Trang

08/08/2020

Biển Đông: Việt Nam cần tính đến kịch bản Trung Quốc 'tấn công' từ nhiều hướng?


Quốc Phương
Máy bay chiến đấu J15 của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển năm 2018
Hôm 6/8, Việt Nam chính thức bình luận về video Trung Quốc tập trận gần đây, trong đó có triển khai máy bay chiến đấu tới Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố của mình.


"Trước tiên, có thể khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Mọi hoạt động tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vô giá trị và không có lợi cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói tại họp báo thường kỳ chiều 6/8.
"Việt Nam kiên quyết phản đối", bà Hằng nói.
Nhân dịp này, ba nhà quan sát thời sự khu vực và an ninh Biển Đông đưa ra bình luận và phân tích với BBC.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc (từ Sài Gòn): Theo tôi, không thể có một cuộc chiến tranh nào trong tương lai gần giữa Mỹ-Trung. Trung Quốc đang ở thế yếu khi mà Mỹ và đồng minh ngày càng "vây ráp" nên những động thái của Trung Quốc theo tôi là tìm đồng minh và răn đe các nước trong khu vực Đông Nam Á trước thềm hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng trong tháng 8/2020 này.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh): Động thái này của Trung Quốc xảy ra sau khi có những sự lên tiếng của các quốc gia liên quan như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Australia và đặc biệt sự lên tiếng mạnh mẽ cùng các hành động kèm theo của Hoa Kỳ, phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc ở biển Đông.
Phía Hoa Kỳ mới đây còn nhắc lại việc phản đối Trung Quốc cưỡng bức, đe doạ việc khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN, chính vì vậy, ta có thể hiểu đây là sự "biểu dương lực lượng", "phô trương cơ bắp" để nhằm đáp trả và đe doạ hành động của Hoa Kỳ và các quốc gia liên quan tại khu vực biển Đông.
Mặt khác, thông tin từ Trung Quốc cho biết Hội nghị Bắc Đới Hà sắp tới cũng đang tạo sức ép lên Tập Cận Bình, và với các hành động của Trung Quốc được coi như là khẳng định sức mạnh, cho rằng vẫn làm chủ được tình hình của Tập Cận Bình nhằm trấn áp các phản kháng của các phe nhóm chính trị trong nội bộ Trung Quốc.

Có hàm ý đe dọa?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp (nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Iseas của Singapore, từ Hà Nội): Lần tập trận này về quân sự là tập tiếp dầu trên không, phía trên biển, tập bay xa trên biển (ban ngày) với tốc độ chậm, mang tên lửa và thiết bị trinh sát đối với máy bay Su-30MKK đó. Su-30MKK không mang thùng dầu phụ, thay vào đó, các móc treo có thể mang tối đa tên lửa, bom và thiết bị trinh sát (reconnaissance pod). Bay tập liên tục 10 tiếng trên biển, phi công Trung Quốc cũng tập ăn, uống… như ta thấy trong các video ngắn. Su-30MKK Nga chế tạo cho Trung Quốc không nhấn mạnh loại hình bay trên biển; không quân Trung Quốc thử tập bay biển - ban ngày, là một cố gắng huấn luyện.
Về chiến lược, bay nhiều giờ liên tục trên không, là có hàm ý dọa Việt Nam, Indonesia, Philippines, Australia - với số giờ như thế, tăng tốc độ lên gấp 1.4 đến 1.5 lần, máy bay có thể bay đến tận đảo Tasmania! Nhìn kỹ hơn, thì có lẽ không dọa được ai, bởi vì nếu xảy ra giao chiến trên không ở Trường Sa, kết hợp với các nhiệm vụ cường kích (ném bom), thì thời gian giao chiến không thể lâu quá 60 - 70 phút; còn nếu bay vào không phận Australia, hay Indonesia… thì cần phải tính đến các hệ thống phòng không cực mạnh của Australia, và năng lực phòng thủ khá tốt bằng máy bay và phòng không của Indonesia. Với Việt Nam, thì ở Trường Sa, Việt Nam chỉ có 21 điểm canh giữ, chủ yếu là các nhà giàn.
Tấn công bằng Su-30 hay bất kỳ loại máy bay nào khác (kể cả máy bay ném bom) dường như không thực tế cho lắm, vì tốn kém và chắc không hiệu quả bằng tấn công bằng tàu chiến, tàu ngầm. Từ việc tập trận và đe dọa, đến tấn công thật sự, còn một khoảng cách, phụ thuộc nhiều nhân tố và điều kiện.
Khó mà nói được rằng kiểu tập trận này có hàm ý gì với cuộc tập trận RIMPAC sắp tới đây, Quy mô của RIMPAC khá lớn, đa mục tiêu, khác hẳn với cuộc tập nhỏ này của Trung Quốc. Hai năm nay, Mỹ không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC, nên có lẽ bây giờ Trung Quốc tập riêng.
Đối đầu giữa tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu tuần duyên Trung Quốc trên Biển Đông năm 2014
Nguồn hình ảnh, Getty Images

'Kỷ lục mới' và thực lực?

BBC: Các chiến đấu cơ của Trung Quốc Su30 thực hiện phi vụ bay liên tục 10 giờ đồng hồ, xuất phát từ đất liền, có tiếp dầu trên không trong khi bay tới khu vực Trường Sa được truyền thông Trung Quốc loan tin là 'kỷ lục mới', cự ly này dường như có thể thực hiện tiềm năng dọc toàn bộ chiều dài của Việt Nam, nếu các thông tin về 'kỷ lục mới' trên là đúng, thì Việt Nam theo quý vị cần phải suy nghĩ, tính toán, chuẩn bị gì cho riêng mình?
Ông Đinh Kim Phúc: Những vấn đề này theo tôi Việt Nam không bất ngờ và bị động. Không quân, Hải quân Việt Nam với những vũ khí hiện có đủ sức đối phó với Trung Quốc, một lực lượng phải xuất phát tác chiến từ hàng ngàn cây số.
Ông Hoàng Việt: Trước đây, một trong những điểm bất lợi của Trung Quốc trong việc tấn công Trường Sa đó là đường bay quá dài, máy bay chiến đấu của Trung Quốc không đủ khả năng tiếp liệu để quay về. Tuy nhiên, với hành động này, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng, điểm bất lợi này Trung Quốc đã tìm cách khắc phục.
Với sự kiện này, cộng với 7 đảo nhân tạo tại Trường Sa đã được Trung Quốc quân sự hoá, tạo thành những căn cứ quân sự vững chắc như những "hạm đội trên biển" của Trung Quốc, bên cạnh sự đe doạ có các hành động quân sự như tấn công các thực thể trên Trường Sa mà các quốc gia khác đang kiểm soát như là Việt Nam chẳng hạn.
Với vấn đề này, Việt Nam cần phải tính tới các phương án phòng thủ khi quân đội Trung Quốc đồng loạt tấn công Trường Sa từ nhiều hướng.
Ông Hà Hoàng Hợp: Truyền thông Trung Quốc gọi là kỷ lục cũng hay - đó là kỷ lục của không quân Trung Quốc với SU-30MKK.
Bay bình thường, không cần tiếp dầu trên không, chỉ 70-80 phút là bay hết chiều dài Việt Nam, nếu có giao chiến thì mất nhiều lắm 50 phút, rồi lại bay về sân bay quân sự Nam Ninh, như vậy không hết 5 giờ. Bay 10 giờ, có tiếp dầu trên không, là khá ngoạn mục.
Thế nhưng, Việt Nam có lẽ không phải suy tính gì - các máy bay Su-30MK2 mà Việt Nam mua từ Nga, có lẽ bay trên biển cả bay ngày lẫn ban đêm đều được, để phòng thủ và bảo vệ đảo bằng Su-30… thì máy bay của không quân Việt Nam không cần bay xa như máy bay Trung Quốc. Bảo vệ các mục tiêu khác, thì lực lượng phòng không Việt Nam không có quản ngại gì.
BBC: Qua những gì quý vị biết được, thì tại Biển Đông thực lực vũ khí, sức mạnh quân sự của Trung Quốc thế nào, đáng quan ngại không, quan ngại đến đâu theo giới quan sát quốc tế và khu vực?
Ông Đinh Kim Phúc: Theo những số liệu của Trung Quốc và của phương Tây công bố thì vũ khí, khí tài của Trung Quốc trên các đảo chiếm đóng trái phép ở Trường Sa là đáng quan ngại, nhưng quan trọng là răn đe hay phát động chiến tranh cục bộ với một hay nhiều quốc gia?
Theo tôi, nếu có đối tượng tác chiến của Trung Quốc trên Biển Đông thì đó là Việt Nam. Nếu chiến tranh cục bộ Trung - Việt xảy ra trên Biển Đông trong vòng một tháng trở lại thì Trung Quốc sẽ có thêm một bài học nữa từ sau năm 1979.
Nhà giàn của Việt Nam ở Trường Sa
Ông Hoàng Việt: Thực lực sức mạnh quân sự của Trung Quốc thì chưa thể so sánh với Hoa Kỳ, tuy nhiên, so với các quốc gia ASEAN liên quan, thì các quốc gia ASEAN riêng rẽ không thể là đối trọng với Trung Quốc được.
Đó là một thực tế. Tuy nhiên, chiến tranh thì sẽ có nhiều mặt của nó, không chỉ nhiều vũ khí và đông quân là sẽ giành chiến thắng.
Thực tế nhiều cuộc chiến trong lịch sử đã chứng minh vấn đề này. Tuy nhiên, chiến tranh là điều không ai muốn xảy ra, vì thế các bên cần cố duy trì hoà bình. Vì thế, nếu chỉ có lạm dụng sức mạnh và gây ảnh hưởng bằng đe doạ và cưỡng bức thì cũng khó mà tồn tại được lâu, đó là xu thế tất yếu trên thế giới.
Ông Hà Hoàng Hợp: Năng lực quân sự của Trung Quốc liên quan đến biển (gồm hải quân, không quân, tàu ngầm…) được các cơ quan nghiên cứu chiến lược, an ninh và quốc phòng đánh giá khá tích cực, đặc biệt là năng lực phòng thủ. Trung Quốc hiện nay chưa phải là một cường quốc hải quân toàn cầu.
Mặc dù Trung Quốc có số lượng lớn tàu chiến, tàu ngầm, tên lửa hải quân, không quân hải quân… nhưng chất lượng và công nghệ hiện đại trong các chủng đó chưa thật hiện đại. Quân đội Trung Quốc lớn hơn quân đội Việt Nam rất nhiều, và có nhiều điểm mạnh hơn hẳn (về số lượng, trang thiết bị, vũ khí…).
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn khẳng định rằng Việt Nam luôn chủ động, không để bị bất ngờ, và Việt Nam luôn củng cố năng lực phòng thủ, bảo vệ đất nước. Quân đội Việt Nam tin rằng nếu bị xâm lược hay tấn công, họ sẽ bằng mọi cách để đẩy lùi quân xâm lược.

Chuyển động Mỹ-Asean

BBC: Mỹ mới đây có các điện đàm ngoại giao cấp Bộ trưởng với Singapore và Indonesia, kể cả có bàn thảo về hợp tác an ninh, quân sự trên vùng biển ở khu vực giữa Washington và Jakarta, trong khi đó Philippines có tuyên bố đơn phương ngừng tham gia các thao diễn, diễn tập, tập trận quân sự ở Biển Đông, có thể cắt nghĩa các chuyển động, động thái trên thế nào?
Ông Đinh Kim Phúc: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không tin vào khả năng bảo vệ của Mỹ trước quyền lợi của Philippines. Nhưng lý do trước mắt của động thái trên có khả năng vì lời hứa của Trung Quốc về vắc-xin phòng ngừa Covid 19 cho Philippines.
Ông Hoàng Việt: Các quốc gia ASEAN trong những năm vừa qua, một mặt các quốc gia này bị phụ thuộc kinh tế khá nhiều vào Trung Quốc, mặt khác khi Hoa Kỳ lơ là khu vực biển Đông, đã khiến Trung Quốc dùng sức mạnh đe doạ, cưỡng bức nhiều quốc gia ASEAN phải giữ im lặng trong vấn đề biển Đông.
Tuy nhiên, với sự thúc đẩy và cổ vũ của Hoa Kỳ thời gian gần đây, các tiếng nói của các quốc gia ASEAN liên quan đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tổng thống Duterte đang ở trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" khi nhiệm kỳ của ông ta sắp hết, nên ông ta cố gắng tìm mọi cách để "lợi dụng" đầu tư và viện trợ của Trung Quốc, khi ông Duterte mới đây tuyên bố không đủ tiền để cứu trợ người dân Philippines trong dịch bệnh Covid 19.
Những tuyên bố của ông ta thay đổi liên tục, vì thế không thể chỉ nhìn vào những phát biểu của ông ta mà đánh giá được vấn đề.
Trong công hàm gửi lên LHQ mới đây, cũng như Ngoại trưởng Philippines đã phát biểu, Phán quyết 2016 là không thể thương lượng. Do đó, chúng ta cứ chờ đi, vài bữa nữa, ông Duterte lại thay đổi quan điểm tiếp tục. Việc các quốc gia "làm sống lại" Phán quyết 2016, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ nó cũng như các quốc gia lên tiếng phản đối thẳng thắn yêu sách sai trái của Trung Quốc là minh chứng rõ nhất cho việc "gió đã đổi chiều" không thuận lợi cho Trung Quốc.
Ông Hà Hoàng Hợp: Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và ngoại trưởng Indonesia bà Marsudi nhất trí mở rộng hợp tác an ninh và quốc phòng song phương, trên nền đã có sẵn (Indonesia hiện nay đang sử dụng máy bay F-16 của Mỹ và nhiều thiết bị, khí tài Mỹ trong không quân, phòng không và hải quân).
Chúng ta chờ các cuộc hội đàm và tiếp xúc giữa các bộ trưởng quốc phòng hai nước tới đây, thì sẽ biết thêm các tiến triển hợp tác an ninh và quốc phòng Mỹ - Indonesia. Indonesia có nhiều căn cứ hải quân và không quân tuyệt vời…
Singapore có quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc, về quân sự Singapore sử dụng vũ khí Mỹ là chủ yếu, Mỹ đã ký gia hạn 15 năm việc sử dụng các cơ sở hải quân và không quân của Singapore. Singapore đang tiếp tục cố gắng đóng góp cho hòa bình khu vực, giúp cho quan hệ Asean - Mỹ, Asean - Trung Quốc phát triển trên nên hòa bình và tuân thủ luật quốc tế.
Lợi thế lớn nhất của Philippines là phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài cho Philippines. Lợi thế lớn thứ hai, Philippines đang là đồng minh của Mỹ theo thỏa thuận 1951.
Tổng thống Duterte quyết định không để hải quân Philippines tham gia tập trận tới đây, thực chất là do hải quân Philippines vẫn còn nhỏ và yếu, mặt khác, việc không tham gia tập trận với Mỹ và các nước khác có thể là một dấu hiệu làm cho Bắc Kinh thấy thoải mái trong tầm ngắn hạn. Ngoài ra, có lẽ không có ý nghĩa gì lớn về chiến lược.

Và đối sách của Việt Nam?

BBC: Và cuối cùng theo quý vị, Việt Nam, trên cương vị chủ tịch luân phiên Asean trong nhiệm kỳ này, có thế nhận diện các chuyển động trên ra sao và cần có đối sách, sách lược gì trong bối cảnh này để vừa phục vụ đóng góp xây dựng, tích cực cho an ninh, hòa bình, ổn đinh, phát triển ở khu vực, vừa đảm bảo được tốt các quyền, quyền lợi, lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông và khu vực?
Ông Hà Hoàng Hợp: Việt Nam đang chuẩn bị xúc tiến đàm phán COC giữa Asean và Trung Quốc, các hội nghị khác (ADMM/ADMM+) cũng sẽ được tiến hành trực tuyến. Việt Nam hy vọng rằng Hội nghị Thưởng đỉnh Asean tổ chức trong tháng 11 sẽ có đầy đủ các điều kiện để tổ chức họp như bình thường, trong đó các nhà lãnh đạo các nước Asean và các nguyên thủ nước Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn… sẽ đến dự.
Cùng với vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đang tích cực đóng vai trò tích cực trong vị trí chủ tịch luân phiên Asean, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, thúc đẩy phát triển trong khung cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời nỗ lực đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Việt Nam hoan nghênh tất cả những đóng góp của các nước đối với vấn đề biển Đông trên nền pháp lý quốc tế, trong đó có đóng góp của các nước Asean, các nước Asean có tranh chấp ở biển Đông (Malaysia, Philippines, Brunei), và Indonesia, Mỹ, Nhật, Australia.
Ông Đinh Kim Phúc: Tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về Luật Biển của LHQ 1982 là ưu tiên trong sách lược hiện nay của Việt Nam và ASEAN.
"Trận chiến công hàm" trong thời gian gần đây cho thấy Việt Nam và các nước ASEAN dùng yêu sách mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ra 350 hải lý và cơ chế hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ để 'bắt chết' tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Hoàng Việt: ASEAN nói chung, và Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay cần thể hiện rõ vai trò và bản lĩnh của mình trước tình hình căng thẳng và phức tạp hiện nay, cần có tiếng nói và hành động độc lập, không sa vào căng thẳng Mỹ - Trung, khiến tình hình phức tạp thêm. Theo đó, ASEAN cần thể hiện rõ vai trò của mình trong việc đàm phán và đối thoại về COC trong thời gian sắp tới.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire