Trang

20/12/2016

Quy trình và tiếng dân


Xuân Dương 
Cán bộ luôn được bổ nhiệm theo đúng quy trình. (Ảnh minh họa trên Báo Lao động)
 
Nếu “sợi dây kinh nghiệmrút mãi chẳng hết thì món ngon “quy trìnhnấu mãi cũng chẳng nhừ, cứ cho vào nồi đun, thêm tí sốt… ruột, một chút mì chính hiệu “Du Di” cộng với ít rau rút… là có món canh tuyệt đỉnh!
 
 
 


Từng có ông nghị sĩ dõng dạc tuyên bố tại Quốc hội, rằng “dân trí Việt Nam không cao”.


Một số cán bộ cấp vừa vừa cũng không ngần ngại phát biểu: “không phải hỏi người dân có đồng thuận hay không”, [1] hay  “Cái gì cũng phải hỏi ý kiến (dân) hay sao?...  động đến cái gì cũng đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì”. [2]

Còn nhớ ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam từng phát biểu: “
Nói thật, tìm một người đủ điều kiện cho đi học rất khó,
tìm đỏ mắt không ra”.

Câu nói của ông Phước Thanh mới chỉ là trong phạm vi tỉnh Quảng Nam, nơi mà ông từng là người đứng dầu!

Đến lượt ông Nguyễn Phong Quang - nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - trả lời báo chí: “
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ
rất khó tuyển người. Tuyển được một kế toán giỏi không dễ” thì phạm vi không còn là một tỉnh mà là cả vùng Tây Nam Bộ”. [3]




 
Thế có nghĩa là không chỉ cán bộ lãnh đạo cấp cao như ông Phước Thanh, ông Phong Quang mà loại thường thường cấp huyện như ông Phó Chủ tịch Quận Ba Đình hay ông nguyên Phó ban tên là Long ở Hà Nội cũng đều có chung quan điểm, rằng nước mình gần như không có người tài, mà nếu không có người tài thì phải chăng người Việt bây giờ… dốt hơn ngày xưa?

Nếu dân không “dốt” như các ông ấy đánh giá thì vì sao lại không cần phải hỏi ý kiến dân, vì sao lại “tìm (chỉ) một kế toán giỏi không dễ”, thậm chí cả tỉnh “tìm đỏ mắt không ra được một người” đủ điều kiện để cho đi đào tạo?


Chợt nhớ câu chuyện vị vua đời thứ 7 (?) nhà Đường bên Trung Quốc tên là Lý Long Cơ trị vì hơn 30 năm.

Danh tiếng của Lý Long Cơ không thua kém khai quốc Đại Đường Hoàng đế Lý Thế Dân, tạo nên giai đoạn thịnh trị tột bậc cho triều đại này. Lý Long Cơ được suy tôn là Đường Minh Hoàng.



Tên tuổi Đường Minh Hoàng vừa gắn với sự thông minh, tài trí, vừa gắn với những thói hư tật xấu, với sự hủ bại nhân cách của kẻ ngồi trên ngôi cao nhưng lại không coi luân thường đạo lý ra gì.

Chẳng biết có chút liên hệ nào với vị vua bên Tàu mà những cái tên như Huy Hoàng, Minh Hoàng ở nước Việt mình mấy hôm nay lại được dư luận quan tâm nhiều thế, chỉ có điều những người này không phải họ Lý mà đều họ Vũ.

Vũ Minh Hoàng đi du học bằng tiền của bố mẹ và “quyết tâm” trở về cống hiến cho đất nước có lẽ là một điểm sáng hiếm hoi, cả gia đình và cá nhân Hoàng cần được động viên khích lệ.

Nói thế vì có trường hợp như một ông Thứ trưởng từng tiết lộ: “hai con của ông đi du học nước ngoài cũng... không về nước”. [4] 

Lương Thứ trưởng cỡ trên chục triệu mà nuôi được hai con ăn học ở nước ngoài thì ông Thứ trưởng ấy quả là một “tấm gương” vượt khó cho mọi người học tập.

Vì thế nên không thể không đặt câu hỏi sao bố mẹ Vũ Minh Hoàng lại không học ông Thứ trưởng nọ, sao lại nỡ bắt con về làm việc xa nhà như vậy?

Có gì hấp dẫn mà Hoàng quay về, không học tập mười mấy quán quân Olympia du học, chỉ một hai người trở về góp sức xây dựng Tổ quốc?

Các triết gia cổ đại đã đúc kết: “cái gì lâu không dùng là cái sẽ mất”, dẫu có tài chơi đàn như Đặng Thái Sơn mà vài năm không động đến dương cầm thì tài năng có còn nguyên vẹn, dẫu có giỏi toán như GS. Ngô Bảo Châu mà nhiều năm không đụng đến toán thì tư duy toán sẽ thế nào? 



Ngay cả thứ trừu tượng là “niềm tin” nếu để lâu “không dùng” thì dẫu không mất cũng suy giảm nghiêm trọng.

Có lẽ mấy vị lãnh đạo cũ/mới tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thấm nhuần sâu sắc triết lý “cái gì lâu không dùng là cái sẽ mất” nên mới sốt sắng trong chuyện bổ nhiệm hàm Vụ phó cho chàng thanh niên có tên Minh Hoàng, có lẽ các ông ấy sợ “người tài lâu không dùng thì sẽ mất” chăng?

Nếu thế thì lại rất khó hiểu khi xuất hiện nhiều, rất nhiều “tiếng nói của truyền thông - tức là của người dân” (liên quan đến vụ việc) bị “để hơi lâu” mà các vị ấy… “không dùng”! 

Các vị ấy chỉ dùng “quy trình”, dùng “du di” như lời ông Nguyễn Phong Quang: “Trường hợp Huỳnh Thị Kim thì có nhiều năm đóng góp cho ban, cho Nhà nước, nên gần về hưu bổ nhiệm cho cô ấy có cái chức vụ phó cũng là hợp lý. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm ở ban này khó tìm người lắm, ít ai chịu về nên cũng có…du di”. [3]

Lẽ nào với mấy ông ấy việc mất “tiếng dân” chỉ là chuyện nhỏ, mất cái khác mới quan trọng?

Các cụ xưa có câu “sống lâu lên lão làng” để chỉ một hiện tượng không có gì hay ho, có lẽ ông Phong Quang rất tâm đắc với câu này nên mới nói: “gần về hưu bổ nhiệm cho cô ấy có cái chức vụ phó cũng là hợp lý”. 

Như vậy ông Quang dùng tiêu chuẩn “gần về hưu” để đề bạt Vụ phó chứ không phải các quy định của Đảng và Nhà nước?

Có phải những tiêu chuẩn mà Nhà nước quy định như thâm niên công tác, bằng lý luận chính trị,… đã bị “để lâu không dùng” nên buộc phải dùng tiêu chuẩn “gần về hưu”?

Tiêu chuẩn “gần về hưu” không phải chỉ được dùng cho việc cất nhắc cán bộ mà còn cho chính cả những ông ký quyết định cho người “gần về hưu”.

Có thể kể tên như ông Trần Văn Truyền, Nguyễn Thành Rum,… và một số ông ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trước kia và hiện tại.

Chẳng thế mà trong số ba người được nhắc đến nhiều (Nguyễn Phong Quang, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Thanh Hải) chỉ còn ông Nguyễn Quốc Việt là đương chức.

Tuoitre.vn ngày 13/12/2016 viết: “một số lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ trước đây và hiện nay mù mờ về lai lịch, quá trình học tập, thậm chí không hề biết phó vụ trưởng Vũ Minh Hoàng đã kết nạp Đảng từ khi nào và ở đâu!”.

Sự thật là như thế nhưng cả mấy vị lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Cần Thơ đều nói là làm “đúng quy trình”.

Nhận xét về “quy trình” có lẽ ý kiến của Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt đáng để dư luận tán thưởng:



Tất cả mọi thứ bây giờ đều đúng quy trình cả, không ai nói không đúng quy trình đâu. Người ta cũng bỏ phiếu từ trên xuống dưới đầy đủ, không có gì sai.

Nhưng thực tế rất vô lý. Anh không phải bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng thì ai dám đề xuất con anh, cháu anh”. (Vietnamnet.vn 15//12/2016)

Ông Đạt còn nói thêm: “nếu ông không phải là bí thư, bộ trưởng, chủ tịch còn lâu người ta mới đề bạt con cháu ông. Con nông dân học giỏi đầy ra đấy tại sao không xin việc được?”.

Có người nói đừng mất công hỏi “đồng chí Vũ Minh Hoàng là con đồng chí nào?”, nghĩ kỹ thì thấy chí lí bởi người ta thường nói “con cháu các cụ”, chả ai nói “con các cụ”, mà cháu thì đủ loại, cứ gì phải “một giọt máu đào”, miễn là khi alô, đầu dây bên kia nghe được “các cụ” khẳng định “nó là cháu đấy”!

Nếu “sợi dây kinh nghiệm” rút mãi chẳng hết thì món ngon “quy trình” nấu mãi cũng chẳng nhừ, cứ cho vào nồi đun, thêm tí sốt… ruột, một chút mì chính hiệu “Du Di” cộng với ít rau rút… là có món canh tuyệt đỉnh.

Nấu xong mang “quy trình” ra rửa tí nước lã lại nấu tiếp, chẳng thua gì sợi dây kinh nghiệm!

Không ít người cứ “gần về hưu” là chuẩn bị “chuyến tàu vét”, chuyện còn lại nếu “nhiệm kỳ sau” không chịu giải quyết thì chường lên bản món “canh quy trình”, cùng bất đắc dĩ thì rút một đoạn trong cái giây “dài nhất Việt Nam”, chẳng việc gì phải sợ?

Trở lại câu chuyện của Vũ Minh Hoàng, có lẽ truyền thông không công bằng cho lắm khi đề cập trường hợp thanh niên này, bởi so với câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa có một cô gái “nghe lời” người lớn làm “sếp” một công ty danh tiếng trong ngành xây dựng khi mới 24 tuổi” thì nào có khác.

Lúc ấy chỉ thấy “gió nhẹ” làm gì có “bão” như bây giờ. Lúc ấy chẳng phải có người thốt lên "Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinaconex PVC gây “sốt” vì xinh đẹp và quá trẻ"?

Công bằng mà nói, chuyện tuyển dụng, cất nhắc lên chức Vụ phó đâu phải do Minh Hoàng tự làm mà được.

Đấy là chuyện của các bậc cha chú. Phận con cháu, bề trên bảo sao nghe vậy, bảo làm Vụ phó là phải vâng, bảo làm Phó ban là phải… dạ (người Nam Bộ “dạ” nghĩa là “vâng”).

Việc làm đã được các bậc trưởng thượng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì còn gì phải đắn đo, cân nhắc? Không biết có ai phản đối khi nói “nghe lời cha chú khuyên bảo là con ngoan, nghe lời lãnh đạo là có chí… phấn đấu”?

Hai mươi sáu tuổi làm Vụ phó có gì đặc biệt, sao lại cứ đòi hỏi phải kinh qua thực tế?

Chuyện làm lãnh đạo một cơ quan, doanh nghiệp, khi cần là chuyển sang lĩnh vực khác, thậm chí vài lĩnh vực hoàn toàn khác đâu phải là chuyện chưa xảy ra, đâu cần phải có kinh nghiệm mới làm được “sếp”!

Lấy ví dụ như Trịnh Xuân Thanh, làm kinh doanh, làm Phó chánh văn phòng Bộ, làm Vụ trưởng - Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang,… đâu cần kinh nghiệm? 



Thực ra “kinh nghiệm” quan trọng nhất đã được đúc kết trong “9 diệu kế của Binh pháp quan trường” trong đó có kế thứ ba “Bắt quàng làm họ” và kế thứ năm “Đa ngân đắc tước”, loạt bài này hiện vẫn còn trên Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể tìm hiểu.

Tác giả người Mỹ Andrew Matthew trong cuốn sách nổi tiếng “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” (tái bản lần thứ 27) có câu đại ý: “không thể giúp người nghèo bằng cách nghèo như họ”.

Muốn giúp dân xóa đói giảm nghèo thì đương nhiên không thể… nghèo như dân! 

Thế nhưng khi “dân trí chưa cao” thì làm sao dân có đủ kiến thức học theo để thoát nghèo?

Liệu lúc đó có nên đề nghị “bộ phận không nhỏ” những người đày tớ nên học câu thơ Tố Hữu viết trong bài “Hãy đứng dậy” năm 1938: “Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống…”?

Nghe nói lúc đầu ông Tố Hữu dùng từ “cúi” sau mới đổi thành “quỳ”, nhưng sẽ là quá khó để mấy ông thuộc diện “không nhỏ” cam tâm “quỳ” cho “người ta lớn”.

Tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “quan điểm của Đảng là rõ ràng phòng, chống tham nhũng ở tất cả các cấp, không có vùng cấm, kiên quyết làm, không có nhân nhượng”.

Ý kiến của Tổng Bí thư cũng được Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và các vị lãnh đạo cao cấp khẳng định.

Vấn đề là liệu sẽ có sự “du di” nào đó khi “quy trình” và “rút kinh nghiệm” sẽ vẫn được tận dụng và “tiếng dân” sẽ vẫn “để lâu không dùng”?

Tài liệu tham khảo:





Xuân Dương
Nguồn: Theo GDVN

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire