Trang

05/11/2016

CẢM THÁN LŨ

Huỳnh Ngọc Chênh
Cả tuổi thơ của tôi sống chung với lụt. Năm nào lụt không vào vườn hoặc vào nhà, tôi buồn lắm. Sau khi lên đỉnh, nước rút ra sắp hết lụt tôi buồn còn hơn sắp hết tết.
Quê tôi, huyện Hoà Vang, QNĐN có kinh nghiệm sống chung với lụt, biết khai thác mặt tích cực của lụt để hưởng lợi và kiểm soát được tác hại của nó.
Lũ về Nha Trang - ảnh trên mạng

Nhưng đó là lụt, nước cứ lên từ từ trong vòng vài ba ngày rồi rút ra. Còn lũ như bây giờ thì khủng khiếp quá. Nước từ trên núi cao trút xuống mạnh hơn thác đổ, cộng với những hồ thuỷ điện xả lũ điên cuồng, nước vọt lên từng giờ rồi nhấn chím cả một vùng rộng lớn trong một đêm thì không có gì mà thoát kịp. Mấy năm trước Nam Ngãi, vừa rồi Hà Tĩnh Quảng Bình và mới đây nhất cả vùng rộng lớn từ Bình Định đến Phú Yên, Khánh Hoà bị nhấn chìm nhanh chóng, luôn luôn gây ra chết người và bao nhiêu thiệt hại khác về gia súc và nhà cửa.
Trước đây, rừng phía tây miền Trung rậm rạp giữ nước lại nên dù mưa lớn mấy cũng chỉ gây ra lụt chứ không gây ra lũ.
Quê nhà Hoà Xuân của tôi



Bây giờ thì rừng núi trên ấy tan hoang hết rồi.
Quản lý nhà nước quá tệ, ý thức người dân kém, lòng tham của lâm tặc và bọn con buôn vô tận là nguyên nhân gây ra sự tan nát rừng xanh.
Nhưng chừng đó cũng chưa đủ để đẩy núi rừng Trường Sơn vào hiện trạng thê thảm như hiện nay.
Ba đại công trình của nhà nước hoặc được nhà nước cho phép mới là những đòn giáng quyết định khai tử rừng đầu nguồn.
Đại công trình thứ nhất là đường dây 500 KV Bắc Nam kéo dọc theo Trường Sơn. Tôi từng nhiều lần theo chân những người mở đường dây nên thấy mức độ huỷ diệt rừng ăn theo đường dây rất lớn. Bản thân các đường công vụ để xây dựng trụ móng và để kéo đường dây đã tiêu diệt biết bao nhiêu là rừng và sau đó chúng cũng là "đường công vụ" giúp sức đắc lực cho bọn lâm tặc khai thác và đưa gỗ về xuôi. Nhưng để có dòng điện thông suốt thì đành phải chấp nhận chứ biết làm sao.
Tôi chỉ có hơi chút băn khoăn từ hồi đó mà mãi đến hôm nay vẫn chưa có câu trả lời là tại sao không kéo đường dây 500 dưới đồng bằng mà đưa lên tận triền núi cao cho tốn kém và gây thiệt hại cho rừng.
Đại công trình thứ hai là đường Trường Sơn công nghiệp hoá. Cách đây hơn 20 năm còn nghèo khó, thay vì dồn hết tiền nâng cấp quốc lộ 1A thành đường cao tốc để làm động lực phát triển kinh tế thì lại để cho nó thê thảm đến tận bây giờ, mang tiền của lên núi làm đường cho tốn kém, để rồi không khai thác hết công suất lại tốn tiền tỉ bảo dưỡng hàng năm vì sạt lỡ.
Nhưng quan trọng hơn nữa là tác hại của con đường ấy gây ra với rừng đầu nguồn. Nó góp công rất lớn cho bọn lâm tặc phá rừng.
Đại công trình thứ ba là hàng loạt công trình thuỷ điện phía Tây miền Trung được cấp phép búa xua.
Thường thuỷ điện phải kết hợp thêm chức năng điều tiết lũ, ấy vậy mà hầu hết thuỷ điện ở VN đã không có chức năng ấy mà còn có tác dụng ngược lại.
Phần lớn các nhà máy thuỷ điện đều lợi dụng giấy phép phá rừng để phá rừng nhiều gấp bội lần được phép, rồi xây dựng đập chất lượng kém, nước chưa lên bao nhiêu đã lo xã chứ sợ bể đập...
Cả một dãi đất miền Trung kéo dài từ Nghệ An vào đến tận Ninh Thuận, Bình Thuận hầu như năm nào cũng có lũ lớn, không nơi nầy thì nơi khác. Đặc biệt năm nay dường như lũ toàn miền, trong đó Hà Tĩnh và Quảng bình còn bị lũ lần thứ hai.
Nguy hiểm là tình trạng lũ càng ngày càng nhiều và càng lớn không thể nào khắc phục được, vô phương cứu chữa. Trong khi đó thì do biến đổi khí hậu, thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt hơn.
Bế tắc cho đồng bào tôi.
FB Huynh Ngoc Chenh

Những cảnh lũ ở miền Trung vừa rồi:
(Ảnh sứu tầm trên mạng)








1 commentaire:

  1. Tuổi thơ của tôi cũng đã có những vui buồn như tác giả mỗi khi lụt về.Anh em tôi dùng cây cắm xuống đất để theo dõi nươc lên, xuống.Nước rút lại buồn.Mỗi lân nước vào thị xã Cẩm Thành (thành phố Quảng Ngãi bây giờ)là túa ra đường dạo lụt vui như ngày tết.Chỉ có mỗi trân lụt năm giáp thìn (1963)là gây nhiều thiệt hại.Hơn 41 năm lãnh đạo, quản lý(làm chủ thì dân quá biết rồi)sao mà năm nào tai họa từ lũ lụt cũng đến không nơi này thì nơi khác.Kêu trời không thấu!

    RépondreSupprimer