Trang

09/01/2021

Nguyễn Xuân Phúc ‘nổ’ Long Thành là phi trường ‘được mong chờ nhất thế giới’

Jan 6, 2021

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Sáng 5 Tháng Giêng, dự và phát biểu tại lễ khởi công dự án thành phần 1 của phi trường Long Thành, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc nổ rằng phi trường này “nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới.”

“Đây là dự án với tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay [tại Việt Nam],” báo Zing dẫn lời ông Phúc.

Phi trường Long Thành dự trù đưa vào khai thác trong năm 2025. (Hình: Zing)

Báo Zing đăng lời ông Phúc kèm theo nhận định của “một tổ chức của Úc” không được nêu tên, đã nhận định “sân bay này sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 3 đến 5%” khi đưa vào khai thác từ năm 2025.

Theo báo VNExpress, chỉ giai đoạn đầu tiên xây dựng phi trường nêu trên đã ngốn $4.6 tỷ từ tiền thuế dân. Dự án xây phi trường Long Thành được ghi nhận có tổng mức đầu tư lên đến $16 tỷ dù chỉ có hai phi đạo.

Còn theo báo Zing, phi trường Long Thành trong giai đoạn đầu chỉ có một phi đạo dài 4,000 mét, rộng 75 mét và hệ thống đường lăn, sân đỗ bảo đảm cho các loại phi cơ hoạt động, đáp ứng công suất 25 triệu lượt hành khách và 1.2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Các thông số nêu trên khiến giới quan sát nghi ngờ về chuyện “Long Thành là một trong 16 phi trường được mong chờ nhất thế giới” theo như phát ngôn của người đứng đầu chính phủ CSVN.

Ông Nguyễn Ngọc Chu, nhà quan sát, lên tiếng trên trang cá nhân: “Vị thế và tầm cỡ phát triển của Sài Gòn thì không thể chỉ có một phi trường duy nhất là Tân Sơn Nhất. Cho nên, không ai phản đối xây dựng phi trường thứ hai ở khu vực Sài Gòn. Chỉ là thời điểm, vị trí, diện tích đất, tổng vốn đầu tư, ai xây, xây như thế nào là những vấn đề phải được xem xét kỹ lưỡng.”

Theo ông Chu, việc góp ý chưa xây dựng phi trường Long Thành vào thời điểm hiện tại mà phải mở rộng Tân Sơn Nhất dù “có nhiều luận cứ xác đáng nhưng cuối cùng đã không được tiếp nhận.”

“Trên thực tế thì đất ở khu vực phi trường Long Thành đã được chia bán từ hàng chục năm về trước. Đây là một trong ba nguyên nhân chính bắt buộc phi trường Long Thành phải được xây dựng,” theo Facebook Nguyen Ngoc Chu.

Trước tình thế phi trường Long Thành đã khởi công, vị tiến sĩ toán học nêu một số điều ước: “Xây đúng giá; dẫu có đắt gấp hai, ba lần nhưng thiết bị và vật liệu hiện đại của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, công năng hợp lý, thiết kế khoa học và đẹp, chất lượng công trình đảm bảo; có một bộ máy quản lý giỏi.”

Cũng theo ông Chu, nếu tư nhân là chủ sở hữu Tân Sơn Nhất thì phi trường Long Thành “vĩnh viễn lỗ, không bao giờ có thể hoàn vốn.”

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc (trái) tại lễ khởi công phi trường Long Thành. (Hình: Zing)

Trước đó, hồi Tháng Tư, 2020, “Báo Cáo Đánh Giá Tác Động Của COVID-19 Đến Nền Kinh Tế và Khuyến Nghị Chính Sách Ứng Phó” do trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân gửi đến chính phủ CSVN, nhấn mạnh yêu cầu tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, ví dụ như phi trường Long Thành, chuyển các nguồn vốn này sang hỗ trợ doanh nghiệp.

Thời điểm đó, báo Dân Trí dẫn lập luận của các chuyên gia, học giả tại Đại Học Kinh Tế Quốc Dân: “Việc đầu tư phi trường là cần thiết, tuy nhiên trong thời gian này nên chuyển các nguồn vốn này sang hỗ trợ các doanh nghiệp. Sau khi nền kinh tế hồi phục sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư.”

Tuy vậy, với việc khởi công phi trường Long Thành, chính phủ CSVN đã phớt lờ tất cả những ý kiến phản biện về dự án hơn chục tỷ đô la này. (N.H.K) [qd]

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire