Trang

19/11/2016

Lãnh tụ và thời đại


Trần Trung Đạo: "Cuộc đấu tranh chống chế độ Phân Biệt Chủng Tộc Nam Phi của tổ chức ANC (African National Congress) do Nelson Mandela lãnh đạo là một bài học điển hình và một tấm gương sáng để soi. Trong một thời gian dài khi Mandela và các bạn chiến đấu của ông còn chịu đựng tù đày, các tổng thống Mỹ từ Ronald Reagan tới George H.W. Bush chẳng những không viện trợ mà còn kết án ANC là khủng bố. Nhưng các lãnh tụ ANC không vì thế mà nản lòng, bỏ cuộc, trái lại vẫn kiên trì tranh đấu và khi phong trào CS châu Âu sụp đổ, họ nắm bắt cơ hội ý thức thời đại đang chuyển về hướng dân chủ để thay đổi Nam Phi.
Nền dân chủ Việt Nam cũng vậy. Dân chủ Việt Nam như một bông hoa mọc lên giữa bụi cây đầy gai nhọn và rất khó gỡ ra, nhưng vẫn phải vươn lên. Dân chủ là văn minh của thời đại và không có chọn lựa nào khác ngoài dân chủ."
 

Lãnh tụ tạo nên thời đại hay thời đại tạo nên lãnh tụ vẫn còn là một vấn đề được tranh luận nhưng chắc chắn cả hai có một quan hệ hỗ tương, gắn bó chặt chẽ trong đó ý thức của thời đại đóng vai trò quyết định. Nhìn lại một giai đoạn lịch sử hay một sự kiện chính trị để phán xét là điều quá dễ dàng nhưng khi sống ngay trong giai đoạn đó thì khó có thể phán xét đúng và sai, nhân và quả.

Vài trường hợp thường được đem ra thảo luận.

Neville Chamberlain và quan điểm “thời đại hòa bình”

Một lãnh đạo quốc gia dân chủ bị phê bình nặng nhất trong Thế chiến Thứ hai là Thủ tướng Anh, Lord Neville Chamberlain. Tuy nhiên trong thời điểm tháng Chín 1938, ông ta là một anh hùng của nước Anh.

Ngày thứ Sáu, 30 tháng Chín, 1938, thủ đô London giống như một ngày hội. Theo tin tức trên các báo, buổi sáng hôm đó Thủ tướng Lord Neville Chamberlain sẽ thành công trở về sau cuộc hội đàm với Quốc trưởng Đức Adolf Hitler. Nhiều báo còn kêu gọi dân chúng cùng đi đón thủ tướng tại phi trường bằng mọi phương tiện. Các hãng xe bus đưa thêm xe, tàu điện ngầm tăng thêm chuyến. Hàng ngàn dân Anh nô nức đổ ra phi trường Heston, cách thủ đô London chín dặm, để chào đón thủ tướng của họ.

Khi cánh cửa máy bay vừa mở, Thủ tướng Anh Lord Neville Chamberlain bước xuống cầu thang. Ông nói như hét vào tai của Bộ trưởng Ngoại Giao Anh, Lord Halifax, đang đứng trong hàng viên chức ra tiếp đón thủ tướng “Tôi đạt được rồi, tôi đạt được rồi”. Ý ông là đạt được thỏa hiệp với Hitler. Thủ tướng Anh rút trong túi một tờ giấy và cẩn thận mở ra và đọc nguyên văn “Chúng tôi, Quốc trưởng Đức và Thủ tướng Anh đã họp thêm sáng nay và cùng công nhận rằng mối quan hệ giữa Anh và Đức là mối quan hệ quan trọng hàng đầu đối với hai nước cũng như đối với toàn châu Âu. Chúng tôi nhìn nhận thỏa hiệp được ký tối qua và thỏa hiệp hải quân Anh-Đức như biểu tượng cho ước muốn của nhân dân hai nước sẽ không bao giờ phát động chiến tranh chống nhau lần nữa”.

Ý thức chủ hòa là ý thức chung của đại đa số dân Anh lúc bấy giờ. Câu nói bất hủ của Neville Chamberlain “Hòa bình trong thời đại chúng ta” vang dội khắp nước Anh trong những ngày sau đó nhưng cũng chính câu nói này đã ám ảnh ông cho đến khi ông qua đời hai năm sau.

Adolf Hitler và mộng bành trướng Châu Âu

Buổi sáng ngày 19 tháng 8, 1934 là ngày nhân dân Đức đi bỏ phiếu để hợp thức hóa vai trò lãnh đạo tối cao của Adolf Hitler. Một cột báo lớn trên trang nhất long trọng công bố “Hôm nay Adolf Hitler là biểu tượng của nhân dân Đức”. Tổng thống Paul von Hindenburg qua đời hai ngày trước.

Cuôc đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1928, hiệp ước Versailles và quan điểm chủ hòa của phe đồng minh Anh-Pháp đã góp phần để đưa một chính trị gia chỉ được 32% số phiếu bầu hai năm trước trở thành “lãnh tụ anh minh” với gần 98.9% cử tri Đức ủng hộ trong lần bầu cử 1934, và trở nên một “cứu tinh dân tộc”. Theo sử gia Sebastian Haffner, ngay cả một số người Đức bỏ phiếu chống Hitler trước đó cũng quay sang ủng hộ Hitler.

Đành rằng, bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc Xã do Joseph Goebbels điều hành đóng một vai trò rất lớn trong việc vận dụng tinh thần yêu nước của người dân Đức, phần chủ yếu vẫn cũng là ý thức chính trị chung của người dân Đức. Hậu quả của ý thức thời đại đó như mọi người đều biết là Thế chiến Thứ hai với khoảng 80 triệu người chết.

Một trường hợp sẽ được nghiên cứu sâu rộng sau này là trường hợp Donald Trump.

Gác qua một bên những tình cảm yêu ghét, quan điểm đạo đức, lập trường chính trị, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy nước Mỹ đang cần và đã tạo nên một nhân vật Trump.

Ý thức thời đại đang quay về với một loại chủ nghĩa quốc gia ngay trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Do đó, đừng lấy làm ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin được 83 phần trăm dân Nga được thăm dò chấp thuận hay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được 76 phần trăm dân Philippines được thăm dò chấp thuận. Nước Mỹ đang cần một lãnh đạo có khả năng làm lực đối trọng với Vladimir Putin của Nga, Tập Cận Bình của Trung Quốc, với Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỳ, với Hassan Rouhani của Iran, và cũng có khả năng đặt vấn đề quyền lợi cũng như trách nhiệm một cách thẳng thắn với các quốc gia đồng minh của Mỹ.

Trong các tiệc tùng hay tại các quán nhậu, người ta có thể cười thoải mái về các chuyện đời tư hay cá tính của Donald Trump nhưng khi đem so sánh với các chính sách của Hillary Clinton, cử tri Mỹ đã nghĩ khác. Chọn lựa trước thùng phiếu khác với tình cảm trong quán nhậu. Niềm tin của cử tri Mỹ, ngoài việc cần phải thay đổi còn dựa vào xương sống của nền dân chủ Mỹ, đó là nguyên tắc đối trọng (checks and balances) giữa ba ngành chánh phủ. Nguyên tắc đối trọng hữu hiệu ngay cả trong trường hợp hành pháp lẫn lập pháp thuộc một đảng. Trong nhiệm kỳ đầu của TT Barack Obama, đảng Dân Chủ nắm đa số tại Thượng Viện lẫn Hạ Viện nhưng quan điểm thiểu số Cộng Hòa vẫn được tôn trọng và nhiều đạo luật phản ảnh tinh thần lưỡng đảng.

Xin mở ngoặc ở đây, trong phương pháp bầu cử theo cử tri đoàn, mục đích của ứng cử viên là chiếm được đa số cử tri đoàn và mục đích đó chi phối toàn bộ các phương pháp vận động bầu cử. Một số người không nghiên cứu tường tận cách thức bầu cử cử tri đoàn dựa trên đa số nhưng tôn trọng quyền thiểu số của Mỹ, đã vội vã phê bình là khiếm khuyết, thiếu dân chủ hay lẽ ra Hillary Clinton nên là tổng thống. Luật bầu cử của một quốc gia trước hết đặt cơ sở trên các giá trị lịch sử và điều kiện chính trị đặc thù của quốc gia đó. Nước Mỹ là liên bang của những tiểu bang, trong đó mỗi tiểu bang có chiều dày lịch sử, văn hóa, dân số và địa lý khác nhau. Nước Mỹ hình thành không phải từ “một mẹ trăm con” hay một dân tộc có nhiều ngàn năm lịch sử, mà là gặp nhau từ bốn phương trời với vỏn vẹn trên dưới 300 năm lịch sử. Phần lớn mười ba thuộc địa đầu tiên dựng nên nước Mỹ, ngoại trừ New York, đều là những thuộc địa nhỏ. Do đó, giải pháp bầu theo cử tri đoàn là giải pháp tối ưu để vừa thuận theo đa số nhưng tôn trọng thiểu số. Nếu theo phương pháp phổ thông đầu phiếu, người dân tiểu bang Wyoming sẽ chẳng có quyền quyết định gì trong chính trị Mỹ vì tiểu bang này chỉ có hơn nửa triệu dân so sánh với California dân số hơn ba mươi tám triệu.

Tranh chấp Biển Đông

Chiến lược của Mỹ trong tranh chấp Biển Đông có lẽ là điều mà mọi người Việt ưu tư về đất nước quan tâm.

Trong tư cách Ngoại Trưởng, Hillary Clinton từng tuyên bố tại Diễn đàn Khu vực về Hợp tác an ninh ở châu Á tổ chức tại Hà Nội hôm 23 tháng Bảy, 2010: “Hoa Kỳ, giống như các quốc gia khác, có quyền lợi quốc gia về tự do hàng hải, mở cửa những thủy lộ chung tại châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Hoa Kỳ chia sẻ quyền lợi này, chẳng những với các quốc gia thành viên ASEAN hoặc các quốc gia tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN, mà còn với các quốc gia có nhu cầu về hàng hải khác và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn”.

Sau hơn 6 năm từ tháng 7, 2010, Trung Cộng vẫn tiếp tục dùng vũ lực khống chế khu vực biển Đông, độc quyền khai thác các nguồn dầu mỏ, khoáng sản, và xâm phạm quyền lợi của các quốc gia vùng Đông Nam Á, tiếp tục tăng cường quân sự, hiện đại hóa võ khí và đe dọa chủ quyền các quốc gia Á Châu.

Còn quá sớm để nhận xét về chính sách đối ngoại của Donald Trump về Á Châu và cũng không có nghĩa Donald Trump lên Trung Cộng sẽ rút khỏi Biển Đông, nhưng rõ ràng một sự thay đổi về phương pháp đối đầu với những quốc gia đang xung đột quyền lợi với Mỹ là những gì cử tri Mỹ đang muốn thấy.

Hiểu được hướng đi của thời đại là điều rất cần thiết cho những ai đang mưu cầu một tương lai tốt đẹp, tự do dân chủ cho Việt Nam. Các nước nhỏ không có nhiều chọn lựa mà chỉ có thể vận dụng và phải biết vận dụng trong mọi tình huống.

Cuộc đấu tranh chống chế độ Phân Biệt Chủng Tộc Nam Phi của tổ chức ANC (African National Congress) do Nelson Mandela lãnh đạo là một bài học điển hình và một tấm gương sáng để soi. Trong một thời gian dài khi Mandela và các bạn chiến đấu của ông còn chịu đựng tù đày, các tổng thống Mỹ từ Ronald Reagan tới George H.W. Bush chẳng những không viện trợ mà còn kết án ANC là khủng bố. Nhưng các lãnh tụ ANC không vì thế mà nản lòng, bỏ cuộc, trái lại vẫn kiên trì tranh đấu và khi phong trào CS châu Âu sụp đổ, họ nắm bắt cơ hội ý thức thời đại đang chuyển về hướng dân chủ để thay đổi Nam Phi.

Nền dân chủ Việt Nam cũng vậy. Dân chủ Việt Nam như một bông hoa mọc lên giữa bụi cây đầy gai nhọn và rất khó gỡ ra, nhưng vẫn phải vươn lên. Dân chủ là văn minh của thời đại và không có chọn lựa nào khác ngoài dân chủ.

Lịch sử của Nam Phi, Miến Điện và sẽ của Việt Nam, được viết bởi những người ở lại chứ không phải bởi những kẻ bỏ đi.

Trần Trung Đạo
Nguồn: Theo Blog Trần Trung Đạo
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire