21/08/2011

VIỆT NAM THỜI PHUNG PHÍ

Lại lục vào đống tài liệu cũ, cũ vào cái thời chưa biết máy vi tính là gì, thì bắt gặp hai tờ giấy vàng ố cắt ra từ báo Tuổi Trẻ năm 1991 và báo Diễn đàn Thanh Niên năm 1989. Tờ Diễn Đàn Thanh Niên do nhóm Hoàng Hải Vân, Ngô thị Kim Cúc và Đặng Ngọc Khoa chủ trì, xuất hiện tại Đà Nẵng chưa đầy một năm thì bị đóng cửa. Bài báo cắt ra từ báo ấy do tôi viết có tựa đề: VIỆT NAM THỜI PHUNG PHÍ. Nó là một trong những lý do đưa đến việc đóng cửa tờ báo nầy.
Bài thứ hai đăng trên báo Tuổi Trẻ vào thời Kim Hạnh, Huỳnh Sơn Phước, Nam Đồng làm ban biên tập. Bài báo có tựa đề: NGƯỜI THẦY HAY THỢ DẠY?  đã gây nên nhiều phản hồi sôi nổi, đến nổi ban biên tập Tuổi trẻ quyết định mở ra diễn đàn NGƯỜI THẦY HAY THỢ DẠY? kéo dài qua hai tháng thu hút rất nhiều người tham gia.
Trên Tuổi Trẻ vào năm 1988, tôi còn một bài nữa là VIỆT NAM XỨ SỞ CỦA NGHỊCH LÝ cũng gây xôn xao một thời , rất tiếc không còn thấy bản lưu trong tập hồ sơ nầy. Tôi sẽ cố tìm ra và đăng lại khi có dịp vậy.
Đọc lại hai bài báo cũ cách đây hơn 20 năm sao vẫn thấy còn tính thời sự. Sợ thật! Lẻ nào qua hơn 20 năm đất nước tôi vẫn đứng yên?
Quang Trung sau khi lên ngôi và đánh tan quân Tôn Sỹ Nghị đã từng tuyên bố: cho thêm 10 năm nữa thì ta chẳng sợ gì thằng Mãn Thanh to xác kia. 10 năm là thời gian đủ để cho Nhật Bản rồi Hàn quốc từ một nước đói nghèo tan nát sau chiến tranh vươn lên thành cường quốc kinh tế của thế giới. Không kể 10 năm thời bao cấp, ta có đến hơn 20 năm đổi mới để phát triển đất nước kia   mà!!!! 
                                                                                                        

VIỆT NAM THỜI PHUNG PHÍ

Một phi công tài ba vì đưa ra dự án nổi tiếng lấn át uy danh thủ trưởng nên bị đuổi về hưu. Một kỷ sư không lưu có trình độ quốc tế được dùng vào việc bán phở. Một tổng biên tập báo tài năng phải ngồi chơi xơi nước vì tờ báo đề cập nhiều vấn đề gay gắt nóng bỏng của cuộc sống. Người quen việc buôn mánh thì đưa đi nước ngoài để nghiên cứu khoa học còn kẻ giỏi làm khoa học thì đi xếp hàng mua cám nuôi heo....
Tất cả những cái đó nói lên điều gì? Xin thưa chúng nói lên một sự việc rất phổ biến đang xay ra ở Việt Nam ta trong thời đại ngày nay: SỰ PHUNG PHÍ, mà trong các trường hợp kể trên là sự phung phí chất xám.
Chúng ta đang nghèo khổ vì sống trong thời kỳ phung phí.
Trẻ nhỏ phung phí sự ngây thơ của mình qua các bộ phim đâm chém, qua các cuốn sách trang báo vụ án dâm đảng rẻ tiền.
Thanh niên phung phí sức lực trai trẻ vào cà phê, thuốc lá, rượu chè, vào những cuộc ăn chơi trác táng thâu đêm.
Người về hưu phung phí sự yên ổn tuổi già vào nỗi dày vò khôn nguôi.
Người làm ăn phi pháp phung phí đồng tiền có được dễ dàng qua những trận tiệc ê hề.
Người “đầy tớ” phung phí thời giờ vào những cuộc họp triền miên và vô bổ trong khi những “người chủ” lại phung phí nó qua những hàng dài chờ đợi trước các cơ quan, cửa hàng , bến xe, ga tàu…
Phung phí nguy hại hơn vẫn là phung phí kinh tế do sự “quản lý “ phi kinh tế, phi khoa học của những người dành quyền quản lý. Người ta huy động nhân dân cả một huyện đi đào đắp một con kênh chảy ngược nước, huy động nhân dân thành phố đi san phẳng một trái đồi nằm ngay bên dưới đường lên xuống của một sân bay để làm mặt bằng rồi bỏ hàng tỷ đồng xây cất nhà ngang dãy dọc nhằm xây dựng một nhà máy nhiệt điện để rồi dẹp đi không kịp( vì lúc đó mới nhận ra rằng khói nhà máy lên thì làm sao máy bay cất hạ cánh!); bỏ hàng triệu đô la mua một tàu đánh bắt và chế biến thủy sản hiện đại để dùng vào việc chở hàng; bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây dựng những công trình mới trong khi công trình cũ có sẵn chưa dùng hết công suất hoặc đang để hư hại dần. Một sân bay tầm cở trong một khu vực địa lý tuyệt vời là sân bay Tân Sơn Nhất chỉ lèo tèo mỗi ngày một vài chuyến bay; một hải cảng vào loại quan trọng nhất Đông Nam Á là cảng Đà Nẵng sử dụng chỉ hết phần nhỏ công suất vì quản lý tồi, ấy thế lại còn vung tiền xây thêm nhiều cảng mới. Những cái đó phải gọi là siêu phung phí.
Người ta lại đốt cả một kho hàng hóa để thủ tiêu bằng chứng tham ô, giết chết những chiến sỹ công an trung thực để thủ tiêu một bằng chứng tội ác. Rồi một lực lượng hải quan, thuế vụ, quản lý thị trường đông đảo với những thủ tục xét hỏi rườm rà, thô bạo làm mất lòng dân, mất lòng khách đến cực kỳ nhưng buôn lậu vẫn tiếp tục buôn lậu, thuế vẫn cứ thất thu, hàng ngoại phí pháp vẫn cứ tràn ngập thị trường giết chết nền sản xuất trong nước và giết chết luôn sự trong sáng của tâm hồn trẻ thơ Việt Nam…..
Và trên tất cả những thứ đó là sự kìm hãm của một cơ chế lỗi thời đã phung phí biết bao tiềm năng kinh tế và lao động của trên 55 triệu dân trong hơn 10 năm qua, đó là đầu mối của mọi phung phí.
Tuy nhiên tất cả những phung phí trên không chấm dứt bằng mọi giá thì công lao to lớn của Hồ Chủ tịch, máu xương đã thành sông thành núi của bao anh hùng liệt sỹ, nhân dân…sẽ cũng trở thành phung phí nốt.
 Đó là sự phung phí to lớn nhất và tệ hại nhất.  
                                                         HUỲNH NGỌC CHÊNH                                    
 

NGƯỜI THẦY HAY THỢ DẠY?
Cái khó khăn về đời sống vật chất của giáo viên đã lấn át tâm trí mọi người, tâm trí của chính bản thân giáo viên nên đưa đến sự ngộ nhận rằng: Nâng cao đời sống giáo viên lên sẽ lấy lại tư thế người thầy.
Nhưng thật ra còn một yếu tố quan trọng hơn chi phối đến tư cách người thầy, đó là lề lối quản lý của ngành giáo dục hiện nay, với những di chứng nặng nề của thời bao cấp.
Xuất phát từ quan điểm xem giáo viên là một đối tượng cần quản lý chặt chẽ để tăng năng xuất lao động tối đa như người thợ trong nhà máy chứ không xem giáo viên là chủ thể mô phạm có tính tự giác cần được tôn trọng, cho nên cán bộ quản lý của ngành giáo dục thường đưa ra những biện pháp quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiêu cực của người giáo viên hơn là khuyến khích động viên tính tự giác, lòng yêu người và yêu nghề của người thầy.
Quan điểm chưa đúng đắn ấy thể hiện qua các biện pháp quản lý cụ thể thường gặp sau đây:
1. Giao lớp học cho giáo viên nhưng lại chưa tin tưởng hoàn toàn vào giáo viên nên tổ chức kiểm tra, dự giờ, thăm lớp và thậm chí cả việc thăm dò ý kiến của cán bộ lớp, cán bộ đoàn một cách thiếu tế nhị.
Giao sách giáo khoa cho giáo viên nhưng lại e ngại giáo viên dạy không đúng từng chữ trong sách nên buộc giáo viên phải soạn giáo án kỹ lưởng đến từng chi tiết như lên lớp phải từng bước một làm gì, đặt ra những câu hỏi gì, đặt ra vào lúc nào v.v…một cách máy móc và lẩm cẩm.
2. Giao chương trình giảng dạy cho giáo viên nhưng ngại giáo viên dạy không đúng liều lượng nên lại ra thêm phân phối chương trình đến từng tiết học, thống nhất một cách máy móc trên toàn quốc là đến ngày nào dạy đúng với bài nào, bất chấp đặc điểm học sinh từng vùng.Nhưng chưa hết, tại các trường, ban giám hiệu lại buộc các tổ chuyên môn phải họp hành thống nhất nhau đến từng bài tập cần ra, từng câu hỏi cần kiểm tra.
Hậu quả của những điều ấy là giáo viên biến thành những cái máy lên lớp thực hiện một chương trình đã lập sẵn khi được bấm nút. Còn đâu sự hứng thú sáng tạo của một người thầy?
Người ta làm những công việc trên mà quên đi rằng một giáo viên sau khi đã tốt nghiệp sư phạm là có đầy đủ tư cách để làm công việc của mình một cách hiệu quả và có trách nhiệm mà không cần có người đứng bên bày biểu phải làm như thế nào. Kiểm tra giáo viên là kiểm tra cái họ làm ra chứ không nên kiểm tra họ làm như thế nào. Cái họ làm như thế nào thì lúc còn học ở trường sư phạm đã có người bày biểu, kiểm tra và công nhận rồi.
3. Hướng giáo viên vào chuyện thi đua hình thức đầy tính ấu trĩ với cách cho điểm thi đua đơn thuần dựa vào các sinh hoạt hình thức ngoài chuyên môn như: Có đi chào cờ không? Khi họp có ghi chép không? Có đầy đủ các hồ sơ sổ sách không? Hồ sơ sổ sách có trình bày đẹp đẽ không? Có viết chương trình hành động từng tháng từng học kỳ không? Có sáng kiến kinh nghiệm không?...Rồi dựa vào đó để đánh giá xếp loại giáo viên mà hoàn toàn lờ đi khía cạnh chuyên môn ( vì sợ chạm đến tự ái cá nhân) và cả phẫm chất đạo đức- hai yếu tố quan trọng nhất để đánh giá một người thầy.
Các biện pháp quản lý đầy tính bao cấp tư duy ấy xảy ra trong mọi cấp học với mức độ tăng dần từ đại học xuống đến cấp một. Đó là nguyên nhân đưa đến hiện tượng bỏ dạy của giáo viên cấp một nhiều hơn giáo viên cấp hai và giáo viên cấp hai bỏ dạy nhiều hơn cấp ba.

Sự nghiệp giáo dục nước nhà có đi lên hay không là làm sao để mỗi giáo viên trở thành một  NGƯỜI THẦY đúng nghĩa, chư không phải là những THỢ DẠY.
         Mùa nhập học 91-92
         HUỲNH NGỌC CHÊNH

8 commentaires:

  1. Những vấn đề Anh Chênh đã nêu trong 2 bài báo tuy cũ nhưng tính "thời sự" vẫn nóng bỏng. Cũng không ít Thày cô giáo yêu nghề và có lòng tự trọng đã quyết không "làm thợ dạy", vì thế mà suốt 30 năm dạy học, chức vụ cao nhất mà tôi đã kinh qua là "GV chủ nhiệm"!
    Xin phép Anh được đăng lại 2 bài này trên trang riêng: http://thaygiao.wordpress.com
    Cám ơn Anh.

    RépondreSupprimer
  2. Đúng là chỉ có kinh qua nghề dạy mới thấm thía những điều bác viết (em bỏ tuổi xuân vào đó non 20 năm). Còn "lẽ nào qua hơn 20 năm đất nước tôi vẫn đứng yên?", em thấy chả đứng yên mà nhiều thứ tụt dốc thê thảm.

    RépondreSupprimer
  3. ừ ở mặt nào đó có đi lên, mặt nào đó đứng yên và mặt nào đó lại tụt dốc. Mà cái vật chất đê hèn( xe cộ bạc triệu đôla, áo quần túi xách bạc chục ngàn...) thì nó lên mà tinh thần lại đi xuống mới nguy chứ.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Bac Chênh viết: "Sợ thật, lẽ nào 20 năm đất nước vẫn đứng yên?".
      Bác ạ, tôi thấy đất nước đâu có đứng yên một chỗ đâu, nó đang trên đà tụt dốc với tốc độ kinh hoàng!!!

      Supprimer
  4. Các bài viết anh thật hay. Cám on anh

    RépondreSupprimer
  5. Tôi là thầy giáo, tôi thấm thía bài viết này.

    RépondreSupprimer
  6. Bài báo của bác viết rất hay. Em xin làm kẻ phản biện theo lề trái vậy. So với hơn 20 năm nước ta có nhiều mặt lên đấy chứ: dân số tăng tỉ lệ thuận với ô nhiễm nè, nhà cửa nhiều nè, đất bỏ hoang(dành cho các dự án treo-được lấy từ đất làm nông nghiệp)nhiều nè, ăn nhậu nhiều hơn nè (bằng chứng cho sự phát đạt) tai nạn giao thông tăng nhiều... Nói chung nhìn theo hướng tích cực thì là xã hội cứ đi lên ào ào đấy bác ạ.

    RépondreSupprimer
  7. Hoàng Việt Nhân28 janvier 2013 à 08:25

    Bác viết thực lắm nhưng tôi còn thực hơn Năm 1976 tôi thi vào ĐH Kinh Tế Hà Nội đủ điểm vào trường nhưng Bộ GD và điều tôi sang học nghành SPKT. Nhận bằng cử nhân khoa học năm 1980, nghành sư phạm kỷ thuật công nghiệp ( ĐHSP 1 Hà Nội). Được phân công giảng dạy môn kỷ thuật NÔNG NGHIỆP ở một trường cấp 3. Năm 1984 vì không chịu dạy tiếp nên chuyễn về dạy kỷ thuật công nghiệp ở một trường cấp 2.Năm chia tỉnh vì không có chổ nên được phân công làm bảo vệ trực trường. Đến năm 1992 hiệu trưởng yêu cầu tôi nghỉ thôi việc 711 Chấm dứt 4 năm học đại học, 12 năm làm việc ở nghành giáo dục với số tiền nghỉ thôi việc 2300 ngàn đồng . Ai chụi trách nhiệm về sự lảng phí tiền của đâò taọ( dù ăn toàn bả hột bo bo) và cuộc đời của tôi đây?

    RépondreSupprimer