29/11/2012

HÃY TIẾT KIỆM THỨ CÒN LẠI DUY NHẤT


Giới thiệu các bạn hai bài thơ sau đây, một của Đỗ Trung Quân, một của Lý Thủy Nguyên

Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất


Giới trẻ VN khóc nức nở khi đón ban nhạc Hàn Quốc tại - Hanoi
Đỗ Trung Quân
Ngày ấy bọn tôi hai mươi tuổi
Ria lún phún
Mắt cận lòi
Dân Sài Gòn tiểu tư sản, đọc sách triết , tóc hippie
Được phong tặng “thanh niên chậm tiến “
Thôi thì biết thân phận mình, đứa đi làm công nhân , đứa đi làm rẫy. đứa thanh niên xung phong coi như trả món nợ dù chả vay ai thời tiền – hậu - chiến
Ngày Polpot tràn qua An Giang , Ba Chúc thảm sát đồng bào
Tổ quốc lâm nguy

Bọn tôi sôi sục ra biên giới
Ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam
Tổ quốc lại lâm nguy
Có thằng em khai gian tuổi
Vác balo lên đường
Gác mọi tranh chấp ý thức hệ
vệ quốc trước đã
Ai không tử sĩ
Ai  không phế binh
Thì về
Đứa đạp xich lô. Đứa chạy xe ôm, đứa đi khuân vác
Bình thường.
Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
 Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu
tôi  nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ
Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
Nhục
Biển Đông
Qúa
Đủ



Sau khi đăng bài thơ nầy lên Facebook, nhà thơ Đỗ Trung Quân nhận được email trả lời. Nhà thơ viết: Tôi nhận được link bài thơ qua mess. Đấy là một bài thơ gửi cho tôi. Tôi post lại ở đây. Tôi không bình luận ngoài từ : hay !
Tác giả Lý Thủy Nguyên ?

Nước mắt mà là thứ còn lại duy nhất - thì đất nước chúng ta chẳng còn gì
bởi Ly Thuy Nguyen vào 29 tháng 11 2012 lúc 12:52 ·
Bây giờ chúng tôi mới vừa qua hai mươi tuổi
Chẳng phải dân Sài Gòn cũng chẳng phải dân Hà Nội, quan trọng gì thành phố
Đâu chẳng là đất nước mình
Là đất nước mình nhưng biết gì về văn hoá nước mình
Mỗi một lần bật tivi lên là HBO CNN ESPN
Là MTV là hàng trăm những kênh mà nhà đài kí hợp đồng với các “Cường quốc năm châu khác”
Mà tôi vẫn hay gọi đùa là quân cựu thực dân
Hôm nay xem cái ảnh rồi đọc bài thơ muốn hỏi chú Trung Quân
Chú có biết về tiến trình toàn cầu hoá
Xâm lấn của thực dân ngày nay chẳng còn lộ liễu như tên bay đạn nổ
(Đấy là tôi giả vờ không nói đến những cuộc chiến ở Trung Đông
Không muốn vội giải thích về sự nhúng tay của Mỹ tại cuộc chiến ở Israel với Palestine
Trong 4 ngày ở dải Gaza hơn 200 người chết
Hơn 50% là trẻ nhỏ
Tôi sẽ giả vờ không nói về điều này vậy
nó đòi hỏi cả luận văn của tôi)
Chú Quân này chú có biết không
những đứa trẻ chú cười chê là một phần của thế hệ tiếp theo tôi đấy
Là thế hệ sinh sau thời hậu chiến
Nói ngôn ngữ khác rồi, văn hoá cũng khác ngày xưa
Và họ - cũng như tôi – là nạn nhân của cái nền văn hoá tạp nham
Ngẩng đầu nhìn quanh báo đài lăng xê những tuổi tên của những đất nước nào xa lạ
Trước khi chú hỏi tại sao trẻ con khóc vì bọn nào lạ hoắc
Sao chú không hỏi nền giáo dục nào khiến trẻ con phát điên
Sao chú không hỏi xã hội thế nào người lớn đâm sau lưng nhau anh chị em giành nhau cái nhà cho bố mẹ ra ngoài đường ngủ
Sao chú không hỏi truyền thông thế nào toàn du nhập những văn hoá ngoại lai báo chí thì một điều Ngọc Trinh gái ngoan Mai Phương Thuý lộ hàng Hoàng Thuỳ Linh băng sếch
(Đấy là tôi ví dụ một vài - chẳng đổ lỗi cho những cô con gái; mà những kẻ nhân danh nhà báo viết những câu đến ngữ pháp còn sai; tin bài giật tít)
Sao chú không hỏi thế hệ nào đã nuôi dạy bọn trẻ con như thế
Những bài học về tình người ở đâu trong trường học
Khi thầy cô giáo nghèo vật chất đói tâm hồn?
Chú Quân này, tôi bảo, đổ lỗi cho trẻ con thì dễ thôi
Vì chú chẳng đứng trong gót giày của chúng tôi,
Trong mắt bọn trẻ con, thế giới còn cái gì mà mừng vui khám phá?
Cái cơ sở tồi tàn đổ nát, những tham nhũng, những bất công
Mười sáu năm học ra trường chạy chọt đủ đường mà không ai cho đi dạy học
Hơn tám mươi cô giáo ở Yên Bái bị đuổi ra biên chế vì lỗi của một vài ông to
Người dân mất đất lên Hà Nội kêu oan bị công an phường đến đuổi
Đâu đó ở Tiên Lãng Hải Phòng có một trận đánh đẹp,
Giữa quân-và-dân
Thì đồng ý không phải đứa trẻ nào cũng biết những điều tôi vừa chỉ ra
Nhưng tôi biết – và tôi đã từng là một trong bọn chúng
Chú Quân này, ai cũng có những nỗi buồn thế hệ
Thế hệ chúng tôi là cái thế hệ chẳng-còn-gì
Cái nhục của quốc gia này, nếu mà đổ lỗi
Cũng đừng đến lượt lũ trẻ con.
Mà cũng đừng chuyện bé xé ra to
Cái làm tôi xấu hổ chẳng phải mấy thằng bé khóc ở sân bay
Mà là cái nền văn hoá bị lụi tàn mà người lớn hay các nhà chức trách cũng đâu buồn giữ
Mà là cụ Đức Hiền bao nhiêu tuổi rồi vẫn phải cặm cụi ngược xuôi đi bảo vệ người dân mất đất
Mà là những người chỉ thích trách cứ trẻ con.
Tôi chẳng viết bài thơ này để trách chú đâu
Cũng chẳng phân bua vì những cái mà thế hệ trước chúng tôi nhìn chúng tôi mà trách cứ
Nhưng tôi viết điều này để cho chú hiểu
Dạy trẻ con chẳng dễ lắm đâu
Và nếu chỉ đem cái tuổi đời ra để mà nói với nhau
Thì thông điệp của chú dù đúng dù sai, bọn trẻ con sẽ chẳng bao giờ hiểu.

NTL 29/11/2012.

16 commentaires:

  1. Hề hề, lầm lạc, nhìn không ra cái lõi bài toán thế sự,vẫn là: Đỗ Trung Quân và...chính tôi! Một cháu gọi bằng chú, sửa một cái:trặc lưng!Hậu sinh thật khả ố!

    RépondreSupprimer
  2. Đọc câu này của cậu bé cô bé Ly thuy Nguyen:
    "Chú có biết về tiến trình toàn cầu hoá
    Xâm lấn của thực dân ngày nay chẳng còn lộ liễu như tên bay đạn nổ
    (Đấy là tôi giả vờ không nói đến những cuộc chiến ở Trung Đông
    Không muốn vội giải thích về sự nhúng tay của Mỹ tại cuộc chiến ở Israel với Palestin"
    Thì biết là thi sĩ ĐTQ than và mắng đúng. Bọn trẻ bi giờ bị tuyên truyền nhà nước nhồi sọ sạch trơn, không khóc sao Hàn quốc thì cũng chửi đế quốc đong đỏng trong khi ngửa tay ăn mày của bố thí của nó.
    Người Cựu Kháng Chiến.

    RépondreSupprimer
  3. Thanh niên thế hệ sau giỏi, quả là Hậu Sinh Khả Uý , người lớn hỏng thì tre con hư điều đó đâu có gì là lạ, dây là kết quả của định hướng sau gần 1 thế kỷ, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đến ...biết rồi khổ lắm nói mãi

    RépondreSupprimer
  4. Tương lai của đất nước nầy rồi sẽ đi về đâu khi tuổi trẻ không còn niềm tin.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Đã trả lời ... hoài rồi. Trôi về Bắc Kinh bác ạ!

      Supprimer
  5. có một vấn để mà đảng phung phí, ra các nghị quyết và hô hào chống thâm nhung .có lẽ đến lúc phải tiết kiệm loại từ ngữ và nghị quyết nói lấy được chứ không làm .nếu không tiết kiệm sau này đảng không có từ để mà nói và viết nghị quyết đâu

    RépondreSupprimer
  6. Khi tôi 20 tuổi,nhà trường dạy các tệ nạn:trộm cắp, đĩ diếm, cờ bạc, nghiện hút V.V... đều là nạn nhân của xã hội thực dân phong kiến. Đọc thơ Tố hữu cứ tưởng cách mạng về, "nhân dân" nắm được chính quyền thì mọi thứ sẽ thay đổi "sẽ đưa em đến một vườn đầy hoa"...Ai ngờ 60 năm chính quyền về tay nhân dân rồi mà mội thứ vẫn thế nếu không muốn nói là thậm tệ hơn. Ôi cách mạng là thế này ư? lý tưởng của lớp trẻ bây giờ là thế này ư?

    RépondreSupprimer
  7. Cả hai bài thơ đều hay, mỗi bài có cái hay riêng của nó.
    Hai Tác giả đều một lòng vì tương lai của Tổ Quốc, chỉ khác nhau là một người trách tuổi trẻ và một người giải thích tại sao tuổi trẻ VN bây giờ lại như thế.
    Cũng đúng như lời của NTL đã viết, và tôi cũng không tin rằng NTL là một người trẻ của tuổi đôi mươi. Hãy dùng chữ mà bây giờ ta hay dùng là " Lỗi hệ thống " và cũng có thể đây là mục đích của cái hệ thống này là lái tuổi trẻ VN qua 1 con đường khác để đễ dàng cai trị.
    Cứ xem mỗi năm có bao nhiêu Lễ Hội được tổ chức từ Thành phố lớn cho đến Làng Xã? Báo chí lề đảng ngoài những tin xe cán chó, chó cắn xe, cướp của giết người thì tiêu đề được nhắc nhiều nhất là Hoa Hậu, chân dài, băng sex...Mục đích để làm gì? Có phải để lái tuổi trẻ VN qua con đường của hưởng thụ, của mode thời thượng, của đua đòi, của vui chơi...Thà rằng để Xã hội đầy rẫy trộm cướp, băng đảng, tệ nạn còn hơn là để đám tuổi trẻ ấy ngồi không lại suy nghĩ đến Nhân Quyền, đến Dân Chủ, đến bất công, đến Chủ Quyền Đất Nước...rồi lại sinh loạn.
    NTL nêu lên rất rõ đấy chứ, đấy là Mục đích rõ ràng của cái Nhà Nước này.

    RépondreSupprimer
  8. Đây là nổi lo sợ của tôi hằng ngày khi nhìn con tôi vô tư chơi game (18 tuổi)tôi trách nó ,nó hỏi lại "bây giờ ba muốn con đi đâu)muốn con ngồi chơi ở nhà hay ra tiệm net ,bao nhiêu tệ nạn phim sex ,đâm chém .cướp giết ngay tiệm game ,ba có thấy không ?còn 2 đứa con gái khi nghe nói về chính trị ,về tàu công ,chúng trả lời "thôi ba cứ kệ nó đi"để ý làm gì ? không rỏ còn bao nhiêu thanh thiếu nử có tư tưởng như con tôi ,ai củng nói VN không tự do ba xem đi có thiếu gì đâu ,phòng trà ,ca nhạc hàng đem .góc phố nào củng có người nhậu ,karaoke thâu đêm .nhà nghỉ mọc lên như nấm ,còn xe khủng ,xế khủng đầy ,ở đó cứ lo chuyện biển đảo ,tôi vẩn còn hy vọng rằng còn nhiều thanh niên khác không nghỉ như con tôi ,không sướt mướt khi thấy sao hàn ,không lẩm bẩm rap suốt ngày mà chẳng hiểu nghỉa là gì /không có ai nói chuyện về tình hình đất nước cho chúng cả ngay đến trường học ,trên radio hằng ngày họ cho số điện thoaiđể giao lưu kết bạn ,sở thích của họ cùng gout thích xem phim .nghe ca nhac,đi du lịch ,shoping(ai dịnh hướng cho con cháu chúng ta như thế nhỉ )không ai thích lám việc nói chi cầm súng /cái tự do mà nhà nước mang lại đả làm lủ trẻ thành hoang tưởng ,tôi e ......không dám nghỉ đến nửa /1 dân tộc Tây tạng đang giẩy chết từng ngày ,đang sẳn sàng tự thiêu hết người nầy đến người khác để tìm tự do cho dân tộc,chả lẻ VN tôi muốn giới trẻ đi vào con đường của nhân dân Tây tạng

    RépondreSupprimer
  9. Mặc dù sinh ra ở thời hậu chiến không được tham gia vào các kháng chiến hào hùng được , cũng không được tường tận chứng kiến những cảnh nước mắt rơi , máu đổ của nhân dân của các anh hùng đã nằm xuống để xây dựng lên đất nước Việt Nam .
    Nhưng qua lịch sử qua sách báo qua truyền hình tôi cũng hiểu như thế nào là những giọt nước mắt cho nhân dân cho đồng bào nó quí như thế nào .


    - Ngày xưa thế hệ các chú các anh khóc khi thấy một đồng đội nằm xuống trong tay một đồng bào , khóc khi thấy một đứa trẻ bị bom rơi trúng , khóc khi thấy dân ta đồng bào ta khổ cực quá lầm than quá ......
    Và chính những giọt nước mắt đó của các chú các anh đã làm nên lịch sử đã làm nên những chiến thắng vẻ vang cho dân tộc cho đất nước Việt Nam .


    + Còn ngày nay ! Khi tôi nhìn thấy cảnh một nhóm người khóc khi thấy một thần tượng , một người chỉ ở trong truyền hình , trong sách báo nay hiện ra trước mắt . Thì tôi cũng rơi lệ , cũng khóc ..... Nhưng tôi khóc thương cho họ , khóc thương cho một thế hệ .....
    Là bạn bạn giành nước mắt cho ai ?


    - Ngày xưa thế hệ các chú các anh chia sẻ nhau từng miếng khoai miếng sắn cho qua ngày ..... để làm nên cuộc kháng chiến thần thánh .

    + Còn ngày nay ! Khi một người gặp nạn thì những người xung quanh họ làm gì ? Không giúp đỡ nhưng lại có thể nhảy vào hôi của bất kì lúc nào . Không vào cứu người nhưng họ lại đứng quay lại hình ảnh đó để tối về lên mạng chém gió .
    Giả sử nếu đó là cha mẹ họ , là bạn bè họ thì họ sẽ nghĩ ntn ?
    Còn bạn nếu bạn gặp trường hợp đó bạn sẽ làm ntn ?


    - Ngày xưa thế hệ các chú các anh cầm súng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ tổ quốc xây dựng lên Việt Nam trước kẻ thù hùng mạnh .


    + Còn ngày nay ! Thế hệ trẻ lại tôn vinh , tôn thờ những nhóm nhạc mà chỉ có ở trong phim ảnh , nhìn thấy mặt thần tượng thì lại khóc .... Liệu khi đó họ có nhớ tới lời dạy bảo của Bác Hồ khi thăm các chiến sĩ ở Đền Hùng không ?



    - Ngày xưa người lớn mắng mỏ hay cho dù có đánh đập chúng tôi thì chúng tôi cũng không hề tỏ ra yếu đuối phải rơi lệ phải khóc bởi chúng tôi biết rằng họ mắng chúng tôi họ đánh chúng tôi là bởi họ muốn điều tốt cho chúng tôi .

    + Còn ngày nay ! Thế hệ trẻ chỉ mới bị phê bình bằng thơ thôi .... mà đã lên tiếng phản pháo lại , đã bật lại người lớn .


    Thật hổ thẹn xiết bao . Thật đáng thương xiết bao .
    Liệu non sông Đất Nước Việt Nam mai sau rồi sẽ đi đâu và về đâu .
    Nước mắt tuôn rơi vì những điều trái ngang .


    ______()______
    A di đà phật !




    Sáng mát trong như sáng năm xưa
    Gió thổi mùa thu hương cốm mới
    Tôi nhớ những ngày thu đã xa
    Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
    Những phố dài xao xác heo may
    Người ra đi đầu không ngoảnh lại
    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

    Mùa thu nay khác rồi
    Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
    Gió thổi rừng tre phấp phới
    Trời thu thay áo mới
    Trong biếc nói cười thiết tha.

    Trời xanh đây là của chúng ta
    Núi rừng đây là của chúng ta
    Những cánh đồng thơm mát
    Những ngả đường bát ngát
    Những dòng sông đỏ nặng phù sa
    Nước chúng ta
    Nước những người chưa bao giờ khuất
    Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
    Những buổi ngày xưa vọng nói về

    Ôi những cánh đồng quê chảy máu
    Dây thép gai đâm nát trời chiều
    Những đêm dài hành quân nung nấu
    Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

    Từ những năm đau thương chiến đấu
    Ðã ngời lên nét mặt quê hương
    Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
    Ðã bật lên những tiếng căm hờn

    Bát cơm chan đầy nước mắt
    Bay còn giằng khỏi miệng ta
    Thằng giặc Tây thằng chúa đất
    Ðứa đè cổ đứa lột da

    Xiềng xích chúng bay không khoá được
    Trời đầy chim và đất đầy hoa
    Súng đạn chúng bay không bắn được
    Lòng dân ta yêu nước, thương nhà.

    Khói nhà máy cuộn trong sương núi
    Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
    Ôm đất nước những người áo vải
    Ðã đứng lên thành những anh hùng.

    Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
    Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
    Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
    Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

    Súng nổ rung trời giận dữ
    Người lên như nước vỡ bờ
    Nước Việt Nam từ máu lửa
    Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

    RépondreSupprimer
  10. Hết Ngu Dân đại chúng đến Ru Ngủ tuổi trẻ như thế này thì
    tương lai dân tộc quả là đang suy kiệt cùng đường rồi !

    RépondreSupprimer
  11. TRần Đức Tiến2 décembre 2012 à 08:21

    Trách tuổi trẻ ư? Anh Quân đâu muốn thế. Tôi nghĩ điều anh muốn nói chính lá cái gì đã làm nên môt thệ hệ tuổi trẻ như vậy, phải không anh? Tôi cùng thế hệ với anh, nhỏ hơn anh 02 tuổi, xin chia xẻ cùng anh nổi niềm cay đắng ây!
    Và tôi cũng xin xẻ chia niềm tin yêu với tác giả lý THủy NGuyên, một ngươi trẻ tuổi của thế hệ hôm nay, khi em đã nói rất đúng, rất hay về những gì cần nói.

    RépondreSupprimer
  12. Tất cả đều bắt nguồn từ nguyên nhân của sự ngu dốt. Xã hội nào, chế độ nào chả có mặt trái, chả có sai lầm.. Nhật, Trung Quốc, Mĩ... nước nào chả phải trải qua những thời kì đó. Một chế độ mới, một nhà nước cách mạng mới tồn tại từ năm 1945 đến nay đi lên từ nghèo nàn, lạc hậu, dốt nát thì làm sao tránh được những sai lầm trong quản lý mà ngồi đấy trẻ trách già. Người ta đã có công giành độc lập cho mình sống,không phải nhục nhã, nô lệ thì mình cũng phải biết học, biết đọc, biết nâng mình lên, phát hiện những cái tiêu cực thì phải biết đấu tranh chứ. Ngồi đấy mà viết thơ phản hồi, thấy người ta động đến mình mà nhảy bổ lên, người trẻ như thế thì bao giờ tiến bộ được, vớ vẩn

    RépondreSupprimer
  13. Tiến trình Toàn cầu hóa à? Thế đã xem những vấn đề toàn cầu chưa? Môi trường, bệnh tật, phân hóa giàu nghèo, thiên tai địch họa...Đài, báo à? Thế đã xem những bài về người già, trẻ em chết đói chưa? Có nhìn những đứa trẻ ở Châu Phi, Trung Đông lăm lăm khẩu súng, đồ chơi duy nhất là đạn chưa? Có nhìn thấy ảnh nước ta trước năm 45 không, đầu gối dài quá tai, chụp ảnh toàn mặt với gông cùm chưa. Mẹ nhà nó, chỉ biết trách móc, than thở thì ai chả nói được. Được sống trong hòa bình, tự do, có mạng, có báo đài để đọc thì phải biết sử dụng chứ. Toàn xem sex, chơi game, chửi mắng nhau còn trách gì ai? Thấy người lớn sai lầm, thì phải học hỏi, vươn lên để thay đổi chứ, ngồi đấy mà chống chế,đổ lỗi. Tôi cũng là 8x, chưa làm được gì, còn lười biếng, tôi đã thấy hèn lắm rồi nhưng ngồi trách móc, tôi còn thấy hèn hơn.

    RépondreSupprimer
  14. có cần thiết phải tranh cải nhiều vậy không?hay ai củng hiểu chỉ một người không hiểu.đất nước đã suy tàn tới mức nào rồi mà cứ cãi nhau

    RépondreSupprimer
  15. Cả hai bài thơ dều hay và đều thấm thía .Chúng ta thấy ờ đây nỗi đau đớn khôn nguôi của nhiều thế hệ ,Nhưng đau đớn nhất cò lẽ là nỗi đau của thế hệ tiền khởi nghĩa trước năm 1945 .
    Nhưng anh Quân và cháu Ly Thuy Nguyen ạ,mỗi thế hệ mà chúng ta đang chứng kiến đều có phần lỗi của mình .Điều đáng mừng chúng ta đều đau đớn về những lầm lỗi đó .Có lẽ vận nước chưa lúc nào đi xuống như lúc này .Không thể gậm nhấm nỗi đau để sống mòn .Sự đổi thay xã hội bắt đầu bằng sự đổi thay của mỗi cá nhân chúng ta .Sự đổi thay xã hội bắt đẩu bằng sự cảm thông giữa các thế hệ với nhau,bằng sự trân trọng giữa các thế hệ với nhau,bằng sự tự đánh giá đúng lỗi lầm của mỗi thế hệ . Để từ đó tất cả các thế hệ đang sống xích lại gần nhau,liên kết với nhau đủ dũng khí chịu đau đớn đến tận cùng để cắt đứt những cơn đau triền miên của nhiều thế hệ .

    RépondreSupprimer