Trang

19/11/2016

ĐA ĐẢNG ĐỂ LÀM GÌ?


Lê Trung Tính (gửi cho BBC từ Anh Quốc)/ Theo Dân Quyền
 

Trong tuần qua, hàng vạn người dân Hàn Quốc tham gia biểu tình tại thủ đô Seoul đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Một cuộc xuống đường như vậy khó có thể xảy ra tại Việt Nam hiện nay, dầu nhiều người có thể mong muốn hay vận động cho chuyện đó.

Một lý do đơn giản là người dân không thể xuống đường thể hiện bất bình hay yêu cầu thay đổi nếu họ không thấy một lựa chọn, giải pháp chính trị nào khác ngoài đảng Cộng sản và các tổ chức chính trị trực thuộc.

Không như e ngại có thể của nhiều người, việc thành lập các chính đảng tại Việt Nam là một việc hợp pháp, khả thi nếu có một cách tiếp cận đúng và bắt đầu từ bây giờ.

 
 
Nhận định việc "người dân không thể xuống đường" của tác giả có hai cách hiểu:

- Nếu phải hiểu vì không có đảng khác nên "người dân không thể xuống đường" thì không hoàn toàn đúng khi nhìn vào sự sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu. Ở vào thời điểm đó, các nước này cũng không có đảng chính trị nào khác ngoài đảng cộng sản.
Sự nổi dậy của quần chúng khối Ả Rập chống chính quyền độc tài của họ trong những năm gần đây cũng không do các đảng chính trị, nếu có, phát động.

- Nếu phải hiểu "người dân không thể xuống đường" vì thiếu "giải pháp chính trị" đối trọng với ĐCS thì cũng không đúng với hiện tình Việt Nam, khi mà hằng ngày các mạng xã hội phản ánh quan điểm chính trị của giới đấu tranh trong nước.

Chúng tôi trân trọng quan điểm của tác giả và xin giới thiệu cùng bạn đọc.


Dân Quyền





Theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam, "Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước."

Đảng phái là những tổ chức chính trị để thực hiện những hoạt động trên. Điều 9 Hiến pháp Việt Nam 2013 ghi "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội». Quyền công dân về chính trị cũng được ghi trong điều 14 và 16 của Hiến pháp.

Việc "giành, giữ và sử dụng" quyền lực nhà nước trong lịch sử được thực hiện bằng các hình thức chính như sử dụng vũ lực, ban hành luật, thương lượng, biểu tình ôn hòa, vận động bầu cử. Vì an ninh của con người và đất nước Việt Nam, chúng ta phải dứt khoát nói không với việc sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực từ bất cứ chính đảng nào và chỉ ủng hộ các hình thức hoạt động chính trị ôn hòa.

Các chính đảng sẽ đại diện và đảm bảo quyền lợi cho những thành phần dân chúng hay những mối quan tâm (môi trường, biên giới lãnh thổ…) khác nhau. Thương lượng, thỏa hiệp hay cạnh tranh ảnh hưởng, cụ thể nhất qua kết quả bầu cử là cách giải quyết và dung hòa văn minh các khác biệt về lợi ích và mối quan tâm. Điều này giảm thiểu khả năng dẫn đến căng thẳng và đối kháng.

Thậm chí khi có căng thẳng, biểu tình, hỗn loạn, các chính đảng sẽ đại diện những người dân bất bình đối thoại với nhà nước, đảng cầm quyền để tìm ra giải pháp tối ưu. Điều này chỉ có thể tốt hơn cho đất nước và trong một chừng mực nào đó hỗ trợ đảng đang cầm quyền trong việc quản lý đất nước và giải quyết khủng hoảng.

Hoạt động chính trị, sinh hoạt đảng phái do đó hoàn toàn không có nghĩa chống phá nhà nước, mà ngược lại nó chỉ làm nhà nước mạnh hơn, tăng sự ổn định và tính chính danh qua việc đại diện trọn vẹn người dân và đáp ứng được nhiều mối quan tâm.

Cần bỏ tâm lý e ngại hoạt động chính trị

Việc cấm đoán, hạn chế các tổ chức chính trị ở Việt Nam một mặt là sự vi hiến, vi phạm quyền công dân, một mặt là sai lầm của của đảng Cộng sản khi khước từ các lực lượng đại diện để giải quyết các khác biệt về lợi ích và thương lượng lúc khủng hoảng.

Việc thành lập và hoạt động đảng phái một cách ôn hòa là một điều văn minh và tiến bộ của xã hội. Đây là điều mà người dân Việt Nam cần ý thức để có cách nhìn đúng, thông cảm và trân trọng đối với những chính trị gia ở bất kỳ chính đảng nào. Những người có tư tưởng dân chủ và có ảnh hưởng cũng cần tránh có những nhận định tiêu cực về các hoạt động chính trị kiểu như "đội lốt tổ chức dân sự để hoạt động chính trị", hay "tôi chỉ phản biện chứ không bao giờ làm chính trị", "không bao giờ tham gia đảng phái". Mong muốn dân chủ, có bầu cử tự do nhưng lại e ngại hoạt động chính trị và đảng phái chẳng khác nào thích có hàng hóa nhưng lại cấm sản xuất.

Về phần mình, những người hoạt động chính trị cần vừa phê phán chính sách hiện tại vừa mạnh dạn đề ra những giải pháp, định hướng cho đất nước như những người cầm quyền tương lai ở nhiều cấp bậc và vị trí khác nhau. Họ cần làm điều này một cách nghiêm túc và cẩn trọng, với ý thức rằng những giải pháp của họ sẽ ảnh hưởng đến đất nước và nhiều mặt cuộc sống của người dân.

Vì cuối cùng thì chính trị không phải là những gì xa xôi. Đó là tiền lương của anh công nhân, là công bằng cơ hội để chị phó phòng có thể lên trưởng bằng năng lực chứ không cần vào một đảng phái nào, là giá xăng, là thuế doanh nghiệp, là tiền hưu của công nhân viên chức trong hay ngoài hệ thống chính quyền, là việc có ăn được cá hay không, là đi làm về chiều nay có phải dầm mình hay cuốn trôi trong nước ngập…

Cần thay đổi cách tiếp cận

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị nhà nước Việt Nam bắt bớ và làm khó dễ, tuy đây không phải là lý do chính, cần xác định rõ ràng rằng các đảng phái được thành lập không nhằm lật đổ đảng Cộng sản, càng không phải để triệt tiêu, báo thù (những điều mà chúng ta cũng phải dứt khoát nói không). Các đảng phải chính trị ở Việt Nam, dầu đại diện cho ai hay giá trị nào đều cần một đường lối hoạt động rõ ràng, ôn hòa, minh bạch, tôn trọng lắng nghe và đối thoại.

Mục tiêu của đa nguyên chính trị là một nước Việt Nam tự do, dân chủ, tất cả các thành phần dân chúng đều được đại diện, các giá trị cơ bản và những mối quan tâm được tôn trọng. Muc tiêu đó lớn hơn rất nhiều việc tồn tại hay không của đảng Cộng sản.

Mặc dầu có thể được hình thành với các đường hướng và nhiệm vụ để giải quyết vấn đề của nước Việt Nam, các chính đảng có thể bắt đầu từ một số ít người và tham gia hoạt động chính trị trong phạm vi một vài địa phương cũng như giới hạn vào những mối quan tâm vừa phổ quát vừa sát sườn của người dân. Cách tiếp cận này vừa tăng tính khả thi vừa rèn luyện những kinh nghiệm quý báu cho các đảng phái mới thành lập.

Cần bắt đầu - start up

Trong một chừng mực nào đó, việc các nhà hoạt động dân sự, chính trị tại Việt Nam chỉ dừng ở các tổ chức dân sự hay phản kháng trên mạng xã hội cũng phần nào tương tự với việc bàn luận về ý tưởng kinh doanh từ ngày này qua ngày khác mà không lập công ty, hay chỉ lập các tổ chức phi lợi nhuận. Trong kinh doanh, ý tưởng chỉ mới là 1% của con đường.

Thành lập chính đảng, hoạt động chính trị là một con đường dài, đòi hỏi dấn thân, cực kỳ kiên trì và chấp nhận rủi ro. Sự trân trọng và nhìn nhận đúng của người dân sẽ là điều đảm bảo, ít nhất về tinh thần cho các chính trị gia. Và trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, càng nhiều chính đảng được thành lập, các đảng đó càng có nhiều cơ hội để lớn mạnh.

Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam cần các chính đảng khác với đảng Cộng sản. Đối mặt với các vấn đề đạo đức, kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường hiện nay, khi mà sự tồn vong sinh học của con người và đất nước Việt Nam bị đe dọa, việc một đảng độc quyền lãnh đạo là một điểu không thể và không nên cho tất cả 90 triệu người dân, trong đó có 4.5 triệu đảng viên Cộng sản và gia đình.

Lê Trung Tính
(gửi cho BBC từ Anh Quốc)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire