Trang

19/08/2017

“Lời hứa dù hay ơi là hay, một con vẹt cũng nói được ngay!”


Tiến sĩ Trần Công Trục



 (GDVN) - “Chỉ có những quốc gia nào ‘lạc lối’ nhất Đông Nam Á mới tin vào bất cứ cam kết nào của Trung Quốc liên quan tới Biển Đông”.

Theo tin của Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói tại một buổi điều trần hôm 14/8/2017 trước Quốc hội Philippines rằng: "Trung Quốc sẽ không chiếm đóng thêm thực thể hay vùng lãnh thổ mới trên Biển Đông, theo một thỏa hiệp mới với Manila để “duy trì nguyên trạng”, giữa lúc 2 nước này đang tìm cách thắt chặt quan hệ."


Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: Reuters.



Ông Delfin Lorenzana thông báo, nước này đã đạt được một “thỏa hiệp sống chung” với Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong đó hai bên thỏa thuận ngăn cấm việc chiếm đóng thêm các cấu trúc địa lý mới, sẽ không xây dựng thêm các cơ sở mới trên bãi cạn Scarborough… [1]

Nhận định về lời hứa của Trung Quốc rằng “sẽ không lấn chiếm thêm các thực thể trên Biển Đông”, Giám đốc Quỹ Biển Đông (FESS) Trần Trường Thủy cho hay:

Trung Quốc đã đưa ra cam kết này từ lâu rồi. Trên trang cá nhân, ông Thủy viết:

"Trung Quốc đã đưa ra lời cam kết này cùng lúc với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002…"

Nhà nghiên cứu Biển Đông, Bill Hayton của Chatham House ở London thì nói thẳng suy nghĩ của mình rằng:

“Chỉ có những quốc gia lạc quan nhất Đông Nam Á mới tin vào bất cứ cam kết nào của Trung Quốc liên quan tới Biển Đông.”

Với chúng tôi, sau khi nghiên cứu kỹ “lời hứa” nói trên, chúng tôi đồng tình với nhận định của ông Trần Trường Thủy, nhưng không hoàn toàn nhất trí với nhận xét của nhà nghiên cứu Bill Hayton. 

Bởi lẽ theo chúng tôi, nhận xét chính xác hơn phải là:

“Chỉ có những quốc gia nào ‘lạc lối’ nhất Đông Nam Á mới tin vào bất cứ cam kết nào của Trung Quốc liên quan tới Biển Đông”. 

Tại sao chúng tôi lại có thể đưa ra nhận xét thẳng như vậy vào lúc này, khi vẫn biết rằng cần phải phấn đấu để thực hiện chủ trương bảo vệ hòa bình, ổn định, nguyên trạng, để tìm cách giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế?

Trước hết, có lẽ chúng ta nên cùng nhau phân tích thực chất “lời hứa” của Trung Quốc cụ thể ra sao, có đúng như thông tin do ông Bộ trưởng Quốc phòng Philippines báo cáo trước Quốc hội của mình không?

“Lời hứa dù hay ơi là hay, một con vẹt cũng nói được ngay”

Theo chúng tôi, phải chăng đã có sự ngộ nhận nào đó về thông tin liên quan đến "lời hứa" của Trung Quốc được đưa ra từ phía một số quan chức Philippines?


Để làm sáng tỏ thêm, chúng tôi xin trích dẫn nguyên đoạn tin Reuters tường thuật màn hỏi đáp của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc với báo giới: 

“Được hỏi về tuyên bố của Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói:

Trung Quốc có chủ quyền với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận, Trung Quốc tiếp tục cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua thương thảo với các bên trực tiếp có liên quan.”

Nguyên văn tiếng Anh là: 

“Asked about the Philippine comments, Chinese Foreign Ministry spokeswoman Hua Chunying said that China had sovereignty over the Spratly Islands and their nearby waters, and would continue to dedicate itself to peacefully resolving the dispute through talks with the parties directly involved.” [2]

Nếu căn cứ vào tuyên bố chính thức này thì đã quá rõ để nhận ra 2 thâm ý.

Một là, Trung Quốc không bao giờ chịu từ bỏ yêu sách “chủ quyền” phi lý của họ đối quần đảo Trường Sa và các vùng biển trong phạm vi đường “lưỡi bò”.

Chỉ có điều họ "giấu lưỡi bò" vào khái niệm mập mờ mà họ vẫn gọi là “vùng biển phụ cận”, một thuật ngữ không có trong hệ thống pháp lý quốc tế mà họ “sáng tạo” ra. 

Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc vẫn tiếp tục công việc mà họ đã từng tuyên bố là rất “bình thường” trong phạm vi mà họ nói có “chủ quyền từ thời cổ đại”. 

Như thế khi đối phương không thuận theo Bắc Kinh, họ có thể lật ngược 180 độ và nói trắng ra rằng:

Việc nâng cấp, cải tạo, xây dựng, kể cả hành động “quân sự hóa”, chiếm đóng thêm các thực thể mà họ đơn phương khẳng định rằng chúng là một bộ phận của “Nam Sa quần đảo” là không có gì phải bàn cãi. 

Hai là Trung Quốc “sẽ tiếp tục đàm phán giải quyết hòa bình tranh chấp với các bên liên quan trực tiếp". 

Hàm ý của mệnh đề này, theo chúng tôi là Trung Quốc chỉ đàm phán song phương “với”(with) các bên liên quan trực tiếp, chứ không phải đa phương, “giữa”(among) các bên liên quan trực tiếp. 

Như vậy, lập trường nguyên tắc của Trung Quốc không hề thay đổi mà có chăng cũng chỉ là sự thay đổi về ngôn từ, hình thức thể hiện nhằm “đánh lừa” dư luận và những ai “nhẹ dạ cả tin”. 

Bài học sự kiện Scarborough năm 2012… vẫn còn nguyên giá trị.

Thế nên bất giác “lời hứa” này làm người viết nhớ tới bài hát thiếu nhi quen thuộc mà các cháu vẫn bi bô:

"Lời hứa dù hay ơi là hay, một con vẹt cũng nói được ngay!” 

Cứ tưởng là để dạy thiếu nhi, nhưng xem ra còn có thể dạy cả các siêu cường, và đồng thời là lời nhắc nhở các nước nhỏ trong quan hệ với nước lớn.

Chỉ hứa không làm, còn gài bẫy

Chúng tôi trộm nghĩ, ai yêu chuộng hòa bình và công lý mà chẳng muốn trở thành người “lạc quan” để tin vào những điều tốt đẹp như ngôn từ Trung Quốc đã tuyên bố trên phương diện tuyền thông, ngoại giao từ trước đến nay?


Nhưng đáng tiếc, thực tế đã diễn ra trên Biển Đông lại hoàn toàn trái ngược với những gì mà Trung Quốc đã hứa.

Chẳng hạn nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc ngày 25/9/2015 đã tuyên bố trước thế giới rằng:

Nước ông sẽ không quân sự hóa Biển Đông, những cơ sở họ xây dựng trên đảo nhân tạo nhằm mục đích phục vụ cho những mục tiêu dân sự cứu nạn, nhân đạo. 

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nói với bà Ngoại trưởng Úc: báo chí chỉ làm lớn chuyện lên mà không đế ý đến những việc mà Trung Quốc làm tốt trong khu vực, như là những hải đăng trên các đảo để tàu thuyền qua lại… 

Trong thực tế, dư luận đều biết và ngày càng nhận rõ Trung Quốc nói không bao giờ đi đôi với việc làm.

Thậm chí trong nhiều tình huống, các bên liên quan phải hiểu ngược lại thì mới không bất ngờ trước diễn biến trên thực địa.

Họ nói một đường làm một nẻo. 

Đặc biệt là trong những phát biểu ngoại giao, họ tỏ rõ ra mềm dẻo và thiện chí, thậm chí dỗi hờn rồi đổ lỗi cho dư luận, cho phương Tây, cho “kẻ bên ngoài khu vực”.

Nhưng thực chất những lời hứa này chỉ nhằm để che đậy những toan tính, âm mưu khác.

Chúng tôi cho rằng, những lời hứa này có liên quan đến việc Trung Quốc vận động hành lang Philippines để tránh đề cập đến Phán quyết Trọng tài hay phản đối quân sự hóa Biển Đông vào cuộc họp của ASEAN với các đối tác vừa qua.

Xa hơn nữa, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược phân hóa ASEAN ngày một sâu hơn, tiến tới mục tiêu thống trị không gian an ninh khu vực và đẩy Mỹ ra xa.

Bởi vậy chúng tôi rất tán đồng và đánh giá rất cao phát biểu mới nhất của cựu Thủ tướng Australia, ông John Howard kêu gọi Úc cùng với Mỹ cầm trịch chống bành trướng ở Biển Đông.

Tờ The Australian ngày 18/8 đưa tin, cựu Thủ tướng Australia ông John Howard dự đoán, sớm muộn gì thì Úc cũng sẽ phải tham gia hoạt động bảo vệ tự do và an ninh hàng hải, hàng không trên Biển Đông do Mỹ dẫn đầu.

Theo cựu Thủ tướng Úc, đó là cách tốt nhất để Canberra giữ được vai trò trung lập, đồng thời chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên tuyến đường hàng hải huyết mạch này.

Ông John Howard cho rằng:

"Trung Quốc đã vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Úc nên sẵn sàng tham gia bất kỳ nỗ lực nào chống lại điều này.

Tôi nghĩ rằng đất nước này (Australia) nên sẵn sàng ở một số điểm, nếu hoàn cảnh cho phép, đó sẽ là một sự cân nhắc của chính phủ vào thời điểm đó, để tham gia cùng với Mỹ và các nước khác cầm trịch trong khu vực."

Ông dự đoán, Trung Quốc sẽ không từ bỏ mục tiêu của họ ở Biển Đông.

Và cho dù chưa vội phải tham gia ngay, nhưng Australia nên tính tới một số trường hợp có thể tham gia hoạt động thực thi Phán quyết Trọng tài với Hoa Kỳ.

Ngày 10/8, một tàu khu trục của hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý xung quanh đá đảo nhân tạo Vành Khăn đang bị Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp). [3]

Nói theo kiểu Trung Quốc thì "người ngoài cuộc" như ông John Howard còn nhận thấy rất rõ mục tiêu, toan tính của Trung Quốc và nguy cơ cho Biển Đông, cho khu vực.

Vì vậy cá nhân người viết không tin rằng các nhà lãnh đạo Philippines lại không nhận thấy điều này, bởi dân chúng nước này còn nhận ra được.

Phải chăng công bố "lời hứa" của Trung Quốc là một nước cờ chiến thuật để Manila neo buộc hòa bình, ổn định, rồi uyển chuyển tìm cách hóa giải vấn đề trên cơ sở các bên đều chấp nhận được. 

Chưa tìm được giải pháp ngay, thì chí ít cũng đóng băng hiện trạng, hạn chế tối đa tạo cớ cho Trung Quốc?

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải lưu ý rằng, duy trì đoàn kết thống nhất trong ASEAN là điều cực kỳ quan trọng.

Còn nếu ai đó quá “lạc quan” hay bị “lạc lối” trong tư duy của mình trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc mà tin vào những lời hứa, thiếu một sự chuẩn bị, thiếu khoảng lùi thích hợp, thì có thể sẽ phải trả giá.

Hãy chớp những cơ hội có thể để tỏ thiện chí hợp tác với Trung Quốc trên tinh thần sòng phẳng, cùng có lợi cho đôi bên và hòa bình, ổn định của khu vực, nhưng phải hết sức tỉnh táo trước các lời hứa, nhất là khi đối phương có quá nhiều thủ thuật tinh vi.


Tài liệu tham khảo:





Tiến sĩ Trần Công Trục

Nguồn: Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire