Trang

22/12/2016

NGHỊCH LÝ trong LỰC LƯỢNG VŨ TRANG


                                         -Nguyễn Đăng Quang-

        Hôm nay, 22/12/2016, Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) kỷ niệm 72 năm ngày thành lập. Trong 72 năm qua, đội quân anh hùng của chúng ta đã lập được nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng là quân đội “của dân, do dân, vì dân”! Nhìn lại lịch sử chiến đấu và trưởng thành của QĐNDVN, chúng ta rất tự hào về những thành tích và chiến công mà quân đội ta đã đạt được trong 72 năm qua. Song, công bằng mà nói, QĐNDVN trong giai đoạn gần đây, đặc biệt là từ khi ông Đại tướng Phùng Quang Thanh nắm Bộ Quốc phòng trong gần 10 năm (2006-2016), đã xuất hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng. Xin nêu 2 trong số các vấn đề nổi cộm mà tôi gọi là nghịch lý, cụ thể như sau:


     1). Nghịch lý thứ nhất: Quân đội là lực lượng chủ yếu cấu thành Lực lượng Vũ trang. QĐNDVN hiện có biên chế vừa phải. Theo số liệu năm 2014, quân đội có khoảng 412.000 binh sỹ tại ngũ. Đến nay (2016) tăng lên khoảng 450.000. Nhưng số sỹ quan cấp tướng (từ Thiếu tướng trở lên) thì quân đội ta lại quá nhiều! Theo số liệu của Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc Hội, tính đến thời điểm 2014, QĐNDVN có tất cả 489 sỹ quan cấp tướng tại ngũ! Với số lượng này, QĐNDVN đứng đầu thế giới về số sỹ quan cấp tướng, vượt hơn cả số tướng của quân đội Trung Quốc và cả của Mỹ nữa! Hãy làm phép so sánh nhanh là mang con số 489 tướng lĩnh ngày nay so với số tướng lĩnh của QĐNDVN trong 2 cuộc kháng chiến trước đây để thấy rõ hơn nghịch lý này:

        - Trong cuộc Kháng chiến chống Pháp (1946-1054), QĐNDVN chỉ có tổng cộng 12 sỹ quan cấp tướng (gồm 1 Đại tướng, 1 Trung tướng và 10 Thiếu tướng)! Ấy vậy nhưng quân đội anh hùng của chúng ta vẫn đánh thắng một đội quân sừng sỏ của một đế quốc to, đưa cuộc Kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đến Chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng!

          - Còn trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ (1965-1975), LLVT của ta (gồm QĐNDVN và Quân Giải phóng miền Nam) có tổng quân số khoảng 1,2 triệu binh sỹ, kể cả số quân đóng trên miền Bắc, nhưng ta chỉ có khoảng 60 sỹ quan cấp tướng, kể cả 36 vị tướng chỉ huy trực tiếp tại toàn chiến trường miền Nam cũng như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dẫn đến Đại thắng mùa Xuân 1975!


        Cũng theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc Hội, con số 489 sỹ quan cấp tướng nói trên đã “dôi ra” 74 vị so với số lượng 415 sỹ quan cấp tướng mà Luật Sỹ quan QĐNDVN 2014 (sửa đổi) dự định trình Quốc hội để xin chuẩn y. Đấy là chưa kể số “thiếu tướng chìm” hay còn gọi là “đại tá nhô”, tức số sỹ quan cấp đại tá không được phong hàm thiếu tướng nhưng lại được hưởng lương tướng! Như vậy trung bình cứ 900 binh sỹ thì có 1 sỹ quan cấp tướng. Đây quả là tỷ lệ cao nhất thế giới, chẳng quốc gia nào có được! Nhưng chưa hết, nếu căn cứ vào tỷ lệ bình quân của quân đội chuyên nghiệp trên thế giới hiện nay là cứ 1 sỹ quan cấp tướng sẽ có khoảng 120 sỹ quan thuộc cấp (từ đại tá xuống đến thiếu úy), thì QĐNDVN (theo số liệu mới nhất năm 2016, ta có 475 sỹ quan cấp tướng tại chức) thì Việt Nam có ít nhất khoảng 57.000 sỹ quan đeo quân hàm từ thiếu úy đến đại tá! Nếu con số này chính xác, thì QĐNDVN có một đội ngũ sỹ quan đồ sộ! Quả là Viêt nam có một đội ngũ sỹ quan mà không một đội quân nào trên thế giới, kể cả quân đội Trung Quốc hoặc quân đội Hoa Kỳ có nổi! Nếu xét theo bình diện: Số lượng tướng lĩnh cộng với tổng số sỹ quan so với tổng biên chế quân nhân tại ngũ, thì đây quả là nghịch lý của LLVT ta hiện nay! Liệu có quốc gia nào trên thế giới với tiềm lực kinh tế như Việt Nam (GDP khoảng gần 200 tỷ USD/năm) có thể chịu nổi nghịch lý này không? Tôi tin là không! Vậy ai là người chịu trách nhiệm để nghịch lý này xảy ra và tồn tại đến nay? Tôi nghĩ đã đến lúc rất cần một cuộc cải tổ sâu rộng và toàn diện trong LLVT nói chung, QĐNDVN nói riêng, kể cả việc xác định cụ thể đối tượng tác chiến trước mắt và lâu dài của quân đội ta!

         2). Nghịch lý thứ hai: Tại sao phải có quân đội? Mọi quốc gia phải xây dựng và duy trì quân đội là để bảo vệ Tổ quốc, để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia! Đây là nhiệm vụ hàng đầu, là nghĩa vụ tối cao và thiêng liêng của quân đội mọi quốc gia trên thế giới. QĐNDVN ta không nằm ngoài trách nhiệm cao cả này. Từ ngày ra đời đến nay, QĐNDVN ta luôn được nhân dân thương yêu, đùm bọc và nuôi dưỡng. Trong suốt 3 cuộc chiến tranh vệ quốc, quân đội ta được nhân dân nhường cơm, xẻ áo, được toàn dân che chở, nuôi dưỡng! Không phải ngẫu nhiên mà năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Kháng chiến của ta đổi tên “Quân đội Quốc gia Việt Nam” thành “Quân đội Nhân dân Việt Nam”! Từ khi ra đời đến nay, QĐNDVN do nhân dân Việt Nam nuôi dưỡng, chứ không do một tổ chức hoặc một đảng phái chính trị nào trả lương hay nuôi dưỡng cả! Do vậy, đương nhiên quân đội phải có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, chứ không thể trung thành với đảng phái hay tổ chức chính trị nào cả! Đây là nguyên tắc thiêng liêng và bất di bất dịch của mọi quân đội trên thế giới, chứ không chỉ riêng QĐNDVN ta!

        Trở lại những tháng ngày lịch sử khi quân đội ta mới ra đời. Cách đây 70 năm, ngày 26/5/1946, đến dự lễ khai giảng khóa sỹ quan đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng Nhà trường bức trướng thêu 6 chữ vàng “TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN!” Trong dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN” là bổn phận thiêng liêng, là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sỹ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta!”. Từ đó khẩu hiệu này được toàn quân coi như lời thề thiêng liêng, nó theo chân các binh đoàn quân đội ta đi khắp các chiến trường đất nước: đánh Pháp thắng lợi, kháng Mỹ thành công, giúp nước bạn Căm-pu-chia thoát nạn diêt chủng, đánh bại 60 vạn quân Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc đầu năm 1979! Lịch sử quân đội ta thật oai hùng, ít có quân đội nào trên thế giới sánh kịp. Nhân dân ta rất tự hào về đội quân của mình!

       Sau năm 1975, Việt Nam ta đã 3 lần sửa đổi Hiến pháp. Hai lần sửa đổi đầu tiên, Hiến pháp năm 1980 (Điều 51) và Hiến pháp năm 1992 (Điều 45) đều vẫn giữ nguyên câu: “LLVTND phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân. Nhưng đến bản “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013”, tại Điều 70, người ta lại sửa thành: “ LLVTND phải tuyệt đối trung thành với Đảng CSVN, Tổ quốc và Nhân dân”. Vậy là họ muốn quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản đầu tiên, chứ không “Trung với Nước, Hiếu với Dân” như trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn và huấn thị! Còn trước đấy, lời thề thiêng liêng của quân đội “TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN!” đã bị lặng lẽ thay bằng câu “TRUNG VỚI ĐẢNG, HIẾU VỚI DÂN!” từ khi nào chẳng ai hay! Nhiều người lên tiếng góp ý, đòi giữ nguyên như cũ thì bị quy chụp đủ điều và bị đe dọa là sẽ xử lý nghiêm, mặc dù trước đấy, Đảng kêu gọi toàn dân góp ý sửa đổi Hiến pháp , kể cả ý kiến trái chiều! Xin Đảng cứ yên tâm, quyền lãnh đạo quân đội vẫn là của Đảng, không có cá nhân, tổ chức hoặc đảng phái nào muốn tranh giành và cũng không đủ sức tranh giành quyền này cả! Ngày nay, mọi người đều thừa nhận thực tế sau đây như một chân lý hiển nhiên: “QĐNDVN từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu!” chứ có ai nói “QĐNDVN từ Đảng mà ra, vì Đảng mà chiến đấu!” đâu? Nhân đây, người viết bài này xin đề nghị những ai muốn thay đổi di huấn của cố Chủ tịch HCM đối với QĐNDVN trả lời câu hỏi sau đây: “Tiền lương hàng tháng chi trả cho quân đội, ngân sách quân sự hàng năm dùng để mua súng đạn, quân trang, quân dụng, máy bay, tầu ngầm, tên lửa, xe tăng, tầu chiến, v.v... lấy từ tiền thuế của dân hay lấy từ quỹ riêng của Đảng?” Nếu ai nói đấy là tiền quỹ của Đảng, thì người đó nên đề nghị Đảng đổi tên QĐNDVN thành Quân đội Cộng sản Việt Nam cho dễ hiểu, vuông tròn rõ ràng, tránh được những tranh cãi và căng thẳng không cần thiết!

       Về nghịch lý này, tác giả bài thơ nổi tiếng “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” là cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh nêu lên thắc mắc: “Khẩu hiệu của quân đội là “Trung với Đảng”, vậy sao khi hy sinh lại ghi trên bia mộ là “Tổ quốc ghi công” chứ không phải là “Đảng ghi công?”. Xin hoan nghênh và cảm ơn cô giáo Trần Thị Lam, và xin mời những ai chủ trương thay đổi di huấn của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay vì dọa nạt và o ép cô giáo Lam, hãy lên tiếng trả lời công khai câu hỏi trên của cô giáo đầy trí tuệ Trần Thị Lam đi!

 

Hà Nội, ngày 22/12/2016.

Nguyễn Đăng Quang

(Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập QĐNDVN và 27 năm ngày “Quốc phòng toàn dân”)       

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire