Trang

03/08/2014

Từ Hoa Sen nhìn về tương lai đại học tư thục

Nguyễn Vạn Phú/ TBKTSG
Ảnh bên:Cơ sở Hoa Sen-Quang Trung tại Lô 10, Công viên Phần mềm Quang Trung, Quận 12, TPHCM. Ảnh: Nguồn internet
Tranh chấp diễn ra tại đại học tư thục Hoa Sen xét cho cùng chỉ xoay quanh hai vấn đề rất cơ bản. Hai vấn đề này cũng đang là bài toán mà các trường đại học tư thục khác phải giải quyết trên con đường phát triển của mình.
Đó là: - Áp dụng nguyên tắc cổ đông đa số có quyền quyết định số phận, định hướng chiến lược của một trường đại học tư thục liệu có gì lấn cấn hay mâu thuẫn với môi trường giáo dục không?
Và, nếu thế thì mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận liệu có giúp hạn chế mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và người làm giáo dục để tránh tình trạng trên hay không?
Một chút về quá khứ
Trước khi đi vào vấn đề đầu tiên, có lẽ phải nhìn lại quá trình hình thành đại học Hoa Sen để hiểu được cơ cấu cổ đông hiện tại.

Tiền thân của đại học Hoa Sen ngày nay là trường Nghiệp vụ Tin học và Quản lý Hoa Sen được TS Trần Hà Nam, lúc đó là giám đốc công ty Scitec thành lập và làm hiệu trưởng. Với một số vốn chừng 1 tỷ đồng (100.000 đô-la) cộng với sự hỗ trợ của Pháp và các Việt kiều ở Pháp, trường khởi đầu với chừng 250 sinh viên chỉ nhằm đào tạo những nghề rất thực dụng lúc đó là nhân viên văn phòng, trợ lý giám đốc, nhân viên tin học.

Nhưng cũng chính nhờ tính chất thiết thực này, trường nhanh chóng trở thành địa chỉ đáng tin cậy để doanh nghiệp tuyển dụng những nhân viên có tay nghề, biết làm việc ngay sau khi ra trường. Sĩ số lớp thấp (chừng 20-25 sinh viên), máy móc thực tập đầy đủ (mỗi sinh viên một máy tính) nên chất lượng đào tạo của trường được thị trường lao động đánh giá cao ngay từ những năm đầu tiên. Ông Nam kể: “Ngay từ lúc đó, tinh thần của trường là vô vụ lợi. Những anh em xắn tay vào làm đều có ước muốn làm một điều gì có có ích cho xã hội”.

Tuy nhiên, sau đó do công ty Scitec của ông Trần Hà Nam gặp khó khăn, ông Nam làm hiệu trưởng được 5 năm rồi từ từ rút dần ra. TPHCM đồng ý cấp trả lại vốn đầu tư ban đầu cho Scitec sau đó trường chuyển thành trường Cao đẳng bán công Hoa Sen vào năm 1999. Trước đó, TPHCM cũng đã cấp cho trường quyền sử dụng tòa nhà mà hiện nay là trụ sở chính của trường tại đường Nguyễn Văn Tráng.

Đến năm 2006 Hoa Sen được chuyển thành trường đại học đồng thời chuyển từ mô hình “bán công” sang mô hình “tư thục”. Mọi việc bắt đầu rắc rối từ đây.

Để chuyển đổi thành trường tư thục, nhà nước phải định giá lại toàn bộ tài sản nhà trường và cuối cùng ấn định cho nó một trị giá chừng trên 13 tỷ đồng. Khác với các doanh nghiệp cổ phần hóa bình thường, ở Hoa Sen đến 51% số cổ phần được dành cho cán bộ, nhân viên, giảng viên của trường, 10% được dành cho các giảng viên thỉnh giảng lâu năm. Chỉ có 39% cổ phần là bán ra bên ngoài, trong đó có 5 nhà đầu tư chiến lược như Saigon Co-op, Khách sạn Sài Gòn, công ty cổ phần chứng khoán TPHCM – HSC...

Nếu cơ cấu sở hữu Hoa Sen giữ nguyên như thế thì có lẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra. Sau một thời gian, không chỉ số cổ phần của một số đối tác chiến lược đã sang tay, cổ phần của cán bộ nhân viên nhà trường cũng được nhà đầu tư bên ngoài mua lại (như công ty Ba trăm sáu mươi độ, công ty iConnect...). Cuối cùng cũng đến thời điểm một số nhà đầu tư tuyên bố nắm giữ một tỷ lệ lớn cổ phần Hoa Sen và muốn thực thi quyền sở hữu của họ.

Khi cổ đông thực thi quyền sở hữu

Nếu nhìn vấn đề một cách lý trí thì rõ ràng ai nắm cổ phần đa số thì người đó phải được quyền quyết định mọi chuyện thông qua hội đồng quản trị là đại diện cho chủ sở hữu. Luật pháp hiện hành cũng quy định như thế.
Hơn nữa, đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro về mặt thay đổi chính sách. Ví dụ, theo Luật Giáo dục đại học bắt đầu có hiệu lực từ năm 2013, đại học tư thục, bất kể vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận đều phải “Dành ít nhất 25% [lợi nhuận] để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục...”. Kiểu như thế thì bỏ tiền ra để “kinh doanh” giáo dục cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Vì thế một khi người chủ sở hữu một trường đại học thấy ban điều hành hay thậm chí hội đồng quản trị hiện hành không làm đúng ý chí của họ thì họ có quyền triệu tập họp đại hội đồng cổ đông để thay thế cả hội đồng quản trị lẫn ban điều hành. Mặc dù sẽ có nhiều người chưa đồng tình với mô hình “doanh nghiệp hóa” trường học như thế nhưng luật là luật – khi luật chưa sửa đổi thì đó là cơ sở để quản trị nhà trường.

Cái dở của câu chuyện Hoa Sen xét ở khía cạnh này là để gây sức ép nhằm thực thi quyền sở hữu, các nhà đầu tư sa đà vào các câu chuyện tố cáo nhau, gây ảnh hưởng đến thương hiệu Hoa Sen, là tài sản có giá trị hơn cả vốn liếng vật chất của ngôi trường này.

Và với các trường có bề dày lịch sử như Hoa Sen, vấn đề lại không đơn giản khi nhà trường được sự hỗ trợ đáng kể của chính quyền để phục vụ mục tiêu không vì lợi nhuận được đặt ra ban đầu như cấp đất, cấp nhà, miễn giảm thuế và những ưu đãi khác. Những hỗ trợ ban đầu của phía Pháp như cấp học bổng đào tạo giảng viên hay tặng máy tính, phần mềm cũng quan trọng. Những lợi thế đó không thể tính bằng số cổ phiếu, cổ phần một cách định tính được. Đáng tiếc là các nhà giáo không quen với thương trường không tính đến những yếu tố này.

Vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

Vấn đề càng phức tạp hơn khi nhiều giảng viên và lãnh đạo của Hoa Sen bày tỏ sự lo lắng “nguy cơ đại học Hoa Sen bị chiếm đoạt”. Ý của họ là nguy cơ nhóm cổ đông chiếm khoảng 30% đến 40% cổ phần của nhà trường theo đánh giá của phía này là “muốn khuynh đảo nhà trường, thay đổi hội đồng quản trị và ban giám hiệu” với mục đích biến Hoa Sen thành một công cụ kinh doanh, đi xa rời mục đích không vì lợi nhuận của nhà trường.

Trước đây lúc bàn về khả năng bán đấu giá rộng rãi cổ phần của Hoa Sen ra bên ngoài, bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Hoa Sen có phát biểu: “Nếu bất kỳ ai có tiền cũng mua được Hoa Sen thì làm sao giữ được đường lối giáo dục của nhà trường”.

Đây là một lo lắng được nhiều người chia sẻ. Tuy nhiên, cho đến nay, không thể nói Hoa Sen là một trường đại học tư thục phi lợi nhuận đúng nghĩa.

Theo quy định hiện hành, một đại học tư thục được xác định là hoạt động không vì lợi nhuận thì phải đáp ứng một số điều kiện: 1/chủ sở hữu không nhận lợi tức hay nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ; 2/lợi nhuận là tài sản sở hữu chung không phân chia; 3/có cam kết bằng văn bản.

Năm 2013, cổ đông của Hoa sen được chia cổ tức lên đến 20%. Những năm trước đó, cổ tức bằng tiền mặt thấp hơn nhiều (chỉ thấp hơn hay bằng lãi suất tiết kiệm) nhưng cổ đông được trả bằng cổ phiếu thưởng, cộng lại cũng cỡ 20-30%. Chỉ một yếu tố này thôi cũng đủ cho thấy Hoa Sen chưa phải là đại học tư thục không vì lợi nhuận.

Như thế, mâu thuẫn giữa hai nhóm của Hoa Sen chỉ có thể giải quyết khi quyết định của một trong hai bên thắng thế để chọn một trong hai con đường phát triển: một đại học tư thục bình thường hay một đại học tư thục phi lợi nhuận. Giải pháp tối ưu là xuất hiện một “hiệp sĩ áo trắng” (white knight) đứng ra mua lại cổ phần đa số để giúp những nhà giáo tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục theo đuổi một mô hình phi lợi nhuận thật sự.

Nhìn rộng ra môi trường đại học tư thục hiện nay, mô hình phi lợi nhuận có lẽ khó hình thành. Việt Nam chưa có những nhà đầu tư giáo dục không vì lợi nhuận đúng nghĩa bởi những nhà đầu tư như thế phải thật sự thành đạt ở các lãnh vực kinh doanh khác, bỏ tiền cho giáo dục mà hoàn toàn không cần nghĩ đến chuyện thu hồi vốn chứ nói gì đến lợi nhuận. Đặt ra một yêu cầu cao như thế với cán bộ, nhân viên hay giảng viên nhà trường là khó.

Ở các nước mô hình phi lợi nhuận phải được hỗ trợ bằng chế độ miễn thuế hoàn toàn cho hoạt động nhà trường, đồng thời miễn thuế luôn cho các khoản hiến tặng. Quy chế như thế chưa hình thành ở nước ta mặc dù khả năng của nhà nước khuyến khích cho mô hình phi lợi nhuận là rất lớn, chẳng hạn cấp đất cho nhà đầu tư nếu cam kết hoạt động không vì lợi nhuận.

Mô hình phi lợi nhuận, một khi chưa chịu những ràng buộc rõ ràng, cũng chưa thể giải quyết mâu thuẫn giữa nhà đầu tư tiềm năng và người thực tâm vì sự nghiệp giáo dục. Vẫn có thể còn những lỗ hổng như thành lập doanh nghiệp bên trong đại học tư thục để dồn hết lợi nhuận cho doanh nghiệp, dùng ưu đãi phi lợi nhuận cho những hoạt động mang tính kinh doanh thuần túy...

Hai vấn đề đặt ra ở đầu bài vẫn chưa có lời giải đáp nhưng trường hợp Hoa Sen rõ ràng sẽ mang tính biểu trưng: giải quyết như thế nào đó cho hợp tình hợp lý sẽ định hướng được con đường phát triển cho đại học tư thục trong tương lai.

Những nỗi lo

Đứng trước thực tế trường đại học tư thục có thể hoạt động như một doanh nghiệp, nhiều người tâm huyết với nền giáo dục tỏ ra lo lắng.

Thứ nhất, ngày càng lộ rõ chuyện mua bán cổ phiếu nhằm nắm quyền chi phối ở các trường đại học. Những tranh chấp rộ lên ở một số trường đại học tư thục trong thời gian gần đây chứng tỏ điều đó.

Thứ hai, nhiều người lo sợ chuyện giới có tiền sẽ áp đặt quyền lực lên nhà giáo và nhà quản lý, biến môi trường giáo dục thành nơi kinh doanh bát nháo như từng xảy ra. Ngay cả chuyện bỏ thi tuyển sinh đại học cũng có thể trở thành động lực cạnh tranh để kinh doanh bằng đại học.

Thứ ba, với việc mua bán cổ phần thường xuyên diễn ra, đường hướng phát triển của một trường đại học tư thục có thể bị thay đổi theo ý muốn của nhà đầu tư mới trong khi môi trường đại học đòi hỏi một sự ổn định và tầm nhìn lâu dài.

Đây là những nỗi ưu tư chính đáng mà nhà làm chính sách cần lưu ý để tìm lời giải đáp. Trước mắt, nhiều ý kiến như ý kiến của ông Trần Hà Nam cho rằng cần hoàn thiện quy chế phi lợi nhuận để chủ yếu khuyến khích loại hình này, hạn chế loại hình mang tính kinh doanh thuần túy.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire