Trang

05/11/2016

Mạn đàm về "sự im lặng của những người tử tế!"


Xuân Dương

 

(GDVN) - Làm thế nào để tiêu diệt “nhóm lợi ích hỗn hợp kinh tế và chính trị” khi nó đã biến tướng và trở thành độc quyền?
 
 


Tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X năm 2015 diễn ra vào tối 21/6/2016, thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận (báo in) chỉ có duy nhất một bài đoạt giải A, đó là bài  “Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ” của tác giả Vũ Ngọc Hoàng - cộng tác viên Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản.

Quả thật đây là một bài báo thú vị, cởi mở, rất mạnh dạn và cũng đầy suy tư trăn trở của người từng giữ cương vị Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Những bài chính luận có chất lượng như thế trên mặt báo những năm gần đây không nhiều.

Chịu khó lướt qua các báo điện tử sẽ thấy rất nhiều bài mà độ “nhạy cảm” đã được các tác giả cố hạ xuống sao cho phù hợp nhất, chẳng hạn “Thương con gà Việt Nam”; “Triết lý tàu lá chuối”; “Tiền dân cao và trí dân… thấp”; “Văn miếu Vĩnh Phúc xây xong chưa biết thờ ai”;  “Ám ảnh giang hồ trong làng báo”…


Nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (bên trái) và ông Trịnh Xuân Thanh (Ảnh: vneconomy.vn).


 
Bài báo của ông Vũ Ngọc Hoàng đã đoạt giải A, song chắc ông cũng chả chấp mấy ông đồ già nhà quê “thêm chút mắm, bớt chút muối” nhân lúc “nhàn cư vi hữu thiện”?

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng: “Lợi ích nhóm đã khá nghiêm trọng, tương đối phổ biến, ở cấp nào cũng có, cấp cao hơn thì mức độ càng nặng hơn, ở lĩnh vực nào cũng có, kể cả ở những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội thường cho rằng đó là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch”.

Điều mà ông Hoàng viết đã được chứng minh chính xác tuyệt đối qua vụ Formosa Hà Tĩnh đầu độc biển bốn tỉnh miền Trung và vụ Trịnh Xuân Thanh từ một đơn vị thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng mà ông ta là người đứng đầu bỗng thành Phó Chủ tịch tỉnh.

Có điều những “địa chỉ” mà chính ông Hoàng còn ngại nêu đích danh, khiến ông phải dùng cách vòng vo tam quốc với cụm từ “nơi luôn trang nghiêm, trong sạch” thì hôm nay đã không còn được xem là vùng cấm.

Hai công văn của Văn phòng Trung ương Đảng truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tên người và địa chỉ cụ thể nhiều cơ quan “trang nghiêm, trong sạch” đó.

Bài viết của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đăng ngày 2/6/2015 trên tạp chí Cộng sản, với ý muốn “cảnh báo nguy cơ”.

Chưa đến một năm sau, đó không còn là nguy cơ mà đã là sự thật, có phải chỉ cần mấy tháng để “nguy cơ” biến thành “sự thật”?

Dùng từ “cảnh báo” dễ làm cho người ta chủ quan, thậm chí có khi người ta còn nghĩ “cảnh báo” nghĩa là chưa xảy ra, chỉ cần chú ý đề phòng, giống như cảnh báo cháy rừng, cảnh báo dịch bệnh, cảnh báo sóng thần...

Một khi “lợi ích nhóm đã khá nghiêm trọng” mà lại ở “nơi luôn trang nghiêm, trong sạch”, khi mà “cấp cao hơn thì mức độ càng nặng hơn”, thì đó đã là một “thực trạng” có tính phổ biến trong xã hội, cả trong thực tế lẫn trong lý luận…

Vậy nên dùng từ “cảnh báo” có phải cũng chính là cách hạ độ “nhạy cảm” xuống trạng thái “bình dân”, chỉ vừa đủ khiến người đọc giật mình?


Thực ra người dân chỉ biết chuyện lợi ích nhóm tồn tại ở “cấp cao”, ở nơi “trang nghiêm, trong sạch” một cách khá mơ hồ qua nhận định của Tiến sĩ Hoàng chứ không tìm được thông tin cụ thể.

Chỉ sau khi Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với hàng loạt cán bộ, đảng viên, cơ quan Đảng, chính quyền từ Trung ương xuống địa phương thì dân mới biết đích danh một số cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc này.

Con đường mà Trịnh Xuân Thanh đã đi, từ người làm doanh nghiệp nhà nước thua lỗ - tức là viên chức kém - trở thành công chức Bộ Công thương, trở thành Phó Chủ tịch tỉnh, suýt trở thành đại biểu Quốc hội cho thấy:

“Nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị” - theo cách đặt tên của Tiến sĩ Hoàng - là có thật, họ không khác mấy so với các tập đoàn mafia chống lưng cho tội phạm trở thành nghị sĩ, thị trưởng hay chính khách mà các phim truyền hình Hollywood trình chiếu.

Đến đây thì vấn đề trở nên hơi đặc biệt, nói thế bởi vì dư luận tập trung “ném đá” Trịnh Xuân Thanh, thậm chí còn tìm thấy khoản tiền hơn nửa tỷ mừng sinh nhật “bố sếp tổng” mà hình như “bỏ quên” chi tiết nghi vấn rằng Trịnh Xuân Thanh chỉ là con tốt trên bàn cờ quyền lực?

Cũng giống như nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Mỹ, các nhóm tài phiệt dùng sức mạnh tổng hợp tiền – quyền để đưa người phe nhóm mình trở thành Tổng thống, Thủ tướng, Thượng nghị sĩ…

Người dân đã nghe được, đã cảm nhận được sự quyết tâm của Tổng Bí thư (Ảnh: nld.com.vn).

 
Khi đã đắc cử, các chính khách không thể không chú ý đến quyền lợi của lực lượng đã hậu thuẫn mình, đó là các hợp đồng béo bở, là các điều luật lợi cho phe này, hại cho phe kia…

Trịnh Xuân Thanh được bao che tội lỗi khi làm ăn thua lỗ, được đẩy đi, kéo lại, tất cả nhằm mưu đồ tạo nên một chính khách tương lai.

Một khi đã ngồi ghế cao hơn, Trịnh Xuân Thanh có dám quay lại chống đối thế lực đã đưa ông ta lên ghế cao, chức trọng hay sẽ răm rắp làm theo “lời khuyên” của họ”?

Bên cạnh Trịnh Xuân Thanh, còn bao nhiêu “gương mặt thân quen?.”


Có thể cho rằng thành công của Trịnh Xuân Thanh một phần bởi người này giỏi luồn lọt nhưng cái chính là ông ta đã được tuyển chọn. Được dọn đường và vì thế ông ta chỉ việc tuân theo các nước cờ vạch sẵn.

Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo Hậu Giang, một tỉnh tận đồng bằng sông Cửu Long lại đích thân xin Trịnh Xuân Thanh về làm lãnh đạo.

Không phải ngẫu nhiên đang vui vẻ ở thủ đô Trịnh Xuân Thanh lại cam lòng về tận Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh nếu không phải có ý kiến từ ai đó.

Càng không phải ngẫu nhiên vị trí tỉnh ủy viên lại không cần sự gật đầu của cơ quan được giao trách nhiệm quản lý.

Không khó để dự đoán, rằng một số người đã chuẩn bị Trịnh Xuân Thanh như là con bài dự trữ cho bước “hoàng hôn nhiệm kỳ”, nếu điều đó trót lọt thì dẫu có vui thú điền viên, chỉ một cú nhấn nút “cục gạch” cũng khiến khối người van lạy. 



Có điều người tính không bằng trời tính, vài người chủ trương việc ấy đã “buông lỏng quản lý” sự ngông nghênh của kẻ “được lựa chọn” khi khoác biển xanh cho chiếc “Lếch xù” cá nhân mang từ Hà Nội vào Hậu Giang.

Vấn đề là hiện nay từng “nhóm lợi ích” có “ông trùm” hay không và các nhóm có phải “cá mè một lứa” hay đã có “nhóm lợi ích” trở thành “ông trùm” của các “nhóm lợi ích” khác?

Từ thực tế cuộc sống, có thể thấy tác hại của các “nhóm lợi ích” là không giống nhau, tầm bao quát, tầm ảnh hưởng là khác nhau.


“Nhóm lợi ích kinh tế” nắm quyền mua, quyền bán, quyền định giá, không chế thị trường ví dụ như giá bán điện, xăng dầu, giá bất động sản…

Nhóm lợi ích tài nguyên môi trường” thể hiện qua vụ Formosa mọi người đều đã biết.

Một “nhóm lợi ích” chưa được đặt tên đang tìm cách vô hiệu hóa Hiến pháp và pháp luật.

Thể hiện qua vụ ông Phí Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội  và cộng sự được đề xuất miễn truy cứu hình sự vụ vỡ ống nước sạch Sông Đà, hay vụ chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo với cán bộ phạm tội “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”.

Người viết tán đồng quan điểm của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, rằng thực tế đã tồn tại “nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị”, nhóm này không chỉ “chi phối” mà còn “thâu tóm, lũng đoạnNhà nước.

Dù làm ăn kinh tế thua lỗ, Trịnh Xuân Thanh vẫn thăng tiến trên con đường chính trị, điều này không thể xảy ra nếu “kinh tế” và “chính trị” là hai nhóm độc lập.

Sự kết hợp hai nhóm “kinh tế” và “chính trị” thành “nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị” là điều nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước bởi chúng tạo nên “Bộ tham mưu” cho đạo quân tiên phong của giặc nội xâm.

Không tiêu diệt được “nhóm lợi ích” này dân tộc và đất nước sẽ không có tiền đồ.

Nhưng làm thế nào để tiêu diệt “nhóm lợi ích hỗn hợp kinh tế và chính trị” khi chúng đã biến tướng và trở thành độc quyền?

Người viết cho rằng cách thức mà Tiến sĩ Hoàng đề cập “khẩn trương nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực (bằng quyền lực Nhà nước, quyền lực của nhân dân và công luận)” có gì đó chưa rõ ràng, chưa khả thi.

Vì sao lại cho rằng sử dụng “quyền lực Nhà nước, quyền lực của Nhân dân và Công luận”  để “bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực” là chưa khả thi?

Như đã nói ở trên, “nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị” không chỉ “chi phối” mà còn “thâu tóm, lũng đoạn” Nhà nước, thế nên tại thời điểm này sử dụng “quyền lực Nhà nước” để bổ sung, điều chỉnh cơ chế kiểm soát quyền lực là không ổn.

Kiểm soát “quyền lực Nhà nước”, có ý kiến cho rằng muốn đạt hiệu quả như mong muốn thì nên chọn một cơ quan ngoài biên chế.

Mặt khác cơ chế kiểm soát quyền lực chỉ được phép áp dụng với cơ quan Nhà nước và đội ngũ thực thi công vụ, không thể hình thành bất cứ cơ chế nào cho phép kiểm soát quyền lực của Nhân dân (và Công luận) bởi quyền lực của Nhân dân là tuyệt đối và không có giới hạn; bởi Nhà nước là của dân, do dân và vì dân.

Nói cách khác, “nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực” chỉ có thể là một cơ quan độc lập, không bị “nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị” chi phối?

Đó chỉ có thể là Nhân dân và Công luận dưới sự lãnh đạo của đội tiên phong có bản lĩnh, kinh nghiệm, không sợ hy sinh lợi ích cục bộ, được Nhân dân tin tưởng, lựa chọn.

Trong đối ngoại chúng ta “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, đối với giặc nội xâm chỉ có thể “đấu tranh” chứ không có chuyện “hợp tác”.

Vậy thì cơ quan, tổ chức nào sẽ nhận được sự tín nhiệm của Nhân dân, vì nhân dân hy sinh, vì nhân dân quên mình trong hoàn cảnh niềm tin trong dân đang giảm sút nghiêm trọng?

Nếu Đảng tin Dân, nếu Đảng ở trong Dân chứ không ở trên Dân chắc chắn Dân sẽ tin Đảng. 



Hãy để cho Dân nói tiếng nói ủng hộ và tranh biện các chủ trương, đường lối. Hãy để Công luận cất tiếng nói từ trái tim chứ không phải nói theo “quy trình”.

Làm được điều đó, chỉ những điều đó thì sự nghiệp của Đảng chắc chắn sẽ thành công.

Điều may mắn là người dân đã nghe được, đã cảm nhận được sự quyết tâm của Tổng Bí thư, đã thấy chuyển động trong nhận thức ở cấp rất cao.

Tuy nhiên người dân đã nghe nhiều rồi, cũng rất kiên nhẫn rồi.

Lịch sử các quốc gia từ Đông sang Tây cho thấy một chân lý, những Quân vương, những nhà lãnh đạo khôn ngoan không mấy ai thử thách sự kiên nhẫn của cả một dân tộc.

Sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, sự yếu kém về kinh tế, khoa học kỹ thuật dẫn tới an ninh quốc gia bị đe dọa, cuộc sống của người dân không bình an… không bắt nguồn từ “nhóm lợi ích”, mà từ sự im lặng của những người tử tế.

Tài liệu tham khảo:


Xuân Dương
 
Nguồn: Theo GDVN

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire