Trang

04/11/2017

Hàng giả xuất xứ: Nhà nước không vô can


Bùi Tâm An



(TBKTSG) - Nói một cách phũ phàng thì Khaisilk chỉ là trường hợp mới nhất (và có lẽ là đình đám nhất khi ông chủ là người nổi tiếng) bị phát hiện giả xuất xứ hàng hóa. Chuyện đáng buồn này vốn đã rất phổ biến ở Việt Nam nhiều năm qua bởi doanh nghiệp không vượt qua nổi sự cám dỗ của đồng tiền có nguyên nhân từ sự lơ là của cơ quan quản lý.



Trò chuyện với TBKTSG, chủ tịch một doanh nghiệp chuyên gia công và sản xuất hàng nội y đã kể ra tên tuổi của hàng loạt thương hiệu trong ngành này đang “treo đầu dê bán thịt chó”, từ “hàng hiệu bình dân” đến từ nước ngoài (có thương hiệu nhưng có giá bán vừa phải), đến những thương hiệu được đánh giá là hàng Việt Nam chất lượng cao. Ông biết về họ không chỉ vì cùng trong ngành hàng nên biết nhau mà còn vì có thương hiệu đặt công ty ông gia công với số lượng nhỏ, mục đích là để có chứng từ nguồn gốc Việt Nam cho hàng hóa chứ phần lớn hàng của họ là được gia công ở Trung Quốc. Điều này cũng được một người phụ trách bán lẻ của thương hiệu kia xác nhận với TBKTSG vì thân tình. Chị còn cho biết bản thân chị vì sợ thị trường vàng thau lẫn lộn nên chị thường mua đồ dùng cho mình mỗi khi đi nước ngoài.
Những lời đồn, thậm chí là lời tố cáo có bằng cớ cũng đến tai đơn vị tổ chức bình chọn hàng Việt Nam, và theo lời của một người ở đơn vị này thì mỗi lần tổ chức hội chợ là phải cho người bí mật kiểm tra hàng hóa của các đơn vị bị tố có đăng ký tham gia, chưa kể những đợt xin thăm nhà xưởng, cơ sở sản xuất để xác tín... Lãnh đạo một tổ chức bình chọn cũng từng chia sẻ tình trạng hàng vỏ Việt ruột Tàu diễn ra với cả những doanh nghiệp đã từng có quá trình đấu tranh với hàng giả, hàng nhái nhiều năm trước đó. Bà cũng đã bằng cách này cách khác cảnh báo người trong cuộc về nguy cơ giết chết thương hiệu đã bao năm dày công gây dựng, rộng hơn là làm ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt, bởi nếu cứ tiếp tục, không sớm thì muộn người tiêu dùng cũng sẽ phát hiện.
Vậy tại sao phần lớn hàng giả xuất xứ là hàng Trung Quốc? Câu trả lời rất đơn giản là việc đặt gia công hàng ở đất nước là công xưởng của thế giới có giá vô cùng rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với hàng làm ở trong nước (mà nguyên liệu thì cũng nhập từ Trung Quốc); lại không phải nhọc công thiết kế kiểu dáng, mẫu mã; muốn số lượng bao nhiêu cũng có, muốn lúc nào cũng có.
Còn tại sao phải mất công giấu nguồn gốc hàng sản xuất ở Trung Quốc mà không đường đường chính chính như hàng trăm ngàn thương hiệu trên toàn cầu vẫn gắn mác “made in China”? Câu trả lời cũng không quá phức tạp. Đó là do doanh nghiệp Việt Nam chưa có thương hiệu đủ mạnh như Uniqlo hay Nike để người tiêu dùng tin dù thương hiệu đặt gia công hàng ở khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn toàn cầu. Đó là vì người tiêu dùng Việt Nam thích hàng giá rẻ nhưng lại rất sợ, thậm chí ghét hàng Trung Quốc. Đó là do doanh nghiệp đã lỡ nói rằng hàng của mình là hàng Việt Nam “xịn”, thậm chí là hàng được tạo ra vì trách nhiệm đối với đất nước, nên “đã phóng lao thì phải theo lao”. Và tất nhiên, đó còn vì lợi nhuận thu về là rất lớn.
Bởi vậy, chuyện khá nhiều doanh nghiệp gian lận, lừa dối người tiêu dùng là chuyện không mới, giống như ông Hoàng Khải của Khaisilk đã thừa nhận chuyện trộn hàng Tàu với hàng Việt từ vài chục năm nay. Và hành vi gian dối này được nhiều doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội ngành nghề biết rõ.
Vậy từ phía cơ quan quản lý thì sao? Trong rất nhiều báo cáo thời gian qua, cơ quan quản lý thị trường luôn nói rằng tình trạng giả xuất xứ hàng hóa ngày càng phổ biến và đã bắt được nhiều lô hàng quần áo, giày dép, túi xách... có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng gắn mác “made in Vietnam”. Tuy nhiên, tên tuổi của các doanh nghiệp này thường ít khi được nhắc cụ thể với công chúng. Có lẽ vì vậy mà dưới cái nhìn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, những nỗ lực của cơ quan chức năng là chưa đủ. Họ cho rằng những vụ tịch thu hàng chỉ như muối bỏ bể và dường như chỉ xảy ra với những trường hợp “vô danh tiểu tốt”. Trên thực tế, hàng giả xuất xứ vẫn ngang nhiên bày bán công khai, không chỉ ở các chợ truyền thống mà cả ở những nơi được kiểm soát chặt chẽ hơn như siêu thị hay trung tâm thương mại, và những doanh nghiệp đưa được hàng vào các kênh bán lẻ hiện đại này chắc chắn không phải là doanh nghiệp nhỏ. Đó là chưa kể thông tin gian lận của công ty này, thương hiệu nọ cũng thường được lan truyền rộng, từ doanh nghiệp đến hiệp hội, lẽ nào cơ quan quản lý lại không biết!?
Có ý kiến cho rằng chính sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho ngày càng nhiều doanh nghiệp nhúng chàm, trong đó có cả những doanh nghiệp từ đấu tranh với hàng gian, hàng giả, nhưng vì quá nản chí nên phải bỏ cuộc rồi lại bước chân vào chính con đường mà đối thủ của họ từng làm... Những ai không chấp nhận “bán mình” thì cũng mất dần tinh thần, nhiệt huyết: nhẹ thì thu hẹp sản xuất; nặng thì rao bán nhà máy, công ty.
Suy cho cùng, trong câu chuyện bán mình của không ít doanh nghiệp, Nhà nước không hề vô can. Thậm chí, doanh nghiệp lỗi một thì Nhà nước lỗi mười. Lỗi ở việc kêu gọi phục dựng, giữ gìn làng nghề truyền thống nhưng lại không có chính sách thương mại hóa sản phẩm bền vững, hàng làm ra không biết bán ở đâu, bán như thế nào, để đến những nghệ nhân cuối cùng cũng đành phải bỏ nghề cha ông truyền lại. Lỗi vì không có chính sách phù hợp để tạo nên nền sản xuất tự chủ, bao nhiêu quy hoạch, chiến lược ngành được xây lên nhưng thị trường trong nước vẫn phải nhập từ cây tăm đến chiếc áo. Lỗi vì không tạo ra được môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh bằng sự minh bạch, công khai khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính đấu tranh đến nản lòng phải bỏ cuộc, còn những kẻ chộp giật mà biết chiều lòng người này người kia thì sống khỏe...
Chính vì vậy, đây là lúc không chỉ doanh nghiệp “cúi đầu nhận lỗi”, đóng cửa hàng, thu hồi sản phẩm như ông Hoàng Khải làm mà cả cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thẳng thắn nhìn lại mình. Người tiêu dùng Việt Nam không cần cơ quan quản lý cúi đầu xin lỗi vì chuyện bán hàng giả trên thị trường cũng đã diễn ra không ít lần. Điều họ cần là từ xin lỗi, phải hành động để sửa sai. Có như vậy mới mong vớt vát được phần nào lòng tin vào hàng Việt Nam vốn đã ít ỏi lại vừa bị mất thêm do sự việc vừa qua


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire