Trang

16/12/2016

Sự đơn độc của người thầy!


 Nguyễn Cao
 

(GDVN) - Mấy trăm năm trước, cụ Nguyễn Trãi (1380-1442) đã từng viết: “Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi” và có lẽ câu thơ ấy vẫn đúng đến tận bây giờ!

Thầy Đỗ Việt Khoa từng
nhiều lần đứng lên tố cáo
tiêu cực.
 (Ảnh trên giaoduc.net.vn)
LTS: Trong thực tế, nhiều thầy cô giáo đứng lên chống tiêu cực thường bị trù dập, xa lánh. Đây là thực trạng đáng buồn trong nền giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.

Thầy giáo Nguyễn Cao phản ánh những điều mà giáo viên nhận được sau khi đấu tranh chống tiêu cực.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
 
 


Vụ "30 năm độc quyền làm Hiệu trưởng, một thầy giáo ở Cà Mau bị tố nhiều sai phạm" đã kéo dài nhiều tháng qua nhưng xem chừng vẫn còn phải chờ kết quả xử lý.

Hiệu trưởng vẫn tiếp tục lộng quyền và “hành” giáo viên một cách vô lí, gây nên bất bình cho dư luận.

Tại sao những sai phạm của ông Trần Vũ Cương (Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) không được giải quyết dứt điểm mà cứ nhì nhằng mãi để làm khổ giáo viên trong trường và làm ảnh hưởng đến uy tín của cả địa phương.

Và, cũng chính từ vụ việc này cho ta thấy được sự lẻ loi của giáo viên - những người dám đứng lên… để phản ánh sự thật.

Từ lâu, dư luận đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp của các cá nhân dám đứng lên tố cáo những sai phạm của các cơ quan chủ quản, sau đó bị trù dập, kiểm điểm và thậm chí là sa thải không còn là chuyện hiếm nữa.

Điều này cho ta thấy rằng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và ngành giáo dục nói riêng không dễ dàng chút nào, không phải chân lí bao giờ cũng thắng được cái sai trái, cái xấu.
Ngược dòng thời gian ta đã từng chứng kiến thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Hà Tây cũ) đứng lên tố cáo những tiêu cực trong thi cử, sai phạm trong quản lí của Ban giám hiệu nhà trường.

Ông đã được Bộ giáo dục tặng bằng khen, được làm khách mời chương trình Người đương thời.

Nhưng, sau đó là rất nhiều hệ lụy đau lòng. Đó là bị bôi nhọ, trù dập, không tăng lương đúng qui định, thậm chí là bị đánh dằn mặt tại nhà mình và đe dọa không được can thiệp vào công việc nhà trường … và cuối cùng không chịu đựng được nữa, năm 2010 thầy Khoa phải làm đơn thôi việc…!

Thầy giáo
Trương Hoài Phương - giáo viên bộ môn Sử trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bình Định có ý định mổ bụng tự sát ngay tại buổi lễ kỉ niệm 15 năm thành lập trường do phẫn uất bị đối xử không công bằng trong tập thể, bị trù dập có hệ thống trong nhiều năm liền, sau khi đã tố cáo những vi phạm của nhà trường.

Cô giáo Trần Thị Huyền có đơn tố cáo bà Phạm Thị Ánh Ngọc (Hiệu trưởng trường Mầm non Đắk Djrăng, Mang Yang, Gia Lai) lên nhiều cấp.

Sau đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai, huyện Mang Yang đã xác định rõ ràng sai phạm của hiệu trưởng Phạm Thị Ánh Ngọc.

Nhưng, khi bà Ngọc chưa bị xử lý thì cô Huyền (người kiện) điều chuyển dạy trường Mầm non xã Đắk Trôi, cách nhà khoảng 50km.

Thầy giáo Lê Vân ở Trường THPT Sơn Tịnh 1 (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về những sai phạm của hiệu trưởng.

Sau đó, hiệu trưởng Nguyễn Tấn Cảnh ký quyết định “buộc thôi việc”...

Những sự việc giáo viên đứng lên tố cáo rồi bị hành lên hành xuống không phải là ít. Vì thế, những sai phạm mà giáo viên biết thì cũng chỉ để biết mà thôi.

Họ không dám tố cáo bởi một lẽ đương nhiên là đấu tranh những sai trái, những bất cập thì ai bảo vệ họ? Và, có mấy khi chân lí đứng về người tố cáo đâu.

Nhiều đơn thư được gửi đi rồi lại được gửi lại cho đơn vị có người tố cáo hoặc khi thanh tra cấp trên về thì phần lớn kết luận là Ban giám hiệu đúng, còn bản thân người tố cáo là… thiếu cơ sở, thậm chí là vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.

Những sự việc nếu thanh tra có phát hiện sai phạm cũng chỉ nằm ở mức khiển trách, rút kinh nghiệm, cùng lắm là điều chuyển công tác.

Vì thế, sau một đợt thanh tra là dịp để người bị tố cáo có dịp “quan tâm” đến người tố cáo. Nên, cô giáo Mai Lệ Cẩm, giáo viên trường THCS Thanh Tùng (Đầm Dơi, Cà Mau) đứng ra phản ánh với báo chí về việc mình bị Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Tùng “đá như trái banh” cũng là một lẽ thường tình… mà dư luận đang chứng kiến.

Có một thực tế là khi cán bộ thanh tra hỏi giáo viên khác thì không mấy ai dám bênh vực giáo viên tố cáo, bởi lẽ họ phải nghĩ đến tương lai của họ, đến miếng cơm manh áo, cho dù là lương tâm cắn dứt.

Hỏi công đoàn, đoàn thanh niên, thanh tra thì cũng là chỗ thân thiết với Ban giám hiệu, hơn nữa đây là các đối tượng được Ban giám hiệu nâng đỡ và gắn chặt quyền lợi với nhau.

Và, thường là
thanh tra thì đa số là chỗ quen biết hoặc bạn bè thân thiết của các Ban giám hiệu nên chỉ cần có đơn tố cáo là mọi thông tin Ban giám hiệu đã nắm được, họ đã có thời gian chuẩn bị để hợp thức hóa tất cả các loại hồ sơ sổ sách để che đi những sai phạm (nếu có) của mình.

Trong công tác, nhiều giáo viên có ý kiến góp ý những sai trái của Ban giám hiệu thì sau đó là họ được gì?

Được dự giờ thường xuyên, được kiểm tra thường xuyên, được phân công những lớp có nhiều học sinh cá biệt, được bố trí thời khóa biểu rải rác ở các ngày trong tuần.

Thậm chí, họ "được" bố trí sai chuyên môn để làm những công việc hành chính và trong xét thi đua thì được đưa ra mổ xẻ từng những việc nhỏ nhất để cắt thi đua, có khi là xếp không hoàn thành nhiệm vụ như nhiều trường hợp mà báo chí đã nêu trong thời gian qua.

Ngành giáo dục không phải không có người dám đấu tranh, nhưng đấu tranh thì tương lai của những thầy cô ấy đi về đâu?

Chợt nhớ, cách đây hàng mấy trăm năm, cụ Nguyễn Trãi (1380-1442) đã từng viết: “Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi” và có lẽ câu thơ ấy vẫn đúng đến tận bây giờ!

Nguyễn Cao

Nguồn: Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire