27/08/2012

Khi ‘Trẫm’ Bùi Giáng tặng thơ cho các ‘Đại ca’

Nguyễn Tấn Cứ
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
Cân nhắc mãi, rồi tôi thấy không thể không viết về con người có nhiều giai thoại này. Bởi cơ duyên, nhiều câu chuyện về ông tôi được tận mắt chứng kiến, bất ngờ thấy được. Đặc biệt là chuyện ông tặng thơ cho người đời.
Tôi xin gọi ông theo nhiều danh xưng mà người đời đặt cho Bùi Giáng: Bùi tiên sinh, Trung niên thi sĩ, Đười ươi thi sĩ. Còn Bùi Giáng thì ngấm ngầm cà rỡn tự cho mình là Đại Vương nên chỉ yêu những người đẹp nhất trên trần gian, và ông thường tự xưng là Trẫm.

Nhắc đến thi sĩ Bùi Giáng người ta thường hay nhớ đến một gã trung niên sặc sỡ màu sắc xanh xanh vàng vàng đỏ đỏ với đôi mắt sáng quắc sau một đôi kính cận dày cộp.

Khắp Sài Gòn Chợ Lớn người ta thường thấy thi sĩ thoắt ẩn thoắt hiện như một kiếm khách có thân thủ phi phàm với lối phục trang quái dị vá chằng vá đụp nhìn như đệ tử của cái bang trong truyện kiếm hiệp Kim Dung.

Nhưng nếu ai có một chút thẩm mỹ nhứt định sẽ phải thán phục cho cách chọn màu sắc của thi sĩ vì nhìn kỹ sẽ thấy đây là một mảng màu hội họa sạch sẽ cực đẹp.

Đây đúng là một kiểu thời trang của Bùi Giáng từ cái kính cho đến đôi giày rách, cái nón và cái bị, tạo thành một bức tranh kì lạ. Giống như một đạo sĩ của thời Xuân thu Chiến quốc, cái màu sắc ấy cũng thay đổi từng ngày khi người ta chợt bắt gặp Bùi đại ca đang múa may quay cuồng ở chợ Tân Định và chỉ một loáng sau đã thấy thi sĩ đang ngao du ở tận chợ Bà Chiểu.

Ông đi như mây lang thang như gió, hết quận nầy đến quận khác, hết quán nầy đến quán kia. Cung cách ăn uống của Bùi Giáng thì phải nói là đặc biệt, chỉ Bùi Giáng mới có.

Xích lô là phương tiện phổ quát nhất mà Bùi đại ca thường hay dùng để di chuyển khắp Sài Gòn Chợ Lớn, ngoài việc đi bộ. Ông có cả một đội xích lô thân quen.

Nhiều anh em văn nghệ yêu thích ông nên cũng thường hay xin ông cho thơ, việc này không hề khó, thi sĩ luôn sẵn lòng dâng hiến cho những ai yêu thi ca. Nhưng ông luôn đề tặng theo ý mình.

Nghe mấy anh xích lô này kể, mỗi lần chở Trung niên thi sĩ là vui nhất trên đời vì ông luôn luôn cho ăn nhậu no say. Không biết tiền ở đâu ông luôn cho anh em rất hậu, mỗi lần chở “bệ hạ” là có thể sống được ba bốn ngày.

Nói “bệ hạ” vì Bùi Giáng có một lối xưng hô rất ư là phiêu bồng cà rỡn hảo hán Lương Sơn Bạc: “Cho Trẫm về Chợ Lớn đi Đại ca”. Chỉ cần nghe như vậy, đại ca xích lô đã sướng rân lên cười toe và cung kính hạ càng: “Dạ xin mời Bệ hạ an tọa, Đại ca xin hầu ngài”. Với nụ cười an nhiên vi tiếu, Bùi đại vương nhảy tót lên xe một cách điệu nghệ, hai thầy trò bắt đầu cuộc “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn”.

Đói thì ăn khát thì uống mệt quá thì nghỉ, gốc cây hè đường công viên ghế đá bất cứ chỗ nào thích là dừng. Nhưng có điều lạ là “Trẫm” vẫn ngự trên xích lô bất cứ nơi đâu, Đại ca thì tùy thích nhưng làm ơn đừng cho chiếc xích lô chổng gọng ngã nhào khi Trẫm đang ngự là được rồi.

Trẫm thích lim dim trong cái náo nhiệt ầm ì giữa Sài Gòn hoa lệ. Nếu có mỏi qúa vì phải ngồi lâu, Trẫm sẽ đột nhiên phóng cái ào xuống đường chơi một vài điệu luân vũ của đười ươi rớt hột trước những đôi mắt thảng thốt của con người… Xong rồi, “phóc” lên yên đi thôi Đại ca, hỏi rằng Trẫm sẽ đi đâu/ Thưa rằng Trẫm sẽ đi lâu chưa về.

Đi đâu bây giờ, Đại ca gióng tiếng hỏi… Trẫm trả lời: “Đại ca chở Trẫm về quận 3 đi, vào cái quán bia ấy biết không”. Tất nhiên là phải biết rồi làm sao không. Xe trực chỉ quán 81 (đường Trần Quốc Thảo – trước đây tôi đã có bài viết về những kỷ niệm văn nhân thi sĩ tại quán này – TG).

Từ xa, anh em đã thấy xe của Trung Niên Đười Ươi Thi sĩ xuất hiện cập vào hàng hiên của quán. Vẫn trên xe, thi sĩ quát vào: “Cho hây [hai] chai Soài goòn”.

Bia được đưa ra kèm theo một đĩa đậu phụ. Hai thầy trò ngồi ngay trên xe nhậu khề khà. Ông Bùi nhậu không nhiều, chỉ mới hai ve là mặt đỏ gay mắt sáng rực lên như hai ngọn đèn pha.

Đại ca xích lô muốn uống bao nhiêu thì uống, nhưng nhớ không được say kềnh ra vì còn phải đưa Trẫm về nữa. Bao nhiêu Trẫm thanh toán hết lại còn boa lưng tưng đầu mày cuối mắt cho mấy em phục vụ.Và cũng nhanh như lúc đến hai thầy trò lại ra đi sau một màn nhảy múa ngay trên sân của quán nhậu.

Chuyện đi xe xích lô của Trung niên thi sĩ cũng nhiều cái kỳ quái. Như lần ông đi đường vào giờ cao điểm, làm sao để có thể vượt qua cái đám đông lô nhô lúc nhúc kia đang kẹt cứng sau buổi chiều tan tầm đây?

Chuyện nhỏ đối với Trung niên thi sĩ, không biết từ đâu Anh Dzoáng bỗng có một cái tu huýt thổi lên rầm trời cùng với một chiêu lăng ba vi bộ bay ra giữa ngã tư bắt đầu một cuộc nhảy nhót hoành tráng tả xung hữu đột như phim.

Bùi thi sĩ biến thành một cảnh sát giao thông có một không hai trên cái trần gian lộn xộn hỗn mang này. Lạ thay, dòng xe cộ đang dừng như bị một cái đập ngăn bỗng dưng như được tháo chốt lăn bánh trôi từ từ theo những động tác điều khiển điệu đàng như một nhạc trưởng của Trung niên thi sĩ.

Chưa vội chấm hết cho cuộc trình diễn, thi sĩ tiếp tục múa may theo nhịp điệu tiếng còi thêm một hồi nữa cho đến khi xe cộ lưu thông theo ý muốn rồi tự dưng ông biến mất. Lát sau, người ta đã thấy hai thầy trò thong dong ngao du ca hát cùng bạn bè ở Bà la chân Tân Định kia rồi.

Như đã viết, Bùi Giáng có một lối ngồi ăn uống và cả làm thơ hết sức đặc biệt, nghĩa là chỉ ngồi trên xe xích lô thôi không bao giờ ngồi trên ghế của bất cứ quán nào.

Ngay cả cách xưng hô “Trẫm và Đại ca” cũng là một cách tếu táo thâm trầm nhưng vô cùng cà rỡn của Bùi Giáng. Nhiều anh em văn nghệ yêu thích ông nên cũng thường hay xin ông cho thơ, việc này không hề khó, thi sĩ luôn sẵn lòng dâng hiến cho những ai yêu thi ca. Nhưng ông luôn đề tặng theo ý mình.

Vậy nên mới có chuyện một anh chàng làm thơ nọ được Bùi thi sĩ tặng thơ có lời đề tặng như sau: “Bài thơ này Trẫm tặng cho Đại ca QYZ, kí tên Trẫm, Bùi Giáng”.

Sướng quá, anh này bèn đem khoe với mọi người và toáng lên rằng: “Được Bùi Giáng nể lắm nên mới gọi là Đại ca”.

Nhưng khi nghe một đàn anh phân tích, anh này mới tá hỏa vì hiểu ra Trung niên thi sĩ đang cà rỡn la cà chữ nghĩa với mình, nhưng có hề chi chỉ vui vui vì cái kiểu cà rỡn ta bà của thi sĩ.

Không chỉ một mình anh này mà nhiều người khi được Bùi Giáng tặng thơ cũng đều có chung một lời đề tặng như thế không sai một chút nào.

Có một giai thoại do Bùi Chí Vinh kể rằng, anh cũng được Bùi Giáng nâng một cái… chổi truyền lại cho Bùi Chí Vinh như truyền vương trượng sau khi nghe Vinh đọc thơ.

Hư thực không biết nhưng có người bảo rằng Vinh bị Bùi Giáng cà rỡn mà thôi chứ làm gì có chuyện truyền “ngôi báu thi ca”. Vì nói cho cùng thì Bùi Giáng vẫn là Bùi Giáng, không ai có thể là truyền nhân được.

Vì sống điêu linh thơ mộng được như Bùi thi sĩ đã là chuyện vô cùng khó rồi. Còn làm thơ lại càng khó hơn vì cái lối tung hứng chữ nghĩa độc nhất vô nhị đến vô ngôn vô cùng của thi sĩ họ Bùi, lại có vô chừng ngữ nghĩa rập rờn âm thanh trong thơ của ông.

Anh Dzoáng phóng bút làm thơ trên… phong bì


Bùi Giáng.
Hỏi rằng tiền bạc của Trung niên thi sĩ ở đâu mà ra? Câu trả lời ở giữa lộ trình ngao du: Bỗng nhiên Đại ca xích lô nghe: dừng lại đây đi Đại ca. Điểm dừng là một biệt thự kín cổng cao tường, từ bên trong nghe tiếng chó dữ hực lên.

Đại ca mới nghe đã muốn tháo chạy, nhưng Trẫm thì điềm nhiên, bảo Đại ca cho xe chạy sát vào cánh cổng nơi có nút bấm, tiếng chuông vang lên rền rĩ kèm theo tiếng của chủ nhân lao xao ra mở cửa.

“Ai đó…” – một giọng điệu kéo dài hách dịch. Hắng giọng: “Trẫm đây Đại ca…”. Cửa mở toang và giọng người reo vui: “Trời đất ơi, anh Dzoáng ngọn gió nào đưa anh tới đây”.

Vẫn kẻ đứng người ngồi, Trẫm tỉnh queo: “Thì đi rong chơi, mi có buồn không nếu tao vay mi ít tiền”. Chủ nhân không một chút buồn phiền trái lại còn vui mừng ra mặt vì được cụng phụng cho thi sĩ: “Dạ được được mà anh Dzoáng chờ em một chút!”.

Nói xong, chủ nhân quay thật nhanh vào nhà, và cũng thật nhanh đã quay trở lại, dường như sợ nếu chậm anh Dzoáng sẽ đi mất tiêu, trên tay là một phong bì màu xanh kính cẩn dâng lên.

Thi Sĩ nhét vào lưng quần xong rồi nhàng nhẹ: “Ta viết cho mi một bài thơ hí?”. Nói xong không đợi trả lời anh Dzoáng phóng bút làm ngay một bài thơ ngay trên chính cái phong bì đó. “Đây ta tặng”. Chủ nhân chưa kịp cám ơn thì thi sĩ đã vỗ càng xe “Đi thôi Đại ca ơi…”.

                                                                                       Nguyễn Tấn Cứ

3 commentaires:

  1. nói thời thế tạo nên anh hùng thì có người bảo phản động ,chính trị chính em.nhưng ngẫm nghỉ viết thế nào ,cách nào,ai viết người đọc vẫn thấy là cái sai sót của một chế đọ lỗi thời mà nói mãi ,viết mãi vẫn ỳ ra đó

    RépondreSupprimer
  2. Nguyễn Tấn Cứ là người viết thơ tình rất hay! Rất mong anh Chênh sẽ giới thiệu với độc giả những bài thơ tình của nhà thơ này. Trân trọng.

    RépondreSupprimer
  3. Không muốn làm Anh hùng , mà cứ phải vẫn Anh hùng . Mong sao được điên khùng thoát nợ , tiếc rằng một đời chẳng được khùng điên .

    Cái đớn đau , cái kiêu ngạo , cái thỏa mãn giữa được mất bất Cần . Như một điệp khúc quấn quít vào nhau tạo nên một hình ảnh cuối đời Bùi Giáng .

    Trong trạng Thái lơ mơ may ra mới gặp được Bùi tiên sinh ...! ! ! Bipam

    RépondreSupprimer