05/01/2013

ĐÃ ĐẾN LÚC BÃI BỎ NGHỊ ĐỊNH 38


                          
    Nguyễn Đình Ấm

   Những năm gần đây ngày càng nhiều các vụ chính quyền giải tán, trấn áp những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, các vụ khiếu kiện tập thể do dân bị oan sai…gây căng thẳng cho xã hội.  Những vụ trấn áp, giải tán thô bạo những người cùng nhận thức, chí hướng muốn thỉnh cầu một cách hòa bình tới nhà cầm quyền vấn đề gì đó gây mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa người dân với nhả cầm quyền. Khi mối quan hệ này bị rạn nứt, phá vỡ thì sức mạnh VN đứng trước nguy cơ tan rã-Mối họa lớn nhất của một dân tộc.

   Để dẹp hành vi biểu lộ ý nguyện tập thể của dân chúng một cách ôn hòa không vi phạm pháp luật, chính quyền luôn dựa vào nghị định 38 ngày 18/3/2005 với nội dung cấm tập trung đông người do ông thủ tướng lúc đó là Phan Văn Khải ký.
    Thời ấy, nghị định 38 ra đời trong hoàn cảnh : Các dự án của nhà nước, tư nhân ồ ạt thu hồi đất của dân ở khắp nơi, tiêu cực, tham nhũng nảy nở, kiện cáo của người dân về mọi lĩnh vực không được giải quyết…làm nhiều người cùng cảnh ngộ oan sai cho rằng quan trung ương tốt hơn quan địa phương (vì được VTV, báo “lề phải” PR nhiều hơn) nên khăn gói đi Hà Nội, TP HCM thỉnh cầu. Họ cùng gặp nhau ở một địa điểm, nhiều trường hợp dân một địa hạt rủ nhau cùng đi kiện để nương tựa lẫn nhau cũng thành ra “ tập trung đông người” vi phạm nghị định 38.
   Đáng lẽ phải tìm ra gốc rễ của “phong trào” kiện cáo tập thể để giải quyết không loại trừ thay đổi luật pháp, thể chế…để phụng sự người dân, hạn chế hoặc thủ tiêu các cuộc khiếu nại tập thể thì nhà nước với lực lượng vũ trang trong tay thực hiện phương pháp nhanh gọn nhất là cấm các cuộc “tập trung đông người” bằng vũ lực. Hồi đó nghe nói kịch bản này do bộ công an soạn thảo theo cách dễ dàng nhất cho họ trong việc dẹp các cuộc khiếu kiện tập thể làm “ngứa mắt” nhà cầm quyền, lo xa lung lay chế độ. Tiếp theo nghị định 38, ngày 14/11/2006 chính phủ ra tiếp nghị định số 136 có điều cấm khiếu nại tập thể(nhiều người ký một đơn) do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. “Triển khai” các nghị định trên, thanh tra CP ra thông tư 04/2010 không nhận các đơn thư có đông người đứng tên- phủ nhận thực tế trong xã hội tồn tại nhiều công dân có chung một mục đích trong khi chính phủ lại hô hào “đơn giản hóa thủ tục hành chính”... Từ đó, người ta luôn lấy lý do “ổn định chính tri, xã hội” để áp dụng nghị định 38, 136, thông tư của TTCP một cách tùy tiện, xâm phạm quyền tối thiểu của công dân như tuyên bố mới đây của các nhân sĩ TP Hồ Chí Minh. Đã đành, ai mà chẳng muốn xã hội luôn ổn định để làm ăn, học hành, vui chơi, hưởng thụ, đặc biệt VN vừa trải qua 30 năm chiến tranh vô cùng khốc liệt (Kể cả người viết bài cũng 6 năm ở chiến trường A,B,C,K)…Thế nhưng, sự ổn định ấy chỉ có giá trị khi bảo toàn được giang sơn tổ tiên ngàn đời để lại, dân phải được làm chủ đất nước, tự do, ấm no, hạnh phúc…Ngược lại, nếu đất nước im lìm để cương thổ quốc gia cứ dần bị xâm chiếm, dân tộc bị uy hiếp, sỉ nhục, quốc nạn tham nhũng “nhìn đâu cũng thấy, sờ đau cũng có”, nền kinh tế khánh kiệt, dân chúng khốn đốn, bị mất quyền cơ bản...thì là sự “ổn định” đưa dân tộc đến nô lệ, diệt vong, không cái giá nào có thể đánh đổi.
   Ổn định thì ai cũng muốn nhưng sự đời không đơn giản như ý chí chủ quan của con người. Trong việc “trị dân” của nhà cầm quyền thì vũ lực bao giờ cũng chỉ “chiến thắng” tạm thời, càng thô bạo, bắt bớ càng nhiều thì các cuộc khiếu kiện càng đông hơn, dày đặc hơn, các cuộc biểu tình chống ngoại xâm vẫn nổ ra, những mâu thuẫn xã hội càng âm ỉ, căng thẳng hơn, hàng năm nhà nước tuyển dụng bao nhiêu an ninh, cảnh sát, dân phòng, xây bao nhiêu trại giam…cũng vẫn thiếu. Đến nay ý đồ chính của nghị định 38 nghị định 136 đã vô hiệu trên thực tế. Đấy là chưa nói, các nghị định này vi phạm hiến pháp năm 1992. Điều 69 hiến pháp quy định: “ Công dân có quyền biểu tình theo quy định của pháp luật”. Người ta đã lợi dụng đoạn văn “theo quy định của pháp luật” trong khi chưa có luật để cấm biểu tình là hoàn toàn sai. Hiến pháp là luật gốc đã cho dân biểu tình còn có pháp luật hay không là do lãnh đạo, nhà nước, quốc hội...Hiến pháp cho rồi nhưng chưa có luật là trách nhiệm của quốc hội, nhà cầm quyển chứ hông phải dân. Dân không được quyền tự làm luật cho mình. Vì vậy khi chưa có luật thì dân nghiễm nhiên có quyền hoạt động theo hiến pháp đã được quốc hội thông qua. Trong mối quan hệ dân với chính phủ, nguyên chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã nói đúng: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ. Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”. Như vậy, khi xã hội bất ổn thì phía phải thay đổi là nhà cầm quyền, luật pháp,chính sách…chứ không phải dân. Nhà nước có chút dân chủ  nào cũng như thế, ngược lại là nhà nước độc tài toàn trị, phong kiến, phát xít.
   Điều thất sách trong thời kỳ này là cấm tập trung đông người khi nhu cầu biểu tình cấp bách do giang sơn VN đã, đang bị xâm lược, đe dọa xâm lược…Khi quốc gia, dân tộc lâm nguy nhà cầm quyền có bổn phận thực thi ý nguyện của toàn dân, tập hợp mọi nguồn lực để bảo vệ tổ quốc, dân có quyền, nghĩa vụ đóng góp tiền của, sinh mạnh và biểu hiện thái độ phản đối giặc, ủng hộ nhà cầm quyền của mình  đó là biểu tình. Vừa qua, tướng Nguyễn Chí Vịnh nói “cần ổn định để bảo vệ tổ quốc” là lý luận kiểu “nhập nhèm” đánh tráo khái niệm lừa dân. Biểu tình chống xâm lược là dân biểu thị ủng hộ nhà cầm quyền cùng chống xâm lược sao lại là thất sách? Chỉ khi dân nổi loạn không theo chính quyền bảo vệ tổ quốc (không bao giờ có), hàng ngũ lãnh đạo mất đoàn kết, tranh ăn khuynh loát lẫn nhau thì mới là “mất ổn định”. Trong lịch sử bảo vệ tổ quốc từ cổ chí kim chưa thấy nhà cầm quyền nước nào bảo vệ đất nước bằng “chiến lược” bưng bít thông tin hành vi xâm lược của kẻ thù, quân đội đi tuyên truyền “hòa bình là thượng sách” lấy cái sổ hưu để dọa dân quan tâm đến vận mệnh đất nước, cấm đoán dân ủng hộ mình, phản đối giặc ngoại xâm, tự mình “độc quyền” lo toan bảo vệ tổ quốc (“đã có đảng, nhà nước lo”) mà thành công. Phải chăng 80 triệu dân là cỗ máy: Không cần cho dân biết kẻ thù đã, đang và tiếp tục xâm lược, quấy nhiễu nước ta, không nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, căm thù giặc…đến khi chúng phong tỏa biển Đông, nổ súng đánh chiếm hết lãnh thổ, biển, đảo…thì lúc ấy nhà cầm quyền mới “bấm nút” cỗ máy han gỉ là nó chiến đấu dũng cảm ngay được sao? Hãy xem trong các cuộc chống ngoại xâm của dân tộc VN từ thời Tần, Hán đến Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc nhà cầm quyền đã tuyên truyền tội ác của kẻ xâm lược, khích lệ nhân dân lòng yêu nước bằng các bài hịch, hội nghị Diên Hồng, xã luận, (cuốn sách trắng: “Sự thật quan hệ Việt Trung 30 năm qua”…là một ví dụ) hàng nghìn bản nhạc động viên lòng yêu nước, thanh niên ra trận, phụ nữ đảm đang, các cuộc tuần hành, biểu tình, khẩu hiệu…chống ngoại xâm ủng hộ chính quyền ra sao. Chỉ  duy nhất có thời ngắn ngủi vua Lê Chiêu Thống cùng lũ nịnh thần Lê Quýnh là mọp lạy về phương bắc ca ngợi kẻ xâm lược nhà Thanh là “thiên triều quang minh chính đại”(cùng ý thức hệ phong kiến với nhau?).
   Chưa thấy có giặc ngoại xâm nào từ bỏ xâm lược một nước khi thấy  dân sở tại không có biểu hiện gì phản đối  mình mà thương hại, tha bổng cho cái nước khốn khổ kia. Xin khẳng định: Không một người dân yêu nước có trách nhiệm nào lại có thể yên tâm để một mình “đảng, nhà nước lo” bảo vệ tổ quốc theo cách như thế. Người viết bài này xin công khai cúi mọp “cắn cỏ” tạ tội với các lãnh đạo đảng, nhà nước, quân đội, công an rồi treo cổ chết ở chợ Đồng Xuân nếu tới đây TQ chấm dứt xâm phạm đất đai, biển đảo của VN đồng thời trả những phần đất họ đã chiếm ở biên giới phía bắc, ải Nam Quan, nửa thác Bản Giốc, quần đảo Hoàng Sa, 9 đảo Trường Sa cho ta theo cách bảo vệ tổ quốc như trên.
   Nghị đinh 38 vừa vi phạm hiến pháp vừa lạc hậu với thời cuộc, thế giới văn minh, đi ngược lại quan niệm đúng đắn của nguyên chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng làm khổ chính quyền địa phương, nhiều CBCS công an. Họ phải làm cái việc phản động (chống dân lành biểu lộ ý chí yêu nước một  cách hòa bình), sai pháp luật, trái đạo lý mà mình không muốn. Chính vì thực hiện cái nghị định này theo lệnh cấp trên mà các nhân viên an ninh, cảnh sát, dân phòng…vô cớ ngăn chặn thô nạo người ra khỏi nhà, giằng co, vật lộn, đánh đập, chửi tục, đạp vào mặt người biểu tình…trước ống kính máy ảnh, máy quay được phát đi khắp thế giới. Đặc biệt, các cháu thanh niên, sinh viên trong trắng cũng bị huy động vào việc ngăn cản, “phá thối” anh, chị, cha, chú, ông bà…biểu tình yêu nước.  Những bộ mặt hung hãn, khả ố, hành vi thô bạo của những người “làm nhiệm vụ” nói trên không bao giờ xóa được, mãi mãi là nỗi ô nhục cho gia đình, họ hàng, con cháu, bạn bè, người thân. Cũng vì làm theo nghị định vi hiến, vô đạo mà lãnh đạo TP Hà Nội ra thông báo cấm tập trung đông người nhưng không  ai dám ký phải đóng dấu treo, phát thanh viên VTV thông báo trên TV về việc này thì lời run, bộ “mặt tiền” thiếu tự tin, các tác  giả viết về chống “tụ tập” trên báo đảng thì phải dấu tên…Họ biết việc làm của mình là bất chính, để lại tai tiếng, mắc tội phản dân, hại nước nhưng phải làm vì nhiệm vụ và dễ lên chức, lên lương...Hôm 9/12/2012 nhân viên AN trại Lộc Hà dành cả nửa ngày trời dùng mọi kiến thức, kinh nghiệm nghiệp vụ để quy cho nhà báo Đoan Trang mỗi hai chữ “vi phạm” trong biên bản để “hoàn thành nhiệm vụ”  tính vào thành tích cuối năm mà không xong. Họ có tài thánh cũng không đối đáp sòng phẳng được với dân, chỉ tổ làm xấu hơn nữa hình ảnh ngành công an...
    Vì vậy nghị định 38, 136 đến nay đã vô hiệu trên thực tế, không còn lý do tồn tại, cần công khai bãi bỏ.
              NĐA (Bài của tác giả gởi đến blog nầy)

6 commentaires:

  1. Tôi ủng hộ nội dung bài viết này

    RépondreSupprimer
  2. Giặc đến nhà, người dân trong nước không chống giặc, người dân cả nước tất phải mất nước!
    Giặc đến nhà, người có trách nhiệm không có kế sách, không dám chống giặc mất nước càng không thể tránh khỏi!
    Giặc vây quanh nhà, giặc vào đầy nhà, nhà nước không chống giặc, người dân chống giặc bị đàn áp, người yêu nước bị hãm hại, tù đày, hành hạ…bảo sao không mất nước?
    Như thế tất bị mất nước thôi!
    http://diendancongnhan.blogspot.com/2012/12/nhu-tat-bi-mat-nuoc-thoi.html?showComment=1357325012576#c4693141034977191297

    RépondreSupprimer
  3. Nghị định 38 ra đời trong hoàng cảnh tệ quan liêu của các quan trung ương: dân đã không thể tin tưởng được chính quyền địa phương vì đã không giải quyết thoả đáng cho họ, nếu như giải quyết thoả đáng nguyện vọng cho họ thì đâu có chuyện khiếu nại đông người-mà cái gì thường đông người là họ đã có lý trên 50% rồi.
    Mà cái nghị định này thì đã trái với hiến pháp rồi. Biết rồi khổ lắm nói mãi.

    RépondreSupprimer
  4. Tôi đồng ý với việc kêu gọi chính phủ bãi bỏ nghị định 38!

    RépondreSupprimer
  5. Cái gốc là luật biểu tình5 janvier 2013 à 16:12

    Theo tôi nghĩ thì nhân dân hãy góp ý cho bản sửa đổi HP để Quốc hội phải soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân và ban hành luật biểu tình trong một thời gian nhất định càng sớm càng tốt, chứ không thể cứ qui định trong HP, nhưng mà không ban hành luật mãi với lý do tù mù chỉ do sợ sệt vô lý, hay gọi là sợ bóng sợ gió của một bộ phận cầm quyền mà thôi.

    Chính việc không ban hành và thông qua luật biểu tình mà hai bên là người biểu tình hòa bình và chính phủ rất khó khăn và lúng túng trong việc xử lý trong thực tế. Nhiều khi gây ra mất uy tín của đảng và nhà nước, chính phủ một cách không đáng có; dân chúng mất niềm tin và có thể bị nhiều người lợi dụng xuyên tạc vì cá nhân họ.

    Ban hành luật biểu tình phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân dân và thông lệ quốc tế mới là cách giải quyết tận gốc vấn đề biểu tình và đàn áp biểu tình.

    Khi có luật thì cứ thế mà thi hành thôi. Chẳng hạn luật qui định đăng ký với nhà chức trách về mục đích của biểu tình, nội dung, địa điểm, biểu ngữ, đường đi qua của đoàn, số người ước tính, thời gian cấp phép, trách nhiệm bảo vệ đoàn, xử lý những người quá khích, vi phạm luật vv...

    Nhưng dù có ban hành luật biểu tình thì một điều phải có đó là nghiêm cấm biểu tình bạo động và phá phách. Nếu xảy ra nhà nước sẽ xử thật nghiêm khắc.

    Làm như thế sẽ rất dân chủ, rất dễ cho cả bên muốn tổ chức biểu tình và nhà chức trách.

    Hơn nữa biểu tình còn mang tính cảnh báo cho nhà cầm quyền biết việc này việc nọ nên hay không nên làm để giúp các cơ quan này xem lại chính sách sao cho phù hợp với thực tế.

    Biểu tình , theo tôi, mang ý nghĩa tốt nhiều hơn là xấu. Chẳng qua xã hội chúng ta có vẻ "dị ứng" và "lo sợ" hoạt động này hay sao ấy.

    Không có gì đáng sợ và là việc rất bình thường. Nhân dân VN rất tốt. Đừng sợ dân khi mình làm tốt và vì dân thật.

    RépondreSupprimer
  6. Lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp và các luật ư? Dân chủ gớm nhẩy? Được như vậy, VN đã là Myanmar rồi. Chỉ sợ đây là hình thức... dân chủ tập trung thôi, các bạn ạ!

    RépondreSupprimer