằng Quỷ Thánh Thiện. Đó là một tay mặt lạnh có triển vọng làm chính trị tốt. Tay này ít nói, khinh khỉnh bước lui bước tới một lúc thì làm quen và sà vào bàn cờ tướng của đám công an và dân phòng đang quá rảnh nên bày cuộc chơi. Hắn ngồi xem rồi một lát vào ngồi đánh chính, chấp hết cả bầy công an và dân phòng. Đến chiều thì tay trung tá trưởng đồn cũng xáp vào chơi. Hắn chấp tay nầy xe pháo gì đó rồi ra kèo: Nếu tui thắng, thì ông phải cho tất cả chúng tôi ra về. Tay trung tá cười: Mầy giỡn chơi mầy, thả ra phải có lệnh trên.
Dũng sĩ thành Vinh thứ hai trẻ hơn, tóc húi cua, mặt quần lửng áo thun, ngông nghênh đi lại khắp mọi nơi trong đồn công an như chỗ nhà riêng. Ban đầu tôi cứ lầm tưởng chàng là công an chìm. Sau nầy mới biết là dũng sĩ thành Vinh có nickname trên facebook là Việt Khang đã có trong friendlist của tôi mà tôi không biết. Hắn nhận ra tôi, chủ động đến xin thuốc và hỏi tôi có phải là tôi không. Thế là
biết nhau.
Thanh Hoàng ở Lăng Cô (bìa trái) và năm dũng sĩ thành Vinh gặp lại tôi tại Sài Gòn
Ngược lại với 2 dũng sĩ thành Vinh, các chàng trai trẻ Hòa Hảo rất hiền lành và chất phác. Họ ngồi túm tụm lại trên ghế đá trước hiên, nói năng với nhau nhỏ nhẹ, từ tốn, thỉnh thoảng cũng cười đùa vui vẻ nhưng không gây ồn ào. Phần lớn các chàng mặc bộ đồ vải lam theo kiểu tu hành, khoác ra ngoài áo khoác kiểu tân thời nhiều túi, trông rất luộm thuộm. Có chàng búi tó, có chàng cột đuôi tóc, có chàng hớt tóc ngắn. Họ tu hành theo Phật Giáo Hòa Hảo nên ăn chay trường. Tôi hỏi họ có lấy vợ được không, họ trả lời là lấy bình thường vì chỉ tu tại gia. Tôi chợt nhớ lại mấy cặp vợ chồng Hòa Hảo bị bắt với tôi khi sáng. Tôi không hiểu sao những người đó toàn mặc bộ đồ nâu, còn các chàng trai đây lại mặc đồ màu lam.
Cùng lứa tuổi với nhau mà hai lớp thanh niên ở hai vùng đất nước khác hẳn nhau. Một bên thì ngỗ ngáo, góc cạnh, xông xáo, một bên thì tỉnh tại, hiền lành, chân chất. Tôi nghĩ hai lớp thanh niên nầy sẽ chằng bao giờ gặp nhau nếu như không bị thu hút bởi tinh thần Bùi Hằng. Tất cả vì Bùi Hằng mà phải vượt hàng ngàn, hàng trăm cây số đến tại vùng Đồng Tháp nầy.
Ban đầu còn xa cách, nhưng sau bửa cơm trưa (do dân phòng mua về giùm) các chàng trai nhanh chóng hội nhập. Họ trao đổi với nhau như sáo, mà như sáo thật vì tôi chẳng nghe được các chàng của hai vùng miền nói gì.
Ba cô gái Cao Lãnh được mời vào phòng riêng của điều tra viên làm việc khá lâu. Sau nầy các cô cho tôi biết là thấy cảnh công an đánh bắt người khắp mọi nơi nên tò mò lấy máy ra quay thì bị bắt. Có lẽ các cô còn e ngại tôi và còn đang ở trong đồn công an nên chưa dám nói gì nhiều.
Mãi đến 6 giờ chiều,công an mới gọi từng người chúng tôi vào phòng để ký biên bản. Tôi dặn mọi người đọc kĩ biên bản và thấy ghi không đúng thì đừng ký. Các chàng trai Hòa Hảo trông hiền lành vậy nhưng rất bản lĩnh “họ làm trái, bắt người trái phép chứ mình có làm chi sai trái đâu mà phải ký”. Tôi vào ký thì thấy biên bản ghi sai phạm là tụ tập đông người chứ không phải ghi là gây rối trật tự, nhưng tôi vẫn kiên quyết không ký. Tay công an dọa tôi nếu không ký thì cũng có nhân chứng là người địa phương ký. Tôi cười khẩy rồi đi ra không cần thiết phải tranh cãi.
Bảy giờ thì nghe tin Bùi Hằng, Thúy Quỳnh và Văn Minh bị kêu án từ 2 đến 3 năm. Tôi không ngạc nhiên mấy vì cũng dự đoán trước mức án của Bùi Hằng. Đối với họ, chị là người rất nguy hiểm cho chế độ nên không dễ gì để cho chị hưởng án nhẹ khi đã dụng bao nhiêu công sức chụp được cho chị cái tội gây rối trật tự.
Hơn 7 giờ tối thì có xe đến đưa chúng tôi về công an phường Mỹ Phú nhập vào với nhóm bị giam tại đây rồi phân loại ra theo địa phương để đưa lên xe chở về tận nơi. Nhiều nhóm bị bắt đã được lần lượt đưa về theo kiểu đã đưa nhóm Hòa Hảo về với tối khi sáng.
Nguyễn Hoàng Vi, Liberty Thúy hạnh và Nguyễn Ngọc Lụa còn khỏe mạnh khi mới bị bắt vào đồn công an phường Mỹ Phú
Tại đồn công an Mỹ Phú tập trung khá đông nhóm Hà Nội- Sài Gòn- Miền Trung. Tại đây đang xảy ra sự cố đau lòng. Viên sĩ quan an ninh tỉnh có tên là Hà Quốc Trung khi gọi Nguyễn Ngọc Lụa đến ký biên bản, không hiểu vì sao lại nổi thú tính lên đánh vào mang tai của cô làm cô té xuống bất tỉnh. Sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của rất nhiều người. Do áp lực của mọi người, Ngọc Lụa được chở đi cấp cứu, còn viên an ninh đánh người bỏ đi nơi khác để lẫn tránh.
Và sau đó phải đưa Nguyễn Ngọc Lụa đi cấp cứu
Nhưng công an chỉ chở Ngọc Lụa đến một trạm xá nào đó cấp cứu cho tỉnh lại rồi chở về mà không khám nghiệm gì cả. Khi Lụa quay trở về đồn thì nhóm chúng tôi cũng vừa được chở đến. Lụa được đặt trên bàn nằm lăn lộn vì đau tai và đau đầu đến mức không chịu nỗi. Công an buộc chúng tôi lên xe ra về và đưa Lụa về, nhưng tất cả chúng tôi phản đối. Chúng tôi không chịu ra về đồng thời yêu cầu phải đưa Lụa đi cấp cứu. Cả đồn công an lúng túng, điện thoại khắp nơi xin ý kiến. Giằng co mãi, cuối cùng công an đồng ý gọi taxi đưa Lụa đi bệnh viện và lùa chúng tôi lên xe buýt để chở vế Sài Gòn. Chúng tôi chống cự đến cùng và đòi phải để chúng tôi cùng đến bệnh viện với Lụa. Cuối cùng một xe riêng của nhóm Hà Nội và một xe taxi được gọi đến chở được 14 người chúng tôi đến bệnh viện hữu nghị tỉnh. Nhóm còn lại taxi chưa kịp đến, chờ hai xe chúng tôi đi khuất, công an bèn đẩy hết lên xe lớn của công an rồi chở thẳng về Sài Gòn. Nhóm đó gom lại trên 50 người.
Hà quốc Trung là tên đã đánh Ngọc Lụa
Khi chúng tôi đến phòng cấp cứu bệnh viện thì chỉ thấy Ngọc Lụa bị bỏ trơ vơ nằm đó một mình, hai công an đi theo đã bỏ trốn về mất. Liberty Hà Nội và Nhung mẹ bé Uyên Phan Rang phải vào chăm sóc cho Lụa và gọi bác sĩ khám. Bác sĩ khám qua rồi chích thuốc giảm đau cho Lụa và bảo với chúng tôi để Lụa nằm chờ đó để theo dõi vì chấn thương tai và não khá nặng.
Nhiều nhóm bị bắt mới được thả ra nữa kéo đến bệnh viện thăm Lụa. Gom lại có tới 35 người. Một bạn trẻ  Đà Nẵng mà tôi quên tên đã gọi điện thuê một chiếc xe 30 chỗ ngồi đến đưa mọi người về Sài Gòn. Tôi quá mệt mỏi vì thức suốt đêm qua và bị giam cả ngày hôm nay, nhưng không đành lòng bỏ về trước. Tôi ở lại cùng Nguyễn Tường Thụy, Mai Xuân Dũng, Bang Trần, Liberty, Nhung mẹ bé Uyên để chờ Lụa.
Nhờ thuốc giảm đau, Lụa khỏe lại đôi chút, uống được chút sữa (trước đó Lụa ói ra mỗi lần đút gì vào miệng). Đến 11 giờ khuya thì chúng tôi quyết định đưa Lụa về vì bệnh viện cũng để Lụa nằm đó mà không có động thái khám chữa gì hơn. Lụa không ngồi dậy và đi được, may có lực sĩ đẹp Mai Xuân Dũng xung phong bế Lụa lên xe.
Chúng tôi chạy về đến nhà đúng hai giờ sáng.
Ngọc Lụa đang chụp CT tại bệnh viện 115 Sài Gòn
Sáng hôm sau, khi về Sài Gòn, chấn thương do bị đánh của Lụa lại trở nên nghiêm trọng, bạn bè phải đưa Lụa vào cấp cứu tại bệnh viện 115 đường Sư Vạn Hạnh quận 10. Qua chẩn đoán, được biết Lụa bị tổn thương màng nhỉ và chấn thương não.
"Huế Sài Gòn Hà Nội "trở về từ  Cao Lãnh
Tinh thần Bùi Hằng đã lay chuyển bạn bè khắp mọi miền đất nước. Bạn bè của Bùi Hằng chuyển động, lực lượng công an chuyển động theo. Một người bạn chuyển động làm kinh động hàng chục công an. Tôi có cảm giác những ngày qua, lực lượng công an rùng rùng khắp cả nước, và trọng điểm dồn về Đồng Tháp. Vào quán cà phê nghe người dân nói, công an chìm nổi được bố trí đều khắp hai bên đường từ trại giam giam Bùi Hằng về đến tòa án Cao Lãnh. Nhân dân Cao Lãnh lần đầu tiên thấy công an xuất hiện khắp mọi nơi trong thành phố. Cảnh sát giao thông và dân phòng đứng đầy các giao lộ. Cảnh sát cơ động chạy tới chạy lui khắp nơi. Các quán xá gần khu vực tòa án bố trí dày đặt công an chìm. Các đồn công an phường thì ngoài lực lượng công an biên chế, còn tăng cường thêm hàng chục dân phòng. Tôi bị bắt vào 3 đồn công an, đều thấy cả ba nơi đông đặc công an và dân phòng. Buổi sáng hai chiếc xe chở 20 người dân oan Hòa Hảo mà có đến 2 tiểu đội cảnh sát cơ động đi kèm. Một tiểu đội chia hai ra vào ngồi bên trong 2 xe, một tiểu đội đi trên xe riêng áp tải phái sau, chưa kể một xe chở các sĩ quan chạỵ trước hụ còi dẫn đường.
Một nhà nước mà lực lượng công an đông như quân Nguyên thì có nghĩa nhà nước đó đang rất sợ hãi.
Tôi thấy họ đang run.
Nguyễn Lân Thắng: Có nhổ hết cỏ nước Nam cũng không bắt hết được người yêu nước.
Một số anh chị em về từ  Cao Lãnh gặp nhau tại Sài Gòn

4 commentaires:

  1. Bài viết của anh Chênh rất hay: Buồn cười như truyện tiếu lâm, hồi hộp như truyện trinh thám, bổ ích như sách giáo khoa, lãng mạn như truyện tình và oai hùng như trường ca!

    RépondreSupprimer
  2. Không biết Lụa đã khỏi chưa.

    RépondreSupprimer