Quang An
Little
Sàigòn, hay còn gọi là Sàigòn Nhỏ, là một Sàigòn thu hẹp trong lòng của hầu hết
người Việt bỏ chạy, đi tị nạn cộng sản từ năm 1975. Khi bánh xe xích
sắt của chiếc xe tăng T54 của quân đội cộng sản Bắc Việt húc sập cánh cửa hông
của Dinh Độc Lập ở Sàigòn, cũng là lúc đánh dấu người Việt chạy tha hương. Chạy
khỏi Sàigòn, qua đến Guam, rồi đến trại Pendleton ở Oceanside, miền Nam tiểu
bang California, rồi sau đó được phân chia đi nhiều tiểu bang khác nhau ở Mỹ,
người Việt vẫn mang trong lòng nỗi nhớ Sàigòn khôn nguôi. Lần lần rồi thì một
phần do thời tiết ở các tiểu bang khác khá khắc nghiệt, lại thêm công ăn việc
làm ở tiểu bang California dễ dàng hơn, dân Việt rủ nhau kéo về California để
sinh sống. Vì không cạnh tranh nỗi với người gốc Đại Hàn, người Tàu sinh sống ở
Los Angeles, nơi được xem là thành phố thiên thần, người Việt xuôi về phía Nam
của Los Angeles khoảng chừng 1 giờ đồng hồ lái xe, và bắt đầu gầy dựng ở đây.
Với vùng
đất rộng lớn gồm các thành phố kề sát nhau, người Việt định cư rải đều ra các
thành phố Westminster, Garden Grove, Midway City, Santa Ana ở quận hạt Orange,
mà dân ta hay gọi là Quận Cam. Cửa hiệu, nhà hàng, cơ sở thương mại mang tên
Việt bắt đầu xuất hiện. Ban đầu chỉ là một khúc đường Bolsa, nơi có thương xá
nổi tiếng mang tên Phước Lộc Thọ. Rồi dần dần cửa hiệu, nhà hàng, cơ sở thương
mại của người Việt Nam mọc lên như nấm, lan ra khắp nơi, trải dài từ Bolsa, qua
Westminster, Brookhurst, Euclid, Magnolia, v..v… Từ Garden Grove, đi xuống
thành phố Westminster, hay Fountain Valley, Santa Ana, đều thấy bảng hiệu chữ
Việt tràn đầy. Thậm chí là Midway City, hay được gọi là Thị Trấn Giữa Đàng,
cũng có luôn cửa hiệu của người Việt.
Phải nói
rằng với sự cần cù và siêng năng, thế hệ người Việt tỵ nạn cộng sản từ năm 1975
đã tạo nên một khu vực mà ai ai cũng có cảm giác như là một Sài Gòn thu nhỏ.
Đến đây, ngoài việc là có thể tiếp xúc, gặp gỡ người Việt xa xứ, người Việt bỏ
chạy cộng sản từ hồi năm 1975 còn có dịp tìm lại những hình ảnh, những tác phẩm
văn hoá của miền Nam trước kia. Ghé nhà sách Tú Quỳnh, hay ghé các trung tâm
sản xuất băng dĩa nhạc, là có thể tìm lại chút gì đó của thoáng hương xưa. Dĩ
nhiên, nếu muốn tìm lại mùi vị của những món ăn Việt Nam, người Việt tị nạn sẽ
dễ dàng tìm thấy những bát phở, những tô bún bò, những đĩa bánh cuốn, hay thậm
chí là cả những chén chè xôi nước, v…v… Cái tên Little Sàigòn là đây. Người
Việt yêu kiều đặt địa danh này cho một vùng đất cách xa quê hương hơn nửa quả địa
cầu để hồi tưởng, để nhớ nhung về một Sàigòn xưa. Và hơn cả, Little Sàigòn còn
là một trung tâm văn hoá nhằm gìn giữ bản sắc của người dân Việt trước đại hoạ
cộng sản từ hồi năm 1975. Chính vì vậy, Little Sàigòn luôn luôn được xem là thủ
đô của người Việt tỵ nạn cộng sản.
Rồi thời
gian trôi qua, thế hệ người Việt tị nạn cộng sản đầu tiên nay đã già.
Ráng chịu khó làm ăn vất vả để nuôi gia đình, con cái của thế hệ này nay đã
trưởng thành, đã học thành tài để rồi có người là bác sĩ, có người là kỹ sư,
v..v… Cuộc sống khá giả hơn, ổn định hơn, cho nên rất nhiều người Việt đã dọn
về phía Nam của vùng Little Sàigòn để an cư lập nghiệp. Người thì ở Irvine,
người thì ở Mission Viejo, hay thậm chí là xa hơn nữa như San Juan Capistrano,
v..v… Hầu hết, thế hệ sau này không muốn tiếp tục con đường làm ăn của thế hệ
trước đó, cho nên rất nhiều chủ nhân nhà hàng, cửa hiệu, đến tuổi về hưu, phải
tìm cách bán lại những gì mình đã gầy dựng.
Người đi,
thì phải có người đến. Trong những năm vừa qua, với những chính sách thu hút
người ngoại quốc đem tiền vào Mỹ đầu tư, đã có rất nhiều thành phần giàu có ở
Việt Nam mà thường được gọi là “đại gia đỏ” hay “tư bản đỏ” … đổ bộ qua Mỹ.
Thành phần này là những tay cựu “quan chức” hay những tay làm ăn buôn bán tham
nhũng, những tay có thể có cả chục triệu đô la lận lưng để làm vốn, để có thể
mua nhà, mua cơ sở, mua cửa hiệu, v..v… Ban đầu thì còn rải rác ở các tiểu bang
khác, nhưng gần đây thì đổ về tiểu bang California rất nhiều.
Thế là cuộc
sống ở Little Sàigòn bắt đầu thay đổi. Các cửa hiệu, nhà hàng do những người
Việt tỵ nạn làm chủ, từ từ lại thấy thay tên, đổi hiệu. Có những cái tên nhà
hàng, chỉ cần nghe cái tên, cũng có thể đoán được gốc gác của người chủ từ đâu
đến. Chợ búa cũng thay đổi. Và phong cách người dân ở Little Sàigòn cũng thay
đổi. Có những quán cà phê, thanh niên ngồi đánh bài “tiến lên”, hay còn gọi là
“chặt hẻo”, một loại bài của mấy chú bộ đội miền Bắc đem vào Nam, suốt cả ngày.
Khói thuốc lá bay mù mịt. Có những quán bar mà đêm nào cũng đông thanh niên đến
…. “xập xình”, và là nơi giới thiệu các ca sĩ ở Việt Nam bay sang. Thử hỏi, dân
bình thường thì lo đi làm ở công sở, đâu có thì giờ mà la cà quán xá như thế cả
ngày lẫn đêm. Có chăng thì chỉ vào dịp cuối tuần, nhưng ở Little Sàigòn bây
giờ, ngày trong tuần, hay ngày cuối tuần đều … đông như nhau.
Little
Sàigòn đã thay đổi nhiều lắm. Văn hoá, văn nghệ thì các sản phẩm từ trong nước
nhan nhản đầy trong các cửa hiệu. Quán ăn thì không còn vẻ thanh lịch, và không
còn trông sạch sẽ như lúc trước. Bãi đậu xe thì lại càng quá tệ, nhìn rất dơ
bẩn. Các đài truyền thanh, truyền hình, thì cứ như là “cơ quan ngôn luận” của Việt Nam vì tin tức đọc
nhiều khi dùng chữ “y chang” VN Express của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Quan trọng hơn nữa là tình hình an ninh trật tự không còn như xưa. Nghe thử một
quảng cáo phát trên truyền thanh bảo rằng “đến ăn phở ở tiệm của chúng
tôi, quý khách có thể an tâm là xe của quý vị không bị … đập kính”. Thế
là đủ hiểu chuyện xe bị đập kính, mất đồ là “chuyện như cơm bữa” ở Little
Sàigòn rồi.
Việc phong
cách sống thay đổi, có thể một phần là do người mới định cư sau này mang những
“thói hư tật xấu” đã “nhiễm” sau 40 năm sống với cộng sản sang đây. Những “đại
gia đỏ” coi trời bằng vung vì ỷ có tiền đã thể hiện cách sống của mình. Ở trần,
mặc xà lỏn, là hình ảnh mà dân Mỹ ở đây không bao giờ gặp ở ngoài đường. Thế
nhưng, có những tên đại gia, cầm đầu cả hệ thống xuất nhập cảng hải sản, lại
nghênh ngang bước ra đường với mình trần và chiếc … xà lỏn. Thành phần như thế
này bây giờ không hiếm ở Little Sàigòn. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên, vì ngay
giữa đường Brookhurst, đoạn gần với tiệm bánh Vân, những bảng hiệu quảng
cáo “bảo lãnh đi Mỹ” bảo đảm … 100%, “bao” … đậu,
bất kể là tội phạm hình sự, v..v… đầy nhan nhản.
Thử nhìn
xem, với sự nhếch nhác như thế, Little Sàigòn có còn là thủ đô của người tỵ
nạn? Nét văn hoá, sự thanh lịch của người Việt tị nạn đang dần dần bị … “xâm
lăng”?
Cuộc sống
chung quanh ta coi thế mà thay đổi chóng mặt. Nếu không để ý, và không có thái
độ tích cực để gìn giữ văn hoá của người Sàigòn xưa, thì Little Sàigòn có thể
sẽ mất đi cái tên và ý nghĩa yêu kiều mà người dân tỵ nạn giữ trong lòng bao
nhiêu năm nay.
Quang
An
* * *
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire