Trang

03/08/2014

THI CỬ và SỔ SÁCH

Nguyễn Đại
1. Nhiều người đọc tin “Giáo dục Đại học Việt Nam ngang hàng Campuchia và Lào” tỏ ra bức xúc, đau lòng. Tôi đọc thì lại thấy rất mừng, mình không thua 2 nước đó là tốt rồi. Giáo dục của mình được quản lý bởi những người vừa bất tài vừa thất đức. Suốt ngày nghĩ cách moi tiền học sinh, Cambridge không xong thì chuyển qua “tích hợp”. Ngang hàng được Campuchia và Lào cũng may.
Bây giờ lãnh đạo giáo dục lại mở diễn đàn thảo luận về chuyện thi cử. Đúng là trong đầu chỉ nghĩ đến cái gì, thì khi gặp khó khăn lại nghĩ đến cái đó như giải pháp. Thằng suốt ngày ăn cắp, hết tiền xài liền nghĩ ngay đến đi ăn cắp. Đầu óc chỉ biết có thi cử và thi đua, khi thấy đoàn tàu giáo dục lao xuống vực liền đưa ra giải pháp liên quan đến thi cử.

2. Về chuyện thi cử hiện nay, các bậc trí thức đáng kính như TS Phương Anh, GS Châu đều đã có ý kiến. Cái hay là tôi thấy ý nào cũng đúng cả (ba phải thế). Đặc biệt là ý của TS Phương Anh và GS Châu hoàn toàn trái nhau, tôi vẫn thấy đúng luôn. Tôi ngồi suy nghĩ tại sao 2 ý kiến trái nhau mình đều thấy đúng, sau đó tôi tự trả lời: bởi vì cái cốt lõi không phải là chuyện thi cử. Giống như người hết tiền đang đói nhăn răng thì cho ăn cơm cũng tốt mà cho ăn bún cũng hay. Làm sao để anh ta có thể kiếm tiền mới là quan trọng. Làm sao để ngành Giáo Dục này được quản lý bởi người có tài và đức mới là quan trọng. Mà việc phân bổ cán bộ bất kỳ ngành nào đều là do cơ chế. Thế thì còn gì để nói.

3. Giả sử chúng ta có một cơ chế đàng hoàng, từ đó có những con người xứng đáng thì chuyện cao cả “thi thế nào” thực sự mới là điều đáng bàn. Còn bây giờ, cái đáng bàn hơn là chuyện rất thấp kém “sổ sách của giáo viên”. Tôi được trông thấy và tìm hiểu ít nhất 2 cuốn sổ mà giáo viên phải hoàn thành. Chỉ có 2 cuốn, nhưng khối lượng khổng lồ. Hơn hết, tính chất công việc trong đó chỉ có thằng … ngu nhất mới nghĩ ra được.

A. Sổ ghi điểm của giáo viên bộ môn
Một giáo viên bộ môn Toán dạy 10 lớp từ 10A1 đến 10A10 chẳng hạn sẽ có một cuốn sổ ghi điềm. Trong đó, danh sách học sinh các lớp toàn bộ viết tay. Có nghĩa là một giáo viên Văn, Sử, Địa… của 10 lớp đó cũng phải ngồi viết tay y như vậy! Nhưng với một lớp, sẽ phải ghi danh sách học sinh tới 2 lần, lý do như sau:
Một trang lớn sẽ gồm 13 cột: STT - danh sách học sinh – KT Miệng - HK1 – 15’ – thi – TB HK1 - STT (ghi lại từ đầu), danh sách học sinh - M – 15’ – thi – TBHK2. Thành ra ghi 2 lần danh sách học sinh.
Thường các thầy cô sẽ không ghi lại danh sách, hiệu trưởng có nói gì mặc kệ.
Ở dưới mỗi trang, sau khi nhập điểm cho học sinh, tính trung bình (hoàn toàn bằng tay), Giáo viên bộ môn phải điền tỉ lệ % học sinh giỏi – khá – trung bình – yếu – kém. Sau đó, mỗi giáo viên bộ môn sẽ sao chép toàn bộ điểm này qua sổ Cái của GV chủ nhiệm. Công việc là ngồi chép lại toàn bộ điểm này bằng thủ công vào một cuốn sổ Cái. Cuốn sổ này dành cho từng lớp, trong đó có tất cả môn học. Ví dụ như lớp 10A1, bao gồm các môn Toán, Văn, Sử… GVCN lớp 10A1 cầm cuốn sổ này giao cho từng giáo viên bộ môn chuyển điểm từ sổ bộ môn qua. GVCN lớp 10A2 đến 10A10 cũng phải làm vậy.
B. Sổ Cái gọi tên ghi điểm. (GVCN)
GVCN một lớp sẽ phải nhập: Danh sách học sinh – ngày tháng năm sinh – nơi sinh – dân tộc – con gia đình có công Cách Mạng – địa chỉ - họ tên cha – nghề nghiệp – họ tên mẹ - nghề nghiệp.
(Toàn bộ bắt buộc viết tay)
Tiếp tục viết tay thêm 10 (Mười) danh sách nữa cho 10 tháng học. Mục đích là điểm danh 10 tháng, mỗi tháng vậy có 30 cột cho 30 ngày. Thực tế thì GVCN làm sao biết được mỗi ngày học sinh nào vắng, thành ra cứ mỗi tháng GVCN phải đi kiếm Giám thị mượn điểm danh  để điền vào. (cộng là 11 danh sách họ và tên học sinh).
Thêm 3 danh sách nữa để ghi điểm cho tất cả các môn (kích cỡ cuốn sổ cho phép một danh sách dọc như vậy có thể nhập điểm cho 3 môn, gồm: Miệng, 15 phút, 1 tiết, thi HK, trung bình HK môn. Đây chính là công việc của GV bộ môn ở trên phải làm: chuyển bằng thủ công điểm từ cuốn sổ bộ môn sang sổ Cái.
Lại viết tay thêm 1 danh sách nữa để tổng hợp lại điểm trung bình của các môn (khốn nạn nhất là GVCN phải viết lại điểm trung bình môn từ 3 danh sách vừa nói trên qua danh sách này rồi ngồi tính và nhập điểm trung bình của toàn bộ các môn.
(Tới đây là 15 danh sách)
Học kỳ 2: thêm 4 dach sách viết tay giống như vậy và thêm 1 danh sách sau cùng nhập điểm trung bình cho cả năm học + đánh giá xếp loại
Tổng cộng: 20 danh sách! Xin nhắc lại: giáo viên chủ nhiệm của 1 lớp phải viết tay tổng cộng 20 danh sách của lớp đó.

4. Kể từ năm học “áp dụng công nghệ thông tin trong giáo dục” thì giáo viên “không còn tính điểm bằng tay nữa”. Khối lượng công việc bây giờ còn… nhiều hơn. Giáo viên phải vô hệ thống máy tính của trường (thường phải giành nhau) , nhập điểm vào máy tính để phần mềm (như Vietschool chẳng hạn) tính toán dùm điểm trung bình. Sau đó thì … viết lại vô sổ. Ở trên tôi có nói “chỉ có thằng ngu nhất mới nghĩ ra chuyện làm sổ kiểu này”. Nói thế là sai. Phải là thằng điên thì mới nghĩ nổi.

5. Chỉ riêng chuyện sổ sách chúng ta đã thấy đầu óc người làm giáo dục như thế nào rồi. Chương trình nặng nề, sổ sách quái gở, thế mà suốt ngày lải nhải “thầy cô chủ động sáng tạo”, “thầy cô chủ động giảm tải”, “thầy cô chủ động thảo luận”. Bất tài, thất đức và vô trách nhiệm đến thế thì “thật tuyệt vời, ngành giáo dục chúng ta không thua kém Camphuchia và Lào”.

Nguyễn Đại (tháng 8/2014)
Bài do tác giả gởi đến thể hiện văn phong và quan điểm riêng

1 commentaire: