TÒA GIÁM MỤC XÃ ĐOÀI
Xã Nghi Diên, Huyện Nghi Lộc
Tỉnh Nghệ An, Việt Nam
Đt: +84 383 861 171
fax: +84 383 861 215
Email: tgmvinh@gmail.com
Số: 09.15/TGM.CV Xã Đoài, ngày 11 tháng 11 năm
2015
Kính gửi: - Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ;
- Văn phòng Quốc hội.
(*) có ký tên trong danh sách 127 nhân sĩ trí thức gửi BCT và toàn thể đảng viên
Nếu phân tích mối tương quan giữa Nhà nước với các Tôn giáo tại Việt
Nam từ năm 1975 cho đến nay, chúng ta phải công nhận rằng đây là tương quan phức
tạp, với nhiều thăng trầm, căng thẳng và đôi khi bi thảm. Trong bối cảnh đó, phải
nhìn nhận Sắc Lệnh về tôn giáo (2004) là một bước đầu trên con đường đổi mới. Dự
thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo là bước tiến quan trọng và cần thiết khác để đi
đến chỗ công nhận tự do tôn giáo như quyền tự thân của con người, cũng như tạo
điều kiện cần thiết trong tiến trình dân chủ hoá của đất nước. Chính vì vậy,
không những chúng tôi đã tích cực đóng góp ý kiến cho Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng,
tôn giáo (sau đây gọi là Dự thảo 4), mà còn muốn tiếp tục được đóng góp ý kiến
cho Dự thảo 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Sau đây gọi là Dự thảo 5).
Chúng tôi cảm ơn Ban soạn thảo và Văn phòng Quốc hội đã lắng nghe
những góp ý của nhiều người, trong số đó có chúng tôi. Cũng rất vui khi thấy Dự
thảo 5 đã có những sửa đổi tích cực như giảm bớt cơ chế “xin – cho”, bỏ hay
thay thế một số điều khoản và từ ngữ quy định quá rộng hoặc mang tính mơ hồ. Chúng
tôi cũng thấy Dự thảo 5 có tầm nhìn rộng hơn về quyền tự do tôn giáo như quyền
tự thân của con người, quyền của tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế,
bảo trợ xã hội... , nhất là quyền tôn giáo của những người đang chấp hành án phạt
tù.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận
thấy trong Dự thảo 5 một số ý kiến đóng góp hợp lý của nhiều người vẫn chưa được
ghi nhận. Đặc biệt, Dự thảo 5 vẫn còn chứa đựng nhiều bất cập và qui định chưa
phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) và Công ước Quốc tế về các quyền
dân sự và chính trị (ICCPR) cũng như Hiến
pháp Việt Nam 2013.
Với ước mong có một luật phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tôn trọng
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người và thể hiện đúng đắn vai trò của
Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, chúng tôi muốn tiếp tục góp ý cho Dự thảo 5
này. Dựa trên những lý do, luận chứng có cơ sở pháp lý cũng như tham chiếu pháp luật liên quan, chúng tôi đã phân tích
những quy định của Dự thảo 5 một cách cụ thể và chi tiết như sau:
1. Điều 2, các khoản 7, 8 và 10
a. Khoản 7 và 8
Dự thảo 5:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
7. Sinh hoạt tôn giáo là việc thờ
cúng, cầu nguyện, bày tỏ niềm tin tôn giáo.
8. Hoạt động tôn giáo là hoạt động
truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi, quản lý tổ chức của tôn giáo.
Có sự chồng chéo về nội dung trong hai khoản luật này. Ví dụ như ở
Giáo hội Công giáo, việc bày tỏ niềm tin được thể hiện trong việc làm dấu thánh
giá, đọc kinh, cầu nguyện, thánh lễ hằng ngày, dạy giáo lý cho trẻ em... là các
sinh hoạt tôn giáo. Nhưng khoản 8 lại xếp việc thực hành giáo lý, lễ nghi vào
hoạt động tôn giáo. Như thế, việc dâng lễ hằng ngày, học giáo lý lại thuộc hoạt
động tôn giáo chứ không còn là sinh hoạt tôn giáo nữa. Quy chế cho sinh hoạt
tôn giáo và hoạt động tôn giáo có phạm vi hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, chúng
tôi đề nghị sửa khoản 7 và 8 Điều 2 như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
7. Sinh hoạt tôn giáo là những
hoạt động mang tính chất thường xuyên để biểu thị niềm tin tôn giáo.
8. Hoạt động tôn giáo là hoạt động
quản lý tổ chức của tôn giáo, hoạt động giáo dục, đào tạo tại các trường tôn
giáo, các cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo, truyền bá tôn giáo ngoài cơ sở tôn
giáo.
b. Khoản 10
Dự thảo 5:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
10. Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự,
tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn
giáo và những cơ sở khác của tổ chức tôn giáo.
Dự thảo 5 công nhận quyền hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế,
từ thiện, bác ái của các tổ chức tôn giáo, vì vậy chúng tôi đề nghị đưa những
cơ sở dùng cho các hoạt động này vào khoản 10 này. Vậy, Điều 2, khoản 10 nên sửa
đổi như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
10. Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự,
tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở, cơ sở giáo dục, y
tế, từ thiện, bác ái và những cơ sở khác của tổ chức tôn giáo.
2. Điều 3
Dự thảo 5:
Điều 3. Quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo
1. Mọi người có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và
bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
2. Các tôn giáo bình đẳng trước
pháp luật.
3. Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động
tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; khuyến
khích các hoạt động nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt
đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.
Vế thứ nhất của khoản 1, ghi nhận “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một
tôn giáo nào” là chưa chính xác và đầy đủ. Quyền “theo hoặc không theo một tôn giáo nào” là nội hàm của quyền tự do
tôn giáo chứ không phải là một quyền song song, ngang hàng với quyền tự do tôn
giáo. Quy định này cũng đã bỏ sót hai nội hàm khác của quyền tự do tôn giáo là
quyền tự do thay đổi tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do biểu thị tín ngưỡng,
tôn giáo.
Vế thứ 2 của khoản 1 này quy định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước
trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Để có sự đồng nhất về nội dung, nên chuyển
vế này đi kèm với khoản 3 và tách thành một điều luật riêng biệt quy định vai
trò, trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và nên đặt
vào tiếp theo sau Điều 5.
Mặt khác, điều luật này cần cụ thể hóa quyền tự do biểu thị tín
ngưỡng, tôn giáo thành những phần rõ rệt, cụ thể hơn. Theo khoản 1, Điều 5 và
Điều 6, bản Tuyên bố xóa bỏ mọi hình thức
không khoan dung và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo hay tín ngưỡng
của Liên Hợp Quốc (được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tại nghị quyết số
36/55 ngày 25/11/1981), quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm những tự do
sau đây:
Điều 5.
1. Cha mẹ, hoặc trong trường hợp
có thể là người giám hộ hợp pháp của trẻ em, có quyền tổ chức cuộc sống trong
phạm vi gia đình phù hợp với tôn giáo hay tín ngưỡng của họ và quan tâm đến việc
giáo dục đạo đức trong môi trường mà họ tin tưởng rằng trẻ em sẽ được nuôi dưỡng
tốt.
Điều 6.
Căn cứ theo Điều 1 của Tuyên bố
này, và căn cứ theo các quy định tại Điều 1, khoản 3, quyền tự do tư tưởng,
lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng bao gồm những tự do sau đây:
1. Được thờ cúng hoặc tụ họp
liên quan đến tôn giáo hay tín ngưỡng, và được thành lập và duy trì những cơ sở
cho những mục đích trên;
2. Được thành lập và duy trì các
cơ sở nhân đạo hoặc từ thiện thích hợp;
3. Được chế tạo, thu mua và sử dụng
ở mức độ đầy đủ những đồ vật cần thiết và tài liệu liên quan đến phong tục hay
tập quán của một tôn giáo hay tín ngưỡng;
4. Được viết, phát hành và phổ
biến các ẩn phẩm có liên quan đến những lĩnh vực trên;
5. Được thuyết giáo về một tôn
giáo hay tín ngưỡng ở những nơi phù hợp cho những mục đích trên;
6. Được xin và tiếp nhận những
đóng góp tài chính tự nguyện và những đóng góp khác của các cá nhân và tổ chức;
7. Được đào tạo, bổ nhiệm, bầu
hay chỉ định những lãnh tụ kế nhiệm phù hợp với những yêu cầu và tiêu chuẩn của
bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào;
8. Được có những ngày nghỉ và kỷ
niệm những ngày lễ và buổi lễ phù hợp với giáo luật tôn giáo hay tín ngưỡng của
một người;
9. Được thành lập và duy trì cơ
chế thông tin cho các cá nhân và cộng đồng trong những vấn đề về tôn giáo hay
tín ngưỡng ở cấp quốc gia và quốc tế.
Chúng tôi đề nghị đưa những quy định vừa nêu vào điều luật này để
cụ thể hóa quyền tự do tôn giáo.
Khoản 2, Điều 3 của Dự thảo 5 quy định “Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” là đã bỏ quên nội dung “tín ngưỡng”, điều này có thể bị hiểu rằng,
các tín ngưỡng thì không bình đẳng. Vậy, đề nghị thêm từ “tín ngưỡng” vào trong khoản này.
Vậy, đề nghị sửa Điều 3 như sau:
Điều 3. Quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo
1. Mọi người có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do theo hoặc không theo một tín ngưỡng,
tôn giáo nào, tự do thay đổi tín ngưỡng, tôn giáo, tự do biểu thị tín ngưỡng,
tôn giáo.
Cha mẹ, hoặc trong trường hợp có
thể là người giám hộ hợp pháp của trẻ em, có quyền tổ chức cuộc sống trong phạm
vi gia đình phù hợp với tôn giáo hay tín ngưỡng của họ và quan tâm đến việc
giáo dục đạo đức trong môi trường mà họ tin tưởng rằng trẻ em sẽ được nuôi dưỡng
tốt.
2. Quyền tự do biểu thị tín ngưỡng,
tôn giáo bao gồm:
a. Được thờ cúng hoặc tụ họp
liên quan đến tôn giáo hay tín ngưỡng, và được thành lập và duy trì những cơ sở
cho những mục đích trên;
b. Được thành lập và duy trì các
cơ sở nhân đạo hoặc từ thiện thích hợp;
c. Được chế tạo, thu mua và sử dụng
ở mức độ đầy đủ những đồ vật cần thiết và tài liệu liên quan đến phong tục hay
tập quán của một tôn giáo hay tín ngưỡng;
d. Được viết, phát hành và phổ
biến các ẩn phẩm có liên quan đến những lĩnh vực trên;
đ. Được thuyết giáo về một tôn
giáo hay tín ngưỡng ở những nơi phù hợp cho những mục đích trên;
e. Được xin và tiếp nhận những
đóng góp tài chính tự nguyện và những đóng góp khác của các cá nhân và tổ chức;
g. Được đào tạo, bổ nhiệm, bầu
hay chỉ định những lãnh tụ kế nhiệm phù hợp với những yêu cầu và tiêu chuẩn của
bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào;
h. Được có những ngày nghỉ và kỷ
niệm những ngày lễ và buổi lễ phù hợp với giáo luật tôn giáo hay tín ngưỡng của
một người;
i. Được thành lập và duy trì cơ
chế thông tin cho các cá nhân và cộng đồng trong những vấn đề về tôn giáo hay
tín ngưỡng ở cấp quốc gia và quốc tế.
3. Các tín ngưỡng, tôn giáo đều
bình đẳng trước pháp luật.
3. Điều 4
a. Điều 4, khoản 1
Dự thảo 5
Điều 4. Quyền, nghĩa vụ của người
có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo
1. Người có tín ngưỡng, tín đồ
tôn giáo có quyền tự do bày tỏ niềm tin; tham gia các hình thức sinh hoạt, phục
vụ lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo; thực hành
nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo tại gia đình và cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Khoản 1 Điều 4 này quy định quyền của người có tín ngưỡng, tôn
giáo, nhưng chúng tôi nhận thấy nội dung vẫn chưa phản ánh đủ nội hàm của quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Điều 18, UDHR và Điều 18, ICCPR. Người có tín
ngưỡng, tín đồ tôn giáo không chỉ có quyền tự do “bày tỏ niềm tin” mà là “tự do biểu thị tín ngưỡng, tôn giáo”;
không chỉ “tham gia các hình thức sinh hoạt,
phục vụ lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo; thực
hành nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo” mà còn bao gồm quyền giảng dạy, truyền đạo.
Việc bày tỏ tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ giới hạn “tại gia đình, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo” mà có thể tại nơi
công cộng hay tại nhà riêng. Ngoài ra, quyền biểu thị tín ngưỡng, tôn giáo còn
bao gồm quyền tự do bày tỏ một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác,
công khai hoặc kín đáo.
Vì thế, chúng tôi đề nghị ở khoản này không nên dùng phương pháp
liệt kê, vừa dài dòng vừa không đầy đủ, mà nên lấy lại những ý tưởng cô đọng
nhưng đầy đủ của Điều 18, UDHR và Điều 18, ICCPR.
b. Điều 4, khoản 2
Dự thảo 5
2. Người bị tạm giữ, tạm giam,
người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường
giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện được sử dụng kinh sách,
bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo mà mình tin theo.
Khoản 2, Điều 4 này quy định quyền tự do tôn giáo của những người
đang bị hạn chế một số quyền dân sự. Qua góp ý cho Dự thảo 4, chúng tôi nhận thấy
đã có một vài thay đổi tích cực, nhưng vẫn chưa đủ. Việc hạn chế một số quyền
dân sự của một số công dân không bao gồm việc hạn chế quyền tôn giáo là một quyền
mang tính tự thân của con người. Mặt khác, điều luật này cần thiết định sao cho
phù hợp với chuẩn mực của công ước quốc tế. Tại các quy tắc 41 và 42 của Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với
tù nhân của Liên Hợp Quốc (Được thông qua tại Cuộc họp lần thứ nhất của
Liên Hợp Quốc về Ngăn ngừa Tội phạm và Đối xử với Người phạm tội, tổ chức tại
Geneva năm 1955, và được Hội đồng Kinh tế - Xã hội phê chuẩn bằng các Nghị quyết
663C (XXIV) ngày 31/7/1957 và 2076 (LXII) ngày 13/5/1977) quy định như sau:
41. a. Nếu nhà tù có đủ số tù
nhân cùng theo một tôn giáo thì một đại diện đủ tư cách của tôn giáo đó phải được
chỉ định hoặc chấp thuận. Nếu số lượng tù nhân là thỏa đáng và nếu điều kiện
cho phép thì cần thỏa thuận để người đại diện đó làm việc toàn thời gian.
b. Người đại diện đủ tư cách được
chỉ định hoặc chấp thuận theo khoản 1 điều này phải được phép tổ chức hành lễ
thường xuyên và được đi thăm tù nhân theo tôn giáo của người đó một cách riêng tư
vào những thời điểm thích hợp.
c. Không được từ chối cho bất kỳ
tù nhân nào tiếp xúc với đại diện đủ tư cách của một tôn giáo. Mặt khác, nếu bất
kỳ tù nhân nào phản đối sự viếng thăm của bất kỳ đại diện của một tôn giáo nào
thì thái độ của tù nhân đó phải được tôn trọng hoàn toàn.
42. Trong chừng mực có thể thực
hiện được, mọi tù nhân phải được thỏa mãn những nhu cầu đời sống tôn giáo bằng
việc tham gia các buổi lễ tổ chức trong nhà tù, được sở hữu sách kinh của tôn
giáo và giáo phái của người đó.
Vậy, ngoài những quyền mà khoản 2, Điều 4 này quy định, những người
trong trường hợp này còn được biểu thị tín ngưỡng, tôn giáo của mình qua việc
tham dự lễ nghi tôn giáo và được sự viếng thăm, phục vụ nhu cầu tôn giáo của đại
diện đủ tư các của tôn giáo mà người đó tin theo.
c. Điều 4, khoản 3
Dự thảo 5
3. Người có tín ngưỡng, tín đồ
tôn giáo là công dân Việt Nam được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm
thực hiện nghĩa vụ công dân.
Đề nghị đổi cụm từ “được hưởng”
thành “có đầy đủ”, vì công dân Việt Nam có tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đương nhiên
là công dân Việt Nam với đầy đủ quyền và nghĩa vụ chứ ở đây không phải là chuyện
“xin – cho”.
d. Điều 4, khoản 4
Dự thảo 5
4. Người có tín ngưỡng, tín đồ
tôn giáo có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa
vụ công dân; giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tuân
thủ pháp luật.
Đề nghị bỏ các cụm từ “không
cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân” và “tuân thủ pháp luật”. Bất cứ ai hoặc tổ chức nào cản trở việc thực
hiện nghĩa vụ công dân hoặc vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng pháp luật, điều
đó là đương nhiên. Vì vậy quy định này không phải là quy định đặc thù cho những
người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo nên khi đặt vào đây, một cách tế nhị, có
thể bị hiểu lầm.
Tóm lại, đề nghị sửa toàn bộ Điều 4 như sau:
Điều 4. Quyền, nghĩa vụ của người
có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo
1. Người có tín ngưỡng, tín đồ
tôn giáo có quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành
đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, công khai hoặc
kín đáo, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Quyền tự do biểu thị tín ngưỡng,
tôn giáo có thể bị giới hạn bởi Luật này hoặc các luật khác có liên quan với điều
kiện khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức
khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người
khác.
2. Người bị tạm giữ, tạm giam,
người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường
giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện có quyền thực hành tín
ngưỡng, tôn giáo mà mình tin theo, có quyền sử dụng kinh sách, quyền được gặp đại
diện đủ tư cách của tôn giáo đó để được đáp ứng nhu cầu tôn giáo của mình.
3. Người có tín ngưỡng, tín đồ
tôn giáo là công dân Việt Nam có đầy đủ mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực
hiện nghĩa vụ công dân.
4. Người có tín ngưỡng, tín đồ
tôn giáo có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác;
giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
4. Điều 6, khoản 4
Dự thảo 5
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
4. Cản trở tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hợp
pháp.
Theo khoản 7 và 8 Điều 2, sinh hoạt tôn giáo và hoạt động tôn giáo
là khác nhau, ở khoản 4 Điều 6 này đã bỏ quên “sinh hoạt tôn giáo” là quyền tôn
giáo cần được bảo vệ. Vậy đề nghị bổ sung nội dung “sinh hoạt tôn giáo” vào khoản
4, Điều 6 này.
Điều 6.
Các hành vi bị nghiêm cấm
4. Cản trở tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc tham gia hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt
tôn giáo, hoạt động tôn giáo hợp pháp.
5. Điều 13, khoản 3, điểm c; Điều 14, khoản 5; Điều 24, khoản 3,
điểm b; Điều 32, khoản 2 và Điều 34, khoản 2, điểm b
a. Điều 13, khoản 3, điểm c; Điều 14, khoản 5 và Điều 24, khoản 3,
điểm b
Dự thảo 5
Điều 13. Đăng ký sinh hoạt tôn
giáo
3. Điều kiện đăng ký sinh hoạt
tôn giáo
c) Người đại diện là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ,
nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Điều 14. Điều kiện để cấp đăng
ký hoạt động tôn giáo
5. Có người đại diện là công dân
Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Điều 24. Việc tuyển sinh của cơ
sở đào tạo tôn giáo
3. Điều kiện theo học tại cơ sở
đào tạo tôn giáo
b) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp
luật.
Mệnh đề “nghiêm chỉnh chấp
hành pháp luật” có nội hàm rất rộng và nhiều khi mơ hồ. Một vi phạm nhỏ, ví
dụ như không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, cũng có
thể được xem như không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Khi những lỗi như vậy
được làm căn cứ để ngăn cản cấp đăng ký hoạt động cho một tổ chức tôn giáo thì,
theo khoản này, nó vẫn hợp pháp. Nếu như vậy, quy định này là không thể chấp nhận
được.
Vì vậy, đề nghị sửa khoản này cụ thể, rõ ràng hơn đó là những vi
phạm thuộc loại nào, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt
nghiêm trọng theo Bộ Luật Hình sự hay ít nhất là phải có quyết định xử lý vi phạm
hành chính có hiệu lực liên quan đến lĩnh vực tôn giáo. Vậy, đề nghị sửa điểm
c, khoản 3, Điều 13 như sau:
Điều 13. Đăng ký sinh hoạt tôn
giáo
3. Điều kiện đăng ký sinh hoạt
tôn giáo
c) Người đại diện là công dân Việt
Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có án tích về một tội phạm
nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ
Luật Hình sự hoặc không có quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tôn
giáo đang có hiệu lực.
Đề nghị sửa tương tự với cùng lý do như trên đối với Điều 14, khoản
5 và Điều 24, khoản 3, điểm b.
b. Điều 32, khoản 2
Dự thảo 5
Điều 32. Điều kiện phong chức,
phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo
trực thuộc
2. Điều kiện đối với người được
phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử:
a) Là công dân Việt Nam, có năng
lực hành vi dân sự đầy đủ
b) Có tinh thần đoàn kết, hòa hợp
dân tộc
c) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp
luật
- Điểm b, khoản 2 Điều này
quy định người được phong chức, phong phẩm... phải “Có tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc” nhưng không đưa ra tiêu
chí cụ thể để đánh giá và thẩm quyền đánh giá tiêu chí này. Vì vậy, nó mang
tính mơ hồ, không rõ ràng.
Các tôn giáo có tiêu chí đánh giá một cách khắt khe cho các ứng cử
viên giữ chức vụ quan trọng trong tôn giáo đó. Khi hội đủ các điều kiện cần thiết
theo nội quy, hiến chương, giáo luật thì các tổ chức tôn giáo tiến hành hoạt động
trên. Việc đánh giá ứng cử viên là quyền tự quyết của tổ chức tôn giáo và tín đồ
của họ, nhà nước không nên can thiệp vào điều này với một khoản luật mơ hồ. Vậy
yêu cầu bỏ điểm b trong khoản luật này.
- Điểm c, khoản 2 điều này lặp lại một tiêu chí đánh giá rất rộng
mà chúng tôi vừa góp ý sửa đổi ở trên.
Vậy, yêu cầu sửa Điều 32, khoản 2 thành như sau:
Điều 32. Điều kiện phong chức,
phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo
trực thuộc
2. Điều kiện đối với người được
phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử:
a) Là công dân Việt Nam, có năng
lực hành vi dân sự đầy đủ
b) Không có án tích về một tội
phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của
Bộ Luật Hình sự hoặc không có quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tôn
giáo đang có hiệu lực.
c. Điều 34, khoản 2, điểm b
Dự thảo 5
Điều 34. Phong chức, phong phẩm,
bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài
2. (...) Riêng người có quốc tịch
nước ngoài đang hoạt động cho tổ chức tôn giáo của Việt Nam khi được phong chức,
phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải đáp ứng các điều kiện sau:
b) Tuân thủ pháp luật Việt Nam
Nội hàm của “Tuân thủ pháp
luật Việt Nam” là quá rộng. Tương tự như vừa góp ý ở trên, để nghị đưa ra
những tiêu chuẩn đánh giá và thẩm quyền đánh giá cụ thể để dễ dàng và chính xác
khi áp dụng.
6. Điều 21, Điều 29 và Điều 30
a. Điều 21
Dự thảo 5
Điều 21. Chấp thuận thành lập,
chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc
1. Thẩm quyền:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết
định việc chấp thuận thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo
trực thuộc có hoạt động trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về
tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương quyết định việc chấp thuận thành lập, chia,
tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc có hoạt động ở nhiều tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương.
2. Chính phủ quy định chi tiết
trình tự, thủ tục chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ
chức tôn giáo trực thuộc.
Thứ nhất: Điều 21 này quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền công
nhận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc
khi họ có đủ các điều kiện quy định tại Điều 20. Vì vậy đề nghị sửa từ “Chấp thuận” trong điều luật thành “Thẩm
quyền công nhận” để hợp lý hơn và tránh cơ chế “xin – cho”.
Thứ hai: Thời hạn để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết yêu
cầu của tổ chức tôn giáo là rất quan trọng. Mặc dù điều này có thể hiểu là đã
bao hàm trong khoản 2, giao cho Chính phủ quy định, nhưng vì nó quan trọng và
thuộc quyền lập pháp nên không được giao quyền này cho Chính phủ. Vậy nên thêm
một khoản luật quy định cụ thể thời hạn của mỗi cấp là bao nhiêu.
Chúng tôi đề nghị sửa điều luật này như sau:
Điều 21. Công nhận việc thành lập,
chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc
1. Thẩm quyền:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có
thẩm quyền ra quyết định công nhận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất
tổ chức tôn giáo trực thuộc có hoạt động trong một tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về
tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có thẩm quyền ra quyết định công nhận việc
thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc có hoạt động
ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Thời hạn
a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quy định tại điểm a, khoản 1 điều này ra quyết định công nhận thành lập, chia,
tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ
khi nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 20 luật này. Trường hợp không công nhận, phải
trả lời bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do không công nhận.
b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quy định tại điểm b, khoản 1 điều này ra quyết định công nhận thành lập, chia,
tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ
khi nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 20 luật này. Trường hợp không công nhận, phải
trả lời bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do không công nhận.
3. Chính phủ quy định chi tiết
trình tự, thủ tục chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ
chức tôn giáo trực thuộc.
b. Điều 29 và Điều 30
Hai điều này quy định tạm đình chỉ hoạt động tôn giáo, giải thể tổ
chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tạm đình chỉ hoạt động đào tạo, giải
thể cơ sở đào tạo tôn giáo, nhưng trong nội dung không quy định thời hạn bị tạm
đình chỉ bao lâu, gia hạn như thế nào, hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ như thế
nào, bị tạm đình chỉ bao lâu thì bị ra quyết định đình chỉ. Tương tự như góp ý
cho Điều 21 ở trên, chúng tôi đề nghị đưa các quy định này vào luật một cách cụ
thể, không giao các trách nhiệm lập pháp này cho Chính phủ.
7. Điều 22, khoản 1, điểm d; Điều 23, khoản 1, điểm c và Điều 26,
khoản 1
Dự thảo 5
Điều 22. Thành lập cơ sở đào tạo
tôn giáo
1. Điều kiện thành lập cơ sở đào
tạo tôn giáo:
d) Có dự kiến cụ thể về chương
trình, nội dung đào tạo trong đó môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt
Nam là môn học chính khóa, số lượng, cơ cấu đội ngũ giảng viên và người quản lý
đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng và trình độ đào tạo.
Quy định “môn học về lịch sử
Việt Nam và pháp luật Việt Nam là môn học chính khóa” trong chương trình
đào tạo của cơ sở tôn giáo là một quy định bất hợp lý.
Đây là các môn học chính trong hệ thống giáo dục quốc dân và trách
nhiệm dạy học các môn này thuộc hệ thống này. Với tư cách công dân, tín đồ đã nộp
thuế để Nhà nước duy trì hệ thống giáo dục quốc dân nên không thể đẩy nhiệm vụ
sang cho tổ chức tôn giáo.
Mặt khác, khoản 4, Điều 22 ghi rõ: “Cơ sở đào tạo tôn giáo không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Khi
buộc các cơ sở tôn giáo phải dạy các môn học này là không phù hợp với chức năng
của cơ sở đào tạo tôn giáo. Lý do khác là những học viên của cơ sở đào tạo tôn
giáo đã học các môn này trong chương trình phổ thông, đại học vì thế không thể
buộc họ học lại các môn này.
Vậy, đề nghị bỏ nội dung “môn
học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam là môn học chính khóa” trong
điểm d, khoản 1, Điều 22; điểm c, khoản 1, Điều 23 và khoản 1, Điều 26.
8. Điều 27, khoản 2
Dự thảo 5
Điều 27. Mở lớp bồi dưỡng về tôn
giáo
2. Trình tự, thủ tục mở lớp bồi
dưỡng về tôn giáo
a) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn
giáo trực thuôc mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo gửi văn bản đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước
về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi mở lớp. Văn bản đề nghị nêu rõ tên lớp, địa
điểm mở lớp, lý do mở lớp, thời gian học, nội dung, chương trình, thành phần
tham dự, danh sách giảng viên.
b) Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng,
tôn giáo cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ.
Hoạt động mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo là hoạt động không thường
xuyên nhưng lại đa dạng và thông thường với quy mô nhỏ. Việc quy định thẩm quyền
“chấp nhận” thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh
là quá mức. Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc
khi ở xa trung tâm tỉnh lỵ. Vậy đề nghị chuyển quyền này cho cơ quan cấp huyện
để thuận tiện hơn cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khi thực hiện
quyền này.
Mặt khác, hoạt động mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo thuộc về quyền của
tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, vì vậy không nên thiết lập cơ chế
“đề nghị - chấp thuận” (hình thức xin – cho) mà chỉ cần văn bản thông báo cho
cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là đủ.
Thời hạn trả lời của cơ quan nhà nước trong trường hợp này quy định
15 ngày làm việc là quá dài.
Vậy, góp ý sửa điều khoản này như sau:
Điều 27. Mở lớp bồi dưỡng về tôn
giáo
2. Trình tự, thủ tục mở lớp bồi
dưỡng về tôn giáo
a) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn
giáo trực thuộc mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo gửi văn
bản thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cấp huyện
nơi mở lớp. Văn bản thông báo nêu rõ tên lớp, địa điểm mở lớp, lý do mở lớp, thời
gian học, nội dung, chương trình, thành phần tham dự, danh sách giảng viên.
b) Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng,
tôn giáo cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 5 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo hợp lệ.
9. Điều 30 và Điều 33
a. Điều 30
Điều luật này quy định thủ tục tiến hành hội nghị, đại hội của tổ
chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, quy định thẩm quyền, thời hiệu chấp
thuận của cơ quan nhà nước.
Việc tổ chức đại hội, hội nghị của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn
giáo trực thuộc đã có trong điều lệ, hiến chương khi đăng ký hoạt động tôn giáo
(Điều 15), trong hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức tôn giáo (Điều 19) và cơ quan
nhà nước có thẩm quyền đã biết những thông tin này. Ngoài ra, những hoạt động
này nằm trong quyền của tổ chức tôn giáo. Vì thế, ở đây không nên sử dụng cơ chế
“Đề nghị - cấp phép / từ chối” mà chỉ cần tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực
thuộc trước khi tiến hành hội nghị, đại hội, gửi thông báo đến cơ quan nhà nước
có thẩm quyền là đủ. Khi có lý do chính đáng như quy định tại khoản 3 điều này
thì cơ quan nhà nước mới ra quyết định tạm đình chỉ tổ chức hội nghị, đại hội.
Vậy, cần thay cụm từ “Văn bản
đề nghị” trong Điều 30 này bằng cụm từ “Bản thông báo” để tránh cơ chế “xin
– cho”.
b. Điều 33
Điều này quy định việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận
đăng ký người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Để bảo đảm quyền hoạt động tôn giáo, tính độc lập của tổ chức tôn
giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và tránh cơ chế “xin – cho”, yêu cầu đổi chế
độ “đăng ký – chấp thuận / từ chối” sang phương thức “thông báo”, nghĩa là thay
các từ “bản đăng ký” thành “bản thông báo”.
10. Điều 38
Dự thảo 5
Điều 38. Giảng đạo của chức sắc,
chức việc, nhà tu hành
1. Chức sắc, chức việc, nhà tu
hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo tại
cơ sở tôn giáo; có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn tín đồ thực hiện quyền,
nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật.
2. Chức sắc, chức việc, nhà tu
hành giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng,
tôn giáo cấp huyện nơi dự kiến giảng đạo.
Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu
rõ lý do thực hiện giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, nội dung, chương trình, thời
gian, địa điểm thực hiện, người tổ chức, thành phần tham dự;
b) Ý kiến bằng văn bản của tổ chức
tôn giáo trực thuộc hoặc tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, nhà tu
hành.
3. Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng,
tôn giáo cấp huyện có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc giảng
đạo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có
trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được đề nghị của cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp huyện.
- Khoản 1 quy định chức sắc, chức việc, nhà tu hành “có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn tín đồ
thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật”. Việc hướng
dẫn người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân cũng như ý thức chấp hành
pháp luật là điều tốt. Tuy nhiên, khi luật đã quy định “trách nhiệm” thì buộc chủ thể pháp luật đó phải thực hiện. Chúng
tôi cho rằng đã có sự nhầm lẫn về nhiệm vụ ở đây. Nhiệm vụ của chức sắc, chức
việc và nhà tu hành là hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo của họ. Việc hướng dẫn
nói trên họ cần thực hiện với tư cách công dân Việt Nam và nên xem đây là một
khuyến khích, gợi ý chứ không nên gắn thành một trách nhiệm. Đề nghị bỏ mệnh đề
này.
- Khoản 2: Việc giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo có nhiều cấp độ và
quy mô khác nhau. Khoản 2 Điều này quy tất cả thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp
huyện đã gây khó khăn đối với những hoạt động nhỏ lẻ tại địa phương. Vì vậy nên
chia quyền này cho cả Ủy ban nhân dân cấp xã để dễ dàng hơn trong hoạt động tôn
giáo.
- Khoản 3: Khoản này quy định thẩm quyền và thời hạn nhưng lại
không có căn cứ pháp lý để áp dụng trong trường hợp từ chối. Vậy, cần bổ sung
điều này để rõ ràng minh bạch khi áp dụng.
Vậy, đề nghị sửa Điều 38
thành như sau:
Điều 38. Giảng đạo của chức sắc,
chức việc, nhà tu hành
1. Chức sắc, chức việc, nhà tu
hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, giảng đạo tại
cơ sở tôn giáo.
2. Chức sắc, chức việc, nhà tu
hành dự kiến giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo gửi hồ sơ đến cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền nơi dự kiến giảng đạo quy định tại khoản 3 Điều này.
Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu
rõ lý do thực hiện giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, nội dung, chương trình, thời
gian, địa điểm thực hiện, người tổ chức, thành phần tham dự;
b) Ý kiến bằng văn bản của tổ chức
tôn giáo trực thuộc hoặc tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, nhà tu hành.
3. Thẩm quyền
a) Ủy ban nhân dân cấp xã có
trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 điều này đối với trường hợp hoạt động giảng đạo
có phạm vi trong một xã. Trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do.
b) Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng,
tôn giáo cấp huyện có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc giảng
đạo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành đối với các trường hợp không thuộc quy
định tại điểm a, khoản 3, Điều này trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có
trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được đề nghị của cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp huyện.
4. Trường hợp vì lý do quốc
phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng, cơ quan
nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này quyết định tạm đình chỉ tổ
chức giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo.
11. Điều 39
Dự thảo 5
Điều 39. Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt
động tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành
1. Chức sắc, chức việc, nhà tu
hành bị tạm đình chỉ hoạt động tôn giáo trong trường hợp hoạt động không đúng
hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.
2. Chức sắc, chức việc, nhà tu
hành bị đình chỉ hoạt động tôn giáo khi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật
này.
3. Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng,
tôn giáo cấp tỉnh đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 33, cơ quan
quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương đối với các trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều 33, khoản 3 Điều 34 tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động
tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành khi vi phạm một trong các trường
hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết
trình tự, thủ tục tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức
việc, nhà tu hành.
- Khoản 1: Thẩm quyền và trình độ chuyên môn để xác định chức sắc,
chức việc, nhà tu hành có vi phạm hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức
tôn giáo là thuộc về tổ chức tôn giáo đó. Việc vi phạm cũng có những cấp độ
khác nhau, có thể là cảnh cáo, tạm đình chỉ thi hành chức vụ, đình chỉ thi hành
chức vụ hay buộc ra khỏi tổ chức tôn giáo. Vì thế, chế tài trong khoản 1 này phải
được dành cho tổ chức tôn giáo xử lý. Sau khi xử lý, tổ chức tôn giáo thông báo
cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biết để áp dụng trong lĩnh vực quản lý Nhà
nước về tôn giáo.
- Khoản 2: Vi phạm trong khoản này thuộc thẩm quyền xử lý của cơ
quan Nhà nước, tuy nhiên, nó sẽ có nhiều cấp độ vi phạm và sự nguy hiểm cho xã
hội khác nhau. Ở đây quy định tất cả mọi vi phạm đều bị đình chỉ (vĩnh viễn) là
không thực tế. Yêu cầu chia hình thức xử lý trong khoản 2 Điều này thành hai cấp
độ: Tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động tôn giáo.
- Khoản 3: Quy định thẩm quyền tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động
tôn giáo của cơ quan Nhà nước nhưng lại không quy định thời hạn. Đề nghị thêm
thời hạn vào trong Điều này, không giao quyền này cho Chính phủ (như trong khoản
4).
Vậy, đề nghị sửa Điều 39 thành như sau:
Điều 39. Tạm đình chỉ, đình chỉ
hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành
1. Chức sắc, chức việc, nhà tu
hành bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động tôn giáo trong trường hợp hoạt động
không đúng hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước
công nhận hoặc vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật này.
2. Thẩm quyền
a) Tổ chức tôn giáo tạm đình chỉ,
đình chỉ hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong trường hợp
hoạt động không đúng hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo;
Sau khi có quyết định tạm đình
chỉ, đình chỉ hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tổ chức
tôn giáo đó có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền.
b) Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng,
tôn giáo cấp tỉnh tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức
việc, nhà tu hành vi phạm khoản 5 Điều 6 Luật này đối với các trường hợp quy định
tại khoản 2 Điều 33 Luật này.
c) Cơ quan quản lý nhà nước về
tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động tôn giáo của
chức sắc, chức việc, nhà tu hành vi phạm khoản 5 Điều 6 Luật này đối với các
trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33, khoản 3 Điều 34 Luật này.
3. Thời hạn
a) Đối với trường hợp quy định tại
điểm a, khoản 2 Điều này, thời hạn tạm đình chỉ căn cứ theo hiến chương, điều lệ,
quy định của tổ chức tôn giáo.
b) Đối với trường hợp quy định tại
điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, thời hạn tạm đình chỉ không quá 90 ngày kể từ
ngày ra quyết định tạm đình chỉ.
4. Chính phủ quy định chi tiết
trình tự, thủ tục tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức
việc, nhà tu hành.
12. Điều 47
Dự thảo 5
Điều 47.
Xuất bản phẩm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo
Tổ chức,
cá nhân tham gia hoạt động xuất bản sách kinh, ấn phẩm tín ngưỡng, tôn giáo; sản
xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo, đồ dùng việc
đạo theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đây là một trong những quyền quan trọng
trong lĩnh vực hoạt động tôn giáo mà chúng tôi đã đề cập trong mục 2 (góp ý Điều
3) ở trên. Điều 47 này quy định tổ chức, cá nhân có quyền tham gia hoạt động
trong lĩnh vực này “theo quy định của
pháp luật có liên quan”. Tuy nhiên, khi tra cứu Luật Xuất bản đang có hiệu
lực hiện hành (Luật số 19/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012), chúng tôi nhận
thấy:
Điều 4, Giải thích từ ngữ
4. Xuất
bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,
giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản
thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng
các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình
thức sau đây:
a) Sách
in;
b) Sách
chữ nổi;
c)
Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp;
d) Các
loại lịch;
đ) Bản
ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.
Điều 12.
Đối tượng thành lập nhà xuất bản và loại hình tổ chức nhà xuất bản
1. Cơ
quan, tổ chức sau đây được thành lập nhà xuất bản (sau đây gọi chung là cơ quan
chủ quản nhà xuất bản):
a) Cơ
quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp
tỉnh;
b) Đơn vị
sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở
trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật.
Điều 36.
Hoạt động phát hành xuất bản phẩm
1. Cơ
sở phát hành xuất bản phẩm bao gồm doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập,
hộ kinh doanh xuất bản phẩm (sau đây gọi chung là cơ sở phát hành).
Nhà xuất
bản được thành lập cơ sở phát hành xuất bản phẩm.
Như vậy, theo “pháp luật liên quan” thì:
- “Sách
kinh, ấn phẩm tín ngưỡng, tôn giáo” không được xem (hoặc không được quy định
rõ) là xuất bản phẩm trong Luật Xuất bản (khoản 4, Điều 4, Luật Xuất bản).
- Tổ chức tôn giáo không được thành lập nhà
xuất bản và hoạt động phát hành ấn phẩm (Điều 12 và 36 Luật Xuất bản).
Để quyền được quy định trong Điều 47, Dự thảo
5 này có thể thực hiện trên thực tế, trước tiên phải bảo đảm nó được thể hiện
trong “pháp luật liên quan” (ở đây là
Luật Xuất bản). Vậy phải sửa đổi Luật Xuất bản cũng như các luật khác liên quan
để tổ chức tôn giáo có thể thực hiện quyền của mình, nếu không thì nó sẽ mãi
mãi chỉ nằm trên giấy!
13. Điều 48
Dự thảo 5
Điều 48.
Hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức
tôn giáo trực thuộc
1. Tổ chức
tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thực hiện các hoạt động giáo dục,
đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Không
truyền bá tôn giáo, tiến hành các nghi thức tôn giáo tại cơ sở giáo dục, đào tạo,
y tế và bảo trợ xã hội do tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thành lập,
quản lý.
- Khoản 1: Tương tự như Điều 47 ở trên, khoản
1, Điều 48 này quy định quyền hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc
“theo quy định của pháp luật liên quan”. Tra
cứu “pháp luật liên quan” ta thấy khoản
1, Điều 48, Luật Giáo dục hiện hành (Số 38/2005/QH11, ngày 14 tháng 6 năm 2005)
quy định như sau:
Điều 48.
Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân
1. Nhà
trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau
đây:
a) Trường
công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh
phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
b) Trường
dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
và bảo đảm kinh phí hoạt động;
c) Trường
tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc
cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động
bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Như vậy, tổ chức tôn giáo không có quyền
thành lập bất cứ trường nào, thuộc loại hình nào.
Tương tự góp ý cho Điều 47 ở trên, chúng tôi
yêu cầu sửa đổi Luật Giáo dục và “pháp luật
liên quan” để quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quy định
tại Điều 48 này có thể thi hành trên thực tế.
- Khoản 2, Điều 48: “Không truyền bá tôn giáo, tiến hành các nghi thức tôn giáo tại cơ sở
giáo dục, đào tạo, y tế và bảo trợ xã hội do tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo
trực thuộc thành lập, quản lý.”
Chúng tôi đã góp ý cho khoản luật này trong
Dự thảo 4, nhưng đáng tiếc trong Dự thảo 5 vẫn lặp lại. Chúng tôi có lý do chắc
chắn và chính đáng để bảo vệ luận cứ này. Căn cứ vào khoản 1 và 3, Điều 18,
ICCPR thì quyền biểu thị tôn giáo có thể công khai hoặc kín đáo, một mình hay với
người khác, tại nhà riêng hay nơi công cộng miễn là không bị luật giới hạn
trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc
đạo đức xã hội hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.
Vậy, không thể cấm “truyền bá tôn giáo, tiến hành nghi thức tôn giáo” vì lý do nơi đó
là “cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế và bảo
trợ xã hội”.
Quy định tại khoản 2, Điều 48 này, một cách
minh nhiên, đã vi phạm Điều 18, ICCPR, vậy chúng tôi yêu cầu bỏ khoản luật này.
14. Về đất của tổ chức tôn giáo
Nhiều điều khoản của Dự thảo 5 quy định liên
quan đến đất của tổ chức tôn giáo, cụ thể như sau:
Dự thảo 5:
Điều 13.
Đăng ký sinh hoạt tôn giáo
3. Điều
kiện để đăng ký sinh hoạt tôn giáo
b) Có địa
điểm hợp pháp về nhà đất để sinh hoạt tôn giáo;
Điều 14.
Điều kiện cấp đăng ký hoạt động tôn giáo
4. Có địa
điểm hợp pháp về nhà đất để đặt trụ sở.
Điều 18.
Điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo
3. Có trụ
sở, tổ chức và người đại diện hợp pháp.
Điều 20.
Điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc
2. Điều
kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc:
d) Có địa
điểm hợp pháp về nhà đất để đặt trụ sở;
Điều 22.
Thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo
1. Điều
kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo:
c) Có cơ
sở vật chất, thiết bị, tài chính bảo đảm cho việc đào tạo;
Điều 51.
Hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực
thuộc
1. Cơ sở
tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được tổ chức quyên
góp, nhận tài sản hiến, tặng, cho trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân
trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Điều 52.
Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo
Việc quản
lý và sử dụng đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo theo quy định của pháp
luật về đất đai.
Như vậy, nhà, đất gắn liền với những hoạt động
chính yếu và quan trọng của tổ chức tôn giáo. Là điều kiện để đăng ký sinh hoạt
(Điều 13), đăng ký hoạt động (Điều 14), để công nhận (Điều 18), thành lập,
chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo (Điều 20), là điều kiện để
thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo (Điều 22). Tóm lại, nếu không có nhà đất thì tổ
chức tôn giáo không được công nhận, không được sinh hoạt, hoạt động.
a. Điều 52
Điều 52, Dự thảo 5 ghi nhận việc quản lý và sử dụng đất cơ sở tín ngưỡng,
đất cơ sở tôn giáo “theo quy định của
pháp luật về đất đai”. Tuy nhiên, khi tra cứu các quy định của Luật Đất đai
hiện hành (Luật số: 45/2013/QH13, ngày 29 tháng 11 năm 2013), ta thấy:
- Khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai quy định tổ
chức tôn giáo chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua 3 trường hợp:
1) Thông qua việc Nhà nước giao đất (điểm
g).
2) Thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử
dụng đất đối với đất đang được sử dụng ổn định (điểm i)
3) Theo kết quả hòa giải thành, quyết định,
bản án hoặc quyết định thi hành án trong vụ tranh chấp đất đai (điểm l)
- Khoản 1, Điều 191 Luật Đất đai quy định:
cơ sở tôn giáo không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối
với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng
đất.
- Điểm c, khoản 4, Điều 102 Luật Đất đai quy
định:
“4. Cơ sở
tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở
hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
c) Không
phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01 tháng 7 năm 2004.”
Điều này có nghĩa là nếu đất của cơ sở tôn
giáo là đất được tặng, cho sau ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì Nhà nước không công
nhận đất này là đất của cơ sở tôn giáo và không được cấp Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất.
- Khoản 2, Điều 181 Luật Đất đai: Cơ sở tôn
giáo không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất;
không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tóm lại, để có địa điểm hợp pháp, nghĩa là
phù hợp với quy định của Luật Đất đai, thì cơ sở tôn giáo chỉ có 4 trường hợp:
1. Được Nhà nước giao đất
2. Đã có đất sử dụng ổn định từ trước và được
Nhà nước công nhận
3. Là bên thắng trong vụ việc tranh chấp đất
đai (nghĩa là đất đã tồn tại từ trước)
4. Đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho của
tổ chức, cá nhân nào đó trước 01/7/2004
Trong bốn trường hợp này, thì chỉ có trường
hợp 1 là được giao đất mới (nhưng điều này là quá khó trên thực tế!), 3 trường
hợp còn lại chỉ là xác nhận một thửa đất đã có từ trước.
Nếu một cơ sở tôn giáo mới lập tại một địa
điểm thì chỉ có con đường duy nhất là xin Nhà nước cấp đất. Nếu Nhà nước không
cấp (vì nhiều lý do) thì không đủ điều kiện để tổ chức tôn giáo đó tiến hành bất
cứ một sinh hoạt, hoạt động nào. Vậy quy định về quyền quản lý, sử dụng đất của
cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tại Điều 52, Dự thảo 5 chẳng còn lại ý nghĩa bao
nhiêu.
Rõ ràng, các quy định tại các Điều 13, 14,
18, 20, 22 kết hợp với Luật Đất đai đã hạn chế một cách nghiêm trọng quyền sinh
hoạt, hoạt động tôn giáo.
b. Điều 51
Dự thảo 5
Điều 51.
Hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực
thuộc
1. Cơ sở
tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được tổ chức quyên
góp, nhận tài sản hiến, tặng, cho trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân
trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Điều 51 này quy định quyền được nhận tài sản
quyên góp, dâng cúng, hiến tặng của cơ sở tín
ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Theo Điều 163 Bộ luật Dân sự (Luật số
33/2005/QH11, ngày 14 tháng 6 năm 2005), quyền tài sản cũng là một loại tài sản,
cụ thể ở đây, quyền sử dụng đất cũng là tài sản và tổ chức tôn giáo có quyền nhận
nó từ cá nhân, tổ chức hiến tặng. Tuy nhiên, theo các quy định của Luật Đất đai
vừa trích dẫn trên đây, tổ chức tôn giáo không được nhận quyền sử dụng đất qua
việc nhận chuyển nhượng, hiến tặng, dâng cúng kể từ thời điểm sau ngày 01 tháng
7 năm 2004; không được nhận thừa kế quyền sử dụng đất trong mọi trường hợp.
Đối với các cơ sở tôn giáo đã có đất hợp
pháp cũng không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử
dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Điều này đã hạn
chế hết sức to lớn các quyền quy định tại Điều 51, Dự thảo 5.
Tóm lại, các Điều 51 và 52 của Dự thảo 5 có
vẻ mở ra quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn
giáo trực thuộc, nhưng khi quy chiếu đến pháp luật liên quan, chính các luật
này đã đóng lại làm cho các quyền quy định tại hai điều này rất khó thể hiện
trên thực tế.
15. Tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực
thuộc
Dự thảo 5 quy định nhiều quyền cho tổ chức
tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc như hoạt động độc lập, có tài sản, có quyền
tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, từ thiện... Nhưng để có thể tham
gia vào các quan hệ pháp luật một cách đầy đủ, nghĩa là có thể độc lập thực hiện
quyền và nghĩa vụ của mình, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải
có tư cách pháp nhân.
Điều 84 và Điều 100 Bộ luật Dân sự (Luật số
33/2005/QH11, ngày 14 tháng 6 năm 2005) quy định về pháp nhân như sau:
Điều 84.
Pháp nhân
Một tổ
chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Được
thành lập hợp pháp;
2. Có cơ
cấu tổ chức chặt chẽ;
3. Có
tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản
đó;
4. Nhân
danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Điều
100. Các loại pháp nhân
1. Cơ quan
nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
3. Tổ chức
kinh tế.
4. Tổ chức
chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
5. Quỹ
xã hội, quỹ từ thiện.
6. Tổ chức
khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này.
Có thể nhận thấy tổ chức tôn giáo, tổ chức
tôn giáo trực thuộc có đủ điều kiện để được công nhận là pháp nhân (Điều 84)
nhưng trong Điều 100, về các loại pháp nhân, thì không được nói đến. Đây là một
bất bình đẳng nghiêm trọng. Vậy cần quy định rõ tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn
giáo trực thuộc khi có đủ điều kiện thì có tư cách pháp nhân. Chỉ khi được công
nhận quyền và nghĩa vụ một cách độc lập và đầy đủ như vậy, tổ chức tôn giáo mới
tự nhân danh mình để tham gia các quan hệ pháp luật một cách bình đẳng, tự bảo
vệ quyền lợi của mình và chịu trách nhiệm một cách độc lập trước pháp luật. Một
cách đặc biệt, những khó khăn trong lĩnh vực đất đai nói ở trên, khi công nhận
tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân, tổ chức tôn giáo có đủ quyền tham gia
các giao dịch dân sự theo như quy định của Bộ Luật Dân sự thì vấn đề sẽ được giải
quyết.
16. Đề nghị giải pháp cho mục 20 và 21 ở trên
Chính sách hạn chế trong Luật Đất đai và sự đối xử bất bình đẳng
khi không công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo trong Bộ Luật Dân sự
cần được sửa đổi, đó là điều kiện cần thiết. Khi xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn
giáo cần dự liệu những vấn đề này để tạo tiền đề cho những sửa đổi trong các luật
liên quan nhằm đồng bộ hóa pháp luật.
Trong Dự thảo 5, ở Chương IV (Tổ chức tôn giáo), Mục I (Tổ chức
tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc), sau các Điều 18, 19, 20 và 21 (Điều kiện,
thủ tục, thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập, chia, tách, sáp nhập,
hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc) chúng tôi cho rằng cần phải có thêm một
điều luật quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực
thuộc. Vì điều tất yếu sau khi công nhận một tổ chức là tổ chức tôn giáo, tổ chức
tôn giáo trực thuộc thì nó phải được hưởng những quyền lợi nào và có những
nghĩa vụ nào. Phải cho tổ chức tôn giáo đó thấy lợi ích mà họ có được khi tiến
hành thủ tục công nhận một tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Mặc
dù điều này đã được quy định ở Điều 5, nhưng về nội dung còn sơ sài và đặt quy
định này nơi Chương I (Những quy định chung) xem ra không đảm bảo sự thống nhất
về nội dung của điều luật này.
Vậy, đề nghị chuyển Điều 5 về sau Điều 21 và sửa đổi như sau:
Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của tổ
chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc
1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn
giáo trực thuộc có quyền sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo theo hiến
chương, giáo luật, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo đó.
2. Có quyền và nghĩa vụ đầy đủ
theo như quy định của Luật này.
3. Được công nhận là pháp nhân
khi có đủ các điều kiện do Bộ Luật Dân sự quy định.
17. Bổ sung một số điều luật để cụ thể hóa một số quyền khác của tổ
chức tôn giáo
Như
chúng tôi đã góp ý sửa đổi Điều 3 (Mục 2 ở trên), nội hàm của quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo bao gồm cả quyền có các ngày nghỉ lễ, và quyền thành lập, duy
trì cơ chế thông tin (quyền báo chí). Đây là các quyền quan trọng không thể thiếu.
Trong Dự thảo 5 chưa đề cập đến các quyền này. Vậy, đề nghị thêm các điều luật
vào trong Chương VII, Dự thảo 5 để cụ thể hóa các điều nói trên.
18. Giữ lại khoản luật về quan hệ quốc tế như trong Dự thảo 4
Điều 5 trong Dự thảo 4 quy định quan hệ quốc tế của Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt
trong khoản 2 quy định việc ưu tiên thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam
là thành viên. Đây là một điều luật quan trọng và đúng với quy tắc xây dựng, thực
thi pháp luật nhưng Dự thảo 5 lại bỏ mất điều luật này. Vậy, đề nghị đưa Điều 5
của Dự thảo 4 trở lại trong Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
***
Cuối cùng, xin được lưu ý rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
là quyền tự thân của con người. Con người khi sinh ra đã đương nhiên có quyền
đó chứ không phải là ân huệ được ban phát hay cho phép từ bất kỳ tổ chức, cá
nhân nào. Mọi vi phạm đến quyền tự do tôn giáo là xúc phạm đến con người và quyền
thiêng liêng tối thượng của con người. Vậy, mục đích trước nhất của việc ban
hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là để đảm bảo quyền tín ngưỡng, tôn giáo. Luật
này phải thể hiện được vai trò Nhà nước trong việc bảo vệ quyền tự do dân chủ,
tạo hành lang pháp lý an toàn để quyền tín ngưỡng, tôn giáo của con người được
thể hiện trên thực tế cuộc sống mà không bị tổ chức, cá nhân nào xâm phạm. Việc
quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cũng nhằm đến mục đích vừa
nêu trên.
Tuy nhiên, khi đọc Dự thảo 5, chúng tôi có thể nhận thấy mục tiêu
trên chưa được đặt lên hàng đầu, mà chỉ nhấn mạnh đến quản lý Nhà nước trong
lĩnh vực tôn giáo, thậm chí nhiều chỗ khoanh vùng tôn giáo bằng cơ chế “xin –
cho”, nhìn tôn giáo dưới khía cạnh nghi ngại, đặt tôn giáo vào các khung pháp
lý chật hẹp bằng cách lợi dụng sự hạn chế của các luật liên quan. Trong khi đó
Dự thảo 5 chưa chú trọng đến quy định trách nhiệm, chế tài cho các cơ quan, tổ
chức, cá nhân ở bên ngoài tôn giáo có hành vi xâm phạm đến quyền tôn giáo.
Vậy, đề nghị xem lại mục đích của luật này cũng như xét lại cách
nhìn nhận về nhân quyền, về quyền tín ngưỡng, tôn giáo một cách đúng đắn, trên
cơ sở đó mới mong xây dựng một luật phù hợp với chuẩn mực được.
Trên đây là những góp ý đầy thiện chí của chúng tôi với mong muốn
có một văn bản Luật tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với Hiến pháp, đồng nhất với
chuẩn mực Quốc tế, tiến bộ, đảm bảo nhân quyền để tạo điều kiện cho đất nước,
con người Việt Nam được phát triển. Ước mong Ban soạn thảo và những cá nhân, cơ
quan liên quan lắng nghe một cách nghiêm túc và có những đáp ứng phù hợp.
Chân thành cảm ơn!
TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VINH
Nơi nhận:
- Như trên;
- Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn;
- Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn;
- Đức Giám mục Chủ tịch HĐGM Việt Nam;
- Đức Giám mục Tổng thư ký HĐGM Việt Nam;
- Linh mục Chánh văn phòng HĐGM Việt Nam;
- Tòa Giám mục của các giáo phận;
- Lưu VP.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire