Trang

11/02/2019

Người xưa cảnh tỉnh, còn người nay ?


Nguyễn Đình Cống

Xin giới thiệu quyển sách NGƯỜI XƯA CẢNH TỈNH, với phụ đề : Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt của các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX .Tác giả là  Vương Trí Nhàn và Trần Văn Chánh, NXB Tổng Hợp TPHCM , quý 4 năm 2018 (gọi tắt là : Sách).  Sách  nhận được quan tâm của nhiều độc giả với  đánh giá cao, cho rằng tìm hiểu thói hư tật xấu đang là một nhu cầu của xã hội, có tác dụng nâng cao dân trí, là  cẩm nang góp phần xây dựng đất nước.

Sau khi đọc Sách tôi muốn nêu vấn đề góp phần cảnh tỉnh người ngày nay. Xem rằng Sách như một trận mưa đáng mong đợi thì việc làm này không giống như “tát nước theo mưa”, mà bằng cách gây ra vài tiếng sấm và tia chớp cho cảnh tượng  thêm phong phú..


Về bản chất, người Việt có nhiều đức tính tốt. Chúng được thể hiện trong cuộc sống và đặc biệt khi nhân dân đoàn kết chống ngoại xâm. Đã từng có thời kỳ mà tinh thần, khí phách của người Việt được đề cao, rất đáng tự hào. Nhưng rồi trong khung cảnh hòa bình, các thói hư, tật xấu (thói tật) theo nhau  xuất hiện, bành trướng. Không những thói tật mà cùng với chúng các tội ác phát sinh và phát triển tràn lan, làm cho đạo đức xuống cấp, nhân phẩm và pháp lý bị chà đạp, đất nước bị kìm hãm .


Thói tật  là một phần trong cuộc sống, tuy không phải là bản chất, nhưng nó gây tác hại vô cùng to lớn. Sách nêu ra 259 thói tật cụ thể về các lĩnh vực. Khái quát hóa thì đó là  :  ích kỷ, giả dối, lười nhác, kiêu ngạo v.v…và đặc biệt là sợ nói đến thói xấu của mình. Ngoài các thói tật do người xưa cảnh tỉnh, Sách còn  bổ sung một số thói tật của thời hiện tại, đặc biệt là của “người Việt công quyền”. 


Trước hết cần phân biệt thói tật và  phạm tội. Thói tật là những hành vi phạm vào thuần phong mỹ tục, phạm vào nét đẹp văn hóa và đạo đức.Thói tật chưa đến mức quy vào hành vi phạm tội, là những việc phạm vào điều cấm của luật pháp. Cũng cần phân biệt các thói tật thành 2 loại theo bản chất : Loại chỉ tự hại mình và loại có thể  hại người. Mỗi loại có 2 trạng thái : Lẻ tẻ và bành trướng.


 Thói tật tự hại mình như ở bẩn, mê muội, xa xỉ, thích cúng bái, tầm nhìn hạn hẹp, không biết lịch sử, học đòi làm dáng, lòng tin sai lệch v.v…Thói tật này, ở nơi riêng tư chủ yếu là làm xấu, làm hại bản thân, còn ở nơi công cộng  có thể làm cho người khác khó chịu.. Thói tật có thể hại người như  dối trá,  tham lam, cửa quyền, hách dịch v.v… nhẹ thì gây tác động xáu đến người khác và xã hội, vi phạm đạo đức, nặng thì có thể vô tình gây tội ác. Mục đích chính của loại thói tật này là tìm cách làm lợi cho bản thân, thỏa mãn nhu cầu cá nhân (ích mình) nhưng các thủ đoạn họ dùng lại có hại cho người khác (hại người). 


Trạng thái lẻ tẻ, khi thói tật xuất hiện rời rạc, lúc này, lúc khác, tại nơi này nơi nọ, nhưng còn ở dạng đơn lẻ, nếu nó bị phát hiện, bị lên án, bị trừng phạt, bị dẹp bỏ kịp thời thì tác hại bị hạn chế, không phát triển được.Trạng thái bành trướng  khi thói tật gặp điều kiện thuận lợi để phát triển, nó lan truyền nhanh và rộng, nó hoành hành đến mức công khai, rất khó ngăn cản. Lúc này nó gây ra nguy hại vô cùng.

Tôi tạm bỏ qua thói tật tự hại mình. Bài này chủ yếu phân tích nguyên nhân gây ra trạng thái bành trướng của thói tật  hại người, nhằm cảnh tỉnh ngày nay.


Muốn hạn chế để đi đến trừ bỏ thói tật cần hiểu rõ nguyên nhân sâu xa sinh ra nó và cơ chế tác động của nó. Các trí thức  xưa  đổ lỗi cho nền kinh tế tiểu nông, sự nghèo đói và các lũy tre làng. Thời cách mạng đổ lỗi cho tàn dư của chế độ phong kiến và bọn thực dân, đế quốc. Bây giờ  người ta đổ lỗi cho kinh tế thị trường, cho sự thoái hóa biến chất  của một số người nào đó. Sách  có đưa ra  số nguyên nhân như : tập tục văn hóa tích lũy hàng ngàn năm,  trình độ dân trí thấp,  hệ thống pháp luật và kỷ cương phép nước non yếu, quản lý xã hội lỏng lẻo, khuyết tật của nền giáo dục v.v…. 
Những sự đổ lỗi và nêu nguyên nhân như vậy không sai, nhưng chưa đúng hoàn toàn vì chưa vạch ra được bản chất, đặc biệt là với tình trạng bành trướng của thói tật  hại người.

Một kết quả không do một nguyên nhân  mà là kết hợp của nhiều thứ, trong đó có 2 thứ chủ yếu, là Nhân và Duyên. Với cây cỏ thì Nhân là hạt giống, Duyên là môi trường thích hợp. Với đám cháy thì Nhân là nguồn  lửa, Duyên là môi trường cháy được v.v….Chỉ khi Nhân kết hợp với Duyên ( duyên khởi) thì mới có kết quả.


Vậy sự bành trướng thói hư tật xấu hại người ở xã hội Việt có Nhân ở đâu và Duyên là gì?.Xin nói ngay. Nhân là những yếu kém trong truyền thống văn hóa dân tộc, (cũng là Nhân của phát sinh) còn Duyên là môi trường chính trị và xã hội do lãnh đạo và quản lý nhà nước tạo ra.. 


Các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ 20 vạch ra thói tật  của người Việt. Họ chủ yếu mới đề cập đến Nhân mà chưa bàn nhiều đến Duyên hoặc lẫn lộn giữa Nhân và Duyên. Trong Sách có kể ra một số hiện tượng như : Pháp luật đơn sơ; Dân quá sợ quan; Dân hư, Kẻ sĩ có lỗi; Đời sống nhà Nho hủ bại; Quan trường hư hỏng v.v… . . đó là những khuyết tật của chính quyền thực dân, quan lại, hào lý ngày xưa,  là  môi trường.của thói tật. Còn ngày nay, ở VN, môi trường thích hợp ( Duyên ) cho mọi tai họa,( trong đó sự bành trướng các thói tật hại người chỉ chiếm phần nhỏ) là những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê (CNML).


Các tính xấu  như ích kỉ, giả dối, kiêu ngạo v.v…. đã hình thành trong tâm trí người Việt qua hàng ngàn năm, giữa các lũy tre làng, nhưng chúng chỉ mới là các hạt giống. Đó là Nhân.  Khi chưa gặp điều kiện thuận lợi các hạt giống như vậy nằm im, ở dạng tiềm ẩn. Chỉ  khi gặp được môi trường thuận lợi các hạt giống mới nẩy mầm, phát triển.


Điều kiện không thuận lợi cho  thói tật  như khi dân tộc cần đoàn kết để chống xâm lược, là chế độ chính trị minh bạch, hợp với Đạo Trời và Lòng Người, khi những nhân vật  lãnh đạo và quản lý xã hội có đủ tài năng, liêm khiết và gương mẫu, để thi hành pháp luật công minh, tránh được oan sai, để cho chính quyền là nơi trông cậy của người dân lương thiện, để tiến hành một nền giáo dục nhân bản. Đó là khi nhà nước tạo ra được các điều kiện để mọi người không muốn, không thể, không dám làm  những điều vi phạm đạo đức / luật pháp. Trong lịch sử VN, đã tồn tại một số giai đoạn như vậy. Dưới thời  phong kiến gọi là Đời Thịnh trị, có vua sáng tôi hiền. Khi đó có chính quyền công minh và vững chắc để quản lý, có thầy giỏi để làm giáo dục, người  dân lo làm ăn lương thiện, phát triển kinh tế và văn hóa. Lúc này các Nhân của thói hư tật xấu tự động nằm im, tự giấu kín, vì khi nó vừa lộ ra đã bị phát hiện, nhận được sự khinh bỉ, sự chống đối của người dân và sự trừng phạt của pháp luật. Lúc này sự xuất hiện của thói tật, nếu có, chỉ là lẻ tẻ, riêng biệt.



Môi trường thuận lợi cho thói tật hại người bành trướng là sự mất ổn định xã hội, là cảnh thượng bất chính hạ tắc loạn. Là khi  quyền lực điều hành và quản lý xã hội rơi vào tay bọn người cơ hội, có lắm mưu mô mà thiếu tài năng và không liêm chính. Bọn chúng có thể vì kém trí tuệ mà không kịp thời phát hiện thói tật, để cho nó phát triển tràn lan mới giật mình, hoặc chúng vì  tham lam, đểu cáng mà cố tình lợi dụng thói tật để làm lợi riêng.



 Dưới  chế độ độc tài thì thế lực thống trị thường dùng đàn áp và dối trá để củng cố chính quyền, và họ gọi đó là giữ ổn định chính trị. Nhưng như vậy  sẽ  chỉ giữ cho tạm ổn về hình thức, còn chủ yếu sẽ làm phá nát nền tảng đạo đức và lòng tin, làm cho xã hội giống công trình bằng gỗ, bên ngoài được sơn phết, trông như còn vững chắc, nhưng bên trong đã bị mục, bị mối mọt tàn phá, bị ruỗng nát. Chính sự toàn trị sinh ra và nuôi dưỡng bọn độc quyền. Chúng cậy quyền để tham nhũng, để mua quan bán tước, để tạo nên các nhóm lợi ích, Trên cơ sở các điều vừa nêu mà sinh ra một hệ thống chính quyền cồng kềnh mà bất lực, một hệ thống tư pháp chỉ thích xài luật rừng, một nền giáo dục lo phục vụ chính trị, tạo  điều kiện cho những hạt giống xấu nẩy nở, phát triển và bành trướng



Chế độ chính trị và cơ cấu xã hội của Việt Nam hiện nay là môi trường rất thuận lợi cho các thói tật hại người khi các hạt giống xấu đã có sẵn. Sự độc tài toàn trị không hề do nhân dân mong muốn và lựa chọn. Nó do ĐCSVN mang đến từ việc vận dụng CNML. Suy ra, môi trường để thói hư tật xâu ở VN hiện nay chính là CNML do ĐCSVN nhập vào.và kiên trì thực hiện.



Tác giả Sách  gọi môi trường phù hợp là “đất sống” và viết : “Thói hư tật xấu của người Việt không chỉ còn có "đất sống" mà trong bối cảnh lịch sử cụ thể hiện tại, có khi còn phát triển thêm rất nhiều thứ xấu mới mà trước kia không có hoặc có nhưng ít”.

Cùng với  Vương Trí Nhàn nhiều người đã quan tâm đến thói tật từ lâu. Đảng CS và Nhà nước cũng đã ra nhiều chính sách và nghị quyết về  đời sống văn hóa, tổ chức học tập để nâng cao tư tưởng, đạo đức, tác phong, xiết chặt kỷ luật, quy định về nêu gương, làm quy hoạch cán bộ, ban hành quy định và vận động chống lại các thói hư tật xấu v.v... Nhưng càng chống, càng xiết chặt  nó càng phát triển. Vì sao vậy?. Vì rằng chỉ chống hời hợt bên ngoài, chưa đụng đến hạt giống và môi trường.  Để xóa bỏ hạt giống thì quá khó và phải tốn thời gian, còn môi trường thì ít ai dám đụng tới vì nó được chính quyền và lãnh đạo kiên trì bảo vệ.

Sách  chỉ ra 4 nguyên nhân cơ bản của các thói tật và còn viết thêm “ nguyên do những thói hư tật xấu mới hiện nay là từ  cách tổ chức quản lý lệch lạc trong đời sống xã hội. Hỏi, ai tạo ra tổ chức quản lý lệch lạc đó, họ vì ngu dốt, vì tham lam mà vô tình tạo ra hay là họ cố tình tạo ra để lợi dụng.

Viết như trong Sách không sai nhưng chưa đúng, chưa chỉ ra cái gốc CNML. Chính vì thế mà Sách đưa ra các giải pháp cứu vãn như : Có một nền giáo dục tốt; Phải được bắt đầu từ gia đình; Kết hợp các phương tiện thông tin đại chúng; Xử phạt để răn đe, cảnh cáo; Làm gương cho người khác. Khi gặp  câu hỏi : “Để người Việt bỏ dần các thói tật kể trong sách này, nên bắt đầu từ đâu và đi theo hướng nào?tác giả  Sách trả lời : Không gì bằng tác động của giáo dục và luật phápVề hành động phải tập trung thực hiện xuyên suốt, tổng quát và nói gọn cũng không ra ngoài phương châm/đường lối "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" như cụ Phan Châu Trinh đã từng vạch ra hồi đầu thế kỷ trước.



Đúng là giáo dục và luật pháp rất quan trọng vì giáo dục tốt làm cho người ta không muốn làm điều xấu, luật pháp nghiêm làm cho người ta không dám  phạm tội. Tuy vậy còn cần làm cho người ta không thể thực hiện hành động sai trái, bằng các biện pháp chặt chẽ của tổ chức. Nhưng thử hỏi, ai tạo ra giáo dục, luật pháp và tổ chức, ai thi hành các việc ấy.



Để cho thói hư tật xấu phát triển, bành trướng thì người dân phải chịu trách nhiệm một phần vì nhân của nó ở trong những yếu kém của truyền thống văn hóa, được truyền trong dân  qua các đời. Nhưng trách nhiệm chính, quan trọng thuộc về chính quyền vì chính quyền có vai trò quyết định trong việc tạo ra hoặc hạn chế môi trường kết hợp. Khi chính quyền thối nát,làm  mất hết lòng tin thì người dân lương thiện tự giữ mình đã khó, họ chống lại cái  xấu lắm lúc còn bị vu oan là chống đối chính quyền.



Khai dân trí, chấn dân khí là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, mục đích của việc đó là làm cho  người ta  tự thấy xấu hổ để không phạm vào thói hư tật xấu, để biết cách chống trả và loại bỏ chúng. Khai dân trí, chấn dân khí phải hướng đến việc hạn chế Nhân và đặc biệt là xóa bỏ Duyên, không để chúng kết hợp với nhau tạo ra sự bành trướng của thói tật.



Vì vậy  sự phát hành, truyền bá những quyển sách như NGƯỜI XƯA CẢNH TỈNH  là cần thiết, rất cần thiết, nhưng sẽ cần hơn  là vạch ra cho đúng Nhân và Duyên của thực trạng. Đó là sự kết hợp và cộng hưởng giữa một bên là một số tính cách yếu kém trong truyền thống dân tộc và một bên là những độc hại của CNML.



Tính cách yếu kém trong truyền thống như là tính ích kỉ, háo danh, dối trá, lười biếng v.v… Những độc hại của CNML như là  học thuyết duy vật với sự để cao quyền lợi vật chất , là đấu tranh giai cấp với lòng thù hận, một mất một còn, là chuyên chính vô sản với độc tài toàn trị, với  đàn áp và tuyên truyền dối trá, là công hữu hóa đất đai và nền kinh tế, là hạn chế tự do tư tưởng và tự do ngôn luận v.v… Sự kết hợp này là tự động, không tự giác, không phải là chủ đích  của những người lãnh đạo, không phải là chủ trương của chính quyền. Nhưng nó diễn ra tất yếu, theo đúng quy luật “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Những người lãnh đạo ĐCS  có đủ lòng tin để nói rằng “ Họ không bao giờ muốn, không bao giờ chủ trương tạo ra sự kết hợp ấy,”.  Họ  không muốn sự kết hợp như vậy, nhưng khi họ kiên trì CNML thì sự kết hợp vẫn xẩy ra.một cách tự động, không kiểm soát được.  Không những cái yếu kém và độc hại kết hợp với nhau mà còn cộng hưởng làm cho sự phát triển không còn theo phép cộng mà theo phép nhân hoặc lũy thừa. 



Xin lấy thí dụ về kết hợp và cộng hưởng giữa hạt giống dối trá của người dân và độc hại của CNML. Dân Việt biết nói dối từ thời các vua Hùng, qua các triều đại phong kiến . Sự dối trá có lúc được hiểu sai như là mưu mẹo, là có trí khôn, được đưa vào chuyện cổ tích cho trẻ con. Như vậy dối trá trở thành hạt giống xấu trong tâm tính người Việt. Về CNML thì những nhà  truyền bá cần lôi kéo nhiều người theo, muốn thế họ phải tuyên truyền rằng CNML nhằm xây dựng CNXH và CNCS là hoàn toàn tốt đẹp, là hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Họ tuyên truyền những thứ chưa có nên phải tưởng tượng hoặc suy luận  ra. Ban đầu là tưởng tượng, tiếp đến là bịa đặt rồi dần dần rơi vào dối trá, nó xẩy ra theo nguyên lý gieo-gặt trong chuỗi : ý nghĩ - hành động – thói quen – tính cách – số phận, bản chất.(*) Từ nhu cầu tuyên truyền để lôi kéo, những nhà truyền bá CNML đã quen với dối trá, cần đến dối trá. Dựa vào chiêu bài phải thống nhất tư tưởng người ta tạo ra độc quyền tư tưởng, dùng nó để khống chế tư tưởng mọi người. Rồi phong trào lập và báo cáo thành tích (để được khen, được nổi tiếng) tạo cơ hội và điều kiện cho người ta dối trá từ trong trường học, trong chính quyền, ra đến toàn xã hội.



Những điều vừa viết ra trên đây thực không có gì mới, nhiều người đã biết, chỉ là ít người dám nói ra. Tôi nghĩ rằng tác giả của sách, các ông Vương Trí Nhàn, Trần Văn Chánh có thể còn biết nhiều và biết rõ hơn, nhưng để xuất bản được sách các ông đành chấp nhận tự hạn chế . Xin rất thông cảm với các tác giả, xin ca ngợi công sức của tác giả, xin mạo muội thêm vào chút sấm chớp cho một trận mưa cam lộ để góp phần cảnh tỉnh những ai còn chưa nhận ra Nhân và Duyên của các thói tật, chưa phân biệt được vai trò của hạt giống và môi trường.



Sau khi phân tích Nhân và Duyên chúng ta mới có thể đề xuất các biện pháp ngăn cản và loại bỏ thói tật ra khỏi đời sống. Nâng cao dân trí là biện pháp cơ bản, lâu dài , nó nhằm  loại bỏ dần các hạt giống xấu, gieo dần các hạt giống nhân văn, khai phóng. Trước mắt và quan trọng là làm cho môi trường trở nên trong sạch bằng việc  loại bỏ CNML, bằng cách thay đổi thể chế từ độc quyền toàn trị thành thể chế dân chủ với tam quyền phân lập.Thể chế hiện nay, với cách làm quy hoạch cán bộ qua các kỳ đại hội của ĐCS chỉ có thể tạo ra một lớp quan lại mà phần lớn là  cơ hội, có nhiều mưu mô xảo quyệt mà kém  trí tuệ, thiếu liêm chính. Trong mục Tạm kết , Trần Văn Chánh  có đề cập đến “ Cần phải có một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…cần cải cách thể chế..”

Trên đây chỉ mới đề ra  nhận thức về việc làm, còn cách làm  là vấn đề quá lớn, xin bàn vào dịp khác.



(*)- Gieo ý nghĩ gặt hành đông. Gieo hành động gặt thói quen; Gieo thói quen gặt tính cách; Gieo tính cách gặt bản chất, số phận.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire