Trang

04/11/2017

Nghệ An trước thềm APEC



#GNsP (3.11.2017) – Cận kề những ngày diễn ra hội nghị APEC tại TP. Đà Nẵng, công tác chuẩn bị cho các nghị trình chính thức cũng như các chương trình hoạt động bên lề Hội nghị diễn ra hết sức sôi động. Tại Nghệ An, cũng diễn ra các hoạt động cộng đồng không kém phần “hoành tráng” và mới lạ, có vẻ như muốn hòa chung nhịp cùng bầu khí ấy của đất nước. Đó chính là những hoạt động “tưng bừng” của ngày giao lưu Liên minh Hội Cờ Đỏ tỉnh Nghệ An và một số thành viện đến từ Hà Nội. Với nội dung, quy mô, địa điểm, thời gian tổ chức và số lượng thành viên tham gia, có thể nói được rằng đây là một Chương trình ‘Festival Đỏ’ của phong trào Tiến Đảng, với một kịch bản được soạn thảo khá kỹ lưỡng, được tổ chức, điều phối bài bản bởi các đạo diễn bí ẩn cùng những đơn vị tài trợ tương đối hào phóng.
 
 Tiếc rằng, trong các hoạt động diễn ra, cộng luận chưa biết cụ thể ai là kẻ đã đưa ra ý tưởng “độc đáo” này, và người nào là tổng đạo diễn điều phối toàn bộ chương trình. Tuy nhiên, thông qua mạng truyền thông xã hội, các hoạt động và thông điệp của chương trình vẫn được liên tục cập nhật tới các khán thính giả trên khắp các châu lục, đặc biệt, là tới với hàng chục ngàn đại biểu, quan chức của mấy chục nền kinh tế sẽ tham dự APEC 2017 tại TP. Đà Nẵng sắp tới. Chính nhờ thế mà khán thính giả khắp nơi đã có được những tràng cười muốn ‘vỡ bụng’. Cười, không phải vì sự thán phục về tiềm năng kinh tế hay vẻ đẹp phong phú, đa dạng của thiên nhiên và con người Việt Nam, mà là những tiếng cười đậm nước mắt trước sự “hiếu khách” đáng thương của một số lãnh đạo địa phương hoặc vì dung túng, hoặc vì bất lực đã để xảy ra sự kiện bi hài này trước sự kiện APEC quan trọng sắp diễn ra; và cũng có cả những nụ cười méo mó khi phải chứng kiến sự thui chột tình người, tình dân tộc trong lòng xã hội Việt Nam đầy bất ổn hôm nay. Quả vậy, kịch bản chương trình tuy được lên khuôn khá công phu, thế nhưng, cộng đồng lại cảm thấy kịch bản này thật tồi dở, bởi nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, ý tưởng kịch bản này đã cũ mèm! Sự lên án, mạ lỵ, đấu tố các linh mục Công giáo giáo phận Vinh, đặc biệt là linh mục An tôn Đặng Hữu Nam và linh mục Baotixita Nguyễn Đình Thục, những vị nhiệt thành dấn thân vì quyền lợi chính đáng của cộng đồng và sự toàn vẹn lãnh thổ; sự đả kích nhân dân miền Trung nói chung, đặc biệt là người Công giáo Vinh trong quá trình lên tiếng đòi công bằng, sự thật và công lý trong vụ thảm họa Formosa, hơn một năm qua, đã được Đài Truyền hình Trung ương và địa phương “chiếu cố”, cũng như một số cơ quan báo chí “tích cực” thực hiện đều đặn. Nhân dân trong và ngoài nước đều biết; thẩm chí biết rất rõ tới nỗi phát chán; chán không phải vì sự lên tiếng, sự dấn thân của các linh mục hay của nhân dân Miền Trung mà là chán ngán việc xem báo, xem truyền hình “chính thống” về các chương trình kiểu như thế!

Thứ đến, ý tưởng kịch bản này cũng thật tồi dở, bởi thảm họa Formosa – thảm họa thế kỷ đối với dân tộc Việt Nam đã diễn ra với những hệ lụy thật kinh hoàng. Điều này người Việt quốc nội và hải ngoại, và ngay cả các chuyên gia, các tổ chức về môi trường trong nước và quốc tế đều đã biết đến. Vậy đâu có cần thêm ý tưởng buông “màn thưa che mắt thánh” nhằm chuyển cảnh trong kịch bản vụng về này nữa để làm gì, điều ấy có trở nên quá thừa thãi chăng, hay điều ấy đang diễn ra vì những toan tính gì khác?! Tốt hơn, các nhà quả trị xã hội nên tìm kiếm một lộ trình hợp lý, khoa học, khả dĩ mà theo đó, mọi thành phần trong xã hội được cùng tích cực tham gia thực hiện vì lợi ích chung nhằm khắc phục hậu quả nặng nền từ thảm họa cũng như được góp phần mình nhằm ổn định hơn nữa những biến động nhiều mặt của đời sống xã hội.

Hơn nữa, sự tồi dở của kịch bản này còn thể hiện qua những chương trình diễn ra trên địa bàn xã Sơn Hải vào chiều ngày 29/10, gần nhà thờ họ Văn Thai, thuộc xứ Song Ngọc, và diễn ra tại Ủy ban Nhân dân xã Diễn Mỹ ngay ngày hôm sau, không nhằm cổ võ hay thăng tiến mối quan hệ cộng đồng một cách tốt đẹp, trái lại, nó luôn hướng tới việc tạo sự rạn nứt đầy nguy hiểm cho mối tương quan lương – giáo vốn dĩ đang rất tốt đẹp mà Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương hướng tới trong chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh đó, kịch bản này cũng chẳng có điểm nhấn tích cực nào, bởi thông điệp từ các chương trình của nó không gì khác hơn là khơi gợi sự tự hào về truyền thống và lòng yêu Nước, yêu Đảng một cách hết sức lệch lạc nơi giới trẻ, cũng như trong cộng đồng, và dĩ nhiên, nó tiềm ẩn sự loại trừ đồng loại, loại trừ các chuẩn mực xã hội, tạo nên hố sâu thâm u trong lòng người trẻ cũng như trong lòng xã hội. Đây là ý tưởng thật sự nguy hiểm và điên rồ, nó bẻ gãy ‘đôi cánh’ ước mơ của tuổi trẻ và đẩy giới trẻ vào vùng tối, khép dần tầm nhìn của họ trước thế giới văn minh. Chính việc cố tạo nên sự thiếu vắng những ý tưởng tích cực vừa nêu, người ta đã biến các hoạt động giao lưu, diễu hành, ẩm thực,… của liên minh Hội Cờ Đỏ trở thành như một dạng Lễ hội Halloween phiên bản Made in Việt Nam thật rùng rợn, tanh mùi máu. Điều này thật đáng thương và đáng buồn đối với các bạn trẻ Nghệ An vì những chọn lưa sai lầm của họ, và cũng thật đáng trách, đáng lên án đối với người lớn, những người thiếu trách nhiệm đã dàn dựng kịch bản bi hài này!

Với các ý tưởng được thiết kế, dàn dựng, thực hiện kịch bản nêu trên, chắc chắn sẽ dẫn tới sự “bể show” chương trình, mở cửa cho những bất ổn to lớn về xã hội, cụ thể trong mấy ngày vừa qua đã là một minh chứng; và có thể nó sẽ tạo nên các hệ lũy buồn cho đất nước khi không còn kiểm soát được tình hình. Chính vì vậy, mong rằng chính quyền các cấp các ngành liên quan, cần kịp thời chấn chỉnh các hình thức hăm dọa và tấn công người dân vô tôi, tạo sự hoang mang, bất ổn trong cộng đồng xã hội; đồng thời cần một sự “chuyển thể” nghiêm túc các nội dung kịch bản bi hài nêu trên thành chương trình đối thoại và hành động vì sự tôn trọng và thiện ích chung của cộng đồng xã hội. Thực hiện được như thế, xã hội Việt Nam sẽ trở nên ổn định, đáng sống hơn, các địa phương sẽ phát huy tốt thế mạnh đặc thù của mình, Đất nước sẽ khẳng định được vị thế, thu hút hiệu quả hơn nữa sự giao thương, hợp tác đầu tư có chất lượng từ các nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới như sự kỳ vọng đang hướng tới trong dịp Hội nghị APEC lần này.

Paul – Đình Nghiệm
http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2017/11/04/nghe-an-truoc-them-apec/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire